Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Việt Nam cuộc chiến 10 ngàn ngày.

Kẻ thắng, người thua sau xung đột ở Gaza?

Khi cuộc ngừng bắn giữa Israel và Dải Gaza có hiệu lực, một câu hỏi được đặt ra là cuộc xung đột kéo dài một tuần, làm cho 5 người Israel và 140 người Palestine thiệt mạng, thực tế nói nên điều gì?
Có lẽ còn quá sớm để có câu trả lời chắc chắn, nhưng một số dấu hiệu ban đầu đã xuất hiện liên quan đến vấn đề cuộc xung đột đã giúp ai, làm tổn thương ai và nó làm thay đổi cái gì.

Những người mất mát nhiều nhất ở đây rất có thể là, như thường lệ, những dân thường trên dải Gaza và những người sống ở phía nam Israel nơi bị Hamas nã rocket. 

Tại khu vực này, nơi mà chủ nghĩa lạc quan ít khi ngự trị và vì cuộc chiến tranh giữa Israel và Palestine không diễn ra ở mức độ cao nên cuộc chiến hiện nay có lẽ chỉ đem lại một số lợi ích cho một số nước quan trọng nhất trong khu vực – gồm cả hai bên đối kháng chủ chốt. 

Dưới đây là tóm tắt việc các "nhân vật chính" bị tác động ra sao bởi cuộc xung đột.
Israel: Có thể nói Tel Aviv đã thắng trong việc làm suy yếu lực lượng Hamas. 

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak nói trong tuyên bố về cuộc ngưng bắn rằng: “Điều chúng tôi đặt ra cần phải làm đã được hoàn thành. Hamas đã bị tổn thất và các sỹ quan cao cấp của lực lượng này đã bị tiêu diệt”. 

Israel đã làm được điều đó mà không phải hứng chịu các cuộc tấn công mang tính thảm họa hay phát động một cuộc xâm lược giá đắt trên thực địa như hồi đầu năm 2009. Tuy những vấn đề cơ bản và lâu dài về việc lực lượng Hamas muốn bắn rocket vào lãnh thổ Israel vẫn còn hiện hữu.
Hamas: Lực lượng này đã thắng trong việc bảo đảm một hiệp định về giảm phức tạp tại các cửa khẩu. 

Hiệp định ngừng bắn cho thấy Israel, hiện duy trì hầu như hoàn toàn việc phong tỏa lãnh thổ Palestine, có thể sẽ giảm các hạn chế trên biên giới. Điều này chắc chắn sẽ là một tin vui đối với người dân sống trong dải Gaza, nơi tỷ lệ thất nghiệp lên đến 40% và 38% dân số sống dưới mức nghèo khổ. 

Sự ủng hộ Hamas trong cộng đồng người Palestine nghe nói đang bị giảm sút, vì vậy sự thỏa hiệp có ý nghĩa này có thể giúp vị thế của họ ở dải Gaza. Các cuộc thương lượng quan trọng của họ với các nhà lãnh đạo thế giới cũng không có hại gì.
Mỹ: Washington đã thắng trong việc tạo được thế đòn bẩy với Israel về những vấn đề khác. 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cảm ơn Tổng thống Obama trong tuyên bố về ngừng bắn và nhiều người Israel có thể sẽ bày tỏ lòng biết ơn đối với hệ thống phòng thủ Iron Dome được phát triển sự viện trợ tài chính của Mỹ. 

Tờ New York Times, nói rằng ông Obama “đang có lợi thế tốt hơn nhiều để bắt đầu gây sức ép đối với ông Netanyahu về các vấn đề khác, từ việc Israel bao vây dải Gaza đến vấn đề Iran và quá trình hòa bình ở Trung Đông đang bị bỏ quên.”
Ai Cập: Quốc gia này đã thắng vì đã nâng được vị thế ở Trung Đông, khẳng định mình với phương Tây, ở lẽ, Ai Cập là nước đỡ đầu chính thức cho hiệp định ngưng bắn và được tín nhiệm khi đưa được lực lượng Hamas đến bàn thương lượng. 

Một số nhà quan sát, đặc biệt là ở phương Tây, lo ngại rằng một nước Ai Cập hậu Mubarak, dân chủ và do những người theo đạo Hồi lãnh đạo có lẽ sẽ rũ bỏ vai trò trước đây của mình như là nước trng gian hòa giải giữa Israel và Palestine, thay vào đó họ sẽ đứng về phía Hamas. 

Tổng thống mới của Ai Cập là Mohamed Morsi cần phải tỏ ra là một nhân vật mới ở Trung Đông. Nhiệm vụ của ông là thay mặt Hamas tỏ ra tranh thủ được những người có cảm tình với những nước Trung Đông, và chủ trương ngừng bắn của ông sẽ làm an tâm các quan sát viên phương Tây rằng ông là một đối tác "vì hòa bình".
 Mahmoud Abbas và Fatah: Thất bại ít hơn so với Hamas. 

Trong khi đó ở phía Bờ Tây, chính đảng Fatah của người Palestine do Abbas đứng đầu đang đấu tranh giành dấu ấn chính trị giống nhứng gì Hamas giành được trong tuần này. 

Giám đốc phân xã BBC ở Trung Đông nhận định: “Chính trị của người Palestine là một trò chơi kẻ thắng người thua và lực lượng Hamas đã vượt ra khỏi tình hình này mạnh mẽ hơn Fatah. Vì vậy ông Abbas yếu thế hơn.”

Thổ Nhĩ Kỳ: Thất bại vì tự đứng ngoài lề một khu vực mà họ đã từng có nhiều ảnh hưởng. 

Dù không phải là một nước Arab, dân số theo đạo Hồi không nhiều nhưng từng thống trị hầu như toàn bộ thế giới Arab trong lịch sử, từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng một vai trò trong việc môi giới cho các cuộc xung đột ở Trung Đông. Tuy nhiên, lập trường kiên quyết chống Israel của chính phủ ngả về Hồi giáo trong những năm gần đây khiến Thổ Nhĩ Kỳ gây được ít ảnh hưởng ở khu vực. 

Micheal Koplow, một chuyên gia về chính trị của Thổ chứng kiến một loạt các thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ, nhận xét: “Giờ đây không những Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra bất lực khi có vấn đề liên quan đến Israel hay cần gây sức ép đối với chế độ Assad ở Syria, Ankara cũng mất luôn uy tín của một bên môi giới có giá trị ở khu vực”.
Triển vọng hòa bình lâu dài: Có lẽ cũng thất bại. 

Chiến tranh làm xao nhãng các nỗ lực của Israel và Palestine trong cố gắng thiết lập một hiệp định hòa bình lâu bền và củng cố thói quen lựa chọn các giải pháp quân sự ngắn hạn. 

Điều đó làm cho cả Israel và Hamas có thể tin rằng cuộc xung đột đã làm cho vị thế của họ tốt lên và không cần phải theo đuổi một sự thay đổi kịch tính nào đối với chiến lược hiện nay của mình. 

Dự đoán tương lai là điều không tưởng, đặc biệt là ở Trung Đông, nhưng nguyên trạng có lẽ là một cách đặt cược an toàn nhất cho khu vực này, và nguyên trạng ở đây có nghĩa là cả Israel và Palestine đều không thể nhích lại gần hơn đối với hòa bình.
Nguồn Baodatviet


Điện Biên phủ trên không: Không thiếu đạn, không 'nối tầng' SAM-2

Trong nhiều năm qua, nhiều người vẫn còn có sự lầm tưởng về việc Việt Nam thiếu đạn hay có "nhà khoa học nối tầng tên lửa SAM-2" để đánh B-52 trong 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội. 

Vậy thực hư chuyện này là như thế nào?

SAM-2 thừa sức với tới B-52
Máy bay ném bom chiến lược B-52 là thiết kế đồ sộ của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Chiếc máy bay có chiều dài lên tới 48,5m, sải cánh 56,4m, cao tới 12,4m, trọng lượng cất cánh tối đa tới 220 tấn. 

B-52 trang bị 4 cặp (8 chiếc) động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy cho phép đưa “con quái vật 220 tấn” lên trời cao, đạt tốc độ tối đa hơn 1.000km/h, bán kính tác chiến hơn 7.000km. B-52 có khả năng mang gần 30 tấn bom trong khoang. 

Đặc biệt, trong khi bay ném bom, B-52 thường bay ở độ cao ném bom hiệu quả 11-12.000m, trần bay khi ném bom tối đa là 17.000m.

Trong khi đó, về phần mình, SAM-2 trang bị cho bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam có vùng sát thương xa đến 34km, độ cao đạt 27km, hoàn toàn thừa sức vượt qua trần bay của B-52 để bắn hạ "siêu pháo đài bay" này.

S-75 Dvina thừa sức tiêu diệt B-52 mà không cần "nối tầng".
 Trong quá trình sử dụng ở Liên Xô và Việt Nam, SAM-2 nhiều lần bắn hạ mục tiêu ở độ cao 19-20km. 

Ngày 1/5/1960, phòng không Liên Xô đã sử dụng tên lửa SAM-2 để bắn hạ một máy bay trinh thám tầng cao U-2 của Mỹ ở độ cao 20km.

Còn ở Việt Nam, ngày 26/7/1965, Tiểu đoàn 64 (Trung đoàn 263) đã dùng SAM-2 bắn rơi tại chỗ một máy bay không người lái tầng cao BQM-34A ở độ cao tới 19km. 

Ngày 7/2/1966, Tiểu đoàn 84 (Trung đoàn 238) bắn rơi tại chỗ một BQM-34A ở độ cao 20km.

Như vậy, qua những thí dụ kể trên và so sánh thông số kỹ thuật cơ bản của SAM-2 và B-52 có thể khẳng định không cần thiết phải "nối tầng" SAM-2.

Cũng nhận xét về vấn đề này, trong cuốn "Điện Biên Phủ trên không - Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam" tác giả Lưu Trọng Lân viết: "Chúng ta thấy rõ việc cải tiến nâng cao tầm bắn cho tên lửa SAM-2 là không cần thiết, mà trong thực tế là không hề diễn ra. Đây là sự hiểu lầm đáng tiếc của một vài nhà báo".

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, trong quá trình triển khai chiến đấu trong nhiều năm, bộ đội Việt Nam cùng chuyên gia Liên Xô thực hiện một số cải tiến bộ khí tài nhưng là ở những mặt khác, không phải là "nối tầng".

Thiếu đạn tên lửa đánh B-52? 
Bên cạnh thông tin sai lệch về “nối tầng tên lửa đánh B-52”, một thông tin khác cũng gây tranh cãi trong nhiều năm là vấn đề thiếu đạn để đánh B-52. Thực tế việc thiếu đạn trong chiến dịch 12 ngày đêm không hoàn toàn chính xác. 

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này Trung tướng Nguyễn văn Phiệt cho biết: “Trong cả chiến dịch 12 ngày đêm, chúng ta bắn chưa đến 350 quả đạn, nếu so với kho đạn ở Hà Nội thì còn hơn 300 quả. Như vậy, chúng ta vẫn còn thừa đạn đánh B-52. Đó là chưa kể việc chúng ta "hồi sinh" hàng trăm quả đạn hỏng, hết thời gian phục vụ kịp thời đánh B-52”.

Cũng theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, việc thiếu đạn ở các tiểu đoàn hỏa lực chủ yếu là do lắp ráp đạn không kịp. Đạn tên lửa SAM-2 khi chuyển từ Liên Xô sang đều ở trong tình trạng tháo rời. Từng bộ phận tên lửa được sếp gọn trong các thùng bảo quản. Chúng sẽ được các đơn vị kỹ thuật (thường gọi là Tiểu đoàn 5) lắp ráp lại, kiểm tra hệ thống điện, nạp nhiên liệu và chuyển đến tiểu đoàn hỏa lực.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội, dù rất nỗ lực, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 5 làm việc với cường độ cao hết mức nhưng vẫn không thể nào đáp ứng được yêu cầu của các tiểu đoàn hỏa lực nên mới xảy ra tình trạng "trắng đạn" trên bệ phóng tại một số khẩu đội tên lửa.

“Một vấn đề nữa cũng làm chậm việc chuyển đạn cho các đơn vị hỏa lực, các xe chở đạn không thể vào trận địa do các tuyến đường giao thông bị đánh phá dữ dội. Ví dụ, trong trận đánh rạng ngày 21/12, Trung đoàn chúng tôi có 4 tiểu đoàn thì 2 tiểu đoàn hết đạn, tiểu đoàn 57 còn 4 đạn, tiểu đoàn 93 còn 5 đạn. Nhưng xe tiếp đạn không về được do đường bị đánh phá nên không thể vào chuyển đạn mặc dù chỉ cách trận địa vài kilomet”, Trung tướng Phiệt cho biết.
Bộ đội tên lửa đưa đạn vào bệ phóng.
Ngoài ra, còn có một số sự hiểu lầm khác do phim ảnh chưa truyền tải đúng thực tế. Trong bộ phim “Hà Nội 12 ngày đêm” của đạo diễn Bùi Đình Hạc, có cảnh cán bộ lắp ráp đạn nói với người chiến sĩ lái xe rằng “đơn vị nào đánh giỏi thì cho nhiều đạn”. Đây là một câu nói hoàn toàn sai!

Thực tế, việc chuyển đạn từ Tiểu đoàn này sang Tiểu đoàn khác là điều bất khả thi. Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, đạn tên lửa của mỗi Tiểu đoàn – Trung đoàn tên lửa được chuyển sang có “cốt, phách” (khác nhau. Việc thay đạn tên lửa từ đơn vị này sang đơn vị khác phải thay đúng “cốt, phách” mới điều khiển được. Việc thay thế này sẽ mất rất nhiều thời gian.

“Cốt” ở đây có thể được hiểu là tần số các rãnh đạn (của đài điểu khiển), để đạn tên lửa khi phóng đi (nhiều quả cùng lúc) sẽ không bị lẫn với cánh sóng điều khiển mỗi đài điều khiển hỏa lực hay trong cùng một đài điểu khiển. 

Mỗi tiểu đoàn được phân 3 “cốt” (6 đạn trên bệ, 2 đạn/cốt) đài điểu khiển có 3 rãnh  để điều khiển các quả tên lửa. Trong một trung đoàn, mỗi tiểu đoàn có một “phách” riêng để khi phóng đạn không lẫn sóng điều khiển mỗi đài giữa các tiểu đoàn.

Mỗi tiểu đoàn SAM-2 trang bị 24 quả đạn, trong đó 6 quả nằm trên bệ phóng, 12 quả nằm ở tiểu đoàn kỹ thuật (trong đó có 6 quả đã lắp ráp nhưng chưa kiểm tra và 6 quả chưa lắp ráp).
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt sinh năm 1938 tại Hưng yên. Ông nhập ngũ tháng 2/1960, năm 1972 ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 57 (Trung đoàn 261, Sư đoàn 361) cấp bậc Thượng úy. Năm 1973, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Năm 1999, ông được phong hàm Trung tướng – Phó tư lệnh về Chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân. Năm 2003, ông chính thức nghỉ hưu.
Nguồn BAODATVIET

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Người HN nói về hộ chiếu 'lưỡi bò'




Trung Quốc đưa ra quyết định in bản đồ có hình đường chín đoạn tức lưỡi bò chiếm gần trọn Biển Đông lên hộ chiếu mới gây nên căng thẳng ngoại giao với nhiều nước khác nhau trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Philippines, Đài Loan.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu trước báo giới hôm thứ Sáu 23/11 về quyết định này.
"Chúng tôi mong rằng những nước có liên quan nên có hành động tỉnh táo, hợp lý và bình tĩnh tiếp cận, để tránh những cản trở không cần thiết trong việc di chuyển nhân sự giữa Trung Quốc và bên ngoài."
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phản ứng từ chính thức về vấn đề này.
Từ phía người dân, họa sỹ Tôn Đức Lương nói Trung Quốc "cố tình làm chuyện vi phạm chủ quyền của Việt Nam".
Còn cựu đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc Dương Danh Dy gọi đây là "mánh lới ghê gớm".
Ấn Độ cũng vừa đưa ra tuyên bố chính thức, khi bản đồ đường lưỡi bò ôm trọn hai tỉnh Arunachal Pradesh và Aksai Chin.
Quốc gia này nói thị thực in bản đồ hai tỉnh sẽ được cấp cho trên cho người dân Trung Quốc muốn vào Ấn Độ.
Nguồn BBC

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Thụy Điển giúp VN chế tạo máy bay không người lái

Ngày 20/11, hội thảo và lễ ký kết hợp tác Việt Nam-Thụy Điển chế tạo máy bay không người lái (UAV) tại Việt Nam, do Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Unmanned (Thụy Điển) tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội.
Các đại biểu cũng đã được đối tác Thụy Điển giới thiệu mẫu UAV tầm trung có tên gọi Magic Eye 1 (Mắt thần 1).

Hai bên đã nhất trí chia dự án hợp tác thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 phía Thụy Điển sẽ giúp Việt Nam toàn bộ kinh phí và thiết bị lắp ráp chế tạo hai UAV Mắt thần 1, bao gồm cả việc chuyển giao sở hữu trí tuệ, kiểu dáng thiết kế cũng như cử các chuyên gia về UAV của Unmanned sang Việt Nam giúp đỡ, tư vấn các đơn vị hợp tác.

Ảnh minh họa/ Internet
 Giai đoạn 2, hai bên hợp tác phát triển khoa học điện tử hàng không, bao gồm các kỹ thuật lái tự động, camera giám sát ngày đêm... Giai đoạn 3, hai bên sẽ tiến tới sản xuất UAV theo đơn đặt hàng và xuất khẩu UAV từ Việt Nam.

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam cho biết trên thế giới UAV được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ và quản lý rừng, thăm dò địa chất, dịch vụ nông lâm-ngư nghiệp, kiểm tra đường dây cao thế. Song UAV được sử dụng phổ biến nhất là nhiệm vụ giám sát từ xa.

Với vùng biển rộng hơn 1 triệu km2, đường bờ biển dài gần 3.500km, đường biên giới dài hơn 4.500km, 2/3 diện tích là đồi núi, trong đó 40% là rừng che phủ, tiềm năng sử dụng UAV tại Việt Nam là rất lớn. Công nghệ này có thể được ứng dụng tại Việt Nam với các nhiệm vụ như lập bản đồ, khảo sát, quy hoạch các tuyến giao thông, chụp ảnh trên không, giám sát đường dây tải điện cao thế, tuần tra biên giới ngày đêm, tìm kiếm cứu nạn...
Mắt thần 1 là dòng UAV thuộc tầm trung với trọng lượng 40kg, thời gian hoạt động lên tới 6 giờ với tốc độ bay tối đa 200 km/giờ, bán kính liên lạc vô tuyến từ 100 đến 200km. 

Nếu so với vệ tinh viễn thám, UAV có nhiều ưu điểm nhờ giá thành rẻ hơn nhiều, ảnh chụp có độ phân giải cao hơn hàng trăm lần do chụp ở cự ly gần, công nghệ của UAV được cập nhật kịp thời và dễ dàng. Nhưng loại công nghệ này cũng có những nhược điểm là khu vực quan sát nhỏ hơn, dễ bị bắn rơi.

Hiện trên thế giới có hơn 40 quốc gia đã tự thiết kế, chế tạo và sản xuất UAV. Thị trường UAV đã đạt 7 tỷ USD/năm và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới.


Theo TTXVN/Vietnamplus

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Chủ quyền đất nước và quan hệ Việt-Trung

 Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa chấm dứt. Như dự kiến, Tập Cận Bình chính thức thay thế Hồ Cẩm Đào, là Tổng Bí thư.
Có nhiều bài viết trong hơn một năm qua về bản lĩnh và tham vọng của họ Tập. Còn quá sớm cho bất cứ kết luận nào về người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Nhưng chắc chắn rằng, ngoại trừ khi ông ta gặp sự cố chính trị hay sự cố sức khỏe không vượt qua được, Tập Cận Bình và thành phần ban lãnh đạo mới sẽ có quyết định tác động đến đời sống và tương lai của hơn một tỷ người dân Trung Quốc, đến quan hệ với những nước khác, đến ổn định của khu vực và của thế giới, và sẽ dẫn dắt Trung Quốc đến thời điểm đánh dấu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản năm 2021.
Tinh thần "đồng chí, anh em”
Mười ngày trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam họp hội nghị Trung ương 6 để quyết định số phận chính trị của Thủ tướng Việt Nam, bên cạnh thảo luận nhữngvấn đề khác, ông Nguyễn Tấn Dũng gặp Tập Cận Bình.
Bất chấp thất bại trong chính sách kinh tế với thiệt hại to lớn cho đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "sống sót" sau hội nghị. Dù một số nhà nghiên cứu độc lập đã tìm cách lý giải, hiện khó ai biết chính xác nguyên do dẫn đến sự “sống còn” của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Sau khi hội nghị Trung ương 6 kết thúc, và một tháng sau khi gặp Tập Cận Bình, ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố:
"Trên tinh thần đồng chí, anh em và thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế, hai bên cần bàn bạc, thảo luận, đàm phán để tìm ra giải pháp thỏa đáng, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; không để vấn đề về biển Đông làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước."
Tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng xảy ra cùng lúc với chủ trương của Nhà nước tiếp tục sách nhiễu, trấn áp người dân phản đối động thái hung hãn và tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Khi nói “không để vấn đề về biển Đông làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước”, ông Nguyễn Tấn Dũng ít nhất gián tiếp cho Trung Quốc biết là lãnh đạo Việt Nam đặt quan hệ giữa hai nước lên trên tranh chấp chủ quyền.
Như để đáp trả lại thiện chí của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh các hoạt động phi pháp của họ ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Quan điểm trên của Thủ tướng Việt Nam hoàn toàn trái ngược với vị thế của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:
“Quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước là không lùi bước trong tranh chấp biển Đông. Việc gìn giữ hòa bình trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thì từ ý thức đến hành động của chúng ta hết sức đầy đủ, nhưng đồng thời nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững chủ quyền vẫn luôn được tiến hành thường xuyên, không có gì thay đổi. Nhưng trong điều hành cũng có thể chúng tôi có lỗi chuyện này chuyện nọ, không loại trừ, nhưng ý thức cũng như hành động không bao giờ tách khỏi lập trường, quan điểm: chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”.
Một khi “chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”, bảo vệ chủ quyền và quyền lợi đất nước, trong đó bao gồm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa và thềm lục địa ở Biển Đông, phải là nhiệm vụ, là trách nhiệm và là ưu tiên cao nhất của lãnh đạo Việt Nam.
Việt Nam là "nước nhỏ”
Có người cho rằng Việt Nam là "nước nhỏ”, ở sát bên một láng giềng hùng mạnh, to lớn lại mang tham vọng bành trướng.
Do không có chọn lựa để "di chuyển" nước đi nơi nào khác, trong quan hệ Việt-Trung, Việt Nam cần khéo léo, nhún nhường, tránh làm mất lòng nước láng giềng này để Việt Nam có thể duy trì hòa bình, tập trung công sức xây dựng đất nước!


 Một lập luận như thế thiếu tính chất khách quan và thực tế.
Trước hết, trong 14 nước láng giềng với Trung Quốc, về dân số, theo thứ tự, Việt Nam đứng hàng thứ tư, chỉ sau Ấn Độ, Pakistan, và Nga, nhưng trên 10 nước khác: Myanmar, Afghanistan, Nepal, Bắc Triều Tiên, Kazakhstan, Tajikistan, Laos, Kyrgyzstan, Mongolia và Bhutan. Về thu nhập bình quân đầu người (PPP), Việt Nam đứng hàng thứ sáu, trên cả Pakistan, Laos, Kyrgyzstan, Tajikistan, Bắc Triều Tiên, Myanmar, Nepal và Afghanistan.
Kế đến, với bờ biển dài hơn 3.200 km, Việt Nam có lợi thế thiên nhiên rất đáng kể so với Myanmar, Afghanistan, Nepal, Kazakhstan, Tajikistan, Laos, Kyrgyzstan, Mongolia và Bhutan.
Trong quan hệ quốc tế, nước nào, dù nhỏ hay lớn, cũng phải biết và tận dụng mọi lợi thế và thời cơ để bảo vệ chủ quyền và quyền lợi của nước họ.
Nguyên tắc này trở nên cực kỳ tối quan trọng khi có sự bất cân xứng trong tương quan lực lượng. Nó đòi hỏi sự khôn khéo và tài năng của người lãnh đạo qua đó, họ làm rõ ràng sự khác biệt giữa linh động nhưng quyết tâm bảo vệ chủ quyền, với nhu nhược, bất lực trước tham vọng của ngoại bang.
Lịch sử thế giới nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng cho thấy rằng sự yếu kém của lãnh đạo, của nhà nước, sự phân hoá trong xã hội, là yếu tố mời gọi ngoại bang xâm phạm chủ quyền, thôn tính lãnh thổ của một nước.
Chẳng vì thế mà một số nước như Myanmar, Bắc Triều Tiên, Mongolia, v.v. tuy nhỏ hơn Việt Nam, vẫn tranh thủ duy trì vị thế độc lập với nước lớn cạnh bên, sẳn sàng có hành động kiên quyết, thể hiện chủ quyền, vì họ đặt quyền lợi đất nước lên trên hết.
Chẳng vì thế mà nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tuyên bố:
“Tôi khẳng định lại một lần nữa, giữ độc lập, chủ quyền đất nước là mục tiêu, là nhiệm vụ tối thượng, số một, quan trọng nhất. Chúng ta luôn muốn hòa bình, hợp tác, hữu nghị nhưng quyết không đổi chủ quyền để lấy những điều đó. Hòa bình, hợp tác ngang bằng với chủ quyền là cách nói, là mưu đồ của Trung Quốc. Chúng ta nhất quyết không đổi chủ quyền, không đổi đất đai, biển đảo Tổ quốc để lấy hòa bình.”
“Đời con, đời cháu" vẫn phải tiếp tục khẳng định chủ quyền
Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa; năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm nhóm đảo-đá thuộc quần đảo Trường Sa. Hơn 100 chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong hai nỗ lực riêng biệt bảo vệ chủ quyền đất nước.
Song song với hành động sử dụng vũ lực chiếm đoạt Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc tích cực thúc đẩy nghiên cứu "chủ quyền" Hoàng Sa-Trường Sa, tung hoả mù về chứng cứ lịch sử để đánh lừa nhân dân Trung Quốc và dư luận quốc tế, đào tạo đội ngũ chuyên gia về cơ chế, luật pháp quốc tế trong tranh chấp chủ quyền, xây dựng kinh tế, quốc phòng vững mạnh, v.v.
Trong cùng thời gian gần 30 năm, kể từ khi thống nhất đất nước, Nhà nước Việt Nam không thể hiện được hành động cụ thể đáng ghi nhận nào nhằm bảo vệ và khôi phục chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa.
Không hề là một ngẫu nhiên khi đa số học giả phương Tây, qua đánh giá chứng cứ chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, cho rằng chứng cứ lịch sử của Trung Quốc “mạnh” hơn, “thuyết phục” hơn chứng cứ lịch sử của Việt Nam hay đưa ra quan điểm giải quyết tranh chấp hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam!
Khi Trung Quốc gia tăng mức độ coi thường pháp luật quốc tế của họ trên Biển Đông, bắt giữ, đâm chìm tàu cá, bắn chết ngư dân Việt Nam hành nghề trong khu vực quen thuộc hàng trăm năm qua, ngoài việc lãnh đạo Việt Nam kêu gọi, dùng "tinh thần đồng chí, anh em" giải quyết tranh chấp, quan chức Nhà nước không ngần ngại tuyên bố:
"Chúng ta tiếp tục đấu tranh để khẳng định chủ quyền lâu dài. Đời con, đời cháu vẫn phải tiếp tục khẳng định chủ quyền."
Do thái độ từ chối hợp tác của Trung Quốc, giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa không dễ dàng hay đơn giản. Đây là điều không người nào phủ nhận.
Tuy nhiên, để đời con, đời cháu giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa, qua “tiếp tục khẳng định chủ quyền”, có nên là vị thế của lãnh đạo hay của những ai quan tâm đến chủ quyền và quyền lợi đất nước hay không ?
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta chịu đựng bao mất mát, sẳn sàng đổ máu xương, hy sinh cả mạng sống, là để đời con, đời cháu không phải đối đầu với giặc Nam Hán, giặc Nguyên Mông, giặc Minh, giặc Thanh, thực dân Pháp, v.v.
Nếu so sánh tương quan lực lượng giữa Việt Nam và ngoại bang thì tưởng chừng như trứng chọi đá, nhưng trong mọi tình huống, dân tộc Việt Nam luôn luôn vượt qua được tất cả thử thách, loại trừ được hiểm họa ngoại bang và đạt thắng lợi sau cùng.
Ngày nay, một khi mối quan hệ được lãnh đạo Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh là xây dựng trên cơ sở “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, mà không giúp giải quyết được tận gốc rễ mối đe doạ đến chủ quyền đất nước, để phải trông chờ đợi đời con, đời cháu, thì có hai trường hợp: một là bản chất của quan hệ Việt-Trung cách xa điều Nhà nước Việt Nam kêu gọi người dân tin tưởng vào; hai là Nhà nước không làm đúng với nhiệm vụ, trách nhiệm và ưu tiên mà người dân giao phó, như khẳng định của Chủ tịch nước: “chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”.
Ở một góc độ khác, luật pháp quốc tế có nguyên tắc "quieta non movere", qua đấy nói rằng “những tình huống hiện hữu đã và đang ổn định trong một thời gian dài thì không nên bị xáo trộn” (Xem "Boundary & Territory Briefing - Estoppel, Acquiescence and Recognition in Territorial and Boundary Dispute Settlement", Nuno Sérgio Marques Antunes, 2000).
Toà án Quốc tế (ICJ) từng sử dụng nguyên tắc này trong phán xử tranh chấp giữa hai nước.
Thử hỏi nguyên tắc này mang đến hệ quả thuận lợi cho Việt Nam hay cho Trung Quốc khi lãnh đạo hay quan chức Nhà nước có tư duy để đời con, đời cháu giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa ?
Dù vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế với hành động sử dụng vũ lực để chiếm đoạt lãnh hải, đâm chìm tàu, giết hại ngư dân, v.v., Trung Quốc lại là nước có đội ngũ chuyên gia nắm vững cơ chế, luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Trung Quốc luôn luôn tận dụng mọi ưu thế của họ để theo đuổi tham vọng bành trướng. Những chiêu bài như đòi hỏi đàm phán song phương ngay cả trong vấn đề đa phương về tranh chấp, trì hoãn đàm phán thông qua Bộ Quy tắc ứng xử (Code of Conduct-COC), kêu gọi “gác tranh chấp, cùng khai thác”, v.v. có chung một mức đến: thuận lợi cho Trung Quốc và bất lợi cho các nước liên hệ!
Trong Thư ngỏ của một số nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước gửi lãnh đạo Việt Nam vào đầu tháng Tám vừa qua có đoạn nói:
“Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong việc thực hiện mưu đồ chiến lược bá quyền của họ, nhằm làm cho Việt Nam suy yếu, chịu khuất phục hay lệ thuộc vàoTrung Quốc. Họ dùng nhiều thủ đoạn từ tinh vi đến trắng trợn để dụ dỗ, mua chuộc, thâm nhập, lũng đoạn, uy hiếp, lấn chiếm không chỉ trên Biển Đông mà còn trên nhiều địa bàn khác, không chỉ xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải mà còn thâm nhập và gây hại về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; đồng thời tìm cách “chia để trị” các nước ASEAN.”
Xem kỹ lại quá trình quan hệ Việt-Trung trong hơn 60 năm nay, người ta không thể không đi đến kết luận tương tự: chiến lược, kế sách lâu dài của Trung Quốc đối với Việt Nam là nhất quán, trước sau như một.
Ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, tùy tình hình, Trung Quốc thay đổi chiến thuật nhưng mục đích sau cùng của Trung Quốc không bao giờ khác biệt, như trong một nhận định hơn 30 năm trước:



“Trong chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, nếu họ coi Liên Xô và Mỹ là những đối tượng chủ yếu cần phải chiến thắng, thì họ coi Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính để dễ bề đạt được lợi ích chiến lược của họ”. (Xem văn kiện “Sự thật về Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua” do bộ Ngoại giao nước CHXHCNVN công bố với thế giới năm 1979.)
Ngày nay một bộ phận trong guồng máy Nhà nước, có khả năng vì quyền lợi cá nhân, vì quyền lợi phe nhóm, sẳn sàng gạt bỏ bài học lịch sử trong quan hệ Việt-Trung, sẳn sàng phản bội sự hy sinh của bao thế hệ trước trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Tuy nhiên, đại đa số người Việt Nam, từ bác cựu chiến binh ở Lạng Sơn, anh nông dân từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, em học sinh trung học Đà Nẳng, v.v., vẫn khắc ghi tinh thần yêu nước hào hùng của Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, v.v. Họ sằn sàng đứng lên, tiếp bước ông cha, đáp lời Tổ quốc kêu gọi.
Hơn bao giờ hết, lãnh đạo Việt Nam cần thể hiện bản lĩnh và quyết tâm, mạnh dạn khắc phục thiếu sót trong quan hệ Việt-Trung, dẫn đến sự bất cân xứng trong nhiều lĩnh vực: kinh doanh, mậu dịch, xây dựng, v.v., đe dọa an ninh quốc gia.
Để bảo vệ chủ quyền và để phát triển đất nước, thay vì chờ đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài, lãnh đạo Việt Nam cần tập trung xây dựng nội lực, tận dụng nhân tài - những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì tương lai dân tộc; lãnh đạo Việt Nam cần tôn trọng và lắng nghe ý kiến khác biệt, trao trả tự do cho những người bị kết án vì thực thi các quyền hạn quy định trong Hiến pháp, qua đó phát huy cao độ đoàn kết dân tộc - yếu tố không thể thiếu trong truyền thống lịch sử hàng ngàn năm, khi phải đối phó với đe dọa của ngoại bang hay thảm họa thiên nhiên.
Bằng không, khi đối diện với chất vấn của lịch sử, đối diện với chất vấn của thế hệ tương lai, lãnh đạo Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam là người duy nhất phải trả lời.
Như lời nhắn gửi của Chủ tịch nước:
“Biết ơn những thế hệ đi trước, chúng ta phải làm mọi điều có thể để đất nước phát triển. Tự hào với những gì đã làm được, nhưng chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc.”
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một chuyên gia khoa học không gian hiện sinh sống ở Hoa Kỳ.

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Tổng thống Iran thăm Việt Nam

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Iran tới Việt Nam trong vòng 17 năm qua. Tổng thống Ahmadinejad sẽ có 2 ngày làm việc tại Hà Nội.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón Tổng thống Iran tới thăm chính thức Việt Nam tại Hà Nội.
 Hôm 9/11, Tổng thống Iran đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ hài lòng trước sự phát triển của quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước thời gian qua, khẳng định quyết tâm tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ này trong thời gian tới, đặc biệt ở các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, thủy sản, văn hóa, thể thao và du lịch...
 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Tổng thống Ahmadinejad.
 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tại trụ sở Trung Ương Đảng.
 Trong cùng ngày, Tổng thống Iran đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hợp tác thương mại và đầu tư song phương kể từ khi hai nước thiết lập mối quan hệ ngoại giao vào năm 1973.
 Tổng thống Iran chào các phóng viên truyền thông trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hà Nội.
 Một em thiếu nhi tặng hoa chúc mừng Tổng thống Ahmadinejad.
 Tổng thống Ahmadinejad đã ca ngợi mối quan hệ thân thiện giữa Việt Nam và Iran và cho biết hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong tương lai.
 Tổng thống Iran Ahmadinejad với kiểu chào rất "teen" trong chuyến thăm Việt Nam.
Nguồn Baodatviet

Iran xác nhận tấn công máy bay không người lái của Mỹ tại vùng Vịnh

Một sỹ quan cao cấp của quân đội Iram đã xác nhận hai máy bay tiêm kích của Iran đã tấn công một máy bay không người lái không vũ trang MQ-1 Predator của Mỹ tại vùng Vịnh.


Cuối ngày 9/11, một sỹ quan cao cấp của quân đội Iram đã xác nhận tuyên bố của Lầu Năm Góc rằng tuần trước, hai máy bay tiêm kích của Iran đã tấn công một máy bay không người lái không vũ trang MQ-1 Predator của Mỹ tại vùng Vịnh.
Chuẩn tướng Masoud Jazayeri, Phó Tư lệnh lực lượng vũ trang Iran khi trả lời trang web Sepahnews.com của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran khẳng định:

Phó Tư lệnh lực lượng vũ trang Iran, Masoud Jazayeri.

  "Lực lượng phòng vệ của Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ quyết liệt đáp trả mọi hành vi hung hăng trên không, dưới mặt đất hay trên biển... Nếu có bất kỳ máy bay nào cố tình xâm phạm không phận của chúng tôi, lực lượng vũ trang của chúng tôi sẽ đối đầu với chúng".
Máy bay tiêm kích Su-25 Frogfoot của Iran.
 Trước đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little cho biết máy bay tiêm kích Su-25 Frogfoot của Iran đã bắn máy bay không người lái của Mỹ hôm 1/11 nhưng không trúng mục tiêu.
Máy bay không người lái Predator của Mỹ.
Nguồn Baogiaoduc

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Iran khánh thành căn cứ quân sự mới án ngữ eo biển Hormuz

Đáng chú ý là căn cứ này nằm ở phía Bắc các đảo Abu Musa, Greater Tunb và Lesser Tunb do Iran kiểm soát, giữ vị trí án ngữ lối vào eo biển chiến lược Hormuz.
Theo kênh truyền hình Nhà nước Iran đưa tin, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) hôm qua đã khánh thành một căn cứ quân sự mới nhằm củng cố sự kiểm soát của Tehran đối với ba hòn đảo trên Vịnh Persian mà phía Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cũng tuyên bố chủ quyền.

Căn cứ này của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran nằm gần cảng Bandar-e Lengeh và cách thủ đô Tehran khoảng 1.100km về phía Nam.

Đáng chú ý là căn cứ này nằm ở phía Bắc các đảo Abu Musa, Greater Tunb và Lesser Tunb do Iran kiểm soát, giữ vị trí án ngữ lối vào eo biển chiến lược Hormuz, tuyến hàng hải chủ chốt với 1/5 lượng dầu cung cấp cho thị trường thế giới được trung chuyển qua đây.

Theo Tư lệnh Hải quân IRGC, Tướng Ali Fadavi, cho biết các đơn vị tên lửa và lính thủy đánh bộ đã được triển khai tới căn cứ này.

Nguồn Baogiaoduc

Thủ tướng D.Medvedev: Tôi đến Việt Nam với tình cảm nồng ấm

Có thể nói rằng tôi lên đường với tâm trạng rất vui vẻ, với tình cảm nồng ấm dành cho nhân dân Việt Nam.
Nhân dịp Thủ tướng D.Medvedev sắp thăm chính thức Việt Nam, phóng viên Đài truyền hình Việt Nam tại Liên bang Nga Duy Nghĩa đã có cuộc trò chuyện với Thủ tướng xung quanh chủ đề này.

* Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của Ngài, xin Ngài cho biết cảm tưởng của mình, bởi Việt Nam đang chờ đón Ngài không chỉ với tư cách là Thủ tướng, mà còn là người bạn, người đại diện của nhân dân Nga anh em.


Thủ tướng D.Medvedev: Có thể nói rằng tôi lên đường với tâm trạng rất vui vẻ, với tình cảm nồng ấm dành cho nhân dân Việt Nam. Nói chính xác thì đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của tôi với tư cách là người dẫn đầu đoàn đại biểu của Liên bang Nga, tôi đã thăm Việt Nam trong cương vị Tổng thống và tôi sẽ sang thăm Việt Nam trong cương vị là người đứng đầu Chính phủ.
Đối với riêng tôi thì đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba, bởi vì khoảng hơn 10 năm trước tôi đã sang Việt Nam với tư cách là thành viên của một đoàn đại biểu Nga. Vì vậy, tôi có thể hình dung được đất nước Việt Nam phát triển như thế nào, đời sống ở Việt Nam được cải thiện hơn ra sao và điều này diễn ra như thế nào trong 10 năm trở lại đây. Vì vậy, dĩ nhiên là tôi sẽ lên đường với những tình cảm tốt đẹp, với tâm trạng vui vẻ. Tôi tin tưởng rằng chuyến thăm này sẽ mang lại lợi ích cho quan hệ của hai nước chúng ta.
Như tôi đã nói, mỗi chuyến thăm đều để lại những cảm xúc nhất định và về điều này tôi có thể nói là đối với riêng tôi hay đối với các đồng nghiệp của tôi thì mỗi chuyến thăm Việt Nam đều để lại cảm xúc tích cực nhất.
 * Xin Ngài cho biết những chủ đề chính sẽ được đưa ra thảo luận tại chuyến thăm Việt Nam sắp tới?

Thủ tướng D.Medvedev: Với tư cách là một Thủ tướng chính phủ nên vấn đề kinh tế sẽ là chủ đạo trong chương trình làm việc của tôi. Chúng ta là đối tác gần gũi có mối quan hệ kinh tế phát triển tốt, tuy nhiên nếu nói mọi việc đã tuyệt đối như mong muốn của chúng ta thì không hoàn toàn đúng. Bởi vì, nếu nói về kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Liên bang Nga và Việt Nam thì đúng là có sự tăng trưởng, chúng ta có nhiệm vụ là đến năm 2015 sẽ đạt con số 7 tỷ USD. Con số này có lớn không? Điều đó đương nhiên là tốt hơn so với hiện tại, nhưng đó không phải là số tiền lớn.
Hiện tại, trong cơ cấu quan hệ thương mại với nước ngoài của Liên bang Nga, kim ngạch trao đổi hàng hoá với Việt Nam chỉ chiếm 0,5%, đây cũng là con số rất thấp. Bởi vậy nhiệm vụ của tôi là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước chúng ta, nhưng cần phải xem xét đến sự hợp tác trong các lĩnh vực khác như công nghệ cao, chế tạo máy, kỹ thuật vũ trụ, các phương tiện liên lạc và tất nhiên là hợp tác trong lĩnh vực nhân văn. Đó là vấn đề thứ hai tôi muốn bàn.

Một vấn đề quan trọng nữa là chúng tôi sẽ thảo luận các vấn đề về cơ cấu tương lai của sự hợp tác Nga - Việt trong khuôn khổ sự phát triển chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cả Nga lẫn Việt Nam đều là một bộ phận của khu vực này, chúng ta là những nước đóng vai trò đáng kể trong khu vực này và chúng ta không thờ ơ đối với sự phát triển của châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng D.Medvedev
 * Xin Thủ tướng nói rõ hơn về các vấn đề sẽ được trao đổi trong chuyến thăm của Ngài?

Thủ tướng D.Medvedev: Tôi sẽ thảo luận tất cả những vấn đề này với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Trước tiên cần nói rằng, chúng ta đã đi theo hướng thực hiện những dự án chính, mà có thể hiện nay việc thực hiện còn chưa được nhanh chóng như mong muốn, mặc dù những lĩnh vực cơ bản, then chốt của sự hợp tác như năng lượng vẫn là điểm được chú trọng.
Xuất phát từ việc coi Việt Nam như một đối tác chiến lược nên chúng tôi cũng xem xét đến cả những dự án khác nữa. Trong những năm gần đây, các dự án đó đã được hình thành. Tôi có thể nêu ví dụ như dự án khí đốt của GazpromViet, một dự án thú vị nữa liên quan tới lĩnh vực nòng cốt của ngành năng lượng Nga là lĩnh vực để chúng tôi thu hút những khả năng của đối tác Việt Nam, đó là việc hợp tác khai thác những khu mỏ của Nga nằm ở khu tự trị Yamal-Nenets. Cần nói thêm rằng, đó là khu mỏ mang tầm chiến lược Liên bang.
Tôi xin nói một cách chân thành rằng, trên thực tế chúng tôi không cho phép các đối tác nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng đối với Việt Nam chúng tôi coi là trường hợp ngoại lệ, bởi tôi nhận thấy tính chất đặc biệt trong mối quan hệ của chúng ta và của những triển vọng trong phát triển hợp tác với đất nước Việt Nam thân thiện.
Hai Thủ tướng Việt Nam và Liên Bang Nga duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam
 * Gần đây lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí việc hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và kỹ thuật quân sự, xin Thủ tướng cho biết Chính phủ hai nước sẽ triển khai những thoả thuận này thế nào?

Thủ tướng D.Medvedev: Nếu nói về những triển vọng thì tôi có thể đề cập tới triển vọng trong việc cung ứng khí tự nhiên hoá lỏng. Theo tôi, điều này không thể không thu hút sự chú ý của các bạn Việt Nam. Đặc biệt là khí hoá lỏng được cung ứng từ các xí nghiệp ở vùng phía đông Siberi và Viễn Đông. Đây cũng là đề tài về triển vọng hợp tác.
Nếu nói về hợp tác kỹ thuật quân sự thì thực tế trong những năm gần đây chúng ta đã có một bước tiến căn bản. Tôi còn nhớ cách đây 3 năm đã khôi phục lĩnh vực hợp tác này ở cấp độ lớn hơn, khi đó có chuyến thăm của đoàn đại biểu Việt Nam và tôi đã gặp Chủ tịch nước Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng và một số đồng nghiệp khác nữa. Theo tôi, kết quả là mức độ hợp tác kỹ thuật quân sự đã được cải thiện một cách căn bản. Chúng ta đã làm hồi sinh tinh thần hợp tác đã từng có trước đây trong quan hệ giữa chúng ta, trong thời kỳ hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam. Đó là tinh thần mang tính đối tác, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục tinh thần đó, mở rộng thêm quy mô hợp tác và tất nhiên là với sự hiểu biết về những cam kết quốc tế của chúng tôi trong từng lĩnh vực tương ứng.

*  Điều gì đọng lại sâu sắc nhất với Ngài trong cuộc gặp gỡ với những người đã từng học tại Liên Xô cũ và tại Liên bang Nga trong chuyến thăm lần trước của Ngài?
Thủ tướng D.Medvedev: Tôi nói một cách rất chân thành rằng, có lẽ đó là một trong những cuộc gặp gỡ thân mật nhất mà bản thân tôi từng có mặt tại đó với tư cách Tổng thống hay nói chung là với tư cách của một người đại diện chính thức... Lúc đó tràn ngập những cảm xúc vô cùng nồng ấm, một bầu không khí đặc biệt thân thiện mang xúc cảm của tình đồng chí tương thân tương ái, rồi lịch sử, rồi những cảm xúc nói chung của tất cả những ai có mặt tại cuộc gặp.
Tôi có thể nói rằng, bầu không khí trong khán phòng khi đó thực sự là có một không hai. Và tôi có thể nói một cách trung thực rằng, chưa ở đâu tôi được chứng kiến một bầu không khí tương tự như vậy. Điều đó nói lên một điều, chúng ta đang sở hữu một nguồn vốn chung rất quan trọng mà chúng ta có trách nhiệm phải gìn giữ. Đó là những tình cảm anh em nồng ấm đang gắn kết hai quốc gia chúng ta và nhân dân hai nước chúng ta - nhân dân Nga và nhân dân Việt Nam. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta, nhiệm vụ của các chính khách, nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo hai quốc gia là phải gìn giữ nguồn vốn đó.
 Xin cảm ơn Thủ tướng về cuộc trò chuyện này!
Nguồn Baodatviet
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang