Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Cập nhật Biển Đông II

Mỹ và Nga tăng cường hiện diện tại biển Đông Nam Á, trong khi “quyền lực mềm” Trung Quốc bị suy yếu.
XEM THÊM:
>> Cập nhật Biển Đông I
Năm 2012 chứng kiến những nỗ lực của các nước lớn tăng cường hiện diện hải quân tại châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông Nam Á. Đồng thời, giới quan sát cho rằng các hành động của Trung Quốc trong năm 2011 đã khiến thiện chí của Bắc Kinh bị nghi ngờ và “quyền lực mềm” Trung Quốc bị suy yếu.
Mỹ-Philippines kế hoạch tập trận gần khu vực tranh chấp Biển Đông
Lực lượng lính thủy đánh bộ của Mỹ và Philippines có kế hoạch tập trận chung tại một giàn khoan dầu trên Biển Đông nhằm tăng cường khả năng phòng vệ cho các cơ sở nhạy cảm như vậy. Động thái táo bạo đó khiến Trung Quốc phản đối mạnh mẽ do Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển nằm trong hoặc gần khu vực này.
Trung tướng Juancho Sabban, Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Tây của Quân đội Philippines, ngày 19/1 cho biết cuộc tập trận sẽ được tổ chức vào tháng 3 hoặc tháng 4 ở ngoài khơi tỉnh miền Tây Palawan và sẽ không khiến Trung Quốc lo ngại vì nó diễn ra bên trong lãnh hải Philippines. Cũng theo ông Sabban, tham gia cuộc tập trận có lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đang huấn luyện cho các đối tác Philippines khả năng bảo vệ và tái chiếm các giàn khoan dầu khí trong trường hợp như bị khủng bố chiếm giữ. Các nhà tổ chức của quân đội Mỹ và Philippines đều không coi Trung Quốc như một mục tiêu ảo khi họ lên kế hoạch tiến hành cuộc tập trận này.
Đây là một phần trong cuộc tập trận chung thường niên của hai đồng minh quân sự lâu năm này nhằm nâng cao khả năng cho các lực lượng hai nước trong việc ứng phó với những hiểm họa, như khủng bố, cướp biển, buôn lậu hoặc đối phó với thiên tai.
Trung Quốc lên tiếng phản đối kế hoạch tập trận nêu trên. Tân Hoa Xã ngày 23/1 nhận xét kế hoạch tập trận chung này làm “nảy sinh các câu hỏi về ý định thực sự” của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.
Tân Hoa xã viết: “Từ khi Mỹ thông báo về việc quay trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương một cách ầm ĩ hồi năm ngoái và đưa ra chiến lược quốc phòng mới hôm 5/1 vừa qua, các nước trong khu vực đã băn khoăn về ý nghĩa thực sự của các động thái này... Với kế hoạch tập trận chung nói trên, Mỹ cũng có thể trở thành nguồn gốc gây bất ổn trong khu vực nếu phô trương quyền lực không đúng chỗ”.
Tân Hoa xã cho rằng mục tiêu của các cuộc tập trận chung là không rõ ràng, nhấn mạnh: “Mỹ là cường quốc ở bên ngoài khu vực, cần hợp tác với tất cả các bên liên quan để ngăn chặn căng thẳng leo thang, chứ không nên hỗ trợ một bên riêng lẻ. Thay vì trang bị vũ khí cho Philippines và gây thêm căng thẳng, Mỹ cần tìm cách kiềm chế các hoạt động và quyết định khiêu khích của nước mà Mỹ cho là đồng minh. Cho tới nay, hành động của Washington đã không đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người trên thế giới”.
Mỹ triển khai tàu chiến hiện đại tại Singapore
Nhật báo Lianhe Zaobao (Singapore) ngày 21/1 dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Singapore cho biết Washington có thể triển khai thêm 3 tàu chiến hoạt động ven biển tới Singapore, sau khi chiếc tàu đầu tiên kiểu này sẽ tới Singapore cuối năm nay. Thời điểm triển khai cụ thể còn phụ thuộc vào tiến độ đóng tàu.
Chiến hạm USS Independence của Mỹ
Báo trên dẫn lời Đại sứ Mỹ cho biết Mỹ sẽ triển khai các tàu chiến loại mới này tới Singapore và việc gọi đó là “căn cứ” hay “trạm” là không chính xác. Sẽ không có thủy thủ đóng thường trực tại Singapore, nhưng sẽ có những cơ sở cho các tàu chiến trên.
Các tàu chiến ven bờ mới là loại tàu đa chức năng cỡ nhỏ mới của Mỹ. Loại tàu này bắt đầu được chuyển giao cho hải quân Mỹ trong vài năm qua. Tàu có chiều dài 127,4 m và tải trọng 2.784 tấn.
Singapore có vị trí chiến lược như một yết hầu trên Eo biển Malacca, một trong những tuyến đường biển vận tải hàng hóa quan trọng nhất thế giới, cung cấp cả dầu mỏ cho Đông Á. Đại sứ Mỹ cho rằng, Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương và bất luận kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây như thế nào, chính sách hiện nay của nước này với châu Á cũng sẽ không thay đổi trong khoảng thời gian khá dài.
Trong các tàu lớp hạm nổi (tàng hình) của Mỹ, chiến hạm USS Independence là mẫu tàu chiến mang đặc trưng tác chiến ven bờ (LCS) lớp Independence của hải quân Mỹ. Đây là chiến hạm thứ sáu của quân đội Mỹ được đặt tên theo khái niệm Independence. Mỗi tàu mang theo 3 máy bay trực thăng, lực lượng đặc nhiệm và lực lượng thiết giáp, có thể bước vào thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bất cứ lúc nào.
Ngày 21/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định Hải quân Mỹ sẽ vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của các tàu sân bay bất chấp ngân sách quốc phòng bị cắt giảm 487 tỷ USD trong một thập kỷ tới. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết việc duy trì hoạt động của tất cả 11 tàu sân bay, mỗi tàu có gần 80 máy bay và máy bay lên thẳng, là “chìa khóa” đối với kế hoạch của quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương và Trung Đông.
Báo Trung Quốc cho biết hạm đội nổi có trang bị tàu chiến tàng hình tốc độ cao thế hệ mới USS Independence LCS2 sẽ được Mỹ điều động đến Biển Đông nhằm đối trọng với lực lượng quân sự của Trung Quốc. Nhật báo Tinh Đảo (Hồng Kông) cho rằng, trong thời điểm tranh chấp chủ quyền Biển Đông trầm trọng, tại vùng biển giữa Hồng Kông và Singapore, Mỹ triển khai một đoàn tàu chiến tàng hình tốc độ cao thế hệ mới (hạm đội tàng hình), phản ánh Mỹ muốn phô trương sức mạnh, tiếp tục can thiệp vào tranh chấp chủ quyền Biển Đông, ý đồ cảnh báo nhà cầm quyền Bắc Kinh là khá mạnh.
Nga-Indonesia tập trận chung
Người phát ngôn Hải quân Indonesia cho biết Hải quân Indonesia và Nga tiến hành tập trận chung trong khoảng thời gian từ 19-22/1. Tham gia cuộc tập trận lần này, Hải quân Nga đã điều ba tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, gồm tàu khu trục Đô đốc Panteleev được trang bị vũ khí chống tàu ngầm, tàu cứu hộ Fotiy Krylov và tàu chở dầu Boris Butoma. Các tàu này đã cập cảng Tanjung Perak ở Surabaya, tỉnh Đông Java của Indonesia hôm 19/1.
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, năm 2011, định hướng châu Á trong chính sách đối ngoại của Nga đã được củng cố rõ rệt. Tổng kết công tác của cơ quan đối ngoại Liên bang Nga trong năm vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh trong năm 2012, Nga sẽ tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực trong khuôn khổ của BRICS, phát triển quan hệ với các quốc gia hàng đầu của châu Á.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng khẳng định Nga vẫn tiếp tục củng cố vị trí của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông nói: “Chúng tôi dành sự quan tâm đặc biệt cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc và Ấn Độ, củng cố sâu sắc hơn sự hợp tác nhiều mặt với Nhật Bản, Hàn Quốc, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng với các nước này hình thành liên minh công nghệ và đầu tư. Từ năm 2011, Nga và Mỹ đã chính thức tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Ông Lavrov cho rằng việc tăng cường và mở rộng những liên hệ cùng có lợi giữa Nga và các đối tác sẽ tạo điều kiện để tiến hành thành công Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của APEC vào tháng 9/2012 tại Vladivostok (Nga).
Đô đốc Penteleev của Nga
“Quyền lực mềm” của Trung Quốc bị suy yếu
Một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Gadjah Mada (Indonesia), viết trên báo Bưu điện Jakarta, cho rằng khi xem xét sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực và các mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN thời kỳ hậu chiến tranh lạnh có thể thấy Đông Nam Á đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng khu vực này muốn có một thế lực làm đối trọng với Trung Quốc. Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) 2011 tại Bali đã cho thấy sự tham gia tích cực của Mỹ và phản ứng tích cực của các nước Đông Nam Á đối với sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Có hai yếu tố thúc đẩy Mỹ tái can dự vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng. Một là, sự thay đổi trong các biện pháp của Trung Quốc đối với Đông Nam Á làm gia tăng những căng thẳng trong khu vực. Về mặt lịch sử, khu vực Đông Á (bao gồm cả Đông Nam Á) có một đặc trưng nổi bật là nghi ngờ và thiếu tin cậy lẫn nhau. Hành động của một nước thường tạo ra những cách nhìn nhận khác nhau từ các nước khác, thậm chí có thể dẫn đến một tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh. Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn bởi một số tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết. Từ cuối năm 2007, cách cư xử nước lớn của Trung Quốc thể hiện ngày một rõ với sự cố va chạm trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản năm 2010, sự kiện tàu Bình Minh của Việt Nam năm 2011. Sự thay đổi trong hành động của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực cho thấy những tham vọng mạnh mẽ của nước này. Thái độ bất chấp ngày một gia tăng này của Trung Quốc đã khiến các nước khác không có sự lựa chọn nào khác là cần sự tham gia của Mỹ để làm đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc và tìm kiếm các phương pháp tiếp cận rộng rãi hơn trong khuôn khổ các tổ chức đa phương. Hai là, quan hệ giữa các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, cường quốc số một thế giới và cường quốc đang nổi lên. Rõ ràng là, Mỹ đã dành ưu tiên cho sự trở lại và gia tăng hiện diện trong khu vực, trong đó có việc tăng cường quan hệ với ASEAN cũng như các thành viên ASEAN.
Theo tác giả, Trung Quốc phải tìm cho mình một đối sách thích hợp. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Bắc Kinh cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh và độ tin cậy làm cơ sở cho sức mạnh toàn diện của mình. Trong thực tế, Trung Quốc đã phấn đấu để tạo dựng uy tín như một đối tác có trách nhiệm ở cấp độ quốc tế, và điều này được thể hiện rõ qua sự tham gia của Trung Quốc trong ASEAN +3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và ARF (Diễn đàn Khu vực ASEAN).
Tuy nhiên, những gì diễn ra ở Biển Đông trong thời gian gần đây cho thấy Trung Quốc bắt đầu bị nghi ngờ. Mặc dù Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí về tầm quan trọng của biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp Biển Đông, song Bắc Kinh đã liên tục thay đổi hành động. Các biện pháp quân sự, như đã xảy ra với tàu Bình Minh của Việt Nam, đã thổi bùng nhận thức về “mối đe dọa Trung Quốc” trong các quốc gia Đông Nam Á. Do đó, sự tín nhiệm quốc tế và “quyền lực mềm” của Trung Quốc nhanh chóng suy yếu. Chính Trung Quốc không thể phủ nhận rằng dư âm của những hành vi sai trái sẽ có hại cho sức mạnh của Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với hai việc, phản ứng với sự trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ và kiểm soát cách hành xử của mình để đảm bảo sự ổn định và hợp tác khu vực. Bất cứ tính toán nhầm nào làm cho căng thẳng trong khu vực gia tăng đều bất lợi cho Trung Quốc.
Tại Trung Quốc hiện có những chỉ trích rằng, Chính phủ Bắc Kinh còn thụ động, phản ứng “yếu và chậm” trước sự thay đổi chiến lược của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có thể Trung Quốc hiện đang trong thời kỳ “giấu mình chờ thời” giống như Đặng Tiểu Bình từng nói. Trong tương lai, quan hệ tay ba Mỹ-ASEAN-Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Do đó, thách thức cơ bản đối với khu vực này là tìm kiếm sự cân bằng giữa các nhân tố cạnh tranh và xử lý căng thẳng giữa các nước.
Nhật Nam (Theo các nguồn tin nước ngoài



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang