Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Cuộc sống người lính trên các nhà giàn DK1


Những người lính Hải quân trên các nhà giàn bám trụ trên biển từ 8 đến 12 tháng. Cũng có khi do yêu cầu nhiệm vụ nên phải ở hơn 20 tháng mới vào đất liền. Sống giữa biển và trời với thời gian dài dằng dặc như thế đương nhiên là khó khăn, vất vả và thiếu thốn đủ bề, nhưng bằng tình yêu Tổ quốc và biển đảo, những người lính Hải quân đã vượt qua mọi trở ngại để sống một cuộc sống lạc quan, yêu đời và vững vàng bản lĩnh người chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió.

DK1 là tên gọi của cụm kỹ thuật - khoa học - dịch vụ được xây dựng tại khu vực thềm lục địa phía Nam thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với những nhà giàn dựng trên mặt biển. Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân... Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa.

XEM THÊM:
>> Huấn luyện, làm chủ hộ vệ hạm Gepard của Lữ đoàn 162 Hải quân
Nhà giàn DK1 đầu tiên được thành lập từ ngày 5/7/1989, mang tên Phúc Tần nằm giữa biển Đông với tư cách là cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển. Từ đó đến nay, 15 nhà giàn DK1 thuộc các cụm: Ba Kè, Phúc Tần, Quế Đường, Tư Chính, Phúc Nguyên, Huyền Trân và Cà Mau tạo thành một vành đai chiến hào đảo thép trên biển. Làm nhiệm vụ trên các nhà giàn là cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp thuộc Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân.
Những người lính Hải quân trên các nhà giàn bám trụ trên biển từ 8 đến 12 tháng. Cũng có khi do yêu cầu nhiệm vụ nên phải ở hơn 20 tháng mới vào đất liền. Sống giữa biển và trời với thời gian dài dằng dặc như thế đương nhiên là khó khăn, vất vả và thiếu thốn đủ bề, nhưng bằng tình yêu Tổ quốc và biển đảo, những người lính Hải quân đã vượt qua mọi trở ngại để sống một cuộc sống lạc quan, yêu đời và vững vàng bản lĩnh người chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió.
Từ năm 2009 trở về trước, nói về nhà giàn DK1 ít người biết đến. Ngay cả những người sống ở địa bàn dựng nhà giàn DK1 cũng không hiểu nhà giàn DK1 là gì. Vậy mới có chuyện khôi hài là ngay cả cán bộ ở tại địa phận dựng nhà giàn DK1 lại cứ tưởng DK1 là “dầu khí”, cán bộ DK1 ăn lương dầu khí nên kinh tế rất khá. Nhưng thực tế DK1 và dầu khí nào có liên quan gì nhau.
Bên dầu khí làm việc ở các giàn khoan (gần đất liền). Trong khi đó anh em DK1 ăn lương bộ đội, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển (cách xa khu vực khai thác dầu khí). Các nhà giàn được kết cấu bằng thép do Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng có sức bền lâu dài và chịu được khắc nghiệt của thời tiết như gió to, bão lớn.


Cán bộ quân nhân chuyên nghiệp Tiểu đoàn DK1 trước giờ rời tàu lên nhà giàn
Nhà giàn có chân bằng thép cắm sâu xuống đáy san hô, chia thành nhiều tầng, nhiều khối với diện tích sử dụng hàng trăm mét vuông một tầng. Vào mùa sóng to, gió lớn, nhà giàn rung lắc nhưng luôn trụ vững giữa biển khơi. Sống giữa biển khơi với muôn trùng sóng dữ, đời sống của cán bộ, quân nhân Hải quân gặp nhiều khó khăn. Thức ăn của họ chủ yếu là cá do anh em câu từ dưới biển lên và thi thoảng cải thiện bằng gia súc, gia cầm nuôi được tại nhà giàn.
Rau được trồng trong các chậu đặt tại nhà giàn. Nguồn nước ngọt anh em sử dụng hằng ngày có dư giả hay không phụ thuộc vào mưa nhiều hay ít. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối chủ quyền, ngày cũng như đêm, các cán bộ nhà giàn luôn tăng cường quan sát, phát hiện những động thái từ xa và sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh.
Đại tá Trương Công Thế, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân khẳng định, cuộc sống thiếu thốn, gian khổ đấy, nhìn thấy đồng đội hi sinh đấy nhưng không cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp nào của Tiểu đoàn DK1 dao động, nao núng tinh thần. Khi được phân công, họ luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ bảo vệ các nhà giàn DK1.
Thiếu tá Bùi Xuân Bổng là một ví dụ điển hình trong cái ngày nhà giàn 2A sập đổ khiến 3 người hi sinh, 6 người trôi dạt 14 giờ liền trong bão biển ngày 13/12/1998. Anh tưởng đã chết khi nhà giàn bị sập. Thế nhưng chỉ vài tháng sau đó, anh lại cùng đồng đội ra biển nhận nhiệm vụ ở một nhà giàn khác. Thiếu tá Hồ Thế Công, đồng đội cùng thoát nạn với Thiếu tá Bùi Xuân Bổng sau sự cố sập nhà giàn. Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, anh lại sẵn sàng ra biển làm nhiệm vụ, không màng đến những khó khăn và nguy hiểm đang ở phía trước.
Tôi hỏi đồng chí Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân Trương Công Thế rằng: “Động lực nào khiến những người lính Hải quân không ngại hiểm nguy, gian khó để ngày đêm bám biển?”, và được anh trả lời: “Điều thiêng liêng nhất mà những người lính Hải quân khắc ghi trong lòng để kiên cường chống chọi với bão tố và vượt qua mọi gian khổ giữa trùng khơi chính là lời thề trên biển Đông năm xưa: Chúng tôi xin hứa trước đồng bào cả nước sẽ quyết tâm bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
Hơn 22 năm đã trôi qua cũng là hơn 22 mùa dông bão, mặc sóng, mặc gió, mặc bão tố, phong ba, các nhà giàn DK1 vẫn hiên ngang và sừng sững giữa biển khơi. Cuộc sống của những người lính Hải quân DK1 bây giờ đã được cải thiện nhiều. Rau xanh vẫn thiếu dù anh em đã tận dụng trồng mọi chỗ có thể. Nhưng để đóng góp vào sự bình yên của cuộc sống nơi biển đảo là của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và quân nhân chuyên nghiệp Hải quân.
Hơn 22 năm qua, các nhân chứng lịch sử - những người thầm lặng cống hiến và cả hy sinh quên mình trong công cuộc xây dựng các nhà giàn DK1 và bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam Tổ quốc luôn một lòng một dạ gắn bó. Và nối tiếp truyền thống anh hùng của thế hệ cha anh, những cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp Hải quân hôm nay tiếp tục giữ lời thề năm xưa, quyết bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nơi biển đảo.


Nguyễn Hưng -CAND

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang