Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Học giả quốc tế phản bác “đường lưỡi bò” của Trung Quốc

Bà Monique, một học giả người Pháp, dành nhiều thời gian và nỗ lực nghiên cứu những tài liệu cổ liên quan đến chủ quyền đối với hai quần đảo.
Trong vài năm gần đây, bản chất pháp lý và sự thật lịch sử của "đường lưỡi bò” mà Trung Quốc yêu sách "chủ quyền lịch sử” bao chiếm gần trọn Biển Đông được thảo luận tương đối rộng rãi trong nhiều diễn đàn khoa học quốc tế. 

Dù cách giải thích có khác nhau nhưng luận điểm của các học giả quốc tế về "đường lưỡi bò” đều có chung một điểm, xét theo luật pháp quốc tế hiện đại cũng như luật pháp quốc tế cổ điển, yêu sách "đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở khoa học, không có giá trị pháp lý quốc tế và vì thế không thể chấp nhận được đối với nhân loại văn minh.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 3 tại Hà Nội tháng 11-2011 
Bà Monique, một học giả người Pháp, dành nhiều thời gian và nỗ lực nghiên cứu những tài liệu cổ liên quan đến chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã nhận định: 
"Trên thực tế, không có một chút dấu vết gì là Trung Quốc đã từng phản kháng lại sự khẳng định chủ quyền của Hoàng đế Gia Long và những người kế nhiệm ông trong suốt cả thế kỷ XVIII cũng như thế kỷ XIX, khi các vua chúa Việt Nam tổ chức việc khai thác các đảo nằm dưới quyền tài phán của họ”. 

Có thể tìm thấy trong các văn tập lịch sử Trung Quốc những lời xác nhận sự không tồn tại tham vọng trên Biển Đông của Trung Quốc trong lịch sử. Ví dụ trong Hải lục Ký sự, có viết: "Vạn Lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên dậu của An Nam”. 

Điều đó cho phép nhận xét rằng "ở đây, không có bằng chứng nào cho thấy nhà Thanh đã sáp nhập các đảo này vào lãnh thổ của đế chế”. Từ đó, ta thấy Trung Quốc không có các hành vi thực thi chủ quyền mà còn im lặng, đồng tình với sự chiếm hữu của Việt Nam. 

Sau khi nghiên cứu những tài liệu và sách cổ của Trung Quốc, bà Monique kết luận: "Như vậy, qua việc xem xét kỹ lưỡng các tư liệu do người Trung Quốc nêu ra thì thấy rằng các tài liệu tham khảo này chứng minh sự hiểu biết từ lâu về sự hiện diện của nhiều đảo nhỏ nằm rải rác đó đây trong Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). 

Nhưng, chúng không cho phép đi xa hơn và không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng Trung Quốc có lẽ là nước đầu tiên phát hiện, khai phá, khai thác và quản hạt hai quần đảo này (Hoàng Sa và Trường Sa)”.


Từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX đã có một người nghiên cứu tương đối sâu sắc vấn đề này, đó là ông Daniel J. DZurek, tác giả của bài viết "Cuộc tranh chấp quần đảo Trường Sa: Ai là người sở hữu đầu tiên?”, đăng trên Tạp chí Thông tin Biển, Quyển 1, Số 2, năm 1996 của Viện Nghiên cứu Biên giới Quốc tế thuộc Trung tâm nghiên cứu Mountjoy, Trường Đại học Tổng hợp Durham, Vương quốc Anh.

Theo đó, Trung Quốc chưa bao giờ xác định rõ đường biên giới trên biển ("đường lưỡi bò”) ở Biển Đông. Tác giả trích bài viết vào năm 1979 của Hasjim Djalal, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Bộ Ngoại giao Indonesia về "đường lưỡi bò” như sau: 

"Bản chất yêu sách của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) đối với Biển Đông thật là bí ẩn. Không rõ là đường đứt đoạn ("đường lưỡi bò”) được vạch ra trên các bản đồ của Trung Quốc có phải là ranh giới yêu sách lãnh hải của Trung Quốc đối với toàn bộ khu vực, bao gồm cả các đảo, vùng biển, vùng trời, đáy biển và tất cả tài nguyên nằm trong đó; hay là chỉ bao gồm các đảo nằm bên trong đường đứt đoạn mà CHNDTH yêu sách”. 
Tác giả này cũng cho biết, các học giả Trung Quốc không thống nhất với nhau về chế độ pháp lý của các vùng biển nằm trong "đường lưỡi bò” và nhận xét: "CHNDTH không đưa ra những yêu sách lịch sử của mình với các toạ độ rõ ràng và giữ im lặng về bản chất của "đường lưỡi bò” cũng như về chế độ pháp lý của vùng biển được bao bọc bởi đường đó”.

Theo luật pháp quốc tế hiện đại, Trung Quốc không thể lấy cơ sở pháp lý là quyền tài phán về thềm lục địa để biện minh cho cái gọi là đường biên giới biển truyền thống của mình.

Bởi một lẽ rất đơn giản là phần lớn khu vực thềm lục địa trong Biển Đông thuộc về các nước ven Biển Đông theo những quy định của Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), chứ không phải là phần kéo dài thềm lục địa của Trung Quốc.
Đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam 
Theo các học giả quốc tế, mặc dù coi vùng nước bên trong "đường lưỡi bò” là "vùng nước lịch sử”, Trung Quốc (kể cả Đài Loan) đều đã không thực hiện việc kiểm soát các hoạt động bên trong đường biên giới yêu sách này. 
Theo luật pháp quốc tế, vùng nước lịch sử có thể có quy chế vùng nội thuỷ và lãnh hải. Tuy vậy, tàu thuyền của các nước khác đã thực hiện quyền tự do hàng hải qua phần lớn vùng biển nằm trong "đường lưỡi bò” trong nhiều thế kỷ qua; máy bay nước ngoài cũng tự do bay qua khu vực này mà không cần xin phép ai cả.

Tác giả cũng nhận xét rằng, một yêu sách về vùng nước lịch sử đòi hỏi sự công nhận của cộng đồng quốc tế; tuy vậy, yêu sách "đường lưỡi bò” của Trung Quốc chưa từng được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Những nhận xét của ông Dzurek nói lên một thực tế là theo luật pháp quốc tế và thực tiễn, "đường lưỡi bò” mà Trung Quốc yêu sách không phải là đường biên giới trên biển của Trung Quốc và vùng nước nằm bên trong đường này cũng không phải là vùng nước lịch sử của họ.
Các ông Mark. J. Valencia, John M. Vandyke và Noel A. Ludwig, các tác giả cuốn sách "Chia sẻ tài nguyên ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)” đã nhận định về phân tích một số luận điểm đáng chú ý về lập luận vùng nước lịch sử nằm trong "đường lưỡi bò” của các học giả Trung Quốc như sau:

Yêu sách về "đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông rất mập mờ và vì vậy thể hiện điểm yếu cơ bản về địa vị pháp lý của nó.

Các học giả này cho rằng những yêu sách đối với vùng nước lịch sử phải rõ ràng, phải được tuyên bố cho toàn thế giới biết và những nỗ lực phải được thực hiện để củng cố cho những yêu sách đó. Trung Quốc chưa bao giờ chính thức tuyên bố rành mạch bản chất hay cơ sở pháp lý cho yêu sách của họ.

Ông Brice M. Clagett, thuộc Văn phòng Luật sư Covington & Burling Washington D.C. trong bài báo với tiêu đề "Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long trong Biển Đông” có một số phân tích sắc sảo.

Brice M. Clagett cho rằng yêu sách "vùng nước lịch sử’ sẽ không chỉ phải là một yêu sách rõ ràng, không mập mờ và có được sự thừa nhận của các nước bị ảnh hưởng khác, mà cũng cần phải chứng minh được rằng nước đưa ra yêu sách đã thực hiện các quyền thuộc chủ quyền một cách rõ ràng, có hiệu quả, liên tục trong một thời gian dài trên khu vực yêu sách đó. 

Không có một chút bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã từng thực thi bất kỳ một "quyền thuộc chủ quyền” nào trên bất kỳ một khu vực nào, chứ đừng nói gì đến toàn bộ vùng biển phía trong "biên giới” chín đoạn đứt quãng. 
Đấy còn là một lý do nữa cho thấy tại sao yêu sách về "vùng nước lịch sử” của họ không có một giá trị thực chất hay đáng giá nào. Tướng Dniel Schaeffer, nguyên Tuỳ viên Quân sự Pháp tại Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, hiện là Tư vấn cao cấp của chuyên mục "Tiêu điểm quốc tế” của Tạp chí Diplomatie trong bài "Biển Đông - Những điều hoang đường và sự thật của đường lưỡi bò” đăng trong số tháng 1 và tháng 2 năm 2009 của Tạp chí này đã nêu lên một số điểm rất đáng chú ý về "đường lưỡi bò”.

Ông cho rằng các lập luận chứng minh Biển Đông là "vùng nước lịch sử của Trung Quốc”, tồn tại từ trước khi UNCLOS ra đời năm 1982, là không phù hợp với luật pháp quốc tế và rất khó biện minh. 
Tại cuộc Hội thảo về Biển Đông lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 26 đến ngày 27 tháng 11 năm 2009, Giáo sư Ian Townsend-Gault, một nhà nghiên cứu nổi tiếng người Canada về các tranh chấp tại Biển Đông, cho rằng các nước không cần phải lo ngại về "đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra bao chiếm gần trọn Biển Đông, vì khi Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS, "đường lưỡi bò” đương nhiên trở nên không có giá trị.

Vì theo Công ước, chủ quyền quốc gia được tính từ đường cơ sở ven biển vươn ra bao nhiêu hải lý đã được qui định rõ. Hơn nữa "đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ không được giới luật gia quốc tế công nhận. UNCLOS là một văn bản luật pháp quốc tế hiện đại. Một khi phê chuẩn có nghĩa là Trung Quốc phải từ bỏ việc đòi hỏi chủ quyền trong "đường lưỡi bò”.

Tại Hội thảo quốc tế về an ninh Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức, hàng loạt nhà nghiên cứu, quan chức ngoại giao quốc tế đã lên tiếng phản bác lập luận của học giả Trung Quốc, đặc biệt là "cơ sở lịch sử” của yêu sách "đường lưỡi bò”.

Giáo sư Peter Dutton thuộc Đại học Hải quân Mỹ, cho rằng, "về quyền tài phán đối với các vùng biển, lịch sử không liên quan gì cả, mà phải tuân theo UNCLOS”. Theo Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia, việc học giả Trung Quốc sử dụng "di sản lịch sử” để giải thích về tuyên bố chủ quyền một lần nữa bộc lộ việc thiếu cơ sở pháp lý theo luật quốc tế trong tuyên bố chủ quyền này.

Cũng liên quan đến khía cạnh luật quốc tế, bà Caitlyn Antrim, Giám đốc Ủy ban Pháp quyền Đại dương của Mỹ, khẳng định tuyên bố "đường lưỡi bò” không có cơ sở theo luật quốc tế bởi cơ sở lịch sử là rất yếu và rất khó bảo vệ.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề Đông Nam Á tin rằng vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hóa và không còn chỉ là mối quan tâm của các nước liên quan trong cuộc tranh chấp. Ông Thayer nói:

"Nền an ninh của vùng Biển Đông là một vấn đề quốc tế, không còn là một vấn đề địa phương chỉ tác động đến các nước tuyên bố nhận chủ quyền”. Theo giáo sư Thayer, thỏa thuận về cách hành xử trong vùng Biển Đông vẫn chưa hoàn hảo vì thỏa thuận này không có tính ràng buộc pháp lý.

Theo các học giả quốc tế, yêu sách "đường lưỡi bò” có thể còn tồn tại một thời gian nữa mặc dù nó đang trở nên mờ nhạt trong tâm trí của một số người Trung Quốc muốn đất nước mình thực sự trở thành một thành viên tin cậy của UNCLOS.

Những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông thật khó có thể biện minh và đang ngày càng gây khó khăn, lúng túng cho Chính phủ nước này trước cộng đồng quốc tế. Việc từ bỏ hoàn toàn "đường lưỡi bò” sẽ khắc phục hoàn toàn được tình trạng mập mờ cản trở thực tiễn, làm cho các cuộc đàm phán giữa các nước trong khu vực trở nên khách quan hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cùng khai thác tài nguyên tại một số khu vực ít ỏi không tranh chấp.
Cùng một số diễn biến gần đây trong khu vực, điều này có thể sẽ là một triển vọng thực tế đáng khích lệ. Chẳng hạn như, Hội thảo quốc tế Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở Biển Đông tại Thủ đô Jakarta của Indonesia tháng 5-2011 đã ra Tuyên bố Jakarta.

Tuyên bố khẳng định việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền lãnh hải với "đường lưỡi bò” là không phù hợp và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Tuyên bố Jakarta nhấn mạnh, các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông là cần thiết cho toàn bộ khu vực, vì lợi ích chung của các nước ven biển và các nước liên quan.

Các đại biểu nhất trí Biển Đông là vấn đề đa phương, từ việc duy trì hòa bình, ổn định cho đến đảm bảo tự do đi lại trên biển và triển khai Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được ASEAN và Trung Quốc ký tháng 10-2002.

Tuyên bố Jakarta cho rằng, các bên liên quan cần duy trì cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ và pháp lý ở Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc,

 luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tăng cường các nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an toàn biển, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm và hướng tới ký kết Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tuyên bố khẳng định, việc hướng tới COC là nỗ lực chung của cả ASEAN và Trung Quốc, thể hiện bước tiến tích cực hướng tới hòa bình và ổn định trong khu vực.

Theo Báo Đại Đoàn Kết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang