Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Tổ quốc nơi đầu sóng


Vượt nghìn trùng sóng nước, chúng tôi đến đảo Đá Lát, một đảo chìm nằm phía Tây đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Nơi đảo xa, bên cạnh nỗ lực vượt khó bám biển khẳng định chủ quyền lãnh hải của người lính hải quân, chúng tôi còn đặc biệt ấn tượng trước loài ốc biển khổng lồ có tên gọi “ngao biển”.
Xuất phát tại đảo Trường Sa Lớn, sau đêm trường chẻ sóng vượt gió, tàu Trường Sa 22 của Hải quân vùng 4 cập khu vực đảo Đá Lát. Từ đây chúng tôi phải xuống tàu, lên xuồng chuyên dụng tiếp tục cuộc hành trình gần 3 hải lý để đến khu trung tâm thềm san hô Đá Lát, nơi có những người lính Trường Sa kiêu hùng vững chắc tay súng vượt qua mọi phong ba bão tố, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ, gìn giữ sự toàn vẹn của lãnh thổ.


Đảo Đá Lát nhìn từ khoảng cách hơn 200m.

2h chiều, đảo chìm Đá Lát đón khách trong sóng gió rào rạt. Xuồng đặc dụng vừa cập đảo, sau những cái siết tay thật chặt từ hơi ấm đất liền, Thiếu tá Trương Văn Núi, Đảo trưởng đón khách bằng bật mí sẽ chiêu đãi khách quý đặc sản “ốc khổng lồ” xào măng. Nhiều phóng viên tò mò hỏi: “Ốc khổng lồ cỡ nào?”, anh cười mà rằng: “Sau những ngày dông gió, khi trời êm biển lặng, lính đảo ra biển săn tôm cá để cải thiện bữa ăn và gặp những con ốc khổng lồ... 2 người khiêng về không nổi”.
Theo tâm tình của Đảo trưởng Trương Văn Núi, nhờ có thềm san hô nguyên sinh trải rộng nên nguồn lợi thủy sản, nhất là những loài có giá trị như bào ngư, hải sâm, cá da báo, cá ngừ đại dương, đặc biệt là ốc biển khổng lồ... ở khu vực đảo Đá Lát nhiều vô kể. “Lính đảo gọi ốc khổng lồ là con ngao biển” - Đảo trưởng Trương Văn Núi trò chuyện.
Thiếu úy Nguyễn Hữu Có, 23 tuổi, quê ở tỉnh Nam Định, công tác được 1 năm tại đảo Đá Lát góp chuyện “ngao biển khổng lồ” bằng kỷ niệm về chuyến đi biển săn để cải thiện bữa ăn tình cờ gặp ngao biển khổng lồ. Anh cho biết con ngao biển mà mình lần đầu giáp mặt ấy có chu vi hơn cái mâm ăn cơm, nặng ước chừng trên 50kg chứ không ít: “Không thể mang về được, tôi dùng dao khoét miệng moi lấy thịt. Nom to bự là vậy nhưng phần thịt của nó chỉ hơn 1 ký lô. Sau bận đó, mỗi khi đi săn cá cách đảo hơn 1 hải lý (tương đương 1,8km) là tôi và đồng đội gặp la liệt ngao biển, con nào con nấy bự tổ chảng”.
Cuộc trò chuyện gián đoạn khi mép biển xáo động trước hình ảnh Nguyễn Đức Mạnh, phóng viên Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh cùng Nguyễn Đức Hậu (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận) khi dầm chân giữa làn nước xanh ngắt đã phát hiện một con ngao biển nặng gần chục ký lô đang mở miệng, để lộ phần thịt đủ sắc màu. Cả 2 vui mừng, phấn khích hò reo và khệ nệ khiêng con sò biển to bự ngoài tầm hiểu biết của mình vào trong cho mọi người chiêm ngưỡng. Trước cảnh ấy, Thiếu úy Phạm Quang Trung, người tỉnh Ninh Bình, bật mí con ngao biển “đại cồ” ấy do các anh lính đảo gom về mấy tuần trước, để ven bờ đặng chờ khi có đoàn ở đất liền ra thì “mần” thịt đãi khách.


Ốc ngao khổng lồ là món cải thiện bữa cơm thường xuyên của người lính nơi đảo xa.

Trò chuyện với những người lính đảo, chúng tôi ghi nhận rất nhiều điều thú vị về loài ốc khổng lồ tại hải đảo được mệnh danh là “vương quốc ốc khổng lồ”. Chỉ huy đảo cho biết do điều kiện xa xôi cách trở, có khi hàng tháng trời mới có tàu tiếp tế nên bữa cơm của lính đảo gắn liền thường trực với thịt hộp, các loài cá biển... Để cải thiện và tạo hương vị mới lạ cho bữa ăn, lính biển tổ chức săn ốc khổng lồ đặng đổi món. “Thời tiết ở đây khắc nghiệt lắm, mùa mưa bão kéo dài liên tục 5-6 tháng liền. Những lúc mưa to gió lớn, sóng dâng cuồn cuộn không thể ra biển đánh bắt cá được, vậy là chúng tôi ra mép sóng đưa ốc khổng lồ đã bắt từ trước lên chế biến”.
Đảo trưởng Trương Văn Núi còn bật mí rằng loài ngao biển khổng lồ có đặc tính rất dễ thương là không di chuyển, đặt đâu thì giữ nguyên vị trí đấy, nên mỗi khi cận mùa mưa to gió lớn, lính đảo tăng cường đưa ngao biển về thả khu vực mép biển quanh nhà nổi để khi cần là có. “Nhưng chỉ có thể đưa về những con nặng dưới 10 ký lô trở lại, còn nặng hơn thì chúng tôi để dành, khi nào có khách ghé thăm thì... chiêu đãi”.
Đến “vương quốc” ốc khổng lồ, kể chuyện về loài ngao biển, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp rằng vùng biển Đông của Tổ quốc giàu tài nguyên có giá trị, xứng đáng với câu nói của cha ông “rừng vàng biển bạc”. Vốn quý ấy hơn lúc nào hết không chỉ là niềm tự hào mà rất cần được mỗi người chúng ta biết trân quý, nỗ lực gìn giữ, bảo vệ


Thanh Dũng - CAND

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang