Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Cập nhật Biển Đông I


Biển Đông là vấn đề được dư luận tiếp tục quan tâm theo dõi 2012, những biến động liên quan đến vùng biển này từ nay sẽ được cập nhật.
Vụ bùng phát tranh chấp lãnh hải mới nhất giữa Philippines và Trung Quốc xảy ra vào tháng trước khi Philippines cáo buộc các tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của nước này thuộc quần đảo Trường Sa. Trung Quốc phủ nhận điều này.
Philippines kêu gọi đưa tranh chấp lãnh hải ra Liên hợp quốc
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario ngày 10/1 đã kêu gọi Trung Quốc đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải kéo dài giữa hai nước trên Biển Hoa Nam (Biển Đông) lên Liên hợp quốc (LHQ) nhằm có được một giải pháp hòa bình. Ông Rosario cho rằng Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) nên được sử dụng “giải quyết hòa bình và triệt để” các tuyên bố chủ quyền gây tranh chấp giữa hai nước.
Philippines tăng cường không lực
Hồi giữa năm nay, Philippines đã lần đầu tiên công khai đề nghị đưa cuộc tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ra tòa án quốc tế về UNCLOS. Cũng như lần trước, Trung Quốc bác bỏ đề nghị này. Người phát ngôn lặp lại lập trường cũ, cho rằng Trung Quốc “có chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển lân cận, Trung Quốc không chấp nhận sự chỉ trích vô lý của phía Philippines, mong Philippines không nên dựng đứng, gây chuyện rắc rối.
Ngày 15/1, Ngoại trưởng Albert del Rosario cho biết nước này đã hối thúc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức một hội nghị cấp cao với sự tham dự của Trung Quốc và năm bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Hoa Nam để nỗ lực giải quyết các tranh chấp lãnh thổ gay gắt lâu nay trên vùng biển này.
Ngoại trưởng Rosario cho biết trong phiên họp thường niên diễn ra tại Campuchia hồi tuần trước, ông đã hối thúc các bên đối tác thuộc ASEAN ủng hộ lời kêu gọi của Manila muốn ASEAN tổ chức một hội nghị cấp cao vào thời gian “sớm nhất có thể”. Ông Rosario khẳng định nước ông sẵn sàng đăng cai một hội nghị bất thường như vậy. Ông nhấn mạnh: “ASEAN đang đứng trước một thời cơ then chốt để thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc giải quyết những tranh chấp này”.
TNS McCain: Mỹ tăng cường can dự vào tình hình biển Đông
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain ngày 17/1 tuyên bố Washington sẽ tăng cường can dự về mặt quân sự vào tình hình Biển Đông, khu vực đang là điểm nóng tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.
TNS John McCain: Mỹ tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông
Bình luận về vấn đề tranh chấp Biển Đông trong chuyến thăm Philippines, TNS McCain nhấn mạnh: “Sự tăng cường hiện diện về mặt quân sự của Mỹ sẽ giúp vùng biển này có được hòa bình”. Ông cũng cho biết sẽ tăng cường hợp tác quân sự hơn nữa với Philippines thông qua các cuộc tập trận chung nhưng phủ nhận khả năng quân đội Mỹ quay trở lại đồn trú tại nước này. Đề cập tới chiến lược quân sự mới do Tổng thống Mỹ Barack Obama mới được công bố, Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa cho biết Mỹ sẽ đặt trọng tâm chiến lược vào khu vực Châu Á, trong đó sẽ tăng cường liên kết với các quốc gia Đông Nam Á.
Trong một diễn biến khác, vào dịp thăm Đông Nam Á gần đây, cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ William Cohen phát biểu trong trong buổi thuyết trình tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta (Indonesia) về quan hệ Mỹ-ASEAN, ông Cohen khẳng định Biển Đông phải là một vùng biển của tự do và an toàn lưu thông hàng hải, các tranh chấp cần phải được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Ông Cohen, đồng Chủ tịch Hội đồng Chiến lược MỹASEAN thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS), nhấn mạnh Mỹ muốn có một vai trò trong quá trình thảo luận, đàm phán như là một nhân tố hỗ trợ thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp, xung đột, chứ không phải vì mục đích quân sự, đồng thời khẳng định vai trò của Mỹ là nhằm thúc đẩy ổn định và phát triển thịnh vượng tại khu vực.
Về quan hệ hợp tác giữa Mỹ - ASEAN, ông Cohen nhận định thế giới hiện đang có nhiều thay đổi đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu và đây cũng chính là những cơ hội cho sự gia tăng hợp hợp tác sâu rộng hơn, hiệu quả hơn giữa Mỹ và ASEAN. Ông nhấn mạnh tăng cường các mối quan hệ với ASEAN là lợi ích quốc gia của Mỹ. Ông Cohen cũng bày tỏ mong muốn một ASEAN hòa bình, ổn định, an ninh, thịnh vượng và phát triển, nhấn mạnh rằng ASEAN ổn định, an ninh, tự do, dân chủ, mở cửa và phát triển là một nhân tố đảm bảo cho hòa bình và thịnh vượng trong khu vực, góp phần vào việc gìn giữ hòa bình trên thế giới và điều này nằm trong các lợi ích quốc gia của Mỹ. William Cohen tái khẳng định tuyên bố của các nhà lãnh đạo Mỹ về mối quan tâm hiện nay của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương. Một trong những động thái gần đây nhất là việc Washington đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế thông qua Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Báo Hong Kong: Trung Quốc cần phải ứng phó tốt hơn từ nay về sau
Tuy nhiên, báo Thái Dương (Hong Kong) ngày 15/1 đăng bình luận cho rằng Mỹ khó nắm quyền chủ đạo trong vấn đề Biển Đông. Bài báo nhận định, để kiềm chế ảnh hưởng ngày một tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ chuẩn bị liên kết với các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương đề ra quy tắc hành vi ứng xử các bên ở Biển Đông. Mục đích của Mỹ trong việc này rất rõ, đó là nắm quyền chủ đạo trong vấn đề Biển Đông.
Theo tác giả, vấn đề Biển Đông là “cửa ngõ” quan trọng để Mỹ trở lại châu Á. Thông qua vấn đề Biển Đông, Mỹ vừa có thể lôi kéo các nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vừa có thể kiềm chế Trung Quốc và kiểm soát tuyến hàng hải quan trọng nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nếu quy tắc hành vi ứng xử các bên ở Biển Đông do Mỹ đề ra được cộng đồng quốc tế thừa nhận, Trung Quốc chắc chắn sẽ rơi vào thế bị động hơn trong vấn đề Biển Đông. Do vậy, đối với Trung Quốc, việc ngăn chặn Mỹ “được đằng chân lân đằng đầu” trong vấn đề Biển Đông, không để Mỹ chủ đạo vấn đề Biển Đông là vấn đề quan trọng cần phải ứng phó tốt từ nay về sau.
Tác giả cho rằng Trung Quốc đang có điều kiện thuận lợi để đối phó với vấn đề quan trọng trên, đó chính là việc Mỹ hiện trong tình trạng “lực bất tòng tâm” khi thực hiện tham vọng giữ vai trò chủ đạo trong vấn đề Biển Đông. Trước tiên, kinh tế Mỹ đang xuống dốc, chi phí quốc phòng bị cắt giảm mạnh. Trong khi đó, muốn giữ thế chủ đạo vấn đề Biển Đông, Mỹ cần bỏ ra tiền thực chứ không thể chỉ tuyên bố suông. Không có đủ kinh phí quốc phòng thì dù muốn giữ vai trò chủ đạo ở Biển Đông, hoàn cảnh của Mỹ không khác gì việc “ăn bánh vẽ cho đỡ đói”. Chính sách liên minh của Mỹ với ASEAN đương nhiên sẽ đổ vỡ.
Ngoài ra, nếu muốn nắm vai trò chủ đạo trong vấn đề Biển Đông, Mỹ sẽ phải thoát khỏi các khu vực khác vì thực lực của Mỹ không cho phép Mỹ hành động đồng thời tại nhiều khu vực. Trong thời gian trước mắt, Mỹ hoàn toàn không có khả năng thoát khỏi Trung Đông. Trong khi đó, Iraq và Afghanistan tới nay vẫn là bãi lầy, Iran trở thành phiền toái mới và dù Mỹ có tấn công Iran hay không, Iran sẽ vẫn khiến Mỹ mất nhiều sức lực. Không tấn công, Iran sẽ luôn là nỗi lo lắng treo lơ lửng trên đầu Mỹ, khiến Mỹ không thể chuyển toàn bộ thực lực sang châu Á-Thái Bình Dương, không thể đưa lực lượng quân sự chủ yếu tới Biển Đông. Nếu Mỹ thực sự tấn công Iran, kể cả trong thời gian ngắn giành được thắng lợi, việc tái thiết sau chiến tranh vẫn là con đường dài, không thấy điểm kết. Chính vì vậy, việc Mỹ quay trở lại châu Á sẽ trở thành “ảo ảnh”.
Tờ báo thân Trung Quốc cho rằng, chỉ cần Trung Quốc ứng phó thỏa đáng, Mỹ sẽ không thể thực hiện được mục đích của mình vì Mỹ đã không còn sức mạnh để hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược./.
Nhật Nam (theo các báo nước ngoài)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang