Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Đáp án nào cho khủng hoảng phương Tây-Iran?

Cuộc khủng hoảng kéo dài giữa Iran và phương Tây dường như đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Cuộc tập trận của quân đội Iran gần Eo biển Hormuz hồi tháng 12 đã làm gia tăng căng thẳng.
Một loạt sự kiện - công tác chuẩn bị cho các đòn trừng phạt tăng cường của Mỹ và phương Tây nhằm vào Iran, việc Tehran cảnh báo một tàu sân bay Mỹ hãy ở ngoài Vùng Vịnh, bản án tử hình dành cho gián điệp mang hai quốc tịch Mỹ-Iran, và vụ ám sát một nhà khoa học hạt nhân nữa của Iran - đã làm tăng kịch tính và cảm giác rằng theo một cách nào đó, cuộc khủng hoảng này đang đến hồi nguy kịch.




"Đường xoắn ốc"
Thông báo của Iran trong tuần rằng nước này đã bắt đầu làm giàu uranium tại cơ sở Fordo gần Qom xác nhận thực tế chính quyền ở Tehran đã quyết định đẩy mạnh chương trình hạt nhân của nước này - tâm điểm bất đồng giữa nước Cộng hòa Hồi giáo và phương Tây. 
Thảo luận về hành động quân sự tiềm tàng đã chuyển từ khả năng Mỹ hoặc Israel oanh kích cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran sang khả năng một cuộc chiến nghiêm trọng trên biển ở Vùng Vịnh nếu Iran vẫn quyết đóng cửa Eo biển Hormuz trong khi phía Mỹ nỗ lực tái xác nhận quyền tự do lưu thông qua đây.


Câu chuyện về mối quan hệ sóng gió của Iran với phương Tây được mô tả tốt nhất bởi điểm giao phức tạp của hai lịch trình - một mặt là sự áp đặt các lệnh cấm vận kinh tế gắt gao hơn bao giờ hết còn mặt kia là tiến bộ của Iran trong nỗ lực nghiên cứu hạt nhân của nước này.


Nhìn chung, các điểm khủng hoảng thường hiện ra khi các đòn trừng phạt mới được xem xét và trường hợp hiện tại không phải là ngoại lệ. 


Paul Pillar, một chuyên gia kỳ cựu về tình báo Mỹ tại Đại học Georgetown, đưa ra một suy luận khác. Ông ví căng thẳng giữa Iran và Mỹ như "một đường xoắn ốc, trong đó mỗi vụ việc mới sẽ càng tăng thêm thù nghịch và sự thù địch này lại khích lệ những hành động đối địch từ phía kia". 


"Đây là một trường hợp thù địch kinh điển mà lại sinh ra thù địch hơn nữa", ông nhận xét.


Mỹ hiện đang chuẩn bị cho loạt biện pháp chế tài mới nhằm vào ngân hàng trung ương Iran và Liên minh châu Âu đang hướng tới kiềm chế mạnh mẽ các hoạt động nhập khẩu dầu lửa từ Iran.


Washington cũng đang cố gắng gia tăng ảnh hưởng của các lệnh cấm vận bằng cách thuyết phục các khách hàng chủ chốt của Iran ở Viễn Đông hãy giảm bớt quan hệ của họ với Tehran.


Trung Quốc có thể không muốn tham gia nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc có lẽ sẽ dễ chiều theo ý Mỹ. 


Với tất cả các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Iran đang bắt đầu cảm nhận được "đau đớn" từ các lệnh cấm vận, có thể thấy rõ mọi sự đang trở nên căng thẳng. 


Mối đe dọa của Iran về việc đóng cửa Eo biển Hormuz rõ ràng là một nỗ lực nhằm cảnh báo phương tây rằng sự áp đặt các lệnh cấm vận tăng cường có thể cũng sẽ tác động đến chính các nền kinh tế phương Tây. 


"Các lệnh cấm vận phát huy tác dụng"  
Nói theo cách khách, Iran có thể áp đặt "các đòn trừng phạt" của riêng mình.


Paul Pillar cho rằng, ở những hoàn cảnh hiện tại thì ít có khả năng có một điểm rẽ thực sự trong cuộc khủng hoảng này. Iran rõ ràng đang cảm thấy khó khăn từ các lệnh cấm vận nhưng đây không phải là điểm rẽ chừng nào Iran không còn chỗ để xoay xở".


"Các kênh ngoại giao để tìm ra những cách thức mà trong đó một chương trình hạt nhân hòa bình của Iran có thể tiếp tục trong sự bảo vệ đầy đủ vẫn chưa được thăm dò. Lãnh đạo Iran có thể tin rằng mục tiêu thực sự của phương Tây và đặc biệt là Mỹ có thể là sự thay đổi chế độ ở Tehran, chứ không phải là một thỏa thuận", ông Pillar nói. "Phương Tây cho người Iran rất ít lý do để nghĩ khác".

Tất nhiên, có một lịch trình thứ 3 hoạt động vào thời điểm này mà đang có ảnh hưởng đến các sự kiện kể trên. Đó là tiến trình bầu cử tổng thống Mỹ.

Cuộc chạy đua giành chức ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa đang diễn ra và mức độ mà Iran được nhắc đến trong các tuyên bố của các ứng viên tương lai là rất đáng chú ý.


"Chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ là một yếu tố quan trọng góp phần vào những căng thẳng hiện tại với Iran", ông Pillar lập luận. "Hầu hết các ứng viên đều cố gắng vượt qua đối thủ bằng việc tỏ ra hiếu chiến về Iran. Tehran sẽ hiểu điều này như một dấu hiệu nữa cho thấy Mỹ cực kỳ thù địch và cơ hội để đạt các thỏa thuận là rất nhỏ".

Tất cả những điều đó khá là phức tạp vì cuộc khủng hoảng hiện nay đang được Tổng thống Obama theo dõi sát sao và là một kết quả trực tiếp của vòng cấm vận nặng nề hơn mà ông đang đề xuất.


Các ý kiến mơ hồ về một sự cởi mở với Tehran đã bị quên lãng từ lâu. Chính quyền Obama cũng không chậm trễ trong việc cảnh báo Iran rằng Hải quân Mỹ sẽ hành động để giữ cho Eo biển Hormuz lưu thông.


Theo chiều hướng đó, ông Obama đang tiến gần tới bờ vực xung đột với Iran hơn bất cứ chính quyền Mỹ nào trước đó. 

Những thù địch có thể tránh được đến lúc này nhưng đối với nhiều chuyên gia và học giả Mỹ, dường như đang có một cảm giác bi quan gia tăng - một ý nghĩ rằng Mỹ và Iran sẽ dùng vũ lực với nhau ở một điểm nào đó.

Và đó là một tình huống cực kỳ nguy hiểm để mà lao vào, vì những trông đợi có thể đóng một vai trò quan trọng đối với cách thức các sự kiện xảy ra. 

(Theo BBC)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang