Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Năm 2011: Những điểm nhấn về an ninh quân sự


Năm 2011, đã ghi nhận sự nỗ lực của các nước, các tổ chức quốc tế trong hợp tác toàn cầu để giữ vững ổn định, phục hồi kinh tế sau khủng hoảng. Tuy nhiên, tình hình vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, cuộc đấu tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra quyết liệt hơn; điểm nóng Trung Đông–Bắc Phi bùng phát đã tác động xấu đến môi trường an ninh quân sự quốc tế. Tình hình trên đã và đang đặt ra cho cộng đồng quốc tế những nguy cơ, thách thức mới về an ninh quân sự toàn cầu trong năm 2012.
Nguyễn Nhâm
Sau những biến động chính trị tại Trung Đông-Bắc Phi, với luận điểm "trách nhiệm bảo vệ” của LHQ, đã tạo ra tiền lệ và công cụ pháp lý quốc tế cho mô hình "can thiệp nóng” và kích hoạt sự đầu tư vào nguồn lực quốc phòng của các nước, trong bối cảnh cạnh tranh lợi ích quốc tế và khu vực ngày càng gia tăng.
Với Nghị quyết số 1970 và 1973 của HĐBA LHQ, ngày 19/3 liên quân Pháp, Anh, Mỹ đã thực hành tiến công bằng không quân và tên lửa vào lãnh thổ Libya. Ngày 5/10, Tổng Thư ký NATO Rasmussen tuyên bố, chiến dịch "Người bảo vệ thống nhất” tại Libya đã thu được thắng lợi to lớn và NATO đã hoàn thành sự ủy nhiệm của Liên hợp quốc. Cuộc chiến ở Libya sau 7 tháng đã kết thúc "thắng lợi” với hàng chục ngàn người chết, bị thương và phải đi lánh nạn ở nước ngoài, thiệt hại ước tính lên tới hàng chục tỷ USD.
Theo IMF thì biến động chính trị tại đây đã làm mất hơn 55 tỷ USD. Trong 6 nước bị thiệt hại thì Libya là nước nặng nề nhất, các hoạt động kinh tế bị đình trệ với cái giá phải trả là 7,7 tỷ USD (28% GDP). Tổng chi phí trong cân bằng ngân sách lên tới 6,5 tỷ USD, gần bằng 29% của tổng sản phẩm quốc gia. Kinh tế các nước Trung Đông–Bắc Phi đồng loạt suy giảm từ 2,3% xuống 1,9% trong năm nay, riêng kinh tế Libya mất hơn 50% do ngành dầu mỏ bị tê liệt. Trong khi dầu mỏ nước này chiếm 70% GDP và 95% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các công ty dầu lửa và các nước phương Tây cũng lo ngại rằng lực lượng NTC vẫn bị chia rẽ do bất đồng nội bộ, từ đó có thể dẫn đến các cuộc giao tranh mới, gây hại cho sự phục hồi sau chiến tranh và việc nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Chuyên gia dầu lửa của công ty Wood Mackenzie ước tính sau khi chế độ Gaddafi sụp đổ, Libya sẽ phải mất ít nhất 3 năm mới có thể khôi phục sản lượng dầu 1,6 triệu thùng/ngày, chiếm gần 2% tổng sản lượng dầu thế giới.
2. Khối quân sự Bắc Âu đang hình thành
Theo cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, Bắc Cực chiếm khoảng 10% dự trữ dầu thế giới và 25% trữ lượng chưa được khám phá, tương đương khoảng 90 tỷ thùng dầu, 1.699 nghìn tỷ feet khí đốt tự nhiên và khoảng 44 tỷ thùng khí tự nhiên dạng lỏng. Tại Biển Bắc, các khu vực dễ phát triển và khai thác năng lượng nhất ở khu vực này trong tương lai gần là Vịnh Yamal và thềm lục địa của Biển Barents và biển Kara. Ở trung tâm biển Barents tồn tại một mỏ khí đốt đã được kiểm chứng với trữ lượng khoảng 3,7 ngàn tỷ mét khối khí đốt và 31 triệu mét khối khí đốt hóa lỏng, đủ để cung cấp cho EU trong 7 năm. Nga hiện đã tiến hành chuẩn bị tuyên bố chủ quyền thềm lục địa 1,2 triệu km2 và khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý ở khu vực này. Và Nga sẽ khai thác khoảng 30 triệu tấn dầu và 130 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên trên thềm lục địa Bắc Cực vào năm 2030.
Tháng 8/2011, Nga và Mỹ đã ký kết hợp đồng hợp tác khai thác dầu trị giá nhiều tỷ USD ở khu vực Biển Bắc thuộc chủ quyền của Nga do Nga chưa có đủ công nghệ khai thác dầu biển sâu. Tính đến tháng 10/2011 đã có gần 500 hợp đồng khoan thăm dò được cấp phép tại vùng biển Chukchi. Theo đó, Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Royal Dutch Shell sẽ hoạt động tại vùng biển này vào đầu năm 2012. Tập đoàn dầu mỏ Exxon Mobil (Mỹ) và Tập đoàn Rosneft (Nga) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với vốn đầu tư ban đầu là 3,2 tỉ USD, theo đó Nga mở đường cho Exxon Mobil tiếp cận nguồn dầu khí của Nga tại Bắc cực và Mỹ mở đường cho Rosneft tiếp cận thăm dò, khai thác tại khu vực Biển Bắc của Mỹ.     
Do khối lượng băng ở Bắc Cực tan chảy nhanh hơn dự kiến, dẫn tới khả năng phát triển của một số tuyến đường biển mới đi qua Biển Bắc đến bờ biển phía Đông của Châu Á và bờ biển phía Tây của Bắc Mỹ. Tháng 8/2010, lần đầu tiên Nga cho tàu SCF Baltica chở 114.564 tấn dầu, được hộ tống bởi hai tàu phá băng hạt nhân, đã thành công trong việc vận chuyển khí đốt hóa lỏng cho Trung Quốc và tiến sát bờ biển Bắc Cực. Tuyến đường này dài  4.000 km trước khi tới cảng Nga Pevek Chukotsky, để tiếp tục di chuyển tới Trung Quốc. Theo tính toán, tuyến đường này nhanh gấp 2 lần so với các tuyến đường đi từ kênh đào Suez và tiết kiệm được khoảng 15% chi phí. Khoảng cách từ cảng Murmansk của Nga đến Thượng Hải thông qua các tuyến đường Bắc Cực có chiều dài khoảng 10.600 km và khi đi qua kênh đào Suez là khoảng 17.700 km.
Các dự đoán hiện nay cho rằng tuyến đường biển Đông Bắc địa cầu sẽ bắt đầu có thể qua lại được trong 5 đến 10 năm nữa, trong khi tuyến đường trực tiếp đến Bắc Cực có thể qua lại trong vòng 30 đến 40 năm tới. Các tuyến đường biển ở Bắc Cực sẽ có tác động làm giảm lưu lượng giao thông đường biển qua các khu vực chật chội như eo Malacca, đồng thời mở rộng khu vực có nhu cầu cần được bảo đảm an ninh hàng hải.
Hiện nay, Bắc Cực được chi phối bởi 5 quốc gia là: Nga, Mỹ, Na Uy, Canada và Đan Mạch. Một Hội đồng Bắc Cực cũng đã được thành lập, với chức năng thảo luận các vấn đề liên quan tới lợi ích của 5 nước. Các nước ngoài khu vực như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… cũng đang quan tâm đến khu vực này và coi đây là "di sản chung của nhân loại”.
            Vì thế, các cường quốc trên thế giới, nhất là các quốc gia ven Biển Bắc, và cả một số cường quốc châu Á đang ngày càng quan tâm đến các vấn đề lợi ích và sự điều chỉnh chiến lược ở Biển Bắc. Đáng chú ý có việc tăng cường khả năng quân sự tại khu vực, trong đó nổi lên vai trò của Nga, Mỹ và Canada. Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang rất quan tâm và muốn tham gia phân chia lợi ích kinh tế - năng lượng tại khu vực này. Tuy nhiên, một Liên minh quân sự Bắc Âu "NATO mi ni” cũng đang trong quá trình hình thành, nhằm cạnh tranh nguồn năng lượng dầu khí với Nga tại đây.
3. Mỹ thực thi chiến lược trở lại châu Á
Chiến lược "trở lại châu Á" được chính phủ Mỹ công khai đề ra hồi tháng 7/2009, nhưng phải đến sau khi cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan và Libya tạm lắng, Mỹ mới thực thi chiến lược nhằm thiết lập lại và tăng cường vai trò chủ đạo của Mỹ tại đây.
 Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế ở New York, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết: "Khi Mỹ đã kết thúc cuộc chiến tại Iraq và đưa binh sỹ về nước, thì đây là thời điểm chúng ta phải đưa ra một quyết định quan trọng. Trọng tâm chiến lược cũng như kinh tế đang chuyển đổi sang phía Đông, do đó Mỹ chuyển sang tập trung nhiều hơn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Ngày 16/11, trong bài phát biểu trước Quốc hội Úc ở Canberra, TTh Obama khẳng định: "Hoa Kỳ là cường quốc Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ mãi hiện diện ở đây".
Mỹ cho rằng, châu Á – Thái Bình Dương đã trở thành động lực chính của nền chính trị toàn cầu. Trải dài từ tiểu lục địa Ấn Độ đến bờ biển phía Tây của Mỹ, khu vực rộng lớn chiếm một 50% dân số thế giới đang ngày càng có vị trí quan trọng trong giao thương hàng hải quốc tế. Đây cũng là nơi có nhiều quốc gia đầu tầu của kinh tế thế giới, đồng thời cũng là những đối tượng thải ra chất gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất.
Khu vực này còn bao gồm một số đồng minh chủ chốt của Mỹ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Phillippine, Thái Lan và một số cường quốc mới nổi quan trọng như: Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Chính giới Mỹ cho rằng, khai thác một châu Á tăng trưởng và năng động là trung tâm lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ, đồng thời là ưu tiên quan trọng hàng đầu đối với TTh Obama. Những thị trường mở ở châu Á cung cấp cho Mỹ những cơ hội đầu tư, giao thương và tiếp cận công nghệ tiên tiến chưa từng có.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng  khẳng định quan điểm tương tự khi nói về chiến lược quốc phòng của Mỹ tại Tokyo. Ông L. Panetta nói rằng, Mỹ sẽ luôn thể hiện mình là một cường quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó cũng là thông điệp được TTh Mỹ Obama một lần nữa khẳng định tại các cuộc họp đa phương cũng như song phương với các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị APEC tại Hawaii. TTh Mỹ Obama đã cam kết một kỷ nguyên mới của Mỹ đối với khu vực châu Á và coi châu Á là một khu vực giúp Mỹ tăng gấp đôi xuất khẩu của mình vào năm 2015, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân Mỹ đồng thời thúc đẩy kinh tế của Mỹ phát triển.
Có thể nói rằng, chưa bao giờ các quan chức cấp cao của Mỹ lại nhấn mạnh đến vai trò của khu vực châu Á - Thái Bình Dương như thời gian gần đây. Tại hầu hết các cuộc họp quốc tế cũng như trong nước, chủ đề về châu Á- Thái Bình Dương được các quan chức Mỹ liên tục đề cập đến và với tần suất ngày càng cao hơn.
Mỹ đã đề ra 6 định hướng chính là, tăng cường các liên minh an ninh song phương; tăng cường quan hệ của Mỹ với các cường quốc mới nổi (cả Trung Quốc); tham gia vào các tổ chức đa phương khu vực; mở rộng thương mại và đầu tư; tạo dựng sự hiện diện quân sự trên diện rộng; và thúc đẩy dân chủ-nhân quyền. Đồng thời thực hiện các nguyên tắc đối vơi các nước đồng minh tại đây nhằm: Duy trì đồng thuận về chính trị đối với những giá trị cốt lõi; Bảo đảm quan hệ linh hoạt và thích nghi để ứng phó thành công với những thách thức và cơ hội mới; Bảo đảm khả năng phòng thủ và hạ tầng thông tin để có thể ngăn chặn, răn đe bất cứ hành động khiêu khích nào của các nhà nước và thực thể phi nhà nước.
Mỹ còn ủng hộ cơ chế ba bên mới Mỹ–Nhật–Ấn; tăng cường các quan hệ song phương, coi trọng hợp tác đa phương, tham gia tích cực vào các thể chế khu vực ASEAN, APEC và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chương trình nghị sự của các tổ chức này.
Tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực. Mỹ tiến hành "hiện đại hóa” các thỏa thuận nền tảng với các đồng minh truyền thống tại Đông Bắc Á; Mỹ tìm cách tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Mỹ sẽ triển khai tàu tuần tra duyên hải tại Singapore; đã thỏa thuận với Úc nhằm mở rộng hiện diện quân sự tại đây; tìm cách tăng cường tiếp cận chiến thuật tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.
Một động thái quan trọng là, ngay trước khi rời Nhà Trắng, thực hiện chuyến công du tới châu Á – Thái Bình Dương mới đây, TTh Obama đã phê chuẩn đề xuất của Lầu Năm Góc thành lập phòng đặc biệt chuyên trách vấn đề đối phó với Trung Quốc. Với mục tiêu là nghiên cứu tấn công Trung Quốc bằng đường biển, đường không, từ vũ trụ và không gian mạng…
4. Nga khẳng định lại vị thế toàn cầu
Trong cuộc khủng hoảng ở Trung Đông-Bắc Phi, Nga là một trong những nước thiệt hại lớn về lợi ích kinh tế - dầu mỏ. Vì thế, sự phản ứng của Nga đối với việc phương Tây chủ trương trừng phạt Iran và Syria là rất quyết liệt, mới đây ngày 22/11, Nga đã đưa tàu chiến vào vùng biển gần Syria để ngăn chặn nước ngoài có thể can thiệp vào đây.
Trên chính trường Nga và quốc tế, với sự ăn ý của "cặp đôi quyền lực” Putin-Medvedev đã khiến cho giới lãnh đạo của một số nước phương Tây không hài lòng. Với chính sách có phần cứng rắn của ông Putin và cách tiếp cận mềm mỏng của ông Medvedev, cùng với ý tưởng kéo nước Nga xích lại gần hơn với Mỹ và phương Tây, nhằm thu hút công nghệ cao cho hiện đại hóa đất nước, xây dựng hệ thống chính trị hiện đại, bảo đảm an ninh quốc gia và quốc tế… đã được thử nghiệm trên thực tế, và đã có thể đưa ra những kết luận mới về chiến lược và sách lược trong cuộc chiến giành vị thế toàn cầu của Nga.
Ngày 29/11, TTh Nga Dmitry Medvedev đã ra lệnh kích hoạt trạm radar cảnh báo tên lửa (Voronezh-DM) tại tỉnh Kaliningrad sát biên giới NATO, nhằm đáp trả việc Mỹ đã thỏa thuận đặt 24 tên lửa bắn chặn tại Romania cũng như kế hoạch lắp đặt hệ thống radar cực kỳ phức tạp tại Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan.
TTh Nga nói: "Tôi hy vọng rằng bước đi này sẽ được các nước nhìn nhận như là tín hiệu đầu tiên cho thấy sự sẵn sàng của nước Nga, trong việc đáp trả thích đáng với những đe dọa mà lá chắn tên lửa của phương Tây nhằm vào các cơ sở hạt nhân chiến lược của chúng tôi", "Nếu tín hiệu này không được các nước nhận thức một cách đúng mức, chúng tôi sẽ triển khai những biện pháp bảo vệ khác, bao gồm những biện pháp đối phó không khoan nhượng và triển khai các lực lượng tấn công".
Nga cũng đã triển khai chiến lược hội nhập với châu Á. Một trong những nhiệm vụ chính của Nga trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là hình thành hệ thống an ninh tập thể khu vực với sự tham gia tối đa các quốc gia, bao gồm cả Nga, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Triều Tiên và ASEAN. Các chuyên gia Nga cho rằng sự hợp tác hiệu quả nhất giữa Nga và ASEAN là trong lĩnh vực an ninh.
Cơ sở hợp tác kinh tế giữa Nga và ASEAN là thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và phát triển, ký tháng 12/2005. Trong đó chiếm một vị trí đặc biệt là lĩnh vực kỹ thuật-quân sự, vì ASEAN chiếm tới 15% giá trị hợp đồng cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự của Nga. Các nước trong tổ chức này đang triển khai các chương trình dài hạn để hiện đại hóa lực lượng vũ trang, nhiều nước trong số này tích cực nhập khẩu vũ khí Nga. Nga cần cho ASEAN như một đối tác, xét theo quan điểm đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, cho dù thực tế là một số nước ASEAN như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei tự thân cũng là các nhà sản xuất dầu và khí đốt. Theo các chuyên gia Nga, các nước ASEAN cũng quan tâm đến những thành tựu của Nga trong công nghệ sinh học, viễn thông, vật liệu mới, công nghệ vũ trụ. Ngoài ra, Matxcơva cũng mong muốn hợp tác với các nước trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
 5. Trung Quốc gia tăng "sức mạnh cứng”
Trong cuộc khủng hoảng ở Trung Đông - Bắc Phi, Trung Quốc cũng là một trong những nước bị thiệt hại nhiều nhất, bởi các hợp đồng đầu tư khai thác năng lượng tại đây. Với phiếu trắng và phiếu trống khi HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết trừng phạt Libya và Syria, phản ánh cuộc đấu tranh chiến lược quyết liệt của Trung Quốc với các nước phương Tây.
Trung Quốc đã chủ động tiến công trên lĩnh vực kinh tế bằng "sức mạnh mềm”. Tại "Diễn đàn mùa hè Davos” (14/9), trong diễn văn khai mạc diễn đàn kinh tế mở ra tại thành phố Đại Liên, trước đại diện chính phủ và các doanh nhân của hơn 90 nước, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định chính phủ Trung Quốc sẵn sàng làm nhiều hơn nữa để lấy lại cân bằng cho tăng trưởng kinh tế thế giới.
Giới phân tích quốc tế cho rằng: Trung Quốc là nước có nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào nhất thế giới, hiện đã lên tới hơn 3.000 tỷ USD, đến một lúc nào đó, Trung Quốc có thể sẽ sẵn sàng "mua đứt” cả châu Âu. Mỹ hiện đang là con nợ lớn nhất của Trung Quốc. Sau châu Phi, Nam Mỹ, nay đến lượt châu Âu đang dần dần đi vào vùng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tại Đại hội lần thứ 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh: "Trung Quốc cần đầu tư nhiều hơn cho sức mạnh mềm”. Tuy nhiên, sức mạnh cứng vẫn được Trung Quốc coi trọng. Vì thế, ngày 4/3, Trung Quốc đã công bố việc tăng ngân sách quốc phòng năm 2011 lên trên 600 tỷ nhân dân tệ (91,5 tỷ USD), tăng 12,7% so với năm 2010.
            Quyết định tăng ngân sách quốc phòng năm 2011 lên trên 600 tỷ nhân dân tệ của Trung Quốc đã khiến dư luận quốc tế và khu vực quan ngại. Mặc dù người phát ngôn cơ quan lập pháp Trung Quốc Lý Triệu Tinh cho rằng hành động này của Trung Quốc không gây ra mối đe doạ đối với bất cứ nước nào, nhưng giới phân tích quốc tế cho rằng việc tăng chi phí quốc phòng trên có thể sẽ thổi bùng sự lo ngại về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là về đường lối cứng rắn hơn của nước này trong các cuộc tranh chấp ở vùng biển Đông.
 Thực chất, trong việc phân bố ngân sách quốc phòng năm 2011, lực lượng hải quân Trung Quốc được ưu tiên để phục vụ chiến lược hai hướng: khống chế các tuyến hàng hải trong khu vực; bảo vệ các quyền lợi của Trung Quốc tại biển Đông và biển Hoa Đông.
            Trung Quốc tiếp tục hoán chuyển những thành tựu kinh tế khổng lồ vào sức mạnh quân sự trên thực tế. Tên lửa mà Trung Quốc chế tạo sẽ có khả năng vượt khoảng cách 4.000 km, trở thành một phần không tách rời của hệ thống phòng thủ tổng hợp, tạo cơ chế hữu hiệu trong việc ngăn ngừa các cuộc tấn công từ phía biển, trên không, mặt đất và tấn công mạng.
Trung Quốc đã chế tạo thành công máy bay tàng hình J-20, tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và hạ thuỷ tàu sân bay "Shi Lang”; thực hiện chương trình sản xuất vũ khí chống vệ tinh; Trung Quốc cũng đang chế tạo tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo, có thể bắn được tên lửa hạt nhân.
Cho đến nay, Trung Quốc đã có khoảng 1.400 tên lửa nhằm vào Đài Loan. Lực lượng pháo binh số 2 của Trung Quốc có từ 100 - 400 đầu đạn hạt nhân. Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ mua hai tàu sân bay tầm trung, 60 nghìn tấn theo mô hình tàu lớp Kuznetsov của Nga, mỗi chiếc trị giá trên 2 tỷ USD.
Hồi đầu năm nay, tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị Đại biểu nhân dân toàn quốc diễn ra tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì cảnh báo sẽ đặt mối quan hệ Trung - Mỹ đang được cải thiện vào nguy cơ rủi ro, nếu nước này tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.
 6. Ấn Độ với chính sách đối ngoại quốc phòng hướng Đông
Ngay sau chiến tranh lạnh, Ấn Độ đã bắt đầu thực hiện những bước đi tích cực trong việc điều chỉnh lại cách tiếp cận để đạt được các mục tiêu chiến lược ở Ấn Độ Dương. Ấn Độ bắt đầu một số sáng kiến như: Đề nghị tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung với các quốc gia Đông Nam Á, tổ chức các chương trình đào tạo và các chuyến thăm xây dựng lòng tin với Đông Nam Á. Những sáng kiến này phần nào làm thay đổi quan điểm của các nước Đông Nam Á, dần chấp nhận sự phát triển ôn hoà và các đóng góp cho sự ổn định ở khu vực của Ấn Độ.
            Việc tăng cường triển khai chiến lược quốc phòng, nhất là các hoạt động của hải quân Ấn Độ, tại Đông Nam Á sẽ có lợi và với nhiều mục đích như: Hậu thuẫn cho chính sách "hướng Đông”, với sự cân bằng với Trung Quốc ở đông Ấn Độ Dương và phía tây của Đông Nam Á; Giúp hải quân thích nghi với môi trường chiến lược mới là Biển Đông; Việc triển khai hoạt động hải quân ở Đông Nam Á chứng minh cho khả năng tác chiến tầm xa của Ấn Độ; Ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc, đặc biệt là khi thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội.
            Ấn Độ đã hợp tác quốc phòng với các nước Đông Nam Á như: Singapore, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Philippines, Lào dưới hình thức hỗ trợ huấn luyện phi công; nâng cao khả năng sản xuất quốc phòng, nhất là trên lĩnh vực tên lửa và thông tin liên lạc; sản xuất máy bay tuần tra bờ biển, hợp tác sản xuất trang thiết bị quân sự trên những nguyên tắc "tối đa hóa các lợi ích chung”. Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia quan trọng hàng đầu trong chiến lược hướng Đông của Ấn Độ, nhất là trên lĩnh vực an ninh hàng hải.
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) phải đấu tranh chật vật để tránh nguy cơ bị tan rã của khu vực đồng euro, thì các tổ chức khu vực như: Hợp tác Thượng Hải (SCO), Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Nhóm các nước mới nổi (BRICS)… lại đang triển khai mạnh mẽ các chính sách cạnh tranh nhằm khẳng định vị thế của mình trong cuốc đấu tranh chiến lược giữa các nước, các khu vực trong bối cảnh quốc tế đang có sự chuyển biến mau lẹ hiện nay. Mới đây, ngày 3/12, Hội nghị thượng đỉnh khối các nước Mỹ Latin và Caribbean tại thủ đô Caracas (Venezuela) đã ký Tuyên bố chính thức thành lập Cộng đồng Các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC), đã phản ánh điều đó.
 Vì thế, các nhà nghiên cứu đã dự báo, năm 2012 thế giới tiếp tục phải gánh chịu những hậu quả do cuộc đại khủng khoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ năm 2008. Các trung tâm kinh tế lớn là Mỹ, EU và Nhật Bản tiếp tục phục hồi chậm chạp; cuộc khủng hoảng chính trị - dầu mỏ tại Trung Đông – Bắc Phi còn kéo dài; cuộc đấu tranh chiến lược giữa các nước lớn, các nước mới nổi tiếp tục diễn ra quyết liệt hơn; nguy cơ mất an ninh quân sự vẫn tiềm tàng. Thế giới hơn lúc nào hết đang cần tăng cường sự đồng thuận và vai trò trách nhiệm cao của các nước lớn, các nước phát triển và mới nổi, nhằm tránh cho thế giới lại lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới./.
Viện CL-BQP

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang