Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

6 cung đường mà bạn nên đi, trải nghiệm, tận hưởng và thêm yêu về mảnh đất hình chữ S này nhé !

Bạn sẽ phải thốt lên đầy kinh ngạc khi thấy hình ảnh tuyệt đẹp về những cung đường phượt của mảnh đất hình chữ S này! Hãy đi, cảm nhận và tận hưởng nhé.

1. Đường phượt 1: Đà Nẵng – Lăng Cô
Nếu có dịp đến Đà Nẵng, bạn đừng bỏ qua cung đường Đà Nẵng – Lăng Cô với quãng đường chỉ dài khoảng 30km nhưng đẹp tuyệt vời. Men phía Nam là đèo Hải Vân "đệ nhất hùng quan", phía Bắc là đèo Phú Gia ẩn hiện. Bên dưới là vịnh Lăng Cô với bãi biển cát trắng mịn, kéo dài hòa lẫn trong làn nước xanh biếc khiến bạn phải "yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên".









2. Đường phượt 2: Hà Nội - Mộc Châu - Tà Xùa - Bắc Yên
Với những ai yêu thích cảm giác chinh phục thì cung đường này là lựa chọn không thể bỏ qua với những vườn hoa bạt ngàn, cánh trời đất núi non giao hòa… Bạn còn có thể khám phá đỉnh Pha Luông – nóc nhà của cao nguyên Mộc Châu hay vượt qua những con dốc nổi tiếng như dốc Kẽm, dốc Cun, đèo Thung Khe…












3. Đường phượt 3: Sài Gòn – Cà Mau
Đường phượt này chắc chắn sẽ khiến nhiều người hãnh diện khi chinh phục, bởi đây là con đường để chinh phục cực Nam của Tổ Quốc. Trên đường đi là khung cảnh và không khí đậm chất Nam Bộ, với những cánh đồng lúa mênh mông, những cây cầu gỗ cạnh con kênh đục màu phù sa, hay lướt qua một vườn cây ăn trái trĩu quả…




4. Đường phượt 4: Hà Nội – Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải
Trên cung đường này, bạn phải vượt qua đèo Khau Phạ với chiều dài hơn 30km, được đánh giá là một trong "tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam. Vượt qua màn sương trên đèo là khung cảnh hùng vĩ của núi rừng, nối tiếp là những thửa ruộng bậc thang đẹp hơn tranh vẽ ở các buôn làng.





5. Đường phượt 5: Sài Gòn – Đà Lạt
Nếu đã trải qua 107 khúc cua gấp ở đèo Bảo Lộc thì bạn có thể tìm đến con đường hoa anh đào, rừng lá phong mới được biết đến hay cảm nhận cái lạnh dịu dịu và những khu nhà kiến trúc lạ như Paris giữa lòng Việt Nam.










6. Đường phượt 6: Sài Gòn – Pleiku
Cảm giác vừa hồi hộp, vừa thích thú khi qua đèo "tử thần" Phượng Hoàng, cảnh núi non hùng vĩ và nét đẹp rất riêng, rất bình dị của các buôn làng sẽ làm bạn quyến luyến không rời.

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

Đi tìm nguyên nhân “chẳng quốc gia nào giống như chúng ta”

Nhìn ra đường thấy rất nhiều vụ tai nạn giao thông; nhìn vào chợ - kể cả siêu thị - thực phẩm bẩn tràn lan; nhìn lên rừng: gần hết cây...
Các cụ nhà ta ngày xưa dùng câu “cha chung không ai khóc” để nói đến chuyện những gì là của chung thường không được quan tâm, bị bỏ mặc không ai ngó ngàng tới.
Hàm ý trong câu nói này là phê phán thái độ vô trách nhiệm đối với việc chung, tài sản chung bao gồm cả của tập thể và nhà nước.
Sau cải cách ruộng đất, vùng nông thôn xuất hiện hình thức “Tổ đổi công”, “Hợp tác xã”, đó là mô hình “tập thể” đầu tiên của nền kinh tế Việt Nam.
Dần dần khái niệm “tập thể” được vận dụng “đại trà” trong các lĩnh vực phi kinh tế, chẳng hạn như “làm chủ tập thể”, “tập thể lãnh đạo” hoặc “quyết định tập thể”,…
Chắc chắn khái niệm “tập thể” được nêu trên không phải “cha chung”, thậm chí cũng chẳng có “họ hàng xa” gì với “cha chung”, thế thì tại sao có nhiều thứ của “tập thể” lại “không ai khóc”? 
Nhìn ra đường thấy rất nhiều vụ tai nạn giao thông; nhìn vào chợ - kể cả siêu thị - thực phẩm bẩn tràn lan; nhìn lên rừng: gần hết cây; nhìn xuống sông, xuống biển tôm cá cạn kiệt.
Chỉ một vụ tôm hùm chết ở Phú Yên, sơ sơ cũng khoảng 770.000 con, thiệt hại ước tính khoảng 700 tỷ đồng.
Liên quan đến những vụ việc ấy, ngoài dân ra có ai “khóc” cùng dân? 
Hàng loạt bài viết trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm mục đích “động viên” hay là chỉ đích danh người cần phải “khóc”:
Tai nạn giao thông: “xử” lãnh đạo địa phương? (nld.com.vn 19/3/2017)
Thực phẩm bẩn: lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. (Tuoitre.vn 10/5/2016)
Giáo viên dạy thêm không phép, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. (Giaoduc.net.vn 15//2/2017) 
Về vụ “thực phẩm bẩn” nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần quy định một Bộ (cơ quan) duy nhất chịu trách nhiệm an toàn thực phẩm thay vì ba Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp như hiện nay. 
Có điều chẳng Bộ nào tự nguyện nhận cái “của nợ” (thực phẩm bẩn) ấy dù tất cả các bộ được sinh ra để phục vụ nhân dân.
Bởi thế, dân mới có lý luận rằng: Cứ để “bẩn” như hiện nay, có xảy ra chuyện gì mỗi bên chịu một tí, đôi khi lại còn tìm được lý do đổ lỗi cho bên kia, thế mới là nhất cử nhưng “ba bốn tiện”! 
Chính vì được “tập thể” quan tâm như vậy nên suốt mấy chục năm qua, ngành Sư phạm vẫn chưa thoát cảnh “chuột chạy cùng sào”. Đội ngũ giáo viên phổ thông cũng rơi vào tình trạng “một cổ ba tròng” như thực phẩm, chuyên môn do ngành Giáo dục quản, nhân sự do bên Tổ chức/Nội vụ quản còn quỹ lương thì do Tài chính nắm. 
Chuyện xử lý một vụ án phụ thuộc vào quyết định của “liên ngành” báo chí đã đề cập quá nhiều.
Thông thường “Liên ngành” là bộ tam “Điều tra - Kiểm sát - Tòa án”, đôi khi còn có thêm sự chỉ đạo của cấp ủy hoặc cơ quan chính quyền. 
Với cách làm việc “tập thể” như vậy, nếu xảy ra án oan sai đương nhiên sẽ chẳng có cơ quan nào phải gánh chịu một mình, và cũng đương nhiên chẳng ai trong “liên ngành” phải bỏ tiền túi ra đến bù cho người bị oan sai.  
Chuyện quản lý nợ công cũng thế, lại cũng ba cơ quan cùng tham gia vào quá trình “vay tiền, tiêu tiền và trả nợ”. 
Có lẽ đây là sự sáng tạo độc đáo của Việt Nam nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mới cho rằng: “một người đi đàm phán vay, một người phân bổ số tiền vay, một người đi trả nợ. Đây là điểm bất hợp lý mà chẳng quốc gia nào giống như chúng ta”!
Không phải năm 2017 này những người có trọng trách mới phát hiện ra cái việc “chẳng quốc gia nào giống như chúng ta”. 
Chín năm trước, nhiều đại biểu của dân đã nói, đã chỉ rõ sự phi lý trong quản lý tiền vay của Nhà nước nhưng “Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu giải trình trước Quốc hội và kết luận tạm thời trước mắt sẽ thực hiện như vậy và tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi.
Đến nay, qua 9 năm tổ chức thực hiện, tại lần sửa đổi này cũng chưa được thể hiện trong dự thảo luật”. [1]
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, gần cuối nhiệm kỳ đã phải thốt lên: “Thủ tục hành chính với dân giờ cay nghiệt, độc ác lắm”. 
Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm thì cho rằng “chẳng quốc gia nào giống như chúng ta” trong chuyện vay tiền, tiêu tiền và trả nợ!
Từ ý kiến của hai vị Chủ tịch Quốc hội về quản lý nợ công và nền hành chính công, từ các dẫn chứng về quản lý thực phẩm, quản lý cán bộ,… có thể thấy rằng những năm qua, quá nhiều thứ của chúng ta “chẳng giống quốc gia nào”.
Có phải vì thế mà chúng ta - dù có rừng vàng, biển bạc, có người dân cần cù thông minh, chịu khó - nhưng chỉ mới lọt vào hàng ngũ quốc gia có thu nhập trung bình?
Sẽ thế nào nếu trong tương lai, chúng ta đảo ngược tình hình từ chỗ “chẳng quốc gia nào giống như chúng ta” thành “chúng ta chẳng giống như quốc gia nào”?
Chúng ta khác người thì rõ rồi, vấn đề là khác như thế nào?
Đó là nhận thức về vai trò của người đứng đầu trong điều hành, quản lý nhà nước. 
Nếu không có người dám làm, dám chịu, nếu cái gì cũng “tập thể”, cũng “liên ngành” thì câu hỏi mà Đài Tiếng nói Việt Nam nêu lên: “Vì sao “một bộ phận không nhỏ” cán bộ cứ mãi suy thoái đạo đức?” vẫn mãi sẽ không tìm được câu trả lời. [2]
Muốn trả lời, cách tốt nhất là trở về quá khứ, khi “Tổ đổi công”, “Hợp tác xã” không còn phát huy tác dụng, khi đất nước thiếu ăn thì “Khoán 10” ra đời và đất nước trở nên “thừa” lương thực. 
Mỗi năm xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo là minh chứng cho thấy khi người nông dân làm chủ mảnh đất của mình thì họ có cách - với sự hỗ trợ của khoa học, kỹ thuật - đưa đất nước lên vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.
Không phải ngẫu nhiên gần đây, vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, được Chính phủ xác định là trọng tâm phục vụ. 
Tại Đại hội XII, Trung ương khẳng định: “… kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”. 
Cũng tại Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng ta khẳng định chủ trương: “khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”. [3]
Điều này cho thấy trong phát triển kinh tế, quan điểm của Đảng đã có những thay đổi căn bản, không còn dị nghị với các “ông chủ”, không nhất thiết phải là “tập thể lãnh đạo” bởi trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân (chứ không phải tập thể) nắm quyền quyết định thành bại của doanh nghiệp. 
Vậy chúng ta có hy vọng trong tương lai gần, quan điểm tiến bộ trong kinh tế này sẽ được áp dụng cho công tác cán bộ, cho chỉ đạo điều hành, cho quản lý nhà nước?
Nói rõ hơn, liệu trong các lĩnh vực đó, chúng ta có thể loại bỏ “quyết định tập thể” để công nhận quyền quyết định của người đứng đầu?
Một khi đất nước được lập trình theo “cơ chế tập thể”, cái gì cũng do một “tập thể” nào đó quản lý thì hậu quả là nếu có sai sót “tập thể” sẽ chịu trách nhiệm chứ không phải một cá nhân nào đó.
Vấn đề là “các tập thể” đã chịu trách nhiệm thế nào trước dân, trước vận mệnh quốc gia và trước lịch sử dân tộc khi để xảy ra sai phạm?
Bài viết “Xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị” trên Trang Thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương có đoạn: 
Thực tế cho thấy, khi tham nhũng được phát hiện, hầu như không ai dám đứng ra nhận trách nhiệm; khi thì người đứng đầu, lúc thì là cấp phó của người đứng đầu, ai cũng cho rằng mình là người ngoài cuộc, đổ lỗi cho nhau. 
Nhiều trường hợp, người có thẩm quyền còn nể nang, né tránh, trong việc xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng”. [4]
Khi một cá nhân phụ trách dưới sự lãnh đạo của “tập thể” thì người ta có trăm nghìn lý do để không nhận trách nhiệm, để “đổ lỗi cho nhau” mà thực chất là đổ trách nhiệm về phía “tập thể” và cũng từng ấy lý do khiến “người có thẩm quyền nể nang, né tránh” bởi đơn giản vì sợ “rút dây động rừng”.
Chủ trương “Nhất thể hóa” các chức danh Đảng và chính quyền đang được thí điểm thực hiện tại Quảng Ninh và một số đơn vị có phải nhằm khắc phục chuyện “đổ lỗi cho nhau”? 
Về điều này, không gì rõ ràng hơn ý kiến của ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Hóa nhiệm kỳ 2011 - 2016 về chuyện tỉnh này bổ nhiệm thừa lãnh đạo cấp sở: 
Nói thực, lúc đó cũng không dám nói bởi vì công tác cán bộ trong vụ việc này là công tác của Đảng. Bên Đảng họ nắm cả và chỉ gửi thông báo sang cho chúng tôi thực hiện tham mưu quyết định bổ nhiệm thôi”. [5]
Phải chăng chính vì có tới “mấy bên” liên quan đến bổ nhiệm cán bộ (Thường vụ tỉnh, Ban Tổ chức, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ,..), nên đây là quyết định của “tập thể” và cuối cùng không thể quy trách nhiệm cho bất kỳ bên nào?
Có người đã mạnh dạn nêu ý kiến: “là tư lệnh ngành, tôi phải được toàn quyền quyết định”, tiếc rằng hình như đó là ý kiến duy nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Sợ chịu trách nhiệm đã trở thành đặc tính cố hữu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, kể cả một số người giữ chức vụ quan trọng.
Chính vì thế họ mới dựa vào “tập thể”, xem “tập thể” là lá bùa hộ mệnh, là “cái rọ an toàn” trên con đường quan lộ.  
Khi một người, vừa nắm chủ trương vừa nắm quyền lực thực hiện chủ trương đó thì không có lý do gì để đổ lỗi cho người khác khi người đó không hoàn thành nhiệm vụ, nhất là khi gây thiệt hại trong phạm vi trách nhiệm được giao.
Có một vấn đề “chung” thậm chí là “rất chung” đang làm nóng dư luận, ấy là Giáo dục. 
Dù được Hiến pháp quy định là “quốc sách hàng đầu” nhưng Giáo dục bị chi phối bởi ba đạo luật: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp.
Bị phân mảnh quản lý cho các bộ, ngành, địa phương kể cả doanh nghiệp và tổ chức quần chúng. 
Hậu quả của quá trình “cha chung” đó là một nền giáo dục tụt hậu, không đáp ứng được việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho kinh tế, nghiên cứu và quản lý xã hội.
Quốc hội khóa 14 đã phải miễn nhiệm tới ba người (Trịnh Xuân Thanh, Đặng Thị Nguyệt Hường, Võ Kim Cự), vấn đề là nếu không qua “Hội nghị hiệp thương”, nếu không có ý kiến của “tập thể” những người này có thể trúng cử?
Khi đương sự bị miễn nhiệm vai trò đại biểu Quốc hội thì người/cơ quan giới thiệu có vô can? 
Người viết cho rằng, Trung ương nên đẩy nhanh tiến trình “nhất thể hóa” bằng việc ban hành các quy định pháp luật, trong đó cần có luật riêng về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đoàn thể. 
Cần đồng bộ hóa các mức độ kỷ luật của Đảng với tội danh trong Luật Hình sự, chẳng hạn hình thức cảnh cáo trong Đảng tương đương (hoặc thấp hơn hay cao hơn) so với tội danh “ít nghiêm trọng” quy định trong luật?
Cần luật hóa trách nhiệm của người giới thiệu, tiến cử, đề bạt các cá nhân đảm nhiệm vai trò lãnh đạo.
Nếu bố trí, đề bạt, tiến cử nhầm những cán bộ xấu, cán bộ không đủ phẩm chất, tiêu chuẩn thì người bố trí, đề bạt, tiến cử phải bị xử lý cả về phía Đảng lẫn phía Chính quyền.
Chính vì “cha chung không ai khóc” nên những điều nhà bác học lỗi lạc Lê Quý Đôn (1726 -1784) chỉ ra từ hơn 200 năm trước về nguy cơ mất nước:
Trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt” cho đến hôm nay vẫn giữ nguyên tính thời sự.
Làm công bộc của dân, không quan trọng khi dân khen, quan trọng là việc mình làm.
Làm việc tốt cho quốc gia, dân tộc có thể hàng chục, hàng trăm năm sau mới được công nhận. Đó mới là tiếng thơm để dành cho hậu thế chứ không phải những câu xưng tụng chỉ chờ có dịp là vội vã vang lên.
Tài liệu tham khảo:
Xuân Dương (Nguồn Baogiaoduc)

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

Jack Ma dặn con trai 9 điều không được làm để thành tỷ phú,điều thứ 6,100% đều mắc phải,đặc biệt là Việt Nam

Trong 9 việc Jack Ma dạy con phải nhớ, hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ tìm thấy được sự giác ngộ cho chính bản thân mình
Bức thư Jack Ma gửi con trai đã khiến hàng triệu người Trung Quốc cảm động. Còn chúng ta sẽ cảm nhận được gì sau khi đọc bức thư được truyền tải nguyên văn dưới đây?
Con trai của ta: Ta viết “bản ghi nhớ” này dựa trên 3 nguyên tắc.
– Đời người phúc họa vô thường, chẳng ai có thể biết bản thân có thể sống được bao lâu, có một số việc nên nói sớm ra sẽ tốt hơn.
– Ta là cha của con, nếu ta không nói với con, sẽ chẳng có người nào khác nói với con.
– Những ghi chép trong bản ghi nhớ này, đều là những kinh nghiệm mà ta đã phải trải qua thất bại đau khổ mới có được. Nó có thể giúp con trưởng thành không cần phải mất quá nhiều thời gian để đi đường vòng.
Jack Ma – người sáng lập Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc.
Dưới đây là những điều mà sống trên đời, con phải nhớ cho thật kỹ:
1. Những người không tốt với con, đừng để ý quá nhiều đến người ta. Trong suốt cuộc đời con, không có ai có nghĩa vụ phải tốt với con, trừ ta và mẹ con. Với những người đối xử tốt với con, nhất định phải trân trọng, cảm ơn.
2. Không ai là không thể thay thế, không có thứ gì là bắt buộc phải có trong tay. Nhìn thấu điều này, sau này cho dù con có mất đi tất cả những thứ con yêu thích trên thế gian, con cũng sẽ hiểu rằng, chuyện đó chẳng có gì to tát!
3. Sinh mệnh rất ngắn ngủi. Hôm nay có thể con vẫn đang lãng phí sinh mệnh nhưng ngày mai, con có thể đã thấy thứ trân quý đó rời xa con.
Vì thế, càng sớm trân trọng sinh mệnh của mình, con sẽ được hưởng thụ những ngày tháng sống trên đời càng nhiều. So với kỳ vọng được sống lâu, sống thọ, thà rằng con hãy sớm hưởng thụ một cuộc sống thực sự trọn vẹn.
4. Tình yêu chỉ là một dạng cảm giác và cảm giác này, theo thời gian, tâm trạng sẽ thay đổi. Nếu người mà con cho là mình yêu nhất rời xa con, hãy nhẫn nại chờ đợi một chút, để trái tim dần dần lắng xuống, thời gian sẽ làm vơi nỗi đau trong lòng con.
Đừng quá vấn vương đến cái đẹp của ái tình, cũng đừng làm quá những đau khổ khi thất tình.
5. Mặc dù nhiều người không được học hành nhiều song vẫn thành công nhưng điều đó không có nghĩa là con không cần dụng công học hành mà cũng có thể thành công.
Những kiến thức con học được chính là thứ vũ khí mà con có. Con người có thể tay trắng lập nghiệp nhưng không thể không có vũ khí mà lập nghiệp, nhớ cho kỹ!
6. Ta đã mua xổ số trong suốt 26 năm nhưng đến giải 3 cũng chưa bao giờ trúng. Điều này chứng minh một điều rằng, con người muốn thành công, nhất định phải cần đến sự nỗ lực hết mình. Trên đời này không có gì là miễn phí.
7. Ta không yêu cầu con phải phụng dưỡng, nuôi ta nửa đời còn lại. Đồng nghĩa với việc đó, ta cũng không nuôi con nửa đời còn lại.
Khi con trưởng thành đến mức có thể tự lập, trách nhiệm của ta đã kết thúc. Từ nay về sau cho dù là con ngồi xe buýt hay ngồi trên xe Mercedes, ăn sơn hào hải vị hay cơm canh đạm bạc, con đều phải tự lo liệu.
8. Con có thể yêu cầu bản thân phải giữ chữ tín nhưng không thể yêu cầu người khác phải giữ chữ tín. Con có thể yêu cầu bản thân phải đối tốt với người khác nhưng con không thể kỳ vọng người ta tốt với con.
Con đối xử với người khác thế nào không có nghĩa là người ta sẽ đối xử lại với con như vậy. Nếu con không nhìn thấu điểm này, nó sẽ chỉ đem đến cho con những phiền não không cần thiết.
9. Người thân là duyên phận chỉ có 1 lần. Bất luận kiếp này ta và con được ở cạnh nhau bao lâu, con nhất định phải trân trọng thời khắc chúng ta bên nhau. Kiếp sau, cho dù chúng ta có yêu mến nhau hay không, chưa chắc chúng ta đã có thể gặp lại.

9 lời khuyên để đời của Tỷ phú Jack Ma

Tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập và là nguyên Giám đốc điều hành Alibaba Group. Ông cũng là một trong những doanh nhân công nghệ thành công nhất của Trung Quốc, cũng như thị trường châu Á. Sau kết quả IPO thành công trên thị trường chứng khoán New York,  ông trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc và đứng thứ 70 của thế giới.

Ông đã chia sẻ những kinh nghiệm sâu sắc nhất của mình về cuộc sống và nghiệp doanh nhân.

Tôi luôn tin vào 2 nguyên tắc:
  • Thái độ của bạn sẽ quan trọng hơn khả năng của bạn.
  • Tương tự, sự quyết đoán của bạn cũng quan trọng hơn khả năng của bạn.
Bạn không thể thống nhất suy nghĩ của tất cả mọi người, nhưng bạn có thể thống nhất mọi người thông qua một mục tiêu chung.
1. Đừng bao giờ tin rằng bạn có thể thống nhất suy nghĩ của tất cả mọi người. Đó là chuyện viễn vông.
2. Sẽ có khoảng 30% số người không bao giờ tin bạn. Thay vì để đồng nghiệp và nhân viên làm việc cho bạn, hãy để họ làm việc vì một mục tiêu chung.
3. Sẽ dễ dàng để thống nhất công ty dưới một mục tiêu chung hơn là thống nhất công ty dưới một người cụ thể nào đấy.
Điều gì làm nên một nhà lãnh đạo thật sự?
1. Nhà lãnh đạo phải là một người nhìn xa trông rộng, và anh ta phải có cái nhìn sâu sắc hơn một người nhân viên.
2. Nhà lãnh đạo nên có sự bền bĩ, ngoan cường, và anh ta có thể chịu đựng áp lực mà một nhân viên không thể chịu được.
3. Nhà lãnh đạo nên có một sự nhẫn nại kiên định và khả năng đương đầu và đối diện thất bại. Do đó, những phẩm chất của một nhà lãnh đạo kiệt xuất là tầm nhìn, sự nhẫn nại, và năng lực của anh ta.
Đừng dính líu vào chính trị
Theo lẽ thường, tiền và quyền lực chính trị sẽ không bao giờ đi chung. Khi bạn làm chính trị, đừng bao giờ nghĩ đến tiền bạc. Ngược lại, khi bạn làm kinh doanh, đừng nghĩ đến dính líu vào chính trị. Khi tiền bạc đụng đến chính trị, nó giống như bạn đụng đến một quả mìn nổ chậm, nó chỉ chực chờ bùng nổ.
4 câu hỏi chính yếu mà thế hệ trẻ nên tự hỏi
1. Thất bại là gì? Bỏ cuộc là sự thất bại lớn nhất.
2. Ứng biến là gì? Chỉ khi bạn trải qua những gian khó cùng cực, những thất vọng vô bờ bến, khi đấy bạn mới hiểu cái gọi là ứng biến.
3. Nghĩa vụ của bạn là gì: Là cần cù, chăm chỉ, và tham vọng hơn tất cả.
4. Chỉ những đứa ngốc mới thích dùng miệng để thể hiện. Người đàn ông thông minh sẽ sử dụng trí não, và người uyên bác sẽ thể hiện bằng trái tim của anh ấy.
Chúng ta sinh ra để được sống và thưởng thức cuộc sống này
Tôi luôn tự nói với bản thân tôi rằng chúng ta sinh ra không phải để cắm cúi làm việc, mà sinh ra để thưởng thức cuộc sống. Chúng ta tạo ra những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống. Nếu bạn muốn giành toàn bộ cuộc đời bạn chỉ để làm việc, sẽ có ngày bạn phải hối tiếc. Không cần biết bạn thành công đến đâu trên con đường sự nghiệp, bạn phải luôn nhớ rằng chúng ta có mặt ở đây là để tận hưởng cuộc sống.
Sự cạnh tranh và tranh đấu lẫn nhau
1. Những người cạnh tranh gay gắt lẫn nhau là những người ngốc nghếch.
2. Nếu bạn xem mọi người là kẻ thù, thì những người xung quanh bạn sẽ trở thành kẻ thù của bạn.
3. Khi bạn cạnh tranh bình đẳng với những đối thủ khác, đừng để xuất hiện sự ghen tức. Sự ghen tức nhỏ nhoi sẽ chỉ làm hại bạn về sau.
4. Cạnh tranh cũng giống như chơi một ván cờ. Khi chúng ta thua, chúng ta có thể chơi lại một nước cờ khác. Cả hai người chơi đừng nên chiến đấu triệt hạ lẫn nhau.
5. Một người làm kinh doanh hay một doanh nhân chân chính sẽ không có kẻ thù. Chỉ khi anh ta hiểu được điều này, anh ta mới nhận ra cơ hội luôn luôn rộng mở với tất cả mọi người.
Đừng để phàn nàn trở thành thói quen
Có thể chấp nhận được nếu thỉnh thoảng bạn phàn nàn, rên rỉ về những khó khăn. Tuy nhiên, nếu nó trở thành thói quen, nó sẽ giống như khi bạn uống rượu. Bạn càng cố gắng uống thì bạn sẽ càng khát. Trên con đường đến với thành công, bạn sẽ nhận ra người thành công sẽ không phải là người thường phàn nàn.
Thế giới này sẽ không thể nhớ những gì bạn nói, nhưng những gì bạn làm được chắc chắn sẽ không bị lãng quên.
“Nhà lãnh đạo sẽ không nên so sánh kĩ năng chuyên môn của anh ta với nhân viên của anh ta. Nhân viên của bạn phải luôn có kĩ năng chuyên môn tốt hơn bạn. Nếu không được như vậy, nghĩa là bạn đã thuê nhầm người” – Jack Ma.
Nguồn Sưu tầm

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

“Cầm trong tay chứng chỉ tiếng Anh mà xấu hổ quá”

Không ít giáo viên cầm được tấm chứng chỉ không thấy vui mừng, hãnh diện mà cảm thấy xấu hổ vì “nó giống như mình đi mua bằng một cách công khai”.


LTS: Chia sẻ câu chuyện về việc các giáo viên tìm cách có được chứng chỉ tiếng Anh để bổ sung vào hồ sơ, tác giả Sông Mã cho biết nhiều giáo viên cảm thấy xấu hổ vì việc này chẳng khác nào đi mua bằng.
Tác giả cũng cho rằng với những giáo viên mà chuyên môn không cần đến tiếng Anh thì không nhất thiết phải yêu cầu tất cả giáo viên phải có chứng chỉ tiếng Anh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mặc dù các trường học quê tôi không có công văn bắt buộc hay kêu gọi giáo viên đi học Anh văn như một số nơi nhưng hàng mấy trăm giáo viên nơi đây cũng đã tự tìm học tại trung tâm dạy nghề của thị xã để lấy giấy chứng nhận ngoại ngữ kẹp vào hồ sơ công chức.
Trước đó, giáo viên các trường thường truyền tai nhau “Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông”. 
Theo đó, giáo viên cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học mới có thể thi công chức, nâng lương. Thế là, các thầy cô giáo cứ nháo nhác đi tìm nơi nào dạy ngoại ngữ để đăng kí để học. 
Nhiều giáo viên bằng mọi cách cố kiếm bằng được chứng chỉ ngoại ngữ. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Nghẹt nỗi, các trung tâm dạy ngoại ngữ uy tín trong vùng yêu cầu người học phải học thật sự và dự thi cấp chứng chỉ cùng với nhiều học viên các ngành nghề khác một cách rất nghiêm túc. 
Nhưng nếu học và thi như thế, phần đông giáo viên sao có thể theo học được. Chưa nói bị bó hẹp về thời gian, mà kiến thức của phần lớn thầy cô không cho phép. 
Có giáo viên từ nhỏ đến lớn chưa hề biết một chữ tiếng Anh bẻ đôi, người học từ ngày xa xưa giờ chỉ nhớ bập bõm vài từ ngữ đơn giản…
Lợi dụng điều này, một số trường đại học tư thục trong nước hoặc một số trung tâm dạy ngoại ngữ ít tên tuổi khắp nơi đã liên kết với các trung tâm dạy nghề ở các huyện thị mở lớp ôn luyện tiếng Anh cấp tốc cho giáo viên.
Nói là học, là ôn luyện ngoại ngữ cho “oai” chứ chỉ mất có vài buổi lên lớp và đóng một khoản tiền học phí cố định là ai cũng nghiễm nhiên có một chứng chỉ ngoại ngữ trong tay. 
Không ít giáo viên cầm được tấm chứng chỉ không thấy vui mừng, hãnh diện mà cảm thấy xấu hổ vì “nó giống như mình đi mua bằng một cách công khai”. 
Bởi, chỉ với 4 buổi đến lớp đã hoàn thành xong khóa học. Buổi đầu tiên ghi danh, nộp tiền và dặn dò lịch ôn, lịch thi…
Buổi thứ hai, thứ ba phát tài liệu để về tự ôn. Giáo viên hướng dẫn thêm một số nội dung để học viên chuẩn bị thi phần vấn đáp. 
Như mấy câu chào, câu hỏi thăm đơn giản, giới thiệu mình và gia đình, vài câu thăm hỏi thông thường, một số câu nói chúc ngủ ngon, chúc buổi tối vui vẻ…
Cùng với tập tài liệu là một số mẫu câu, đoạn văn được dịch sẵn, được trả lời…
Buổi thứ tư là ngày thi để cấp chứng chỉ. Hàng trăm giáo viên được xếp vào các phòng thi, họ cũng phải trải qua hai vòng sát hạch như thường lệ là vấn đáp và thi viết. 
Chỉ có điều khác lạ, giáo viên khi trả lời câu hỏi nếu sai có quyền giở tài liệu đem theo để trả lời lại. Hoặc cứ tự do nói vài câu tiếng Anh theo trí nhớ của mình mà không cần biết giáo viên sát hạch vừa hỏi gì. 
Có thầy cô bật mí: “Nghe giáo viên coi thi hỏi nhưng chẳng hiểu gì nên cứ nói đại vài câu mình đã học thuộc ở nhà không trúng cái này cũng trúng cái kia”.

Phần thi viết, đề thi là toàn bộ những câu hỏi và câu trả lời có trong đề cương mà trung tâm đã phát trước đó nên thầy cô chỉ việc mở ra chép y nguyên vào và nộp bài. 
Bởi thế, chỉ sau một tuần 100% giáo viên tham gia khóa học nhận được chứng chỉ Anh văn B.
Cầm tấm chứng chỉ trên tay có không ít thầy cô giáo phải thốt lên “Mình có trình độ Anh văn B rồi nhé! Ôi chao! Sao xấu hổ muốn chết đi được!

Với chứng chỉ loại này, đương nhiên sẽ làm đẹp trong hồ sơ công chức nhưng nó có tác dụng gì không? Bảo rằng nâng cao trình độ học tập ngoại ngữ ư? Sao nghe nó xa xỉ quá! 
Từ lúc chưa học đến lúc cầm được tờ giấy công nhận trên tay thì trình độ ngoại ngữ của đại đa số giáo viên theo học chẳng được cải thiện chút nào. 
Dù thế, mỗi giáo viên phải mất một khoản tiền đóng vào đó cũng không hề nhỏ. Người hưởng lợi lớn nhất từ kiểu học ngoại ngữ siêu cấp tốc như thế chỉ là các trường và các trung tâm liên kết đào tạo với nhau.

Có nhất thiết yêu cầu tất cả giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ hay không? Quy định này chỉ dành cho những sinh viên đang học hoặc sắp ra trường là phù hợp nhất. 
Đặc biệt những giáo viên bậc phổ thông và tiểu học đã giảng dạy lâu năm không nên yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ. 
Bởi, chẳng ai có thể bỏ công sức theo học thật sự để lấy cái điều mà chẳng phục vụ gì cho công tác giảng dạy của mình. Có chăng chỉ làm giàu cho một số trung tâm cơ hội.

Vấn đề cần nói là với kiểu dạy ngoại ngữ siêu tốc như thế này chẳng ngành giáo dục không biết? Vậy tại sao không được tuýt còi để chấm dứt ngay tình trạng dạy và học gian dối như thế?
Nguồn Báo giáo dục
/
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang