Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Phi công đầu tiên nhìn thấy B-52

Trong chiến công bắn hạ B-52 của phi công tiêm kích MiG-21 Vũ Xuân Thiều, Phạm Tuân, Vũ Đình Rạng,... người đầu tiên nhìn thấy B-52 bằng mắt thường là phi công Đinh Tôn.
Cách đây 40 năm, ngày 20/11/1971, phi công MiG-21 Vũ Đình Rạng bất ngờ, tiếp cận, phóng tên lửa đánh trúng pháo đài bay B-52 – niềm tự hào Không quân Mỹ. Để có chiến công này, cán bộ chiến sĩ Quân chủng Phòng không – Không quân tập trung, chuẩn bị công phu trong thời gian 3 tháng về mọi mặt.

Đất Việt xin giới thiệu về quá trình chuẩn bị, tiến hành trận đánh, qua lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Chuyên – sĩ quan trực tiếp dẫn đường cho phi công lái tiêm kích MiG-21 :

Lời tiên đoán của Bác Hồ
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã huy động nhiều phương tiện khí tài cực kỳ hiện đại nhằm buộc nhân dân ta phải khuất phục. Một trong những loại vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp mà Mỹ sử dụng ở Việt Nam là máy bay ném bom hạng nặng B-52.

B-52 ra đời từ những năm 1950, ban đầu chúng được dùng để mang bom nguyên tử. Tới cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã cải tiến biến B-52 thành máy bay ném bom thông thường mang khối lượng bom lớn nhất thế giới (hơn 30 tấn) có sức tàn phá mạnh.

Lần đầu tiên Mỹ dùng B-52 trực tiếp uy hiếp Việt Nam, vào ngày 18/6/1965 30 chiếc B-52 từ Guam vượt 8.500km trong hơn 10h bay liên tục ném bom Tây Bắc Sài Gòn. Tới 12/4/1966, Mỹ đưa B-52 ra miền Bắc đánh vào khu vực Mụ Dạ, Hà Tĩnh.

“Ngay từ năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán Mỹ sẽ dùng B-52 đánh vào Hà Nội – Hải Phòng trong trận cuối cùng trước khi nó thua ta. Bác đã căn dặn bộ đội Phòng không – Không quân phải chú ý theo dõi tìm cách đánh B-52 từ giai đoạn 1965-1966,” Đại tá Nguyễn Văn Chuyên nói.

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, Binh chủng Không quân tổ chức nghiên cứu đánh B-52, đưa phi công MiG-21 và đơn vị dẫn đường, quân báo vào đèo Mụ Dạ.

Vì lúc này, từ 30/3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố xuống thang ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 19 trở vào, tập trung “vùng cán xoong” Quân khu 4. Ngày 2/1/1968, Johnson tuyên bố ngừng ném bom vô điều kiện miền Bắc Việt Nam, dù vậy chúng vẫn dùng B-52 đánh phá trục đường vận chuyển của ta đoạn Mụ Dạ, đường 12, đường 10, đường Sê Pôn…

“Ban ngày, quân ta dùng kính TZK theo dõi đội hình máy bay địch đi thế nào, độ cao ra sao, cách thức như thế nào. Mặt khác, ta tổ chức đại đội radar dẫn đường (đại đội 47) vào Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh để nghiên cứu. Tuy nhiên, mấy tháng trời mở máy nhiễu nặng, không phát hiện được nên cuối cùng phải rút ra,” ông nói.

Phi công lái MiG-21 Đinh Tôn (Đinh Văn Tôn) 
tham gia trận đánh B-52 đêm 4/10/1971.

Phi công đầu tiên nhìn thấy B-52Tới năm 1971, nhận lệnh từ Bộ tư lệnh Quân chủng, Binh chủng Không quân tổ chức sở chỉ huy tiền phương (ký hiệu B8) hành quân vào Quảng Bình với quyết tâm phải đánh hạ B-52.

Không như lần trước, lần này sở chỉ huy B8 được tổ chức chặt chẽ, công phu nằm dưới sự điều khiển của hai Phó tư lệnh Không quân Trần Mạnh và Trần Hanh cùng nhiều sĩ quan tác chiến, dẫn đường, quân báo, thông tin, radar giàu kinh nghiệm tham gia.

Đầu tháng 8/1971, các đơn vị triển khai xong vị trí chiến đấu, đài radar của 3 đại đội 41 (Ba Đồn), 47 (Vân Đồn) và 45 (Đồi Si) đồng loạt mở máy “bắt” B-52. Nhưng trong tháng đầu tiên, tất cả các đài radar đều không phát hiện được mục tiêu. Không nản chí, sau nhiều lần các đơn vị tổ chức họp rút kinh nghiệm, sang tháng 9 các trạm đài radar tiếp tục mở máy.

Không uổng sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, chiến sĩ, đại đội radar 41 bắt đầu phát hiện được B-52 trong nhiễu nhưng không ổn định, có lúc tốc độ thực mục tiêu chỉ 900-950km/h nhưng lại đo lên 3.500km/h, các đài radar cũng chưa thống nhất được đường bay và vị trí B-52.

Gần cuối tháng 9, các đại đội mới phát hiện đường bay B-52 nhưng vẫn chưa rõ. Tới tháng 10/1971, đại đội 41 phát hiện B-52 trong nhiễu tương đối rõ và ổn đinh.

Sau 3 tháng trời nghiên cứu, cùng với việc sân bay dã chiến Đồng Hới sửa xong đủ điều kiện tiếp nhận MiG, Sở chỉ huy B8 đề nghị Quân chủng cho đánh B-52 và được chấp nhận. 17h29  ngày 4/10/1971, phi công Đinh Tôn lái MiG-21 bí mật cất cánh từ sân bay Anh Sơn (Nghệ An) vào hạ cánh ở Đồng Hới (Quảng Bình) lúc 17h55.

Tới 19h13, phi công Đinh Tôn tiếp tục cất cánh từ Đồng Hới vào đánh B-52 ở khu vực đường 20. Nhờ giữ được yếu tố bí mật nên MiG của ta vào gần đến khu vực đánh phá địch cũng không hay biết.

Mọi điều kiện đều rất thuận lợi, tuy nhiên do radar dẫn đường của ta dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa bắt chính xác mục tiêu. Do đó, phi công Đinh Tôn ở thế đối đầu với B-52, anh “cưỡi trên lưng con ngáo ộp” và nhìn thấy chúng bằng mắt thường," Đại tá Nguyễn Văn Chuyên nhớ lại. 

Có thể nói, Đinh Tôn là người phi công đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam chạm mặt B-52. Sau trận này, chúng ta gặp phải một khó khăn nữa, do địch biết được ý đồ của ta nên chúng cho máy bay đánh phá gây hư hỏng nặng sân bay Đồng Hới, đồng thời khống chế luôn sân bay này.

Việc không thể dùng sân bay Đồng Hới đặt ra cho những người chỉ huy câu hỏi lớn khi đó. Nếu không sử dụng Đồng Hới thì phải dùng sân bay nào, đường bay ra sao để đảm bảo tính bí mật. Một điều nữa, quân Mỹ hiểu được mục đich của ta là đưa MiG vào đánh B-52 nên càng tăng cường cảnh giác.

Đại tá Nguyễn Văn Chuyên. Ảnh: Lê Nam
Đại tá Nguyễn Văn Chuyên sinh năm 1931 tại xã Hoài Hảo (nay là Hoài Phú, Hoài Nhơn, Bình Định). 

Năm 1949, ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1950, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, ông tập kết ra miền Bắc. 

Năm 1956, ông được đoàn Không quân tuyển và đưa đi học điều phái dẫn đường, điều độ máy bay vận tải. 

Từ 1960-1963, ông được đưa đi học ở nước bạn. Sau khi trở về nước, ông trực tiếp tham gia dẫn đường cho máy bay tiêm kích đánh địch và góp công vào nhiều trận đánh bắn hạ máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.


Nói về trận đánh B-52 khiến BBC 'im bặt'


Cuối năm 1971, phía ta chuẩn bị mở chiến dịch Quảng Trị 1972 nên việc chuyển khí tài trang bị, bộ đội đang diễn ra hết sức khẩn trương. Trong bối cảnh đó, địch tăng cường đánh phá ác liệt các tuyến đường vận chuyển của ta.

Những điều này buộc B8 phải tập trung, nhanh chóng tìm ra phương án đánh hạ B-52 mới đủ sức răn đe buộc địch hạn chế hoặc ngừng ném bom tạo điều kiện cho bộ đội ta vận chuyển vũ khí.

Muốn thắng phải mạo hiểmSau trận đánh ngày 4/10 việc tiếp cận B-52 vốn dĩ đã khó nay càng khó hơn khi địch đã có sự đề phòng, cảnh giác cao. B-52 ngoài các đơn vị tiêm kích F-4 hộ tống, còn có các radar từ tàu khu trục của Hạm đội 7 liên tục giám sát, theo dõi nên việc tiếp cận tiêu diệt B-52 là rất khó. “Máy bay ta chỉ lên cao 1.500-2.000m địch có thể phát hiện, lên 6.000 – 7.000m tiêm kích F-4 xông ra đánh chặn ngay,” Đại tá Nguyễn Văn Chuyên nói.

Dưới sự chỉ huy trực tiếp của hai đồng chí phó tư lệnh, B8 suy nghĩ tìm ra phương án tối ưu nhất cho trận đánh sắp tới. Các đồng chí cán bộ chỉ huy tỏa ra xuống các đại đội radar rút kinh nghiệm bàn bạc tìm cách khử nhiễu, kết hợp tốt hơn giữa đài radar P35 – PRV11 để xác định vị trí chính xác của B-52 trong nhiễu.

“Ở đơn vị radar dẫn đường, có hai loại radar cảnh giới nhìn vòng P-35 quét 360 độ và một đài PRV-11 đo cao xác định trần bay mục tiêu. Muốn bắt chính xác mục tiêu, khi P-35 bắt mục tiêu thì PRV-11 cũng phải quay về hướng đó. Vì đài PRV-11 có công suất mạnh gấp 3 P-35, cường độ mạnh hơn nhiều, độ chính xác cũng tốt hơn,” ông giải thích.

Đài radar cảnh giới P-35 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. 
Để trạm radar địch không thể phát hiện máy bay ta, B8 quyết định muốn đánh B-52 phải chấp nhận mạo hiểm, phi công sẽ bay ở độ cao rất thấp trên quãng đường dài 120km ban đêm. 

Sau khi MiG cất cánh từ Anh Sơn sẽ bay thấp đoạn Đô Lương (Nghệ An), dọc đường 7 rồi đường 15 vào khu Tân Ấp (Hà Tĩnh) gần đèo Mụ Dạ, đường bay có núi cao hai bên (một bên là dãy núi Đại Huệ, một bên là dãy Trường Sơn). Việc tự bay thấp ban đêm rất nguy hiểm đòi hỏi phi công chuẩn bị kỹ lưỡng, dũng cảm trong khi làm nhiệm vụ.

Trước trận đánh, trong phương án nghiên cứu đề xuất thông tin liên lạc giữa sở chỉ huy B8 và các đài trạm radar đều phải thay đổi mật ngữ bằng số. “Trước mật ngữ có thể nói lóng “hướng bay Hồng Hà, độ cao Ba Vì” nhưng giờ phải đổi. Bí mật thông tin liên lạc với cấp trên, dưới, đài, trạm, sân bay, hạn chế thông tin liên lạc và không được nói rõ kể cả nói lóng,” ông nhớ lại. Ngoài ra, ta cũng tổ chức nghi binh thu hút sự chú ý của địch trước trận đánh.

Khi việc tính toán tổ chức xong phương án, ngày 18/11 B8 cho triển khai thêm đài radar dẫn bổ trợ ở Tân Ấp, do MiG-21 khi cất cánh bay rất thấp và không liên lạc với sở chỉ huy nhằm tránh bị địch thu tín hiệu nên cần đài bổ trợ để nghe tiếng máy bay sẽ báo về B8. Tối 19/11, công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn thành, B8 đề nghị với Quân Chủng cho phép đánh B-52 và được chấp thuận.

Có thể nói, đây là trận đánh quan trọng, tổ chức công phu.

Phi công MiG-21 Vũ Đình Rạng.
Giây phút nghẹt thởTrong trận này, dẫn đường ở bàn tiêu đồ sở chỉ huy B8 là đồng chí Nguyễn Văn Chuyên dẫn chính, số 2 Tạ Quốc Hưng ghi khẩu lệnh và Trần Hồng Hà chỉ thị radar dẫn. “Nguyên tắc khi dẫn đường, trong bàn tròn những trận quan trọng phải có 3 người, người chính cầm ống nói dẫn, số 2 có ống nói nhưng dự bị, người còn lại chỉ thị radar cần tập trung hướng nào, địch ở đâu,” ông giải thích.

Ngày 20/11, theo đúng phương án đã vạch sẵn, ta triển khai hai MiG-21 trực ở sân bay Vinh và Anh Sơn. Phi công Hoàng Điểu trực ở Vinh làm nhiệm vụ nghi binh, thu hút địch còn Vũ Đình Rạng ở Anh Sơn trực tiếp đánh B-52.

"Tới 19h30, phi công Hoàng Điểu cất cánh ở Vinh bay vào Tân Ấp, đèo Mụ Dạ trên độ cao 8.000 – 10.000m nhưng sau đó vòng ra hạ cánh tại Nội Bài. Với cách này, ta đánh lừa được radar hạm tàu Mỹ làm chúng mất cảnh giác cho rằng MiG-21 không còn nằm ở khu 4.

20h tối 20/11, sở chỉ huy B8 nhận tin tình báo chiến lược quan trọng cho biết 20h45 sẽ có B-52 hoạt động cách Sê Pôn 60km. Sau khi nhận tin, tư lệnh Trần Mạnh thống nhất với đồng chí Trần Hanh lệnh vào chiến đấu cấp 1.

Tới 20h15, đồng chí Nguyễn Văn Chuyên cho các đài radar đại đội 41, 47 và 45 mở radar. Tuy nhiên, một tình huống đã phát sinh, ICO (màn hiện sóng radar) của đại đội 41 bị chập và đồng chí đại đội trưởng đề nghị xin chưa đánh trận này.

Sau khi cân nhắc, với điều kiện thuận lợi đồng chí Chuyên lệnh cho đại đội 41 vừa mở vừa sửa máy. Nếu sửa được thì dẫn chính không thì giao cho các đơn vị còn lại. Tới 20h21, đại đội 41 báo cáo mở máy xong, 20h25 đại đội báo ICO điều chỉnh tốt, chiến đấu được.

Lúc 20h37, đại đội 41 thông báo phát hiện B-52 ở Tây Savanakhet (Lào) 100km. Sở chỉ huy lệnh cho xác minh lại mục tiêu, đơn vị báo cáo xác định chính xác tốp 3 B-52 ở độ cao 13.000m (chưa chính xác vì thông thường B-52 chỉ bay ở độ cao 9.000-10.000m).

Ngay lập tức, B8 lệnh cho phi công Rạng cất cánh bay theo phương án đã định. 20h41 Vũ Đình Rạng cùng MiG-21 cất cánh xong và “im lặng” bay từ Anh Sơn vào Tân Ấp.

8 phút sau, sĩ quan dẫn chính Nguyễn Văn Chuyên bắt đầu liên lạc với phi công Rạng ra khẩu lệnh đầu tiên “hướng 230 độ, độ cao 3.000”, máy bay từ đất ta vượt sang Lào.

Sĩ quan dẫn đường Nguyễn Văn Chuyên (đầu bên phải) bên bàn tiêu đồ. 
20h52, đài radar thông báo B-52 phía trước 100km. 40 giây sau, dẫn chính Nguyễn Văn Chuyên ra lệnh vứt thùng dầu phụ, tốc độ đạt 950km/h. Tới 20h54, đồng chí Chuyên lệnh cho phi công tăng lực đưa máy bay lên độ cao 10.000m. 

Từ đây, đồng chí Lê Thiếu Hùng – đại đội C41 bắt đầu lên tiếng cho hướng bay 130 độ. Ông liên tục ra khẩu lệnh “hướng 140 độ, mục tiêu cách 45km, thấp hơn 2.000m…mục tiêu còn 35km, thấp hơn 1.000m… mục tiêu bên phải phía trước cách 25km…hướng bay 90 độ, thấp hơn 500m…mục tiêu phía trước cách 18km.

20h56p15 khi còn cách mục tiêu 15km đồng chí Chuyên cho phi công Rạng mở radar trên máy  bay. Việc mở radar thời điểm nào là rất quan trọng, vì nếu mở radar quá sớm địch phát hiện và đối phó, mở muộn thì người lái không đủ thời gian thao tác phóng tên lửa.

Không đầy một phút sau, 20h57 phi công Vũ Đình Rạng thông báo phát hiện mục tiêu phía trước cách 11km bằng radar – giờ phút này cả sở chỉ huy im phăng phắc vì sung sướng và xúc động.

Sĩ quan dẫn chính Nguyễn Văn Chuyên lệnh cho phi công nâng tốc độ 1.400km/h nhanh chóng vào tiếp cận phóng tên lửa diệt B-52. Tới 20h58 đồng chí Rạng báo cáo đã thoát ly (nghĩa là đã phóng tên lửa đánh B-52 nhưng việc này chỉ xảy ra trong vài giây phi công nhanh chóng rút lui nên không thể báo cáo chi tiết). Tới 21h15 phi công Vũ Đình Rạng về hạ cánh an toàn trong niềm vui sướng các đồng chí,” Đại tá Nguyễn Văn Chuyên hồi tưởng lại những giây phút nghẹt thở.

“Các ông bắn rơi ba chiếc”Sau đó, phi công Vũ Đình Rạng đã tường trình lại diễn biễn trận đánh: “…khi đồng chí Chuyên cho mở radar trên máy bay, sau 45 giây radar làm việc. Trên màn hình hiện sóng, tôi phát hiện tốp 3 chiếc B-52 bay theo đội hình bàn tay xòe, chiếc đi đầu cách 11km, chiếc cuối cách 6km, lúc đó máy bay ta thấp hơn 500m.

Vì vậy, tôi quyết định bắn chiếc đi đầu để có đủ thời gian lấy bằng độ cao mục tiêu và điều chỉnh đường ngắm phóng tên lửa tốt hơn. Thời điểm đó, tôi nghe khẩu lệnh đồng chí Trần Hanh, tôi tăng tốc 1.400 – 1.500km/h tiếp cận mục tiêu ở cự ly 5km, bám sát và ở dưới 2km thì phóng tên lửa. Khi tên lửa rời bệ, tôi làm động tác thoát ly lên cao.

Song tôi phát hiện thêm một B-52 khác trên lưng có đèn nhấp nháy, tôi bổ nhào đặt máy ngắm quang học, ở cự ly 2km tôi phóng nốt quả tên lửa còn lại rồi về sân bay hạ cánh.”

Thời kỳ này, mỗi lần máy bay ta và địch đụng độ đều được đài BBC đưa tin, nhưng riêng trận đêm 20/11 thì BBC không đưa tin. Đồng thời, mọi thông tin từ Mỹ cũng đều “im hơi lặng tiếng” nên ta không thể biết kết quả trận đánh.

Tuy vậy, từ sau đêm 20/11, B-52 chỉ còn đánh phá từ đường 9 trở vào nam, phần phía bắc chúng chủ yếu dùng máy bay chiến đấu chiến thuật đánh đêm. Từ đó, phía có thể suy đoán rằng chiếc B-52 chắc chắn xảy ra chuyện gì đó.

Mãi tới đầu năm 1973, phi công B-52 bị ta bắt sống sau chiến thắng 12 ngày đêm mới khai, đêm 20/11/1971 MiG-21 đã bắn bị thương B-52 của chúng ở Nam Lào. Một tổ động cơ trên chiếc đó bị cháy nhưng do đây là loại B-52H đã trải qua nhiều lần cải tiến, các đường ống dẫn dầu đều đi riêng ra từng tổ máy nên tổ lái đã xử lý cắt ống dẫn, dập lửa và đưa máy bay về hạ cánh ở Đông Bắc Thái Lan. Tuy nhiên, chiếc máy bay này cũng không thể sử dụng.

“Khi ta nói Không quân Nhân dân Việt Nam bắn rơi 2 B-52, thì phi công địch bảo lại, các ông đã bắn rơi 3 chiếc. Cuối năm 1971, có một chiếc bị thương nặng về hạ cánh được nhưng cũng bỏ không sử dụng được nữa, coi như rơi,” Đại tá Nguyễn Văn Chuyên nhớ lại. 

Nguồn BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang