Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Địa chính trị thế giới trước ngưỡng cửa 2012

Liên tục mấy chục năm gần đây, cứ năm đầu của mỗi thập kỷ lại có những sự kiện bùng nổ, lan rộng, để lại ảnh hưởng sâu xa cho nhiều năm tiếp theo.

Năm 1961, phi công Xô Viết Gagarin bay vào vũ trụ, mở ra kỷ nguyên mới chinh phục không gian bao la. Năm 1971, có bước đột phá trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Năm 1991, ghi nhận sự biến động địa chính trị lớn chưa từng có sau hàng chục năm Chiến tranh Lạnh. Năm 2001, chứng kiến vụ khủng bố tận Washington DC và New York, trung tâm chính trị và kinh tế của Mỹ. Năm 2011 cũng có hàng loạt biến động trên khắp địa cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến năm 2012 và những năm sau.

Một số chuyên gia cho rằng, dường như các mâu thuẫn của thế giới tích tụ trong suốt một giai đoạn lại "bùng phát" vào một thời điểm đầu thập kỷ, tạo "dấu ấn" cũng như "nhắc nhở" cộng đồng quốc tế phải chung tay tìm ra lời giải cho những vấn đề ảnh hưởng tới sự phát triển chung của nhân loại.

Trung Đông - Bắc Phi tiếp tục là điểm nóng thế giới với những bài toán dang dở?
1. Mùa gì sắp tới ở Bắc Phi – Trung Đông? Ít ai dự đoán được suốt từ đầu năm đến cuối năm 2011, nơi xung yếu nhất của thế giới, có 3 lục địa “già” tiếp giáp Á – Âu – Phi là Bắc Phi – Trung Đông lại bước vào quỹ đạo biến động với từng nước và cả khu vực. Sóng chấn động chưa dừng và tác động nhiều sâu chưa hết kích cỡ. 

Ở mỗi nước, người đứng đầu có thay đổi, nhưng những “cải cách” chính trị - xã hội mới chỉ là màn dạo đầu. Càng không thể tách rời nội tình mỗi quốc gia Bắc Phi – Trung Đông với sự “can dự” qui mô khác nhau của các cường quốc, thậm chí với một vài nước, ảnh hưởng từ bên ngoài rất lớn. 

Mở đầu từ Tunisia, lan sang Algeri, Ai Cập và “tạm dừng” ở Libya trên phần Bắc Phi. Nhưng những ngày cuối tháng 11/2011, quê hương của các Pharaoh vẫn không yên tĩnh sau cuộc bầu cử ngày 28/11, cuộc bầu cử đầu tiên không bị đảng cầm quyền chi phối kể từ 1923. 

Nhưng kịch bản với Bắc Phi không thể lặp lại cho Trung Đông. Sức mạnh quân sự bên ngoài góp phần cơ bản lật đổ chế độ của đại tá Gaddafi nhưng ở Syria lại khác. Vì vậy, khi sử dụng bao vây, cấm vận bằng kinh tế như Liên đoàn Arab bắt đầu triển khai, kết cục không rõ ràng, nếu không nói là “con dao hai lưỡi”. 

Nếu như ngày 14/1/2011, Tổng thống Tunisia Ben Ali buộc phải từ chức, rồi nhiều nhà lãnh đạo Bắc Phi ra đi hoặc tị nạn thì ở Syria, các bên đang tìm phương kế khác. Suy đến cùng chính là tương quan lực lượng và nghệ thuật sử dụng. 

Bên cạnh cuộc khủng hoảng ở nhiều nước, để tìm cho hướng đi tới còn gian nan, Bắc Phi – Trung Đông đã xuất hiện những nhân tố tích cực, đấy là người dân ý thức được vai trò của mình hơn, hiểu được cái giá của độc lập cho đất nước. Một điểm sáng khác là Palestine đang đòi quyền độc lập như bất cứ quốc gia nào khác. 

EU, "quả bom nổ chậm" của kinh tế thế giới?
2. EU phủ bóng tối lên kinh tế toàn cầu 
Hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa họp tháng 11/2011 để cứu vãn nền kinh tế của một trong những chiếc nôi văn minh nhân loại, nơi phát sinh ngọn lửa thể thao Olympic: quốc gia Hy Lạp. Kinh tế Italy, Pháp đối đầu với khó khăn. Trước đó, các nước Ireland, Hungary đều vật vã. Kinh tế Bồ Đào Nha ở giai đoạn tiền khủng hoảng. 

Cuối tháng 11/2011, Italy nợ công 1.900 tỷ Euro, còn Pháp – nèn kinh tế thứ hai EU, nợ 1.700 tỷ Euro. Từ đó, người ta ước định năm 2012 tăng trưởng kinh tế toàn khối chỉ còn 0,5%, đặt thế giới trước viễn cảnh một cuộc suy thoái mới. Cuối cùng thì ngày 9/12, EU đã nhất trí nhiều thỏa thuận trước mắt bảo đảm an toàn cho đồng Euro, hòng chặn đà trượt dốc. 

Căn bệnh chính của nước Châu Âu vừa qua là nợ công. Các nước này không giữ được thâm hụt ngân sách ở giới hạn cho phép. Các ngân hàng Châu Âu thiếu hụt hơn 100 tỷ Euro. 

Bên kia đại dương, vấn đề nợ của siêu cường số 1 – Mỹ, cũng trầm trọng. Bên này Châu Á, đại gia thứ hai kinh tế thế giới là Trung Quốc tăng trưởng cũng chững lại. Khi mà đầu tầu kinh tế thế giới – Mỹ và công xưởng thế giới – Trung Quốc gặp khó thì đương nhiên sang năm 2012 kinh tế thế giới vẫn còn ảm đạm. 

3. Mỹ "dọn dẹp" chuẩn bị bầu cử
 
Để tập trung nỗ lực tối đa của cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2012, chính quyền của tổng thống đương nhiệm Obama đã tiến hành hàng loạt công việc cả trong, ngoài nước. 

Cuối tháng 11/2011, trên lĩnh vực đối ngoại, cả nhà lãnh đạo chủ chốt đã hoạt động nhộn nhịp: tham dự Hội nghị G20, thượng đỉnh APEC ở Honolulu, thăm đồng minh Australia, dự thượng đỉnh Đông Á và hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ ASEAN – Mỹ ở Indonesia, để nói rằng Mỹ có những biểu hiện cam kết hơn với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năng động. 

So với những gì hứa hẹn từ khi tranh cử, ít nhất, ông Obama đã thay đổi được chính sách đối ngoại của nước Mỹ.

Ít ngày trước đó, Mỹ cũng tuyên bố triệt thoái quân đội toàn diện ở Iraq trước 2012. Tất cả những động thái trên cho thấy, để chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2, Obama đang rút kinh nghiệm từ cái giá hàng nghìn tỷ USD ở Afghanistan, Iraq…, một nguyên nhân đẩy nền kinh tế Mỹ sát tới đợt suy thoái thứ 2. 

Cuối tháng 9 vào đầu tháng 10/2011, đã xuất hiện phong trào “chiếm lấy phố Wall” lên án giới ngân hàng, được cho là thủ phạm của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và nạn thất nghiệp hiện nay lên tới 9%. 

Cả nội trị lẫn ngoại trị, Mỹ đều “cẩn thận” tránh gây thêm mâu thuẫn hoặc giảm bớt đối kháng. Hai ví dụ điển hình là khi sinh viên thanh niên biểu tình rầm rộ, Obama đã tháo ngòi nổ bằng thái độ “ôn hòa”, trong cuộc không kích Libya, Mỹ “nhường” Pháp để giữ vai trò “ôn hòa”. 

Ngược lại, Mỹ phản ứng rõ nét hơn với những biểu hiện gây căng thẳng trên Biển Đông và Đông Á – Thái Bình Dương. Sự điều chỉnh chiến lược này bắt đầu khi tháng 7/2010, Ngoại trưởng Mỹ lên tiếng ở một hội nghị về quyền đi lại và an toàn thương mại trên vùng biển quốc tế. 

Nửa đầu năm 2011, ngày 30/4 đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Binladen sau 10 năm truy lùng ráo riết, nhưng tình hình Pakistan và Afghanistan chứa đầy xung đột, Mỹ vẫn còn phải “bận lòng” việc Mỹ và NATO “rút quân khỏi Afghanistan” còn khiến Nga và Trung Quốc “chưa an tâm” vì những kho vũ khí khổng lồ để lại sẽ do ai điều khiển? 

Trước thềm năm mới 2012, Tổng thống Obama khẳng định quyết tâm thắng cử nhiệm kỳ 2 khi ông nói: “tin là cử tri sẽ bầu ông để tránh đại suy thoái thứ hai”. Giường như, nhiệm kỳ thứ nhất, ông Obama buộc phải tập trung cho đối ngoại còn kỳ vọng những vấn đề ngổn ngang trong nước sẽ được thực hiện trong nhiệm kỳ thứ hai, nếu ông tiếp tục giành được niềm tin của cử tri Mỹ.

4. Trung Quốc chuyển giao thế hệ lãnh đạo

Cuối năm 2010, Trung Quốc đã vượt Nhật, trở thành nền kinh tế thế giới, sau Mỹ. Mùa thu 2012, Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ diễn raCòn từ ngày 1/11/2011 đến 30/6/2012, các đảng bộ sẽ lần lượt tiến hành bầu 2.270 đại biểu đi dự đại hội toàn quốc, từ 40 đảng bộ trực thuộc Trung Ương, thay mặt cho 80 triệu đảng viên. 

Ở đại hội này, nhiều văn kiện vạch đường cho 10 năm sau sẽ được thông qua. Ban lãnh đạo mới sẽ do hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường làm hạt nhân. Hiện ông Tập Cận Bình là phó chủ tịch quân ủy Trung ương, phó chủ tịch nước. Còn ông Lý Khắc Cường là phó thủ tướng thường trực. Nhân sự cấp cao nhất đã được dự biến mấy năm nay. 
Sự thay đổi ban lãnh đạo của Trung Quốc vào năm 2012 có dẫn tới thay đổi chính sách đối ngoại?

Trên bước đường đi lên của mình, năm 2011 cũng như các năm trước đó, nhiều vấn đề Trung Quốc đã đang và sẽ phải giải quyết. Như thiết bị cũ, ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng quá cao. Ví dụ các nhà máy sản xuất nguyên liệu sợi hóa học của Trung Quốc là một điển hình, chưa nói đến các mỏ than. Người ta ví ô nhiễm do các nhà máy hóa học gây ra, về lâu dài không kém rò rỉ hạt nhân. Ngay nguy cơ bong bóng bất động sản cũng tiềm ẩn.

Bên cạnh những bước đi kinh tế mạnh mẽ, Trung Quốc đã cho hạ thủy tàu sân bay đầu tiên cải tiến từ tàu sân bay Varyag của Liên Xô, sau do Ukraine quản lý. Lực lượng tàu hải giám, ngư chính được hiện đại hóa, dàn khoan dầu có trọng lượng lớn đi vào hoạt động. Động thái “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, trước phản ứng của khu vực và quốc tế, được chỉnh lại là “phát triển hòa bình”.

5. Nga và thách thức của Putin
Vai trò của Nga với nhiều khu vực ngoại biên và trên thế giới tăng lên rõ rệt. Kể cả rào cản WTO cũng sẽ dỡ bỏ khi hội nghị Bộ trưởng WTO ngày 15-17/12 thông qua các văn bản cho thủ tục gia nhập WTO của Nga, tạo đà tăng GDP lên 11% của Nga vào những năm sau. 

Ngày 8/11, các ống dẫn dầu khí của "Dòng chảy phương Bắc" đã đưa khí đốt của Nga đến EU, bỏ qua các nước lân cận Ba Lan, Ukraine, phối hợp với "Dòng chảy phương Nam" bán khí đột của Nga cho Đông Âu, Nam Âu trực tiếp, bỏ qua trung gian. 

Năm 2012 dự báo sẽ là năm vất vả của ông Putin.

Putin đã làm Tổng thống Nga hai nhiệm kỳ 8 năm liên tục từ 2001-2008. Việc ông trở lại cương vị Tổng thống vốn được thế giới dự đoán từ lâu. Sức mạnh tổng hợp của Nga 10 năm qua đã thay đổi một bước lớn theo hướng tiến lên.

Thủ tướng Putin đã hé lộ đường đi của chính phủ mới năm 2012 sẽ do tổng thống hiện nay Medvedev đứng đầu, có những quyền lực rộng rãi về kinh tế và “hoàn toàn tự do thành lập chính phủ”. Người ta thấy ông Putin trở nên “tự tin hơn, điềm tĩnh hơn và khoan nhượng hơn”. 

Cuộc bầu cử Duma ngày 4/12 với đảng của Putin chiếm gần 50% số phiếu là một “thắng lợi hạn chế”, sụt giảm so với kỳ bầu cử trước. Putin còn phản ứng với hành động của Mỹ khi họ “tạo không khí cho một số nhà hoạt động chống đối, bật tín hiệu cho họ”. Cuộc đua đến ghế tổng thống Nga có thêm phần hấp dẫn khi tỷ phú Nga M.Prokhorov, ngày 12/12 công bố ý định trang cử với Putin, đưa số ứng viên lên 4 người. Cuộc bầu cử này cũng cho ban lãnh đạo Nga nhiều kinh nghiệm cho cuộc bầu của tổng thống năm tới.

6. Thiên nhiên vẫn bị ngó lơHội nghị thế giới lần thứ 17 (COP17) do Liên hợp quốc chủ trì đối phó biến đổi khí hậu toàn cầu vừa bế mạc đầu tháng 12. Ai cũng không quên thảm họa động đất 9 độ ríchte trên đất nước mặt trời mọc Nhật Bản và gây sóng thần ven bờ Thái Bình Dương, phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima…làm hơn 15.000 người thiệt mạng, gần 6.000 người bị thương, hơn 4.000 người mất tích.
Ở Đông Nam Á, trận lụt lớn nhất trong vòng 50 năm đã diễn ra hàng tháng ở đất nước chùa Ngọc: Thái Lan. Suốt 5 tháng liền, nạn hồng thủy gây khó khăn vô cùng cho thủ đông Bangkok, cướp đi sinh mạng gần 700 người và làm 16 tỉnh ngập lụt, ảnh hưởng cuộc sống của gần 2 triệu người và phương hại lớn kinh tế quốc dân. 
Những thảm họa môi trường dường như chưa đủ "ấn tượng" với các chính trị gia.

Có lẽ ý thức được thảm họa thiên nhiên mà phần lớn do con người gây ra, nên sau 2 tuần lễ rồi kéo dài thành 16 ngày với 190 quốc gia tham dự, COP17 đã thông qua quyết định gia hạn Nghị định thư Kyoto và nhiều cam kết khác. Các quốc gia ý thức phải chung tay đối phó với thảm họa môi trường. 

Thế nhưng, ngày sau COP17, một số nước đã tuyên bố sẽ không can dự. Các nước lớn gây nhiều khí thải như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ chưa làm hết trách nhiệm của mình. Nhưng ý kiến chung là COP17 đã có bước “đột phá lịch sử” ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Từ lời nói đến việc làm còn khoảng cách không nhỏ. Chung tay đối phó thảm họa thiên nhiên là câu chuyện còn phải làm những năm tới. 

7. Đông Nam Á và ý thức đoàn kết - tự cườngSo với toàn cầu, xét về tổng thể, tầm vóc của mỗi quốc gia nói riêng và cả ASEAN nói chung, còn nhiều mặt bị giới hạn. Nhưng mỗi bước trưởng thành của bạn bè khu vực đều tác động trực tiếp đến thành viên khác. 

Mỗi nước trong ASEAN ngày càng tự chủ hơn và phổi hợp tốt với nhau hơn. Đơn cử khi giải quyết xây đập trên sông Irrawady ở Myanamar hay trên dòng sông Mekong chảy qua 6 nước trong đó có 5 nước Đông Nam Á. 

Ý kiến của nhân dân Myanmar được thể hiện qua tuyên bố của Tổng thống Thein Sein tháng 9/2011, ngừng dự án xây dựng đập nước khổng lồ trên sông Irrawady trị giá 3,6 tỷ USD. 
Các nước Đông Nam Á ngày càng có vai trò tương xứng với vị thế đáng có.

Đầu tháng 12/2011, tại hội nghị Bộ trưởng ủy hội sông Mekong gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam tại SiemReap (Campuchia) đã tuyên bố “công trình xây đập thủy điện Xayaburi trị giá 3,5 tỷ USD không khởi công cho tới khi có được kết quả rõ ràng.” 

Tại Bali (Indonesia) cuối tháng 11/2011, có hàng loạt cuộc gặp gỡ nội khối ASEAN và ASEAN với các đối tác. 18/20 nước tại đây đã có phát biểu về biển Đông. Điều này chứng tỏ Biển Đông được sự quan tâm về mặt pháp lý, lịch sử, chủ quyền trên nhiều tầng nấc quan hệ: song phương, đa phương, quốc tế… 

Mặc dù chịu khó khăn chung do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu và khó khăn nội tại mỗi nước, nhưng nhìn chung ở Đông Nam Á đang hướng tới năm mới bằng ý thức độc lập và tình đoàn kết trong khói cũng như nguyện vọng sống hoàn bình với các nước khác. Nguyện vọng của nhân dân ở Đông Nam Á cũng là nguyện vọng của nhân loại. 

Nguồn BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang