Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Iran làm giàu uranium ở nơi 'không thể phá hoại'

Iran vừa bắt đầu quá trình làm giàu uranium ở một cơ sở mới - được bảo vệ tốt hơn khỏi các cuộc tấn công.
Ảnh chụp vệ tinh nơi được cho là Trung tâm Fordow.
 Iran vừa bắt đầu quá trình làm giàu uranium ở một cơ sở dưới lòng đất được bảo vệ kỹ trước những cuộc không kích có thể diễn ra trong tương lai, truyền thông Quốc gia Hồi giáo này loan tin. Động thái này được coi là cách Iran thách thức các áp lực từ phương Tây.

Kayhan, được coi là tờ báo thân chính quyền cho hay, công việc làm giàu uranium được bắt đầu thực hiện ở Trung tâm Fordoww, cách thành phố nguyên tử Qom khoảng 32km.

Ông Fereidoun Abbasi, người đứng đầu cơ quan năng lượng hạt nhân Iran đã xác nhận thông tin trên.

Iran có cơ sở làm giàu uranium chính tại Natanz, ở rung tâm đất nước nơi có gần 8.000 máy ly tâm đang hoạt động. Quá trình làm giàu tại Natanz bắt đầu từ tháng 4/2006. Tuy nhiên, cơ sở Fordow được cho rằng hoạt động hiệu quả hơn Natanz cũng như được bảo vệ tốt hơn trước các cuộc tấn công.

Fordow được xây dựng cạnh một trung tâm quân sự và chỉ bị tình báo phương Tây phát hiện từ tháng 9/2009. Cơ sở làm giàu uranium nằm sâu dưới 90m đá tự nhiên và được tên lửa phòng không cũng như lực lượng Vệ binh Cách mạng bảo vệ chặt chẽ.

“Trung tâm Fordow được thiết kế và xây dựng dưới lòng đất. Kẻ thù không có khả năng phá hoại nó”, ông Abbasi tự tin tuyên bố.

Ông Abbasi cũng cho biết, nhà máy Fordow sẽ sản xuất uranium làm giàu ở mức thấp  3,5 - 4 và 20%, phù hợp với tuyên bố của Tehran về tính chất hòa bình trong chương trình hạt nhân, bởi nhu cầu cho đầu đạn hạt nhân cần sử dụng uranium làm giàu đến 75%.

Tuyên bố trên được Iran đưa ra vào thời điểm căng thẳng giữa nước này và phương Tây đang ở những nấc thang mới. Theo giới phân tích, sự kiện khởi động một cơ sở hạt nhân mới ở Iran lại có thể là thách thức giống như “phất miếng vải đỏ trước con bò tót hăng máu”.

Ngày 31/12/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký đạo luật chống lại Ngân hàng Trung ương của Iran. Ngay lập tức, đồng rial của Iran đã bị mất giá khoảng 12%.

Đáp lại, Tehran cảnh báo rằng nếu Washington  bắt đầu đưa các biện pháp trừng phạt vào đời sống, Iran cũng sẽ thực hiện những bước đi riêng, cho tới tận chặn ngang eo biển Hormuz, nằm trên tuyến hành trình vận chuyển dầu quá cảnh từ vịnh Ba Tư.

Dọa tiếp tục đóng cửa eo Hormuz

Một tờ báo khác của Iran cũng dẫn lời một quan chức cấp cao của lực lượng Vệ binh Cách mạng cho hay Tehran quyết định sẽ đóng eo biển Hormuz nếu hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran bị cấm vận.



Eo biển Hormuz nhìn từ bầu khí quyển.
“Các lãnh đạo tối cao đã nhấn mạnh rằng nếu kẻ thủ ngăn chặn việc xuất khẩu dầu, chúng ta cũng sẽ không cho phép một giọt dầu đi qua eo Hormuz. Đây là chiến lược của nước Cộng hòa Hồi giáo nhằm chống lại những đe dọa như vậy”, tờ Khorasan dẫn lời Phó Tư lệnh Ali Ashraf Nouri của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo sẽ tổ chức tập trận ở phía Đông Iran, gần biên giới với Afghanistan, nhằm biểu thị quyết tâm chống lại các lực lượng của Mỹ. TờKhorasan tiết lộ thêm, Vệ binh Cách mạng và cánh tay hải quân của mình sẽ chuẩn bị nhiều kế hoạch diễn tập trên biển vào tháng 2/2012.

“Các nhà lãnh đạo đã xác định chiến lược cho lực lượng vũ trang Iran. Bất cứ hành động gây hấn nào của kẻ thù sẽ được đáp trả tương ứng”, tờ Khorasan dẫn lời ông Nouri.

Mỹ và Israel cho biết đã lên nhiều kế hoạch gồm các hành động quân sự nếu Iran tiếp tục chương trình làm giàu uranium. Còn Tehran luôn tuyên bố, nước này cần chương trình hạt nhân để sản xuất nhiên liệu cho các lò phản ứng cũng chế tạo đồng vị phóng xạ chữa bệnh ung thư.

Tăng cường quan hệ ở "sân sau" của Mỹ

Một ngày sau khi lực lượng quân sự kết thúc cuộc tập trận 10 ngày trên biển ở phía đông eo biển Hormuz, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad lên đường công du 4 nước châu Mỹ La tinh.

Các nhà phân tích cho rằng chuyến đi của ông Ahmadinejad là bước mới nhất trong nỗ lực lâu dài và có tính toán nhằm tăng cường sự ủng hộ ở khu vực Mỹ Latinh trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự với Mỹ.

Cả 4 quốc gia Mỹ Latinh trong chuyến thăm của ông Admadinejad đều có mối quan hệ không tốt với Mỹ. Trong 4 năm qua, nhiều quan chức những nước này đã đến thăm Tehran để thiết lập quan hệ ngoại giao và kinh tế.

Khi Iran cố gắng cải thiện hình ảnh, thách thức các biện pháp cấm vận đang ngày càng được thắt chặt, thách thức cả ảnh hưởng toàn cầu của Washington và đảm bảo một vị trí chắc chắn ở sân sau của Mỹ, thì quan hệ với các nước Mỹ Latinh trở nên ngày càng quan trọng.

Điểm dừng chân đầu tiên của Admadinejad là Venezuel. Tại đây, Tổng thống Iran sẽ gặp gỡ Tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Tiếp đó, ngày 10/1, ông Admadinejad sẽ dự lễ nhậm chức của Tổng thống mới Nicaraguan Daniel Ortega. Cuba là điểm dừng chân cuối cùng của Tổng thống Iran sau khi tới Ecuador. 

>> Iran: 'Israel sẽ tự sát nếu tấn công chúng tôi'


Nguồn BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang