Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

'Su-30 mới của Việt Nam hiện đại nhất châu Á'

Chuyên gia phân tích Chính trị và Quân sự Anton Chernow của Nga cho rằng, các chiến đấu cơ Su-30MK2V mới là hiện đại nhất châu Á.

Armyrecognition trích dẫn lời của chuyên gia Chernow, đến từ Viện phân tích Chính trị và Quân sự Nga về các máy bay Su-27 và Su-30 của Không quân Việt Nam.

Dưới đây là nội dung bài viết:
Theo Bộ Quốc phòng Nga, ngoài cấu hình vũ khí, thiết bị điện tử... cơ bản trên các máy bay Su-30MK xuất khẩu cho Trung Quốc, Indonesia, Algeria thì các máy bay Su-30MK2V của Việt Nam có một vài thay đổi nâng cấp, hệ thống điện tử hàng không avionic và hệ thống định vị mới, hệ thống chiến đấu mới giống như ở máy bay Su-30MKM của Malaysia nhưng có sự "vượt trội hơn".
Ngoài ra, Su-30MK2V của Việt Nam cũng được tích hợp hệ thống đối phó điện tử (ECM) mới để có thể tác chiến trong điều kiện gây nhiễu cao của đối phương. "Với các hệ thống thiết bị tiên tiến này, Không quân Việt Nam đã có được các chiến đấu cơ Su-30 hiện đại nhất ở châu Á", chuyên gia Chernow cho biết.

Điểm đặc biệt, chuyên gia Chernow lưu ý, Việt Nam đã bày tỏ quan tâm tới việc mua thêm 30 máy bay Su-30 thế hệ mới sau khi nhận đủ 12 máy bay Su-30MK2V của hợp đồng năm 2010. Nếu như việc mua 30 máy bay mới này là sự thật, Không quân Việt Nam sẽ có tất cả 253 chiến đấu cơ trong biên chế.

Việt Nam đã trở thành quốc gia châu Á thứ hai sau Trung Quốc mua các máy bay chiến đấu đa năng Su-27 của Nga. Lô 6 máy bay Su-27 đầu tiên được cung cấp vào tháng 5/1995, bao gồm 5 chiếc Su-27SK và 1 chiếc Su-27UBK. Sáu máy bay này là các tiêm kích đa năng đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Trong tháng 12/1996, thêm một lô bao gồm 2 Su-27SK và 4 Su-27UBK tiếp tục được cung cấp cho Việt Nam. 
Tháng 11/2003, Việt Nam tiếp tục ký thêm một hợp đồng mua 4 chiến đấu cơ đa chức năng Su-30MK2 (biến thể hai chỗ ngồi vốn được công ty Sukhoi phát triển để xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó Su-30MK2 của Việt Nam đã được nâng cấp về hệ thống truyền thông và ghế phóng). Trong tháng 11/2004, KnAAPO đã chuyển 4 chiếc Su-30MK2V cho Không quân Việt Nam (VPAF).

Những chiếc Su-27 đầu tiên của Việt Nam.
Tháng 1/2009, một hợp đồng máy bay khác đã được Việt Nam ký kết để mua thêm 8 máy bay Su-30MK2V. Năm 2010, Việt Nam tiếp tục đặt mua thêm 12 máy bay Su-30MK2V nữa. 

Theo các báo cáo trước đó, 8 máy bay trong đơn đặt hàng năm 2009 đã được Nga cung cấp cho Việt Nam trong hai lô, mỗi lô 4 chiếc vào giữa năm 2011 và một lô 4 chiếc Su-30MK2V của hợp đồng năm 2010 đã được cung cấp hồi cuối năm 2011 vừa qua). Tổng số, Việt Nam đã có 16 chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2V. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin của Nga lại cho rằng Việt Nam đã có 20 máy bay Su-30MK2V tính tới hết năm 2011.

Các chiến đấu cơ Sukhoi Su-27 và Su-30 đã được VPAF bố trí tại căn cứ Không quân Biên Hòa, Đồng Nai của phi đội bay C35.

Sau khi nhận thêm được các máy bay Su-30MK2V, số máy bay Su-27SK/UBK đã được VPAF chuyển ra căn cứ Không quân ở Đà Nẵng.
(Theo Armyrecognition)

Nguồn BAODATVIET

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Biển Đông và chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020


Năm 2011, những chủ đề liên quan đến biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa hay biển và hải đảo của Việt Nam... đã trở nên rất nóng bỏng. 

“Nóng” không chỉ bởi nó có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế mà còn bởi đây là vấn đề chủ quyền của Việt Nam.

Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. 

Theo đó, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển...

Tính tới thời điểm này, tỉ trọng các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển ước tính chiếm khoảng 48% GDP cả nước. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), du lịch biển...

Mặc dù chiếm tỉ trọng lớn, phát triển kinh tế biển của Việt Nam lâu nay vẫn dựa chủ yếu vào khai thác lợi thế tĩnh từ biển Đông. Đó là tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như thủy sản, dầu khí và nhiều loại khoáng sản khác...

Biển Việt Nam có hơn 2.000 loài cá, trong đó có gần 130 loài cá giá trị kinh tế cao và hàng trăm loài được đưa vào sách đỏ Việt Nam và thế giới, 1.600 loài giáp xác, 2.500 loài thân mềm, cho khai thác 45.000-50.000 tấn rong biển... Doanh số xuất khẩu thủy sản tăng liên tục qua các năm với mức tăng khoảng 15-20% năm. 

Chỉ trong 10 năm, thủy sản Việt Nam liên tục tăng trưởng với doanh số xuất khẩu tăng lên gấp 3 lần, từ 2 tỷ USD năm 2002 đến 6 tỷ USD năm 2011, hiện Việt Nam trở thành 1 trong 4 cường quốc đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.

Biển Việt Nam có trữ  lượng dầu khí lớn. Đã thăm dò chủ yếu các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, Hồng Ngọc, Rạng Đông, Bunga Kekwa - Cái Nước, Lan Tây... 1,2 tỷ m3 dầu, 2.800 tỷ m3 khí. Theo tính toán của các chuyên gia, tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu qui đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng 1.000 tỷ mét khối. 

Còn theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng, trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần.

Song theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu, việc tận dụng lợi thế tĩnh của Việt Nam chủ yếu vẫn theo hình thức khai thác tài nguyên thô, trình độ công nghệ thấp, chưa tạo được giá trị gia tăng lớn cho những ngành kinh tế từ biển. Khai thác hàng hải, cảng biển và du lịch nhìn chung vẫn ở trình độ thấp, sức cạnh tranh còn kém.

Trong khi việc khai thác lợi thế  tĩnh mới ở giai đoạn đầu thì việc tận dụng lợi thế vị trí địa-kinh tế và địa-chiến lược đặc biệt của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là chưa tận dụng lợi thế nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. 

Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới đều liên quan đến biển Đông và được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên.

Các nhà phân tích về  biển Đông của Việt Nam cho rằng, phát triển kinh tế biển của Việt Nam cần tận dụng được cả hai lợi thế này nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và vị thế của Việt Nam ngày một gia tăng. 

Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức gay gắt về khai thác tài nguyên và môi trường biển, về sự suy giảm các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển và bảo vệ biển, đảo....

Thách thức phải đối mặt

Ngoài Việt Nam, biển Đông được bao bọc bởi 8 nước khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. 

Với những lợi thế sẵn có của mình, biển Đông đang trở thành mục tiêu trong chiến lược “hướng ra biển” của nhiều quốc gia. Đã có những quan điểm bất đồng, những mâu thuẫn căng thẳng hay thậm chí là những tranh chấp về chủ quyền giữa những nước trong khu vực biển Đông, trong đó nổi lên là những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ngày 6/5/2009, Trung Quốc trình tấm bản đồ 9 đường gián đoạn (đường lưỡi bò) trên biển Đông lên Tổng thư ký Liên hợp quốc. Chỉ sau đó một ngày, tức ngày 7/5/2009, Việt Nam đã lên tiếng phản đổi, bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Trung Quốc có một số điều chỉnh chính sách theo hướng cứng rắn hơn trên thực địa, đặc biệt là tại biển Đông. Cùng với đó, 1-2 năm gần đây, người ta nhắc nhiều đến việc Mỹ quay trở lại khu vực và có một số điều chỉnh chính sách đối với vấn đề an toàn hàng hải và tranh chấp lãnh thổ khu vực. Một số nước ASEAN như Indonesia, Philippines cũng đã bắt đầu có những điều chỉnh chính sách nhất định.

Một sự kiện quan trọng được coi là mở ra những nguyên tắc cơ bản trong giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước đó là thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thỏa thuận này được ký kết trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc từ ngày 11-15/10/2011 theo lời mời của Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. 

Trên cơ sở đó, Việt Nam chủ trương giải quyết vấn đề trên biển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc thỏa thuận vừa được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ

(Trích phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 ngày 12/12/2011)

Chúng ta giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời từng bước giải quyết được nhiều vấn đề về biên giới trên bộ và trên biển với các nước có liên quan, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để quản lý biên giới, bảo vệ chủ quyền, mở rộng hợp tác quốc tế, góp phần củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực. 

Ta và Trung Quốc đã ký được hiệp định biên giới trên bộ và hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên bộ, ký hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, hiệp định nghề cá vịnh Bắc Bộ, thỏa thuận về tuần tra chung của hải quân hai nước, và mới đây đã ký thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển... 

Ta cũng đã ký thoả thuận song phương về hợp tác giải quyết vùng chồng lấn trên biển với từng nước Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tạo thuận lợi cho những chương trình hợp tác rộng lớn hơn ở biển Đông trong khuôn khổ các nước ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc. 

Chủ trương giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế

(Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu về quan điểm của Việt Nam trong giải quyết những tồn tại trên biển Đông tại Trung tâm Đông-Tây, Mỹ ngày 12/11)

Bất kỳ quốc gia nào, dù  lớn hay nhỏ, cũng đều có ý thức đầy đủ là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của mình. Việt Nam nói riêng và những thành viên ASEAN nói chung có liên quan đến biển Đông, hay bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, tôi nghĩ rằng cũng có suy nghĩ giống như chúng tôi.

Chúng tôi chủ trương giải quyết vấn đề biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Biển của Liên hiệp quốc năm 1982, và gần đây có một thỏa thuận quan trọng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN về những nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề biển Đông (DOC). Chúng tôi giải quyết các vấn đề tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông trên cơ sở hòa bình, hữu nghị, trên cơ sở luật quốc tế và thông qua đối thoại bằng ngoại giao.

Và chúng tôi luôn luôn tuyên bố phải đảm bảo an ninh hàng hải, tự do hàng hải quốc tế của bất cứ quốc gia nào đi qua vùng biển Đông. Đây không chỉ là luật quốc nội mà còn luật quốc tế, thông lệ quốc tế mà người ta đã thỏa thuận từ nhiều năm nay. 

Yêu cầu các bên giữ nguyên trạng

(Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII ngày 25/11)

Chúng ta đã làm chủ thực sự hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ít nhất là từ thế kỷ XVII, khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào. Năm 1956, Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc đó...

Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.

Đối với việc thực hiện chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, chủ trương của chúng ta là nghiêm túc thực hiện UNCLOS 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc thỏa thuận mới đây mà chúng ta đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể là chúng ta yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm, gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực này.

Đặng Hương - vneconomy.vn

Vấn đề Iran tạm thời 'hạ nhiệt'

Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây cho rằng nghị quyết trừng phạt dầu mỏ chống Iran sẽ là một bước đi không hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran.

"Gia tăng áp lực và áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Iran không phải là cách tiếp cận xây dựng đối với vấn đề", – thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao của Trung Quốc cho biết. 

Cơ quan này cũng nhấn mạnh, cần ủng hộ nghị quyết hòa bình giải quyết các tranh chấp phát sinh bằng quá trình đối thoại và kêu gọi hòa bình và ổn định ở khu vực.

Khá bất ngờ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ không có ý định tuân theo lệnh trừng phạt đơn phương của phương Tây chống lại Iran. "Hiển nhiên, nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới là văn bản mang tính pháp lý cao nhất, những biện pháp trừng phạt đơn phương khác không mang tính ràng buộc, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tiếp tục quan hệ kinh tế trong khuôn khổ luật pháp quốc tế", Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

“Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với Iran, và chúng tôi mong muốn những nỗ lực lớn đối với việc khôi phục đàm phán với Teheran theo mô hình “P5+1”. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục tìm kiếm cách giải quyết hòa bình cho vấn đề này”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.

Trước đó, hôm 23/1 các Bộ trưởng Ngoại giao của 27 quốc gia thành viên EU đã áp đặt lệnh cấm vận nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, cũng như cấm xuất khẩu các thiết bị và công nghệ hóa dầu sang Iran. 

Theo EU, mục đích việc áp đặt lệnh cấm vận mạnh tay nhằm ngăn cản Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó Teheran đã nhiều lần tuyên bố họ chỉ mong muốn phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Tuy nhiên trước khi các Bộ trưởng Ngoại giao EU nhóm họp, Iran tiến hành cuộc tập trận Hải quân quy mô. Trong quá trình tập trận Bộ tư lệnh Hải quân Iran tuyên bố, trong trường hợp áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Iran lực lượng này sẽ thực hiện đáp trả bằng việc phong tỏa eo biển Hormuz. 

Tuyên bố trên của các chỉ huy Hải quân Iran vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía Mỹ. Họ không dừng lại ở tuyên bố phản đối mà ngay lập tức điều các tàu chiến tới khu vực. Hiện tại nguồn cung cấp dầu mỏ chính của Mỹ là Arabia Saudi, vì vậy vịnh Ba Tư là một khu vực chiến lược đối với Wasington. 

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia Nga cho rằng việc áp đặt lệnh cấm vận đơn phương của EU chống Iran sẽ khó có thể gây ra thảm họa như nhiều người vẫn nghĩ. Và tuyên bố phong tỏa eo Hormouz không thể coi là lời tuyên chiến nếu xét trên bình diện cấp phát ngôn. Và thực tế cho đến lúc này mọi việc vẫn dừng lại ở đó. 

Theo ông Sergey Demidenko, chuyên gia của Viện đánh giá và phân tích chiến lược, ở thời điểm hiện tại khó có thể nói về “một cú đánh mạnh vào nền kinh tế Iran, bởi lẽ khách hàng chính và quan trọng nhất của Iran về dầu mỏ không phải là Liên minh châu Âu EU, mà là Trung Quốc và Nhật Bản”.

“Cho đến lúc này chưa có gì có thể coi là “bi kịch” đối với các bên liên quan. EU từ chối điều mà không cần thiết với họ, còn đối với Iran, em Hormuz không phải là một lỗ thủng mà họ muốn bịt lúc nào cũng được”, chuyên gia Sergey Demidenko nhấn mạnh.

Ông này cũng lưu ý, các nước EU chỉ tiêu thụ một lượng tương ứng khoảng ¼  lượng dầu mỏ mà Iran khai thác. Trong đó các nước Bắc Âu cũng như Anh, Pháp và Đức không mua dầu từ Iran. 

Mặt khác Tổng thống Iran Ahmadinejad hiếm khi cho thấy sự tháo vát trong các vấn đề kinh tế, vì vậy, "nếu chỉ trích trong nước gia tăng sẽ trở thành một yếu tố về lâu về dài tác động tới sự ổn định của chế độ".

"Nói về sự phong tỏa eo biển Hormuz là quá tùy tiện. Iran sẽ không vì mất một phần nguồn thu quốc gia mà thực hiện bước đi mạo hiểm", chuyên gia Sergey Demidenko bày tỏ ý kiến.

Cùng quan điểm này có giáo sư Vladimir Sazhin của Viện Phương đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga.

“Tôi hi vọng rằng Iran sẽ không tiến hành bước đi đó. Đã có những tín hiệu cho thấy điều này. Thứ nhất, giọng điệu của ban lãnh đạo Iran thời gian gần đây đã trở nên nhẹ nhàng hơn trên vấn đề eo Hormuz. Thứ hai, nhóm tàu sân bay Abraham Lincoln lặng lẽ đi qua eo biển Hormuz mà không có bất kỳ sự cố nào, mặc dù trước đó người Iran nói rằng họ sẽ không cho phép nhóm tàu nói trên đi qua eo biển này. Tôi nghĩ rằng Tehran hiểu được hậu quả của sự việc, và Mỹ cũng thể hiện những động thái hiếm thấy khi công bố việc giải cứu thuyền viên Iran bị hải tặc tấn công”, giáo sư Vladimir Sazhin phân tích. 

Theo ông, "nếu Iran chính thức tuyên bố phong tỏa eo Hormuz, đó sẽ là lời tuyên chiến với Mỹ và các nước vùng Vịnh Arab, điều này có nghĩa là bắt đầu một cuộc chiến tranh và phía Mỹ sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực mạnh để “mở” eo biển này. Theo giáo sư Sazhin, cuộc chiến tranh có thể sẽ dẫn đến một thảm họa to lớn về mặt xã hội chính trị, kinh tế và năng lượng.

Nói về các lệnh cấm vận dầu mỏ và biện pháp trừng phạt của EU, giáo sư Sazhin lưu ý rằng "đối với Iran, tất nhiên, đây không phải là “một đòn sinh tử”, nhưng sẽ rất nhạy cảm ... Iran có thể mất 18-24 tỷ USD/năm là một số lượng đáng kể. “Đây là một cảnh báo rất nghiêm trọng với Iran", giáo sư Vladimir Sazin nhấn mạnh.

Chuyên gia Sazhin cũng bày tỏ hy vọng rằng việc áp dụng lệnh trừng phạt mạnh mẽ này sẽ khiến Iran tiến hành một cuộc đối thoại xây dựng hơn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với nhóm "Bộ Sáu" và IAEA về vấn đề hạt nhân. Và ở Tehran đã có tiếng nói sẵn sàng đàm phán.

Về phần mình, Giám đốc Viện Trung Đông Yevgeny Satanovsky tin rằng các lệnh cấm vận dầu mỏ của EU không ngăn chặn được Iran phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng có thể tấn công vào các thành viên yếu nhất về mặt kinh tế của khu vực đồng Euro. 

"Liên minh châu Âu đã tự mình phải chấp nhận hy sinh rất lớn về kinh tế, nhưng đã có những biện pháp nghiêm túc để đảm bảo rằng Iran không có vũ khí hạt nhân. Iran thì chú ý quan sát mọi diễn biến, nhún vai, và lại tiếp tục cuộc chạy đua để có được một quả bom hạt nhân”, chuyên gia Yevgeny Satanovsky cho biết.

Theo ông,  trừng phạt của EU không phải là một thảm họa đối với Iran, bởi vì trong 6 tháng tới, các đối tác châu Âu của Iran vẫn mua dầu mỏ từ nước này. Và dù sau đó, Teheran có thể mất nguồn thu lớn, nhưng họ vẫn có các khách hàng lớn và quan trọng là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước này không chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm vận. Trong đó Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Teheran. 

Do vậy, lệnh cấm vận của EU chống Iran sẽ không trở thành một thảm họa. “Trong vòng một năm rưỡi tới Iran sẽ có vũ khí hạt nhân. Và châu Âu, đang được các chế độ quân chủ Arab ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, sẽ có một vài điều chỉnh phân phối lại các nguồn dầu. Cuối cùng, UAE, Arabia Saudi, Kuwait, Qatar sẽ cung cấp khí hóa lỏng và dầu mỏ cho châu Âu với số lượng bất kỳ”.
Nguồn BAODATVIET

Trung Quốc muốn có S-400 của Nga

Sau khi mua và sao chép thành công hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga, Trung Quốc lại ngỏ ý muốn có được cả S-400.
 Intenfax dẫn lời chuyên gia quân sự Vasily Kashin đến từ Trung tâm phân tích Công nghệ và Chiến lược của Nga cho biết, Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm của họ tới việc mua hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất của Nga S-400. Theo ông Kashin, Nga và Trung Quốc thậm chí đã thực hiện đàm phán về thỏa thuận này.

Một số quan chức quân sự Nga cho biết, cần nhiều thời gian để có thể tiến tới cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không mới S-400 Triumf tới các đối tác nước ngoài, trong đó có cả Trung Quốc. Theo đó, việc xuất khẩu hệ thống tên lửa phòng không S-400 sẽ được xúc tiến ngay sau khi nhu cầu phòng không quốc gia được đáp ứng. "Không chỉ có Trung Quốc mà còn có nhiều quốc gia khác đang quan tâm đến vũ khí hiện đại này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ ưu tiên cho các đơn đặt hàng quốc phòng và các chương trình vũ khí nhà nước", ông Kashin nói.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400.
Trong báo cáo năm 2011, Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Stockholm International Peace Research Institute - SIPRI) cho biết: Nga mong muốn cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-400, máy bay vận tải cỡ lớn Ilyushin Il-476 và các tiêm kích hạm Su-33 cho tàu sân bay Trung Quốc với giá cả hợp lý, bất chấp mối lo ngại việc Trung Quốc có thể sao chép công nghệ quân sự và cạnh tranh tiềm năng trên thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf do Tổ hợp công nghiệp quân sự Almaz-Antei nghiên cứu chế tạo để có thể bảo vệ các mục tiêu chính trị quan trọng, các trung tâm hành chính, kinh tế và các căn cứ quân sự trước các cuộc không kích, các loại bom, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, các tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa đạn đạo chiến thuật... từ trên không.

Tên lửa của hệ thống S-400 có thể phá hủy các mục tiêu trên không ở phạm vi lên tới 250 km và tấn công các tên lửa đạn đạo không chiến lược ở khoảng cách 60 km.

Đối với các mục tiêu như máy bay, UAV, trực thăng, bom..., tên lửa của hệ thống S-400 có thể tấn công phá hủy từ độ cao 10m đến 27 km. Phá hủy mục tiêu có tốc độ tối đa 4.800 m/giây và chỉ mất 5 phút để triển khai hệ thống.

Nguồn BAODATVIET

Báo Trung Quốc hô hào trừng phạt Philippines

Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng nước này nên áp đặt "các biện pháp trừng phạt" Philippines sau khi Manila đề nghị cho phép thêm lính Mỹ vào lãnh thổ trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông.

Bài xã luận trên Thời báo Hoàn cầu, vốn nổi tiếng với quan điểm dân tộc, cho rằng Bắc Kinh "phải đáp trả" động thái này của Manila bằng cách sử dụng "đòn bẩy của mình để cắt đứt các hoạt động kinh tế" giữa Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác, và Bắc Kinh cùng cần cân nhắc việc "làm nguội" các liên kết thương mại với nước láng giềng nhỏ hơn này. 
 
Bài xã luận viết: "Cần phải cho các nước láng giềng của Trung Quốc thấy rằng đối trọng với Trung Quốc bằng cách quay sang Mỹ không phải là lựa chọn tốt. Các biện pháp trừng phạt được cân nhắc kỹ đối với Philippines sẽ khiến họ phải suy nghĩ khi chọn mất đi một người bạn như Trung Quốc và trở thành đối tác hão của Mỹ."
 
Ngày 27/1, Philippines cho biết nước này có kế hoạch tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận chung và cho phép thêm lính Mỹ luân chuyển trên lãnh thổ quốc gia Đông Nam Á này - một đề nghị được Washington hoan nghênh khi đang nỗ lực mở rộng sức mạnh quân sự tại Châu Á. 
 
Bắc Kinh hiện chưa phản hồi chính thức đối với tuyên bố trên.
Theo VN+

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Nga ra mắt súng trường tấn công AK-12

Hãng chế tạo súng trường tấn công nổi tiếng Izhmash của Nga vừa mới chính thức giới thiệu loại súng trường tấn công thế hệ thứ năm mang tên AK-12. 
Trong chuyến tới thăm nhà máy sản xuất súng Izhmash của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin vào hôm 24/1, các quan chức của Izhmash đã giới thiệu mẫu cuối cùng của loại súng trường tấn công thế hệ thứ năm AK-12 đang được kỳ vọng sẽ đáp ứng toàn bộ các tiêu chí, yêu cầu của Quân đội Nga.
Mô hình thiết kế của AK-12.
Mô hình thiết kế của AK-12.
АК-12 được tích hợp gá lắp Picatinny để lắp thêm khí tài hỗ trợ tác chiến như: máy ngắm quang học, máy ngắm đêm, thiết bị đo xa, súng phóng lựu, đèn pin, thiết bị chỉ thị mục tiêu và thiết bị gắn thêm khác, cho phép sử dụng súng hiệu quả cả ngày lẫn đêm.

Súng được lắp báng rút với tấm ốp và đế báng có thể điều chỉnh về độ cao. Tay kéo lên đạn của АК-12 có thể lắp bên phải hoặc bên trái nên tiện lợi cho cả xạ thủ thuận tay phải và thuận tay trái.

Một điểm nữa là súng có 3 chế độ bắn: phát một, điểm xạ 3 viên một và liên thanh


Theo ông Max Popenker, đại diện của nhà máy Izhmash cho biết, có hai mẫu súng AK-12 được sản xuất. Một mẫu hạng nhẹ sử dụng các loại đạn 5.45x39mm, 5.56x45mm và 7.62x39mm sử dụng hộp tiếp đạn  60 viên và một mẫu AK-12 hạng nặng sử dụng đạn 7,62x51mm. 

Tư lệnh Lục quân Nga, Thượng tướng Alexander Postnikov cùng với Phó thủ tướng Rogozin và Tổng công trình sư nhà máy Izhmash Vladimir Ivanov tham quan một số loại súng trường tấn công AK hiện đại khác. 

AK-12 được phát triển cải thiện được các tham số của súng để thích nghi với các điều kiện tác chiến hiện đại mà vẫn giữ được các đặc tính độc đáo của súng AK là kết cấu đơn giản, độ tin cậy cao, độ bền, và giá thành sản xuất khá thấp.

AK-12 vẫn giữ thiết kế kinh điển từ mẫu AK-47, cho phép chế tạo một loại súng có cấu tạo đơn giản nhưng có khả năng lắp các cơ cấu trên nòng mạnh và hộp tiếp đạn dung lượng lớn.

Súng mới có kiểu dáng tốt hơn: các cơ cấu điều khiển chủ yếu của súng (khóa an toàn, cần gạt chế độ bắn, chốt hộp tiếp đạn, cơ cấu chế động khóa nòng) đều có thể sử dụng bằng một tay giữ súng. Trong ảnh là Tổng giám đốc Izhmash MaximKuzyuk (trái), Tổng công trình sư Vladimir Zlobin (giữa) và Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin. 


Ông Dmitry Rogozin đang cầm một khẩu súng AK-Su. 


Cơ cấu lắp trên nòng được thay đổi để cho phép bắn đạn lựu bằng nòng súng do nước ngoài sản xuất. Hiện Izhmash phát triển cho АК-12 các loại hộp tiếp đạn mới: dạng hộp chứa 30 viên và 60 viên, dạng trống chứa 95 viên đạn.

Để nâng cao hiệu quả bắn phát một, АК-12 được lắp máy ngắm cơ khí mới với đường ngắm dài hơn, cũng như nòng súng được chế tạo với độ chính xác cao hơn. 

Để tăng độ chụm bắn tự động, các đặc tính động học hoạt động của máy tự động  và hình dáng của báng được thay đổi (giảm lực giật hậu lên vai). Ảnh súng AK-12.

Nguồn BAODATVIET

F-14 của Iran gặp nạn, 2 phi công thiệt mạng

Mới đây, một chiếc máy bay chiến đấu F-14 của Iran đã bị rơi tại tỉnh Bushehr, miền Nam nước này khiến 2 phi công trên máy bay thiệt mạng.
Theo thông tin tiết lộ, máy bay F-14 gặp nạn và bị rơi lúc 4h sáng (giờ địa phương) tại Bandar-e-Bushehr, thủ phủ tỉnh Bushehr, nơi xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên của Iran. Nguyên nhân máy bay rơi bước đầu được xác định là do lỗi kỹ thuật. 
F-14 của Không quân Iran.
F-14 là máy báy chiến đấu do Mỹ sản xuất và bị Quân đội Mỹ loại khỏi biên chế năm 2006. Iran chỉ là một trong số ít quốc gia vẫn sử dụng loại máy bay chiến đấu này.

Tháng 1/2007, Lầu Năm Góc tuyên bố, ngừng bán tất cả các chi tiết kỹ thuật liên quan đến loại máy bay này vì lo ngại rơi vào tay Iran.

F-14 được Iran mua nhiều từ Mỹ trong những những năm 1970. Thời điểm đó, Mỹ coi Iran là một đồng minh tại khu vực Trung Đông. 

Tuy nhiên, năm 1979, sau sự kiện nhân viên sứ quan Mỹ tại Iran bị bắt làm con tin, Mỹ đã đơn phương cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.

F-14 là loại máy bay chiến đấu được quân đội Mỹ sử dụng nhiều trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh với Liên Xô. Đây là máy bay ném boom tầm xa, được thiết kế 2 chỗ ngồi, tốc độ bay đạt 1443km/h, có khả năng theo dõi mục tiêu từ xa và loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3 của Mỹ.

Nguồn BAODATVIET

Một số công nghệ quân sự nổi bật năm 2011


Năm 2011 ghi nhận nhiều bước tiến của công nghệ quân sự, điển hình là công nghệ ngụy trang, điều khiển học, tin học và tăng cường hỏa lực cho vũ khí, trang bị.
Công nghệ ngụy trang
Ngoài xu hướng truyền thống, trong năm 2011, các nhà khoa học còn tìm cách chế tạo vũ khí tàng hình ngay cả với giác quan của con người. Cuộc trình diễn của Su T-50 tại triển lãm MAKS 2011 là điểm nhấn của cuộc đua tàng hình. Su T-50 được ứng dụng kỹ thuật tàng hình chủ động với công nghệ plasma. Theo đó, lớp vỏ của máy bay sẽ được “bọc” trong lớp không khí ion hóa để giảm tiết diện phản xạ ra-đa. Nhà thiết kế Sukhoi ứng dụng công nghệ ngụy trang điện tử cho T-50 bằng việc chụp ảnh bề mặt của nó và môi trường xung quanh theo thời gian thực. Một máy tính trong máy bay sẽ xử lý các dữ liệu này và xuất tín hiệu hình ảnh chiếu lên bề mặt máy bay để giúp nó “hòa” vào bầu trời.
Máy bay ném bom tàng hình không người lái X-47B.
Đối với hải quân, công nghệ tàng hình cũng tạo được sự chú ý khi Mỹ chính thức khởi công đóng chiếc tàu đầu tiên thuộc lớp DDG-1000 được cho có khả năng “biến mất” hoàn hảo hơn. DDG-1000 thiết kế với phần mũi ngược, cấu trúc thượng tầng dạng hình học đặc biệt giúp giảm 40% diện tích phản xạ ra-đa so với khu trục lớp Arleigh Burke.
Đặc biệt nhất phải kể đến xe tăng hạng nhẹ CV90 của Anh được bọc áo tàng hình mang tên Adaptiv. Thực chất, công nghệ này dùng một máy bay chụp phong cảnh nền xung quanh xe, cung cấp dữ liệu hình ảnh để vỏ xe biến đổi theo môi trường xung quanh. Nó còn có thể "bắt chước" hình ảnh một chiếc xe khác.
Công nghệ điều khiển học và tin học
Trung Quốc bắt đầu những chuyến bay thử nghiệm UAV tầm xa HQ-4 với thiết kế độc đáo, kết hợp kiểu cánh truyền thống và cánh đuôi ngược dài. Trước đó, I-xra-en hoàn thành chương trình thử nghiệm UAV trinh sát tầm xa Eitan có kích thước “khổng lồ”. Eitan có thể hoạt động liên tục trên không 36 giờ, ở độ cao 13.000km. Theo nhà sản xuất, các hệ thống phòng không, thậm chí là S-300, không thể phát hiện được hoạt động của máy bay UAV loại này.
Tại triển lãm hàng không MAKS 2011, Tập đoàn Vega (Nga) giới thiệu UAV Lutch có trọng lượng 800kg, tốc độ đạt 270km/h, bay liên tục trên không 18 giờ. Lutch không chỉ có nhiệm vụ do thám, mà còn mang được vũ khí để thực hiện tấn công mục tiêu trong trường hợp cần thiết.
UAV tiêu biểu nhất của năm 2011 là máy bay ném bom tàng hình không người lái X-47B. UAV này có kiểu dáng tương tự máy bay ném bom chiến lược B-2, nhưng kích thước nhỏ hơn. Nó được trang bị động cơ phản lực cho phép hoạt động liên tục trên không 6 giờ liên tục, tầm bay gần 4.000km. X-47B thiết kế với khoang trong thân chứa khí tài trinh sát, tên lửa, bom có điều khiển. Đây là loại UAV vũ trang duy nhất hiện nay trên thế giới có khả năng cất hạ cánh trên tàu sân bay.
Năm 2011 cũng đánh dấu những nét mới của hình thái chiến tranh mạng. Nhiều trang mạng của Bộ Quốc phòng các nước, các tập đoàn công nghiệp quân sự trên thế giới bị đánh cắp thông tin.
Giữa năm 2011, đại diện Tập đoàn Lockheed Martin tuyên bố, mạng máy tính công ty bị hacker tấn công trên quy mô lớn. Không lâu sau, công ty Mitsubishi Heavy Industry-nhà thầu quốc phòng lớn nhất Nhật Bản bị nhóm tin tặc tổ chức tấn công kiểm soát 80 máy tính. Ở Hàn Quốc, hàng chục trang web của chính phủ, văn phòng Tổng thống, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Tình báo bị tấn công, khiến trang mạng tê liệt.
Trước tình hình đó, các nước đẩy mạnh việc thành lập đơn vị tác chiến mạng. Nga đang thử nghiệm hệ thống phòng thủ mạng đảm bảo khả năng chống lại tất cả những cuộc tấn công của hacker. NATO cũng lên kế hoạch lập đơn vị phản ứng nhanh mang tên Cyber Red Team. Thậm chí, Mỹ còn tuyên bố dùng đòn phóng tên lửa chính xác đến bất cứ nơi đâu trên Trái đất để trừng phạt hacker.
Bước tiến về hỏa lực
Vũ khí được báo chí nhắc đến nhiều trong năm 2011 là tên lửa siêu âm Brahmos do Ấn Độ-Nga hợp tác phát triển. Nguyên mẫu của Brahmos là tên lửa Yakhont, được thiết kế để diệt chiến hạm trong phạm vi 300km. Ngày 28-11-2011, Ấn Độ đã thử nghiệm Brahmos thành công với tốc độ lên tới Mach 6,5. Đây có thể coi là một bước tiến mới trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu âm.
Cũng trong xu hướng tăng tốc tấn công, Mỹ tiếp tục theo đuổi tham vọng “đòn tấn công nhanh toàn cầu”, vươn tới bất kỳ ở đâu trên thế giới trong thời gian nhanh nhất. Năm 2011, Mỹ thử nghiệm vũ khí HTV-2 nhưng chưa thành công và tiếp tục phát triển, thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh AHW vào giữa tháng 11-2011. Tại triển lãm Hàng không quốc tế Le Bourget (Pháp), hãng Raytheon của Mỹ còn giới thiệu loại tên lửa mới sử dụng sóng vi-ba gây hại cho các thiết bị điện tử thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không, hệ thống thông tin liên lạc của các sở chỉ huy, các trung tâm do thám đặt tại khu đông dân cũng như các thiết bị cảm ứng trên máy bay của đối phương.
Boeing và BAE System đã cho ra đời hệ thống la-de chiến thuật Mk38 Mod 2 dùng trong Hải quân Mỹ. Đây là loại pháo được điều khiển từ xa, sử dụng nòng M242 Bushmaster 25mm với tầm bắn 2,5 km và tốc độ bắn là 168 phát/phút. Việc sử dụng vũ khí la-de giúp tăng độ chính xác khi ngắm bắn. Mức năng lượng có thể điều chỉnh tùy thuộc vào mục tiêu.
Nguồn BAOQUANDOINHANDAN

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang