Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Sôi động thị trường máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu

Hiện nay, giá trị những chiếc máy bay chiến đấu hiện đại thế hệ thứ 5 ​​lên đến vài trăm triệu USD cho mỗi chiếc. Vì vậy, phi công phải được đào tạo đạt trình độ “chuyên gia bay”.
Để chuẩn bị cho họ có kỹ năng đó đòi hỏi phải có các máy bay huấn luyện cơ bản hoặc máy bay huấn luyện chiến đấu tương xứng. Thế nhưng nhiều máy bay thể loại này trên thế giới đã quá lỗi thời về tính năng kỹ thuật, trang thiết bị điện tử và vũ khí không còn phù hợp với các loại máy bay tiên tiến ngày nay cũng như trong tương lai gần. Do đó một số nước trên thế giới đã phát triển và sản xuất một số máy bay huấn luyện kết hợp với chiến đấu hạng nhẹ tiên tiến. Sau đây là một số máy bay huấn luyện hiện đại trên thế giới.

Nước Nga đang ở đâu? 

Trong phân khúc này, nước Nga mới dừng lại vị trí thứ năm, giá trị vào khoảng 440 triệu USD, chiếm 5,34 % thị phần thế giới.

Máy bay huấn luyện của Nga trên trên thị trường thế giới chỉ mới có một loại máy bay huấn luyện Yak-130, được phát triển bởi Cục thiết kế Yakovlev nhằm thay thế cho thế hệ máy bay huấn luyện L-39 do Cộng hòa Séc chế tạo. 

Đây là máy bay huấn luyện đầu tiên được phát triển và chế tạo trong lịch sử hiện đại của nước Nga, một loại máy bay hoàn toàn mới và là “đối trọng” với các nước NATO. 

Yak-130 là loại máy bay huấn luyện tiên tiến có khả năng đào tạo các phi công để sử dụng các máy bay chiến đấu thế hệ 4 +, 4 ++ và cả máy bay thế hệ thứ 5. 

Trong tổ hợp huấn luyện máy bay Yak-130 có tích hợp các hệ thống tiên tiến như hệ thống kiểm tra khách quan, điện toán hóa huấn luyện, thiết bị luyện tập thuật lái và chuyên môn hóa cho các phi công.


Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của nguyên mẫu máy bay Yak-130 được thực hiện vào ngày 25/4/1996 do phi công thử nghiệm cấp 1 Andrei Sinitsyn, Anh hùng Liên bang Nga điều khiển. Các chuyến bay thử nghiệm tiếp theo được thực hiện bởi phi công thử nghiệm, anh hùng Liên bang Nga, Roman Takaev.

Chuyến bay thử nghiệm quốc gia chính thức của loại máy bay huấn luyện này có trang bị các loại vũ khí đã thành công vào tháng 12/2009. 

Một năm sau sự kiện này, Yak-130 chính thức phục vụ trong lược lượng Không quân Nga. Đến năm 2011, các máy bay huấn luyện đời mới này đã bắt đầu được sử dụng trong công tác huấn luyện ở trung tâm đào tạo Không quân của Nga ở khu vực Borisoglebsk Voronezh.

Theo Trung tâm phân tích TSAMTO, không quân Nga sẽ cần đến 250 chiếc máy bay huấn luyện Yak-130 và trong tương lai, thị trường thế giới cần gấp 10 lần con số đó. 

Riêng Không quân Nga, theo kế hoạch đến năm 2015 sẽ có 60 chiếc máy bay Yak-130, giá trị ban đầu cho mỗi chiếc máy bay huấn luyện Yak-130 khoảng trên 15 triệu USD. 

Yak-130 có khả năng các dạng vũ khí hiện đại như tên lửa không đối không AIM-9L Sidewinder, Magic 2, AGM-65 Maverick, tên lửa không đối đất Kh-25ML và các dạng bom khác nhau. 

Hiện nay đã có một số đơn đặt hàng từ nước ngoài cho loại máy bay huấn luyện hiện đại này, trước mắt là Algeria với 16 chiếc được sản xuất tại Nhà máy Irkutsk, sau đó là Việt Nam, Syria và Belarus cũng có kế hoạch mua Yak-130. 

Đối với Malaysia, máy bay Yak-130 đã nằm hồ sơ dự thầu để cung cấp máy bay huấn luyện chiến đấu cho nước này. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp là loại máy bay Hawk của Anh và M-346 “Master” của Italy.

Điều đáng chú ý trong lịch sử phát triển, M-346 và Yak-130 như là anh em sinh đôi, có thể coi là bản sao của nhau. Thực tế máy bay huấn luyện Yak-130 được phát triển cùng với công ty Aermacchi của Iataly. Nhưng vì một lý do nào đó, hai bên không tiếp tục hợp tác phát triển một loại máy bay chung, tuy nhiên các tài liệu thiết kế cơ bản của máy bay thì hai công ty đều có, kết quả là có hai biến thể gần như hoàn toàn giống nhau là Yak-130 và M-346 được ra đời.

M-346 “Bác sỹ” của Italy
Máy bay M-346 là loại máy bay huấn luyện phi công trình độ cao của Không quân Italy cũng như một số nước khác, chuyến bay đầu tiên được thực hiện vào tháng 7/2004. 

Máy bay được trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực F-124-GA-200, cho phép nó đạt tốc độ đến 1050 km/giờ. M-346 có thể mang tên lửa và bom nặng đến 3 tấn được treo trên năm mấu treo dưới cánh và thân.


Trong tháng 10/2011, Không quân Italy đã nhận được 15 chiếc máy bay huấn luyện đầu tiên của loại này với ký hiệu T-346A, Không quân Indonesia và UAE cũng có kế hoạch mua chính loại máy bay này. 

Ngoài ra M-346 cũng tham gia đấu thầu để cung cấp máy bay huấn luyện cho không quân Hoa Kỳ với mục đích thay thế hàng loạt các máy bay T-38 “Talon” đã lỗi thời. 

Thế nhưng trong chương trình phát triển, thử nghiệm và khai thác sử dụng thì máy bay huấn luyện đã xảy ra sự cố đáng tiếc, vào cuối tháng mười một năm vừa qua, loạt đầu tiên M-346 của không quân Italy trên đường trở về từ triển lãm hàng không Dubai-2011 đã bị rơi xuống biển. 

Máy bay thương hiệu Hàn Quốc
Ở đât nước xứ sở Kim chi, máy bay huấn luyện mang nhãn hiệu Hàn quốc T-50 Golden Eagle là máy bay siêu âm hai chỗ ngồi được KAI của Hàn Quốc và tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ cùng phát triển. T-50 lần đầu cất cánh vào tháng 8/2002.


Máy bay có thể trang bị vũ khí như tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder, AIM-120 AMRAAM, tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick và bom dẫn đường vệ tinh JDAM. 

Hiện nay Không quân Hàn quốc đã đưa vào sử dụng hơn 50 máy bay T-50. Indonesia là khách hàng đầu tiên loại máy bay này với số lượng 16 chiếc. Ngoài ra, T-50 cũng tham gia đấu thầu để cung cấp máy bay huấn luyện cho Không quân Hoa Kỳ. Giá thành của T-50 vào khoảng hơn 21 triệu USD/chiếc. 

Vẫn là giá rẻ - L15 của Trung Quốc lấn át?


Tuy nhiên điều đáng quan tâm hơn cả là máy bay huấn luyện siêu âm của Trung Quốc L-15, đây sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của tất cả các loại cùng mục đích như Yak-130, M-346 và cả T-50.

Trước hết, L-15 cũng có các giao diện giống như các máy bay cùng loại, nhất là Yak-130 của Nga và đương nhiên là cả M-346, điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi chính Cục thiết kế Yakovlev tham gia tích cực vào việc phát triển máy bay L-15 cùng với công ty AVIC-2 của Trung Quốc.

Điều chú ý thứ hai, để đạt đến tốc độ siêu âm, máy bay L-15 trang bị hai động cơ tua bin phản lực AI-222-25F do Ukraine phát triển, còn trên Yak-130 trước kia là RD-35 nhưng sau này cũng là hai động cơ AI-222-25 giống như trên L-15. 

Điều đặc biệt là giá thành của máy bay huấn luyện này chỉ vào khoảng 11 triệu USD/chiếc, thấp nhất trong ba loại cùng mục đích là Yak-130, M-346 và cả T-50. 

L-15 cất cánh lần đầu vào tháng 3/2006. Một số khách hàng tiềm năng của loại máy bay giá rẻ này gồm có Venezuela, Namibia và Congo.

Cuộc chạy đua về tính năng kỹ chiến thuật, chất lượng, các trang thiết bị tiên tiến, khả năng trang bị vũ khí và cuối cùng là giá thành sẽ là những tiêu chí cơ bản cho các cuộc thương lượng trên thị trường máy bay huấn luyện tiên tiến trên thế giới nhằm đào tạo phi công cho các loại máy bay chiến đấu hiện nay và tương lai. 

Theo Trung tâm phân tích thị trường vũ khí TSAMTO, giá trị xuất khẩu toàn cầu phân khúc máy bay huấn luyện trong giai đoạn 2003-2010 đã hơn 10 tỷ USD và theo dự báo trong giai đoạn 2011-2014 giá trị xuất khẩu của phân khúc này sẽ là 8 tỷ USD, đây quả là giá trị xuất khẩu làm nhiều nhà chế tạo vũ khí nhòm ngó.

Nguồn BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang