Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

Mỹ - Iran có quá ít 'quà' để trao đổi

Theo chuyên gia Meir Javedanfar, giáo chủ Iran Ali Khamenei ở vào thế khó nếu muốn đàm phán với Mỹ.
Ông Meir Javedanfar là nhà phân tích mối quan hệ Israel - Iran. Ngoài ra, ông còn giảng dạy môn Chính trị Iran đương đại tại Trung tâm Liên ngành ở Herzliya, Israel.

Dưới đây là bài viết của tác giả:

Để tránh được cuộc chiến với Mỹ, Iran sẽ phải thành công trong cuộc đàm phán với nhóm P5+1 (gồm 3 nước thuộc khối EU: Pháp, Đức, Anh và 3 nước Mỹ, Nga, Trung Quốc), dự kiến được tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cả Iran và nhóm P5+1 đều cho biết đã sẵn sàng để tham dự vòng đám phán.

Tuy vậy, với tình hình căng thẳng tăng cao như hiện nay khi cả 2 phía chưa thống nhất ngày đàm phán, Mỹ nên tổ chức cuộc đàm phán song phương với Iran.

Câu hỏi cần đặt ra là dưới áp lực từ đồng minh như Anh, Pháp và Israel liệu Mỹ có gì trong tay để đặt lên bàn đàm phán với Iran.

Ông Obama chịu nhiều áp lực nếu đàm phán với Iran
Ở mức độ đơn giản nhất, Mỹ có thể gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt chống lại Iran. Ở mức độ tối đa cho phép, Tổng thống Obama cũng chỉ có thể đề nghị một phiên bản sửa đổi của Hiệp định hoán chuyển nhiên liệu được 2 bên ký hồi tháng 10/2009 tại Geneva (Thụy Sĩ).  Điều mà Mỹ cần là đảm bảo lượng uranium còn lại không đủ để Iran tạo thành một quả bom nguyên tử trong tương lai.

Như vậy, Mỹ có thể giảm các lệnh trừng phạt và trao đổi nhiên liệu hạt nhân với Iran. Để đổi lại, Mỹ muốn gì từ Iran? Ở mức tối thiểu, Chính phủ Obama muốn Iran ngay lập tức trả lời các câu hỏi của IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế) cũng như quyền thanh tra các vùng cần thiết đối với cơ quan này.

Iran có gì?
Đại giáo chủ Ali Khamenei - thủ lĩnh tinh thần đồng thời cũng là lãnh đạo tối cao tại Iran cũng không có nhiều vốn để đặt lên bàn đàm phán. 

Một mặt, ông phải đối mặt với áp lực kinh tế và ngoại giao ở mức độ chưa từng có từ phía Mỹ. 

Mặt khác, ông cũng phải đối mặt với những vấn đề trong nội bộ đang bị Tổng thống Mahmoud Ahamadinejad chia rẽ. Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Mahmoud Bahmani cũng đe dọa từ chức.

Giáo chủ Ali Khamenei cũng ở vào thế khó nếu đàm phán với Mỹ
Không những thế, vị trí và chính sách của giáo chủ Khamenei cũng đang bị chỉ trích gián tiếp và trực tiếp theo quan điểm của công chúng Iran. Một ví dụ điển hình là ý kiến của Đô đốc Hossein Alaei, người sáng lập Lực lượng Hải quân của Vệ Binh Cách Mạng Hồi giáo. Trong bài viết của mình, ông Alaei kể lại việc Quốc vương Shāh, người bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979. Theo đó, vị quốc vương không cho phép biểu tình hòa bình hay ra lệnh bắn vào người biểu tình. Cách ông Alaei chỉ trích đường lối cứng rắn của ông Quốc vương Shāh có thể được coi là cách chỉ trích gián tiếp chính sách của đại giáo chủ Khamenei.

Trong nhiều thập kỷ, ông Khamenei miêu tả Mỹ như kẻ thủ của Iran. Vì vậy sẽ rất khó cho ông Khamenei có thể đạt được thỏa thuận với chính phủ ông Obama. Nhất là khi thỏa thuận đạt được có thể giúp ông Obama tái đắc cử trong cuộc bầu của năm 2012.

Những người theo đường lối cách mạng cứng rắn ở Iran vẫn còn tự hào vì ông Ayatollah Khomeini đã phá hủy cơ hội tái đắc cử của tổng thống Jimmy Carter do cuộc khủng hoảng con tim ở đại sứ quán Mỹ năm 1979. Liệu ông Khamenei có thể chống lại truyền thống lịch sử với tư thế của người giúp ông Obama tiếp tục tại vị?

Trong nhiều năm, ông Khamenei đã cản trở cách nỗ lực của các cựu tổng thống Rafasaniani và Khatami cũng như người đương nhiệm Ahmadinejad trong việc cải thiện mối quan hệ với Mỹ, thậm chí còn từ chối lời đề nghị thiết lập đường dây nóng của Mỹ vào tháng 10/2011.

Ngoài ra, lá bài chống Mỹ cũng giúp ông bảo đảm vị trí của mình tại Iran, vốn rất cần thiết vì ông Khamenei không được lòng các tín đồ như người tiền nhiệm. Tất cả điều này cho thấy ông Khamenei đang ở vào một vị trí khó khăn để có thể tiến hành đàm phán với Mỹ.

Lê Hương (theo Diplomat)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang