Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Xem sức mạnh Uran-E trang bị cho Việt Nam

Tên lửa hành trình Kh-35E Uran là vũ khí chống hạm chủ lực trên các chiến hạm hiện đại của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Tên lửa hành trình Kh-35E Uran được Nga phát triển và đưa vào sử dụng đầu những năm 2000, nhằm thay thế cho các tên lửa P-15 Termit đã cũ.
Kh-35E Uran được thiết kế phóng từ nhiều phương tiện khác nhau, gồm: tàu chiến, máy bay và từ bệ phóng mặt đất (tổ hợp tên lửa bờ Bal-E). Tên lửa có khả năng tấn công tiêu diệt tàu chiến có lượng giãn nước tới 5.000 tấn, tàu hậu cần, tàu vận tải đổ bộ…


Tên lửa có chiều dài 4,4m, đường kính thân 0,42m, khối lượng đầu đạn xuyên – nổ phân mảnh nặng 145kg, khối lượng phóng 630kg.


Tên lửa lắp hai động cơ: động cơ rocket đưa tên lửa rời bệ, khi đạt độ cao ổn định động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy chính sẽ khởi động đưa tên lửa tới mục tiêu với vận tốc cận âm Mach 0,8, tầm bắn 130km.


Về hệ thống dẫn đường, ở pha giữa tên lửa bay với hệ thống định vị quán tính (INS), pha cuối dùng đầu tự dẫn radar chủ động ARGS-35E (tầm dẫn 20km).


Nhìn chung, Kh-35E Uran có đặc điểm nổi trội hơn so với thế hệ tên lửa cùng loại về kích thước và trọng lượng nhỏ hơn. 

Nhờ đó, người ta có thể tăng thêm số lượng đạn tên lửa trên tàu chiến (8-16 quả) mà không cần tăng kích thước hay lượng giãn của tàu mang.

Điển hình, tàu cao tốc tên lửa project 1241.8  của Việt Nam có lượng giãn nước chỉ 500 tấn nhưng có thể mang tới 16 tên lửa Kh-35E. 

Kh-35E có quỹ đạo bay cách mặt biển rất thấp (từ 10-15m), diện tích phản xạ radar nhỏ nên tên lửa có khả năng sống sót cao trước hệ thống phòng không đối phương.

Hiện nay, trong biên chế Hải quân Việt Nam có ba chủng loại tàu trang bị tên lửa Kh-35E Uran gồm: Gepard 3.9 (8 quả), tàu cao tốc tên lửa project 1241.8 (16 quả) và tàu cao tốc BSP-500 (8 quả).

Mới đây, theo hãng tin Ria Novosit, Việt Nam và Nga sẽ hợp tác sản xuất tên lửa hành trình mới dựa trên tên lửa đối hạm Kh-35 Uran

Nguồn BAODATVIET

Việt Nam chế tạo máy đo phóng xạ cho tàu chiến

Viên hóa học - Môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) đã chế tạo thành công máy đo phóng xạ PX-6KT trang bị cho tàu hải quân.
Máy đo phóng xạ PX-6KT sử dụng trên tàu hải quân phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là sản phẩm mới, vừa được các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học-Môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) nghiên cứu chế tạo thành công.

Máy có kích thước 400x350x150mm; khối lượng 10kg, được thiết kế chắc chắn, chịu được rung xóc, phù hợp với môi trường biển và có khả năng làm việc ổn định sau 1 phút từ khi mở máy. 

Với 6 đầu đo làm từ thép không gỉ, máy có khả năng ghi nhận bức xạ gamma trên 6 kênh, chỉ thị kết quả bằng màn hình tinh thể lỏng ma trận SDM-2010C. Cảnh báo phóng xạ theo ngưỡng được đặt theo yêu cầu, có khả năng tự động cảnh báo khi đi vào vùng nhiễm xạ.

Máy đo phóng xạ PX-6KT.

Máy đo phóng xạ PX-6KT sử dụng kỹ thuật vi điều khiển nên có hiệu suất làm việc cao, làm việc ổn định trong điều kiện độ ẩm nhỏ hơn 98%; nhiệt độ môi trường từ 0 đến 500C. Dải đo của máy trong khoảng từ 0 đến 100mR/h với suất liều thấp, suất liều cao từ 0 đến 20R/h.

Hiện nay, nhiều tàu hải quân trong biên chế của quân đội ta đang sử dụng các loại máy đo phóng xạ KDU-2M hoặc KDU-5 có thời gian sử dụng đã lâu, chỉ thị kết quả bằng đồng hồ nên kết quả đo thiếu chính xác, khó vận hành. 

Việc thay thế các loại máy đo này bằng máy đo phóng xạ PX-6KT sẽ góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội
Theo báo Quân đội Nhân dân

Nga sắp giao tàu tuần tra cho Việt Nam


Một số nguồn khả tín cho BBC hay hai tàu tuần tra cao tốc lớp Projekt 10412 Svetlyak sẽ được chuyển tới Việt Nam cuối mùa xuân năm nay.
Hiện hai tàu này đã qua chạy thử tại nhà máy đóng tàu Vostochnaya Verf ở thành phố Vladivostok và sẽ được bàn giao trong nay mai.
Các tàu Svetlyak được trang bị pháo sẽ tăng cường khả năng tuần tra và phòng thủ biển
BBC cũng có trong tay các bức hình độc quyền chụp hai chiếc tàu đóng cho Việt Nam vào hồi tháng 11/2011 khi chúng gần hoàn tất. Được biết các tàu này mang số hiệu của nhà máy là 420 và 421.

Thời điểm chuyển tới Việt Nam được nói là cuối mùa xuân, có thể vào tháng Năm.
Hai tàu này giống hệt hai chiếc trước đã được nhà máy đóng tàu Almaz ở thành phố Saint Petersburg ký kết bàn giao cho Việt Nam vào tháng 10/2011.
Năm 2002, Nga đã chuyển cho Việt Nam hai chiếc tàu tuần tra lớp Svetlyak khác, phiên bản Projekt 10410, mà Việt Nam đặt số hiệu là HQ-261 và HQ-263.
Như vậy sau khi nhận hai chiếc Projekt 10412 trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có trong tay tổng cộng sáu chiếc tàu tuần tra biên phòng cao tốc lớp Svetlyak.
Các tàu tuần tra, bên cạnh các hệ thống hỏa tiễn phòng thủ giao hàng từ năm ngoái, được cho sẽ tăng cường đáng kể khả năng tuần tra và phòng thủ biển của Việt Nam.
Các tàu sản xuất tại hai nhà máy Almaz và Vostochnaya Verf được thực hiện theo hợp đồng ký từ nhiều năm trước thông qua tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport.

Tăng cường pháo lực

Chiến hạm Svetlyak Projekt 10412 được đóng dựa trên cơ sở tàu tuần tra biên phòng Projekt 10410 do Viện TsMKB Almaz thiết kế cho các đơn vị hải quân biên phòng của Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB) vào cuối thập niên 1980.
Các tàu này không có thiết bị chống tàu ngầm, nhưng được trang bị các ụ pháo АК-176M, 8 tên lửa chống hạm và 16 tên lửa phòng không.
Tàu có trọng tải 364 tấn, hoạt động với hệ thống thủy lực gồm ba động cơ diesel tự động, tốc độ tối đa 35 hải lý/giờ.

Giới chuyên gia cho rằng mỗi chiếc thuộc lớp Projekt 10412 có trị giá khoảng 50 triệu đôla.
Hải quân Việt Nam tới nay sở hữu 2 tàu hộ tống Gepard 3.9, 2 tàu tuần tiễu loại nhẹ BPS – 500, 5 chiếc lớp Petya-III, 4 tàu hỏa tiễn lớp Tarantul I và tàu chiến siêu tốc Molnya có trang bị tên lửa siêu âm chống hạm và tên lửa phòng không tầm ngắn.
Quân đội Việt Nam cũng đã đặt sáu tàu ngầm hạng Kilo từ Nga, đồng thời có kế hoạch mua thêm hai hộ tống hạm Gepard khác.
Ngân sách Quốc phòng Việt Nam năm 2011 được nói vào khoảng 2,6 tỷ đôla.
Có thể nói Nga đóng vai trò chủ lực trong quá trình hiện đại hóa hải quân Việt Nam, tuy gần đây Việt Nam cũng muốn mở rộng hợp tác mua bán vũ khí ra các quốc gia vốn "không truyền thống" khác.
Việt Nam cũng đang hy vọng sẽ tự sản xuất tàu chiến ở trong nước theo bản quyền của nước ngoài. Năm ngoái, một nhà máy ở trong nước loan báo đã lần đầu tiên đóng mới thành công tàu pháo có vũ khí điều khiển tự động.
Nguồn BBC


Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Các hệ thống chống ngư lôi của Tây Âu

Sau Thế chiến hai, cuộc chiến trên các đại dương chủ yếu dựa vào các loại tên lửa  nhưng việc đối phó với các mối đe dọa từ ngư lôi vẫn không hề bị coi nhẹ.

XEM THÊM:


 Trong vòng 10 năm trở lại đây, các đại dương đã trở nên “nhộn nhịp” hơn rất nhiều với khoảng gần 100 tàu ngầm được đóng và mua mới, chủ yếu tại Brazil, Trung 
Quốc, Ấn Độ, Nga và một số nước Đông Nam Á. 

Với lực lượng tàu ngầm ngày càng phát triển, mối nguy hiểm do các loại ngư lôi mang lại trong các cuộc hải chiến hiện đại cũng ngày càng tăng. Chắc hẳn các sĩ quan hải quân thế giới đều không quên trường hợp chiến hạm Cheo-nan trọng tải 1.240 tấn của Hàn Quốc được cho là bị đánh chìm bởi ngư lôi Triều Tiên.

Các hệ thống phòng thủ chống ngư lôi đã được thiết kế và ứng dụng từ giữa thập niên 1950 gồm các thiết bị tạo tín hiệu thủy âm giả kéo theo tàu nhằm đánh lừa các loại ngư lôi dẫn đường sonar và một số vũ khí chống ngư lôi đơn giản. 

Tuy nhiên, với các loại ngư lôi hiện đại thì những thiết bị kể trên đã không còn hiệu quả. Do đó, việc phát triển hệ thống phòng thủ ngư lôi từ cơ chế đánh lừa - né tránh đã phát triển lên cơ chế phát hiện - phân loại - định vị (DCL - Detection - Classification - Localization). Việc đối phó ngư lôi đã được tiến hành bằng các cơ chế bị động cũng như chủ động.
Mô hình DCL gồm việc phát hiện và phân loại mối nguy hiểm, sau đó các hệ tính toán sẽ đưa ra giải pháp đối phó bằng mồi bẫy đánh lừa hay vũ khí tiêu diệt ngư lôi một cách hoàn toàn tự động mà không cần thiết phải điều khiển tàu tránh ngư lôi. 

Trong đó, vũ khí tiêu diệt ngư lôi đang chia thành hai xu thế trên thế giới: Ngư lôi chống ngư lôi (ATT - Anti-Torpedo Torpedo) của phương Tây và rocket chống ngư lôi của Nga.

Điểm bất lợi của phương pháp tiêu diệt ngư lôi là giá thành đắt và nguy cơ hết đạn nếu đối phương sử dụng tín hiệu giả để đánh lừa. Do đó, các tàu chiến luôn phải kết hợp cả hai phương pháp đánh lừa và tiêu diệt ngư lôi địch một cách hợp lý. Trong lĩnh vực này, mỗi nước lại có một cách tiếp cận khác nhau.

Anh

Sau khi dự án hợp tác với Mỹ về hệ thống chống ngư lôi (JSSTD - Joint Surface Ship Torpedo Defence) bị thất bại, Hải quân Hoàng gia Anh mua 4 hệ thống phòng thủ ngư lôi AN/SLQ-25 về với mục đích nghiên cứu đánh giá. 

Hệ thống này đã được tích hợp cùng hệ thống Sonar 2087 của Thales và lắp đặt trên chiến hạm HMS Westminster năm 2004 hay Sonar 2170 trên các tàu mới hơn như HMS Illustrious.

Hiện nay, mô hình phòng thủ ngư lôi của Anh chủ yếu dựa vào hệ thống Sonar 2170 Sea Sentor và hệ thống phòng thủ AN/SLQ-25. 

Hệ thống này bao gồm một số mồi bẫy được kéo bằng dây phía sau tàu. Những mồi bẫy này sẽ có khả năng mô phỏng tiếng động phát ra đúng với tần số của các thiết bị trong tàu như động cơ, buồng máy với cường độ lớn hơn để lôi kéo các loại ngư lôi sử dụng đầu dò sonar thụ động về phía nó thay vì lao về phía tàu chiến.
Hệ thống phòng thủ chống ngư lôi AN/SLQ-25 dạng cáp kéo sau tàu của Mỹ đang được sử dụng trên nhiều tàu thuộc hải quân Hoàng gia Anh
 Biến thể nâng cấp AN/SLQ-25B còn có thể thu thập được các tín hiệu thủy âm của ngư lôi sử dụng sonar chủ động, sau đó trả tín hiệu giả về phía ngư lôi khiến nó bắn lệch mục tiêu. Trong khi đó, biến thể nâng cấp mới nhất AN/SLQ-25C có khả năng khuếch đại tín hiệu âm lớn hơn và dây cáp kéo dài hơn (tới 300 mét). 

Mỗi hệ thống AN/SLQ-25A được bán với giá khoảng 1 triệu USD và mỗi tàu chiến cần từ 1-2 hệ thống này tùy theo lượng giãn nước.

Canada

Giống như Anh, các hệ thống phòng thủ ngư lôi (SSTD) của Canada vay mượn nhiều từ các thiết kế của Mỹ.  Các hệ thống SSTD của Canada dựa chủ yếu vào loại sonar dây kéo AN/SQR-501 CANTASS kết hợp với hệ thống phòng thủ ngư lôi AN/SLQ-25 của Mỹ.

Năm 2010, Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Atlantic của Canada đã tiến hành nhiều nâng cấp về hệ thống SSTD trên hộ vệ hạm lớp Halifax của nước này và dự tính sẽ hoàn thành bao gồm nâng cấp sử dụng dây kéo sợi carbon siêu bền (DLC - Diamond Like Carbon array) và hệ thống phóng mồi bẫy đánh lừa ngư lôi.

Pháp

Trước khi tham gia vào dự án nghiên cứu chung PG-37 của NATO, Pháp cũng đã có dự án nghiên cứu riêng về SSTD của mình vào đầu thập niên 1990. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, Pháp buộc phải liên kết với Itlay để phát ttriển hệ thống chống ngư lôi có tên SLAT (Système de Lutte Anti-Torpille). 

Kết quả là nghiên cứu này đã đạt được thành công lớn và đã được lắp đặt trên hầu hết những tàu chiến lớn nhất của Pháp và Italy như hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của Pháp, hàng không mẫu hạm ITS Cavour của Italia, hộ vệ hạm lớp La Fayette và lớp Andrea Doria. 

Chương trình phát triển hệ thống chống ngư lôi SLAT được nghiên cứu với sự hợp tác của rất nhiều công ty, trong đó nhà đầu tư chính là Euroslat EEIG (Pháp) và Whitehead Alenia Sistemi Subacquei (Italia) là nhà sản xuất chính chế tạo các thiết bị phóng mồi bẫy và đạn mồi bẫy

Đạn mồi chống ngư lôi Contralto-V sử dụng trong hệ thống chống ngư lôi SLAT của Pháp
Hệ thống SLAT được cấu thành từ hai bộ phận chính gồm một sonar thủy âm ALERTO chịu trách nhiệm phát hiện các mối nguy hiểm đến từ ngư lôi đối phương và hệ thống phóng mồi bẫy, sẽ phóng ra các quả đạn chứa bộ phận mô phỏng tiếng động tàu chiến để đánh lừa ngư lôi. 

Đạn mồi bẫy của SLAT cũng có nhiều loại khác nhau, bao gồm đạn mồi bẫy Contralto-V hay hiện đại hơn là CANTO-V.

Ngoài ra, theo dự án nghiên cứu hợp tác PG-37 với NATO, Pháp cũng đã chế tạo ra hệ thống phòng thủ tiêu diệt ngư lôi (hard-kill) có tên MU90HK có khả năng phóng ra đạn chứa thuốc nổ mạnh và tiêu diệt ngư lôi đang nhắm vào tàu.
Italy
Sản phẩm của công ty WASS không những được phục vụ tại Pháp trong dự án SLAT mà còn được bán ra tại nhiều nước khác. 

Trong đó, thành công nhất là hệ thống phòng thủ chống ngư lôi C-310 được bán cho Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để trang bị cho các tàu chiến lớp Abu Dhabi của nước này.

Giàn phóng đạn mồi của hệ thống chống ngư lôi C-310
Mỗi hệ thống C310 gồm một giàn phóng mồi bẫy chứa từ 8 - 12 đạn mồi. 

Hệ thống này được điều khiển bởi một máy tính trung tâm có chức năng nhận tín hiệu thủy âm  từ các sonar thu thập được, phát hiện, bắt bám ngư lôi và điều khiển C-310 tấn công mục tiêu.
Đạn gây nhiễu tĩnh và đạn MTE sử dụng trong hệ thống chống ngư lôi C-310
Đạn của hệ thống C310 gồm có hai loại khác nhau bao gồm loại đạn gây nhiễu tĩnh (Stationary jammer) và đạn gây nhiễu có thể di chuyển (MTE - Mobile Target Emulator). 

Hai loại đạn này có đường kính 127 mm, dài 1,15 mét và nặng 16 kg và có khả năng mô phỏng đúng tần số âm thanh của tàu mẹ đã được nạp vào đạn từ trước. 

Ngoài ra, MTE còn có thể tự động di chuyển vào vị trí giữa ngư lôi và tàu mẹ để tăng hiệu quả đánh chặn.


Đức
Ngoài một số tàu chiến sử dụng hệ thống phòng thủ ngư lôi bằng mồi bẫy kéo sau tàu tương tự như hệ thống AN/SLQ-25 của Mỹ, Đức còn phát triển riêng hệ thống phóng mồi bẫy chống ngư lôi của mình có tên Sea Spider ATT, còn có tên khác là hệ thống MTW (Mini Torpedo Welcome).

Công ty Atlas Elektronik cho biết, đây là hệ thống ngư lôi chống ngư lôi (ATT - Anti Torpedo Torpedo) đầu tiên có thể tích hợp vào các hệ thống phòng thủ ngư lôi cũ và mới trên thế giới.

Ngư lôi chống ngư lôi SeaSpider được phóng từ tàu chiến
Các cuộc thử nghiệm cho thấy Sea Spider đều đáp ứng tốt tất cả các bài thử về hệ thống điều khiển vũ khí, cân bằng, khả năng thao diễn dưới nước, khả năng phát hiện ngư lôi và tốc độ phản ứng. 

Thêm vào đó, Atlas Elektronik đang nghiên cứu chế tạo phiên bản Sea Spider có khả năng truy kích và tiêu diệt ngư lôi đối phương thay vì hạn chế với nhiệm vụ mồi bẫy động như hiện nay.

Sea Spider có thể sử dụng trên cả tàu nổi và tàu ngầm dạng bệ phóng gắn cố định hay bệ phóng có thể di chuyển trên sàn  tàu. Ngoài ra, nó cũng có thể phóng từ các bệ phóng rocket chống ngầm hay các ống phóng ngư lôi hạng nhẹ.

Mỗi quả đạn Sea Spider đều có trang bị hệ thống dẫn đường bằng sonar riêng, có khả năg hoạt động ở chế độ truy tìm bằng sóng âm chủ động, thụ động và có thể được trang bị đầu nổ có khả năng phá hủy bất kỳ loại ngư lôi nào.
Nguồn BAODATVIET

Việt Nam – Philippines thảo luận hợp tác ở quần đảo Trường Sa


Theo thông tin từ tờ Philippine Daily Inquirer, Thứ Trưởng Ngoại Giao Hồ Xuân Sơn cùng phái đoàn Việt Nam đến thủ đô Manila ngày thứ hai vừa qua để họp với chính phủ Philippines về các đề nghị của nước này.  Thành lập một “Khu vực hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác” cũng như lập bộ quy tắc ứng xử trên Biển Ðông.
Trong đó nhấn mạnh việc tìm cách ngăn chặn những xung đột Quân sự có thể xảy ra từ tranh chấp chủ quyền trên Biển Ðông. Việt Nam, Philippines cùng với các nước khác gồm Trung Quốc, Ðài Loan, Brunei, Malaysia hoặc tuyên bố chủ quyền toàn diện hoặc tuyên bố chủ quyền một phần quần đảo và khu vực biển Trường Sa. Là nơi có tranh chấp toàn bộ hoặc một phần giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Brunei
Một đảo ở Trường Sa
Vào tháng 10/2011, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang cùng phái đoàn Việt Nam tới thủ đô Philippines, ra bản thông cáo chung kêu gọi giải quyết tranh chấp quần đảo Trường Sa trên cơ sở tôn trong luật pháp quốc tế và tinh thần hòa bình. Qua đó, hai nước đồng ý nâng cấp Nhóm Công Tác Chung về Biển và Ðại Dương thành Ủy Ban Hỗn Hợp cấp thứ trưởng. Thông cáo chung khi đó cho hay hai bên muốn “giải quyết hòa bình tranh chấp giữa các bên liên quan trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)”.
Hai nước cũng cam kết “bảo đảm thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC)”.
Tháng 1 vừa qua, tại cuộc họp cấp ngoại trưởng ở thành phố Siem Reap, Cam Bốt. Ngoại Trưởng Philippines Del Rosario kêu gọi Việt Nam và 8 thành viên ASEAN khác nên họp lại với nhau để giải quyết tranh chấp vấn đề chủ quyền Trường Sa.
Hôm qua, Thứ Trưởng Ngoại Giao Phạm Quang Vinh và Thứ Trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh đến Canberra (Australia), thảo luận lần đầu tiên về đối thoại quốc phòng giữa hai nước. Qua đó, nhằm đa phương hóa mối quan hệ an ninh quốc phòng với các quốc gia trong khu vực và thế giới, như đã từng họp đối thoại quốc phòng với Ấn, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo thông tin từ một số báo chí trong nước, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp, trao đổi với Đô đốc Edouard Guillaud và đoàn. Sau đó, hai bên đã thống nhất một số nội dung, biện pháp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực: trao đổi đoàn quân sự, hợp tác đào tạo, công nghiệp quốc phòng và trang bị; tiếp tục triển khai hiệu quả các kỳ họp thường niên của Ủy Ban Hỗn Hợp về hợp tác quốc phòng Việt-Pháp và phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm thành lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp (1973-2013).”
Phungquangthanh.net

'Việt Nam - trung tâm chuyển biến chiến lược ở châu Á'

Việt Nam hiện ở trung tâm của nhiều chuyển biến chiến lược đang diễn ra tại châu Á, giữa một khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Cải cách tại Việt Nam vì vậy sẽ được so sánh với các nước trong khu vực - Thứ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) David O’Sullivan khẳng định.

Mọi khủng hoảng đều có cơ hội
Những khó khăn kinh tế ở châu Âu và Việt Nam dường như khiến hai bên chưa thể triển khai mạnh mẽ khuôn khổ hợp tác chiến lược mới - Hiệp định Đối tác và Hợp tác mới giữa Việt Nam và EU (ký cuối năm 2010). Chuyến thăm này có thể hình dung đóng góp điều gì, thưa ông?
Việt Nam và EU có quan hệ đối tác ngày càng mạnh mẽ và mở rộng trên cơ sở tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Việc ký kết Hiệp định đánh dấu một bước tiến về chất lượng trong cách thức chúng ta hợp tác như các đối tác bình đẳng. Chúng tôi mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ này bởi nó có những cơ hội rất to lớn. Bây giờ là lúc phải tận dụng tối đa những cơ hội này.
Ở châu Âu có sự ngưỡng mộ sâu sắc với cách thức Việt Nam thực hiện được đổi mới và đưa hàng triệu công dân của mình thoát khỏi đói nghèo. EU cam kết đứng bên cạnh Việt Nam khi đất nước phải đưa ra một số quyết định khó khăn cho sự phát triển lâu dài của. Cam kết ODA kỷ lục 1 tỷ USD mà EU và các nước thành viên đưa ra cho năm 2012 khẳng định niềm tin của chúng tôi vào tương lai của Việt Nam.
Nhưng cam kết duy trì mở cửa thị trường của EU mới thật sự là đóng góp tốt nhất mà chúng tôi có thể làm để thúc đẩy thêm tăng trưởng và tạo ra thêm việc làm ở Việt Nam và tại EU. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 33,5% trong năm 2011. Đây là một minh họa tốt cho câu châm ngôn rằng trong mọi cuộc khủng hoảng đều có các cơ hội. Cả châu Âu và Việt Nam đều cần đến trao đổi thương mại. Hội nhập vào các thị trường quốc tế là động lực mang đến các kết quả kinh tế mạnh mẽ của chúng tôi trong quá khứ và sẽ tiếp tục đóng vai trò đó trong tương lai. Đó là lý do tại sao chúng tôi mong muốn tiến tới một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) nhiều tham vọng và cùng có lợi giữa Việt Nam và EU.
Bên cạnh đó, hiện nay đến lúc nâng cao hơn nữa sự hợp tác của chúng ta trong các vấn đề quan tâm toàn cầu, bao gồm đối phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy an ninh, hạn chế các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và an toàn hạt nhân, cũng như phòng chống các đại dịch và thảm họa thiên nhiên.
EU có hàng loạt chính sách và công cụ ngoài lĩnh vực thương mại và viện trợ - trong các lĩnh vực môi trường, khoa học và công nghệ, bảo vệ người tiêu dùng, giáo dục, y tế công cộng, năng lượng - chúng có thể và sẽ hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển của Việt Nam. Vì vậy, bất chấp một số các thách thức quan trọng mà chúng ta đang phải đối mặt, ở châu Âu cũng như ở Việt Nam, tôi vẫn rất lạc quan về tương lai mối quan hệ giữa hai bên.
Quản lý vĩ mô phải đúng
Khủng hoảng nợ công ở châu Âu khiến cả thế giới đỏ mắt dõi theo, trong đó có Việt Nam - đối tác thương mại hàng đầu của châu Âu. Liệu những giải pháp vừa qua của châu Âu có đủ đảm bảo trấn an cho sự hồi phục, cũng như không cản trở quan hệ giữa EU và Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác trung tâm là thương mại, kinh tế?
Tôi tin tưởng rằng gói biện pháp toàn diện và đáng tin cậy mà các nhà lãnh đạo EU thực hiện trong những tháng vừa qua nhằm kiểm soát nợ công, tái cung cấp vốn cho các ngân hàng và tăng cường điều hành kinh tế sẽ giúp trấn an thế giới một lần nữa rằng chúng tôi đang xử lý khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro và sẽ vẫn là một đối tác kinh tế mạnh mẽ của châu Á.
Những nguyên tắc kinh tế cơ bản của EU vẫn vững chắc và lành mạnh, không phải nghi ngờ gì về ý thức chính trị đối với sự cấp bách và hiệu quả trong việc giải quyết các thách thức. Đồng euro sẽ vượt qua được các khó khăn hiện tại và các nền kinh tế châu Âu sẽ thoát ra khỏi khủng hoảng với sức mạnh lớn hơn.
Tuy nhiên, các quan ngại đang diễn ra hiện nay về khu vực đồng euro và những yếu kém liên tục trong nền kinh tế Mỹ cho thấy rằng không có nền kinh tế nào được miễn dịch khỏi khủng hoảng. Ngay cả những nền kinh tế giàu nhất, nếu thiếu sự quản lý kinh tế vĩ mô đúng đắn và các chính sách duy trì tính cạnh tranh về lâu dài, sẽ có thể lâm vào khủng hoảng.
Việt Nam, đất nước rất thành công về mặt kinh tế từ khi phát động chính sách đổi mới, hiện đang đối mặt với các thách thức kinh tế và xã hội của riêng mình. Ổn định nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, tiến lên trong chuỗi giá trị, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, cải cách ngành tài chính, tạo ra một đội ngũ lao động lành nghề, chống tham nhũng, giảm bớt những chênh lệch xã hội và tạo ra việc làm cho hơn 1 triệu thanh niên mỗi năm sẽ không phải là điều dễ dàng.
Nhưng lúc này cần có các quyết định quan trọng nếu Việt Nam muốn thắng lợi trong quá trình chuyển tiếp lần thứ 2 để trở thành một nền kinh tế công nghiệp hóa và hiện đại vào năm 2020. Trước kia Việt Nam chứng tỏ có thể thực hiện các quyết định khó khăn. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy các cải cách của mình.
Hãy mở cửa
Từ bài học xử lý khủng hoảng ở châu Âu, theo ông, “các quyết định quan trọng” mà Việt Nam cần đưa ra có thể là gì?
Trên bối cảnh các thách thức kinh tế vĩ mô dai dẳng mà Việt Nam hiện đang gặp phải, điều quan trọng là duy trì việc mở cửa thị trường. Chỉ bằng cách mở rộng xuất khẩu chứ không phải là kiềm chế nhập khẩu thì Việt Nam mới có thể giải quyết vấn đề lạm phát phi mã và ổn định nền kinh tế. Các biện pháp bảo hộ sẽ làm méo mó hình ảnh tích cực của Việt Nam và gây nhiều tổn hại trong khi không thể khôi phục được cán cân thương mại.
Thực hiện đầy đủ các cam kết WTO là điều tốt nhất mà Việt Nam cần làm để tái đảm bảo và khuyến khích hơn nữa luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mở cửa thị trường hơn nữa, đặc biệt là với các nền kinh tế mang tính bổ sung cho nền kinh tế của Việt Nam - như EU - sẽ là một lựa chọn quan trọng vì mục tiêu này. Tôi cũng hy vọng rằng một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) EU-Việt Nam có thể là một thành phần then chốt hỗ trợ khát vọng hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội của Việt Nam và đưa nền kinh tế vững vàng vượt qua mức “thu nhập trung bình”.
Theo VNN

Tấn công Iran, Israel có mấy phần thắng?

Nhiều người nghi ngờ tính khả thi của việc Israel tấn công các cơ sở hạt nhân Iran. Một số người thì đồn đoán Israel "gầm to" hơn "cắn đau".
Iran nhận thức rõ khả năng của Israel cũng như các loại vũ khí dẫn đường chính xác của Mỹ còn nằm trong kho của Israel. Chương trình hạt nhân của Iran nằm rải rác ở khắp đất nước. Theo ước tính, Iran có khoảng từ 12 đến hơn 20 địa điểm và các cơ sở được xây dựng đều trên sự tính toán những khả năng bị Mỹ, Israel tấn công; cũng như được bảo vệ bởi hệ thống phòng không hiện đại mua từ Nga.

Yếu tố quan trọng nhất của chương trình hạt nhân Iran được cho là nằm ở cơ sở Natanz. Trọng tâm cơ sở này chính là khu vực lắp đặt máy ly tâm nằm sâu dưới lòng đất và xây dựng kiên cố.

Nhưng thậm chí nếu Israel cố gắng hạn chế mục tiêu đặt ra, thì họ sẽ vẫn phải tấn công những cơ sở khác bên cạnh Natanz. Ví dụ, nhà máy làm giàu nhiên liệu mới Fordow ở gần Qom, nơi Iran đã chuyển lượng uranium làm giàu tới 3,5% về từ Natanz. Bên cạnh đó, có một nhà máy "chuyển đổi" uranium tại Isfahan, một cơ sở nước nặng đang được xây dựng ở Arak và các nhà máy ly tiâm bên ngoài Tehran.

Khoảng cách giữa Israel và Natanz là hơn 1.600km. Kể từ khi những nước này không chia sẻ một đường biên giới chung, thì máy bay hoặc tên lửa Israel phải bay qua không phận nước ngoài  để chạm tới mục tiêu.

Do đó, biện pháp an toàn nhất để tấn công Natanz là sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung của Israel, Jericho II hoặc III. Theo giới chuyên gia, các tên lửa Israel có thể chạm Natanz. 

Tuy nhiên, để đi được khoảng cách xa như vậy, các tên lửa sẽ chỉ mang được đầu đạn trọng lượng hạn chế và chưa chắc các đầu đạn ấy có thể thâm nhập sâu vào lòng đất để đạt được mục tiêu phá huỷ đặt ra.

Vì vậy, một cuộc tấn công của không quân Israel với máy bay ném bom Mỹ chế tạo là chọn lựa khả thi nhất. Hiện Israel có 25 máy bay F-15I và khoảng 100 máy bay F-16I.

Máy bay F-15I có khả năng mang 4 tấn nhiên liệu, bay khoảng 4.450km và nếu nhận tiếp dầu trên không thì phạm vi bay có thể kéo dài hơn. Loại máy bay này mang theo nhiều loại vũ khí như các tên lửa dẫn đường, bom... Tính tổng thể, loại máy bay này có thể mang khoảng 10 tấn đạn dược.

Với máy bay F-16I có tầm bay mở rộng hơn và cho phép Israel tấn công các mục tiêu tại Iran mà không cần tiếp nhiên liệu. Bán kính chiến đấu của chiếc F-16I là 1.370km với hai quả bom nặng 907 kg, hai tên lửa không đối không và nhiều loại vũ khí khác.

Câu hỏi quan trọng là liệu các máy bay ném bom của Israel có thể thực hiện nhiệm vụ mà không cần tiếp nhiên liệu hay không. Bán kính chiến đấu là khoảng cách để một máy bay chiến đấu có thể bay đi và quay trở về mà không cần tiếp nhiên liệu trở thành vấn đề khó tính toán phụ thuộc vào số lượng vũ khí mang theo, bình chứa nguyên liệu phụ và các yếu tố khác.

Theo giới chuyên gia, bán kính chiến đấu của F-15I và F-16I với bình chở nhiên liệu, vũ khí... là khoảng 1.609km. Một trong hai đường bay nêu trên dài khoảng 322km hoặc xa hơn. Để bù đắp thiếu hụt, máy bay có thể mang thêm bình chứa nhiên liệu ngoài, nhưng điều này đòi hỏi phải giảm bớt lượng vũ khí mang theo. Đây không phải là vấn đề. Tuy nhiên, nếu máy bay bị phát hiện và ngăn chặn, phi công sẽ phải bỏ bình chứa để đối phó với kẻ thù. Việc bỏ bình chứa sẽ khiến máy bay khó chạm tới mục tiêu.

Tiếp nhiên liệu trên không là một hạn chế đối với Israel. Vài năm tở lại đây, Israel mua 5 máy bay C-130 và 4-7 máy bay tiếp nhiên liệu Boeing 707. Tuy nhiên, các máy bay này sẽ phải tiếp dầu ngay ở không phận đối phương. Trong đó,707 là máy bay lớn không trang bị vũ khí và rất dễ bị tổn thương trước hệ thống phòng không.

Giới truyền thông dự đoán tỷ lệ thành công kế hoạch Israel tấn công các cơ sở hạt nhân Iran không cao. Ảnh minh hoa: Truthquake.


Giả sử nếu xảy ra cuộc không kích thì máy bay sẽ bay thế nào từ các căn cứ ở Israel để đánh trúng mục tiêu bên trong Iran cách đó 322km? Họ có thể đi qua Arab Saudi hoặc Iraq, thậm chí có thể sử dụng không phận Jordan với lộ trình một chiều là khoảng 1.931 km?

Để có thể bay qua Arab Saudi, máy bay chiến đấu Israel sẽ rời căn cứ ở phía Nam nước này, tiến vào không phận Arab Saudi từ Aqaba hoặc Jordan ở vùng Vịnh, bay 1.287km trên bầu trời Arab Saudi tiến vào vùng Vịnh và sau đó bay tiếp 483km để tới Iran. 

Kể từ khi không quân Israel không sử dụng máy bay tàng hình thì có khả năng vào một thời điểm nào đó, máy bay sẽ bị phát hiện tại Arab Saudi. Liệu quốc phòng Arab Saudi có thể ngăn chặn Israel hay không là điều không ai dám chắc. Cũng có thể Arab Saudi sợ hãi chương trình hạt nhân Iran mà làm ngơ và đổ lỗi cho việc không hay biết gì.

Kể cả trường hợp Israel chọn cách bay ngang không phận Iran thì tỷ lệ thành công cúng rất thấp. Trong trường hợp này, máy bay chiến đấu Israel sẽ xuất phát từ phía Nam, bay 483km hoặc 644km trên không phận Arab Saudi hoặc cả không phận Arab Saudi và Jordan, rồi tiến vào không phận Iraq càng sớm càng tốt. Từ đótiếp tục bay 805km trên bầu trời Iraq rối tiến vào vùng Vịnh tiếp cận mục tiêu sau đó.

Tuy nhiên, tiến vào Iran từ không phận Iraq mang tính nhạy cảm chính trị. Mặc dù quân đội Mỹ rút quân khỏi Iraq nhưng việc bay trên bầu trời của nước này sẽ không thể qua mắt được và sẽ cần sự chấp thuận của Mỹ đẻ thực hiện kế hoạch này.

Xét trên lý thuyết, Israel có thể tấn công Iran nhưng nguy cơ thất bại là rất cao. Nếu họ quyết định tấn công Natanz, sẽ phải chịu tổn thất rất lớn ngay trong lần đầu tiên và sẽ có thể không đủ khả năng để không kích các cơ sở khác.

Khi đó vấn đề đặt ra khi các máy bay Israel rút lui, liệu Iran có thể khắc phục thiệt hại và tiếp tục đẩy mạnh chương trình hạt nhân? Hoặc người Israel giả định Mỹ sẽ "tiếp quản" nơi họ rời đi và bắt đầu một cuộc chiến lâu dài với Iran ?
Theo VietnamWeek

Vũ khí diệt tầu ngầm qua các thời kỳ (kỳ 3)

Nếu bom chìm, súng cối, rocket chống ngầm có tính chất phòng vệ thụ động thì máy bay, tên lửa tầm xa săn ngầm là những vũ khí tấn công tầu ngầm có tính chủ động.

XEM THÊM:
Tên lửa tầm xa chống ngầm

Các phiên bản ngư lôi chống ngầm trang bị đầu dò tự dẫn hạng nhẹ thường được dùng làm đầu đạn trên các tên lửa đối hạm để đối phó với tầu ngầm ở khoảng cách xa.

Điển hình của dòng vũ khí này có thể kể đến tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC phóng từ tầu nổi,  UUM-44 SUBROC phóng từ tầu ngầm của Mỹ và các dòng RPK của Nga như RPK-6 Vodopad, RPK-9 Medvedka phóng từ tầu nổi;  RPK-2 Viyuga, RPK-7 Vorobei phóng từ tầu ngầm. 

Những loại tên lửa này có thể phóng đi từ những ống phóng chuyên dụng hoặc các loại ống phóng ngư lôi 533 mm hay 650 mm; có tầm bay vượt trội so với rocket chống ngầm (UUM-44 SUBROC có tầm bay tới 55km hay tên lửa nhiên liệu rắn của hệ thống RPK-6/7 có tầm bay tới 100 km). 

Ống phóng tên lửa chống ngầm RPK-6 trên khu trục hạm Neutrasimiy của Nga.

Tên lửa VL-ASROC đang được bắn thử nghiệm.
 Đầu đạn sau khi phóng đến vị trí phát hiện tầu ngầm sẽ tự tách ra và được thả bằng dù xuống biển và tự tìm mục tiêu bằng thiết bị định vị âm thanh gắn kèm.

Máy bay săn ngầm

Sự phát triển của không quân trong thời kỳ hiện đại đã mang đến một giải pháp chống ngầm hữu hiệu, đó là các máy bay chống ngầm. Nhiệm vụ chủ động săn tìm và tiêu diệt tầu ngầm thường được giao cho các loại máy bay cánh cố định, có tốc độ bay vừa phải và thời gian bay lớn. 

Điển hình cho loại máy bay này là máy bay săn ngầm P3C - Orion của Mỹ và Ilyushin IL-38 của Nga. P3C Orion có tốc độ bay hành trình khi làm nhiệm vụ là 610 km mỗi giờ và có thể bay liên tiếp 14 tiếng liên tục, còn thông số này đối với IL-38 là 645 km mỗi giờ trong 12 tiếng hành trình. 
Các loại máy bay săn ngầm này thường có tải trọng lớn, vì bên trong chứa các thiết bị phát hiện và theo dõi tầu ngầm hiện đại như các loại sonar; radar tìm và diệt mục tiêu, cảm biến địa từ trường. 
Máy bay săn ngầm P3C-Orion của Hải quân  Mỹ.

Máy bay săn ngầm IL-38 của Nga đang phục vụ cho không quân Ấn Độ.
 Ngoài ra, chúng cũng được trang bị các loại vũ khí như ngư lôi tự dẫn chống ngầm, bom chìm, tên lửa chống hạm (AGM-86 Harpoon trên P3C) và thậm chí là tên lửa không đối không để tự vệ như AA-11 Archer trên IL-38). 

Năng lực hoạt động của những chiếc máy bay săn ngầm này rất lớn; những chiếc IL-38SD mới của Hải quân Nga có khả năng phát hiện và tấn công tầu ngầm ở khoảng cách lên đến 150 km.
Nhiệm vụ của các tầu săn ngầm hay tự vệ trước tầu ngầm của những tầu chiến thông thường khác cũng được san sẻ cho những chiếc trực thăng chống ngầm trang bị đi theo tầu. Những chiếc trực thăng đảm nhận nhiệm vụ này có thể kể đến như SH-60B Seahawk của Hoa Kỳ, AW101 Merlin của Anh hay Ka-27 Helix của Nga.
Trực thăng chông ngầm AW-101 Merlin của Anh với các thiết bị điện tử chứa trong khoang bụng có hình dáng đặc trưng.

Trực thăng chống ngầm SH-60B Seahawk của Mỹ đang bắn một quả ngư lôi MK-46.

Phi đội săn ngầm tiêu chuẩn của Ka-27
Chúng cũng được trang bị các loại radar, cảm biến điện từ trường, sonar ... để phát hiện tầu ngầm và các loại vũ khí chống ngầm như ngư lôi, bom chìm hay tên lửa chống hạm.

Phát triển kỹ thuật phát hiện và theo dõi tầu ngầm. 
Phát triển song song cùng vũ khí tiêu diệt là các loại thiết bị do thám, giúp phát hiện chính xác sự hoạt động của tầu ngầm. Với mục tiêu chủ động phát hiện, theo dõi và tiêu diệt các tầu ngầm đối phương, những hệ thống phao thủy âm (sonar) đơn giản như ASDIC không còn đáp ứng được yêu cầu chiến tranh hiện đại. 

Dù ngày nay kỹ thuật sử dụng sonar chủ động và bị động đều có những tiến bộ vượt bậc nhưng các tầu ngầm hiện đại đều được trang bị những thiết bị khử âm hiệu quả. 
Những tầu ngầm tấn công như loại Akula của Nga có lớp phủ cách âm dày đến 100 mm, gồm nhiều loại vật liệu khác nhau có thể ngăn chặn âm thanh ở tất cả các tần số, giúp tiếng động nó phát ra giảm đến 100 lần. Do đó, việc sử dụng những kỹ thuật khác để phát hiện tầu ngầm là điều tất yếu. 
Các phương pháp theo dõi và phát hiện tầu ngầm phổ biến hiện nay
Radar: Các tầu ngầm hoạt động bằng động cơ diesel thường có thời gian lặn liên tục kéo dài từ vài ngày đến một tuần, sau đó chúng phải nổi lên để vận hành động cơ diesel, sạc lại các bộ pin trong tầu. 

Tại thời điểm này, chúng dễ bị phát hiện bởi radar gắn trên các loại máy bay săn ngầm. Dù chỉ phát hiện tầu ngầm khi chúng nổi lên trên mặt nước, nhưng radar có thể giúp phát hiện được các tầu ngầm ở khoảng cách cực kỳ xa để khoanh vùng và sử dụng các biện pháp đối phó bổ sung. 

Hiện nay, một số hệ thống radar hiệu quả đang được Hải quân Mỹ sử dụng phải kể đến AN/APS-115 trên máy bay P3C Orion và AN/APS - 124 gắn trên trực thăng SH-60B Seahawk.

Cảm biến địa từ trường (MAD - Magnetic Anomaly Detector): Về nguyên tắc cơ bản, cảm biến MAD hoạt động tương tự như những thiết bị dò kim loại: Một vật làm bằng kim loại có kích cỡ lớn như tầu ngầm sẽ tạo ra một khu vực địa từ trường khác thường xung quanh nó. 

Các cảm biến MAD sẽ tính toán dựa trên cường độ của điểm thay đổi địa từ trường này các thông số như kích cỡ, chất liệu vật cản để xác định đó có phải là tầu ngầm hay không. 

Trước sự phát triển mãnh liệt của tầu ngầm Liên Xô, và sau này là của Nga, Trung Quốc, Mỹ đã kịp "chạy theo" những bước dài và phát triển công nghệ cảm biến điện từ trường gồm các hệ thống AN/ASQ-81 sử dụng trên máy bay săn ngầm S3B Viking và hệ thống AN/ASQ-208 trên máy bay P3C Orion.

Cảm biến điện từ:
 Các thiết bị cảm biến điện từ sẽ kiểm tra và phát hiện các tần số “lạ” của sóng radio phát ra khi tầu ngầm đối phương liên lạc với căn cứ. Loại cảm biến này không những gắn được trên các tầu nổi và máy bay, mà chúng thậm chí có thể gắn trên cả những tầu ngầm tấn công để phát hiện và tiêu diệt tầu ngầm đối phương.

Cảm biến hồng ngoại (IR-Infra Red sensor): Các cảm biến hồng ngoại (FLIR hay IRDS) có thể phát hiện được những vùng nước ấm tạo ra do động cơ tầu ngầm phát nhiệt khi vận hành. Đặc biệt là về đêm khi các hệ thống khác hoạt động kém hiệu quả. 

Không những thế, các cảm biến hồng ngoại gắn trên máy bay săn ngầm còn có thể sử dụng để theo dõi các phương tiện hoạt động trên biển khác như tầu nổi, người nhái...

Thiết bị quan sát quang điện: Được dùng để cải thiện tầm nhìn của mắt thường, giúp dễ dàng phát hiện ra các tầu ngầm hoặc kính tiềm vọng của chúng nổi trên mặt nước.

Đồng Tâm
Nguồn BAODATVIET
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang