Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Vũ khí nào là "sát thủ" tàu sân bay?

Nói chung có 2 cách để tiêu diệt một tàu sân bay, hay bất kì tàu chiến nào. Cách thứ nhất là dùng nước, nghĩa là sử dụng ngư lôi.
Và cách thứ hai là dùng lửa, bằng cách dùng bom hoặc tên lửa, vì phần nhiều thiệt hại gây ra bởi những vũ khí này không phải từ bản thân vụ nổ ban đầu mà do đám cháy sau đó. 

Nếu không thể kiểm soát được đám cháy này, ngọn lửa sẽ nhanh chóng nhấn chìm cả con tàu. 

Một ví dụ là vụ chìm tàu khu trục Sheffield của Anh trong cuộc chiến Falkland khi bị trúng tên lửa diệt hạm Exocet. 

Trên thực tế đầu đạn của tên lửa không kích nổ, nhưng số nhiên liệu còn sót lại trong tên lửa đã gây ra đám cháy, nó lan dần ra trước khi thuỷ thủ đoàn phải bỏ tàu. 

Trong Thế chiến thứ 2, hải quân Mỹ đánh chìm tổng cộng 17 tàu sân bay của Nhật, trong đó 9 do trúng bom từ máy bay, và 8 do ngư lôi. Điều này cho thấy 2 phương pháp trên có mức độ hiệu quả gần bằng nhau.   

Cũng phải nói rằng tàu sân bay là một mục tiêu rất khó bị hạ, kể cả khi đã bị trúng đạn, vì chỉ riêng kích thước lớn của tàu cũng giúp nó có thể chịu đựng được những mức độ thiệt hại mà có thể làm chìm các tàu chiến thông thường khác.

Ví dụ như chiếc USS Yorktown, trong trận chiến Midway (ngày 4-7/6/1942) bị trúng liên tiếp 3 quả bom của máy bay Nhật, nhưng thuỷ thủ đoàn vẫn có thể duy trì hoạt động của con tàu, các máy bay vẫn có thể cất và hạ cánh. 

Yorktown sau đó trúng 2 quả ngư lôi được thả từ máy bay, và thuyền trưởng phải ra lệnh bỏ tàu. Tuy nhiên nó vẫn nổi trong suốt 24 tiếng sau đó. 

Việc bơm nước ra và chống nghiêng cho tàu diễn ra rất tốt, cho đến khi nọ bị trúng thêm 2 ngư lôi nữa từ 1 tàu ngầm Nhật. 

Song lần này nó vẫn không bị chìm ngay mà vẫn nổi trên mặt biển thêm hơn 15 giờ đồng hồ nữa. 

Tàu sân bay Yorktown bốc cháy sau khi các nồi hơi bị trúng bom trong trận Midway
Chiếc USS Yorktown chỉ có lượng choán nước khoảng 25,000 tấn, so với gần 100,000 tấn của các tàu sân bay cỡ lớn hiện nay, và là một trong những kiểu tàu sân bay cổ nhất (được đóng năm 1934)
Song đối phương vẫn cần đến 3 quả bom, 4 ngư lôi để có thể đánh đắm nó. Điều này cho thấy để tiêu diệt được một tàu sân bay hiện đại không phải là chuyện dễ dàng. 

1. Ngư lôi

So với các loại vũ khí khác, cùng với 1 lượng chất nổ, ngư lôi là loại vũ khí có khả năng gây nhiều thiệt hại nhất cho một con tàu. Ngư lôi kiểu cũ dùng cơ chế chạm nổ để xuyên thủng thân tàu và cho nước tràn vào qua lỗ thủng đó. 

Trong khi đó ngư lôi hiện đại phát nổ bên dưới đáy tàu, cách con tàu vài mét, và bẻ gãy con tàu làm đôi. Nó có thể tạo ra sức tàn phá lớn như vậy là nhờ vào sự kết hợp của 3 tác động khác nhau. 

Khi ngư lôi phát nổ, nó tạo ra một ‘bong bóng’ khổng lồ bên dưới con tàu. Bong bóng này giãn nở với tốc độ rất nhanh và đẩy lớp nước giữa nó và con tàu lên. 

Phần thân tàu vì vậy cũng bị đẩy lên trên. Do hệ thống dẫn đường của ngư lôi sẽ nhắm vào điểm giữa của mục tiêu, nên phần giữa con tàu sẽ bị đẩy lên cao hơn so với 2 đầu, làm sống tàu bị bẻ cong.

Tác động thứ 2 xảy ra khi bong bóng đã giãn nở tối đa, nó sẽ vỡ và giải phóng toàn bộ năng lượng của vụ nổ ban đầu, mà cho đến lúc này vẫn bị nhốt bên trong bong bóng. 

Năng lượng được giải phóng này sẽ ép lớp nước bên trên và bắn xuyên qua các vết nứt ở đáy tàu tạo ra do tác động thứ 1, giống như 1 lưỡi dao bằng nước. Hiệu ứng này gần giống như luồng xuyên kim loại tạo ra bởi các đầu đạn chống tăng. 

Và tác động cuối cùng xảy ra khi bong bóng đã vỡ hoàn toàn và bắn tung một khối lượng nước lớn lên không trung, trong một tích tắc nó tạo thành 1 ‘lỗ hổng’ bên dưới con tàu, khi nước chưa kịp lấp vào. 

Phần giữa của con tàu sẽ rơi lại vào trong lỗ hổng đó, làm cho sống tàu lại bị bẻ cong 1 lần nữa, ngược hướng với tác động lần thứ 1. 

Sự kết hợp của cả 3 tác động này thường là con tàu bị gãy lìa làm đôi và chìm trong nháy mắt. Ví dụ sinh động nhất là vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc bị trúng 1 ngư lôi của Bắc Triều Tiên ngày 26/03/2010.

Một tàu chiến bị trúng ngư lôi và gãy làm đôi
Tất nhiên với 1 mục tiêu lớn như tàu sân bay sẽ cần nhiều hơn 1 ngư lôi để đánh chìm nó. 

Hải quân Mỹ từng thực hiện nhiều mô phỏng để xem cần bao nhiêu ngư lôi để đánh chìm 1 tàu sân bay cỡ lớn, như lớp Nimitz của Mỹ.

Họ ước tính sẽ cần khoảng 6 ngư lôi hạng nặng, ví dụ như loại Mk-48 với đầu đạn nặng 300kg, để đánh chìm một tàu sân bay hạng nặng.
 
Như vậy để đánh chìm một tàu sân bay hạng trung, như chiếc mà TQ đang thử nghiệm, có thể sẽ cần khoảng từ 3 đến 4 ngư lôi hạng nặng. 

Còn trên thực tế, chiếc tàu sân bay lớn nhất từng bị đánh đắm bởi ngư lôi là chiếc Shinano của hải quân Nhật. Con tàu 60,000 tấn này bị tàu ngầm USS Archerfish đánh chìm bằng 4 ngư lôi, vào ngày 29/11/1944. 

Điểm bất lợi của ngư lôi là nó có tầm hoạt động ngắn và tốc độ thấp hơn nhiều so với tên lửa. Do đó các tàu ngầm sẽ phải tìm cách áp sát mục tiêu mà không bị phát hiện. 

Tàu ngầm tấn công thường được chia thành 2 loại chính: tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, và tàu chạy bằng động cơ diesel-điện. Các tàu ngầm diesel-điện có tốc độ rất chậm so với tàu sân bay, tầm hoạt động ngắn, và phải thường xuyên nổi lên để chạy động cơ diesel và nạp lại pin.

Do đó chúng không thích hợp với những chiến trường lớn như khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên ở những vùng biển nhỏ hẹp, như vùng biển Vịnh Ba Tư, các tàu ngầm diesel-điện có thể trở thành những sát thủ thực sự của tàu sân bay khi áp dụng chiến thuật phục kích, ẩn nấp.

2. Bom và tên lửa

Trong Thế chiến thứ 2 chưa có sự xuất hiện của các tên lửa diệt hạm được phóng đi từ tàu chiến và máy bay. Tuy nhiên về bản chất chúng không khác mấy so với việc dùng bom, nghĩa là dùng lửa để tiêu diệt tàu sân bay mục tiêu. 

Hiện nay tên lửa này đã hiện nay đã trở thành loại vũ khí chính cho tác chiến trên biển. Chúng có lợi thế là tầm hoạt động xa, có thể lên đến hàng trăm km, thời gian di chuyển đến mục tiêu ngắn nhờ vào tốc độ cao, những loại tên lửa diệt hạm mới có thể đạt vận tốc siêu thanh và nhanh hơn cả vận tốc của một viên đạn.
 
Ví dụ như tên lửa Brahmos do Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển, có thể đạt vận tốc tối đa trên 3000km/h. Vận tốc cao còn khiến đối phương ít có thời gian phát hiện và đối phó, và cũng khiến việc bắn chặn trở nên khó khăn hơn. 

Ngoài ra vận tốc cao giúp tăng thêm sức tàn phá của tên lửa khi va chạm vào mục tiêu. Đa số các tên lửa diệt hạm sử dụng cơ chế xuyên phá và nổ chậm để tối đa hoá mức độ thiệt hại, nghĩa là nó dùng động năng của mình để xuyên thủng lớp vỏ ngoài của tàu, và phát nổ khi tên lửa đã ở bên trong con tàu. 

Trong thực tế chiến tranh cho đến nay, tàu sân bay chưa từng bị tấn công bởi các tên lửa diệt hạm. Cuộc chiến hiện đại trên biển gần đây nhất là cuộc chiến Falkland 1982, song như đã phân tích ở trên, hải quân Anh đã thành công trong việc bảo vệ các tàu sân bay của mình trước các tên lửa Exocet của Argentina.

Tuy vậy trong giai đoạn cuối của Thế chiến thứ 2, khi phát xít Nhật sử dụng các phi đội kamikaze, các phi công cảm tử lao máy bay vào tàu chiến Mỹ, thì đó cũng có thể xem như 1 loại ‘tên lửa’ diệt hạm, chỉ khác là chúng được con người điều khiển. 

Trong nhiều trường hợp, máy bay cảm tử cũng xuyên qua lớp vỏ ngoài của tàu và phát nổ bên trong thân tàu giống các tên lửa. Vì vậy phân tích thiệt hại của các máy bay kamikaze gây ra cho tàu sân bay cũng giúp ta hình dung được phần nào tác dụng của tên lửa diệt hạm lên tàu sân bay.

Máy bay kamikaze xuyên thủng boong tàu sân bay USS Intrepid, vào khoang chứa máy bay bên dưới. Đám cháy bị khống chế 1 giờ sau đó.
Tổng cộng có 22 tàu sân bay Mỹ bị các phi đội kamikaze tấn công. Chỉ 3 trong số đó bị chìm, và cả 3 đều là các tàu sân bay hạng nhẹ. 

16 trong số 22 tàu là các tàu sân bay hạng nặng, một số bị thiệt hại khá nghiêm trọng, nhưng không chiếc nào bị chìm. Cũng cần lưu ý rằng các tàu sân bay “hạng nặng” của thế chiến thứ 2 chỉ bằng một nửa các tàu sân bay hiện nay của Mỹ, và nhỏ hơn tàu sân bay hiện nay của Trung Quốc.

Hơn nữa, các tàu sân bay Mỹ trong thời kì đó có thiết kế khá kém an toàn. Mặt boong tàu chính, là nơi máy bay cất và hạ cánh, chỉ được làm từ gỗ và khung thép nhẹ. 

Thiết kế này giúp việc sửa chữa thiệt hại trên boong nhanh hơn, nhưng khả năng chống xuyên rất kém, bom và máy bay cảm tử có thể dễ dàng xuyên thủng mặt boong và phát nổ bên trong khoang chứa máy bay, kích nổ số nhiên liệu và bom đạn bên trong và gây ra thiệt hại vô cùng lớn.

Ví dụ như ngày 19/3/1945, tàu sân bay USS Franklin bị trúng 2 quả bom, chúng xuyên qua mặt boong chính, qua 2 tầng bên dưới trước khi phát nổ. 

724 sĩ quan và thuỷ thủ thiệt mạng, 265 người bị thương. Các tàu sân bay sau này đều dùng thiết kế với mặt boong chính bọc thép. 

Ngày 11/3/1945, một máy bay kamikaze mang 750kg bom tấn công tàu sân bay USS Randolph. Trên hình có thể thấy 1 lỗ thủng lớn ở đuôi tàu.
Tuy nhiên, ngay cả với kích thước nhỏ hơn so với tàu sân bay hiện đại và với lớp vỏ bảo vệ khá yếu các tàu sân bay này vẫn không bị đánh chìm bởi những phi đội kamikaze, như đã nói ở trên. Những tàu sân bay hiện đại được bọc thép gần như toàn bộ. 
Các khu vực quan trọng được gia cường bằng các lớp Kevlar. Ngoài ra, cấu trúc bên trong tàu được chia thành nhiều khoang với các vách ngăn bọc thép dày, nhằm cô lập sức công phá trong trường hợp tên lửa xuyên được vào trong tàu. 

Do đó có thể thấy tên lửa và bom không có sức hủy diệt lớn như ngư lôi. Bên cạnh đó, do phần lớn thiệt hại của bom và tên lửa là từ các đám cháy lan sau đó, 

hiệu quả thực tế của chúng còn phụ thuộc vào 1 yếu tố quan trọng khác, đó là khả năng của thuỷ thủ đoàn khi xử lý thiệt hại và ngăn chặn đám cháy.

Hải quân Mỹ tuy đã có vô số kinh nghiệm xử lý thiệt hại trong thế chiến thứ 2, vẫn có thể mắc những sai lầm chết người. Như trong vụ tại nạn trên tàu USS Forrestal trong chiến tranh Việt Nam. 

Các thuỷ thủ đã dùng nước biển, thay vì bọt, để dập một đám cháy nhiên liệu trên boong. Do nhiên liệu nhẹ hơn nước nên đám cháy cùng bùng lên dữ dội, kích nổ nhiều bom và tên lửa trên các máy bay, gây ra thiệt hại lớn và vật chất và nhân mạng. 

Sau vụ việc này, hải quân Mỹ phải tiến hành nhiều thay đổi lớn, trong đó bao gồm thiết kế các hệ thống phun bọt tự động trên các tàu sân bay mới, cải tiến quy trình huấn luyện việc dập lửa cho thuỷ thủ. 

Nhờ vậy nên sau này trên tàu sân bay thế hệ mới USS Nimitz xảy ra 2 vụ tai nạn tương tự, nhưng đã được nhanh chóng khống chế và đảm bảo hoạt động thông suốt trở lại sau vài giờ. 

Như vậy có thể thấy năng lực của thuỷ thủ đoàn cũng là 1 ‘lớp giáp bảo vệ’ vô hình nhưng cực kỳ quan trọng của tàu sân bay. 

Trong trường hợp này, những nước chưa từng có truyền thống sử dụng tàu sân bay như Trung Quốc chắc chắn sẽ gặp bất lợi vì những năng lực này không thể xây dựng trong thời gian ngắn mà phải thông qua sự tích luỹ kinh nghiệm thực tế, và những kinh nghiệm này thường phải trả bằng rất nhiều xương máu. 

3. Vũ khí hạt nhân

Việc sử dụng vũ khí trong hải chiến từng được Mỹ và Liên Xô xem xét nghiêm túc trong chiến tranh lạnh. 

Lí luận của họ là khi sử dụng trên biển, vũ khí hạt nhân chỉ gây thương vong cho các đơn vị quân sự mà không ảnh hưởng đến dân thường và các cơ sở kinh tế, dân sự, do vậy sẽ không leo thang lên thành chiến tranh hạt nhân toàn diện.
 
Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (1962), khi hải quân Mỹ phong toả Cuba để ngăn không cho Liên Xô triển khai các tên lửa hạt nhân tại đảo quốc này, một thuyền trưởng tàu ngầm Liên Xô do bị tàu chiến Mỹ truy lùng quá gắt đã dự tính sử dụng ngư lôi có đầu đạn hạt nhân. 


May mắn là 2 sĩ quan cao cấp khác trên tàu không đồng ý, trong khi theo quy định phải có sự đồng thuận của cả 3 trước khi vũ khí hạt nhân được sử dụng. 

Ảnh hưởng của vũ khí hạt nhân lên tàu chiến nói chung và tàu sân bay nói riêng có thể rất khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể. Vũ khí hạt nhân có sức huỷ diệt lớn nhất khi được kích nổ dưới mặt nước và khi hạm đội đang tập trung, điều này được chứng minh qua cuộc thử nghiệm ngày 25/7/1946 của Mỹ tại đảo san hô Bikini.
 
Một quả bom hạt nhân có sức công phá tương đương quả bom thả xuống Nagasaki được kích nổ ở độ sâu 30m. 9 tàu chiến trong vòng bán kính 1km quanh tâm vụ nổ bị chìm. Trong số đó có 1 tàu sân bay 50,000 tấn, chiếc Saratoga. 

Sóng chấn động của vụ nổ gây ra nhiều vết nứt khiến cho nước tràn vào, và nó chìm 8 giờ sau đó. Một tàu sân bay khác, chiếc Independence, đậu ở ngoài vùng bán kính huỷ diệt  nên không bị chìm, nhưng cũng bị hư hại nghiêm trọng, và bị nhiễm xạ nặng. 

Cột nước khổng lồ trong thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên biển. Lưu ý những con tàu là những chấm nhỏ màu đen trên mặt biển
Các tàu chiến hiện đại đều được thiết kế để chống chọi lại với sự nhiễm xạ từ các vụ nổ hạt nhân. Chúng có thể duy trì áp suất không khí bên trong cao hơn môi trường bên ngoài để ngăn các vật liệu phóng xạ không lọt vào trong được. 

Một số còn được trang bị một hệ thống các vòi phun xung quanh tàu để tự động rửa trôi mọi vật liệu phóng xạ bám vào thành tàu.

Tàu sân bay HMS Hermes của hải quân Anh đang diễn tập với các vòi phun tia cao áp năm 1961
4. Vô hiệu hoá tàu sân bay

Trên thực tế, trong chiến tranh không nhất thiết phải đánh chìm tàu sân bay của đối phương, vô hiệu hoá nó cũng là một lựa chọn. Vô hiệu hoá nghĩa là làm tàu sân bay không thể thực hiện nhiệm vụ của mình: phóng và thu hồi các máy bay. 

Khi đó tàu sân bay chỉ còn là một khối sắt thép nổi vô dụng. Ngoài ra, đối phương cũng sẽ cần nhiều thời gian để sửa chữa. Về ngắn hạn, việc vô hiệu hoá tàu sân bay cũng có tác dụng như đánh chìm nó.

Trên tàu sân bay, điểm yếu nhất là các thang nâng dùng để đưa máy bay từ khoang chứa máy bay lên boong. Trong giai đoạn cuối của Thế chiến thứ 2, các phi đội cảm tử Kamikaze của Nhật khi tấn công tàu sân bay Mỹ luôn ưu tiên nhắm vào các thang nâng này. 

Lí do là vì chúng là thiết bị cơ khí chuyển động lộ thiên duy nhất trên tàu sân bay, nên rất dễ bị đánh hỏng. Và một khi chúng đã bị vô hiệu hoá thì toàn bộ hoạt động của tàu sân bay cũng tê liệt.

Một thang nâng trên tàu sân bay. Ở hậu cảnh là đài chỉ huy
Đài chỉ huy trên boong cũng là 1 điểm yếu, tuy nhiên việc tiêu diệt nó không thể làm gián đoạn hoàn toàn hoạt động của tàu sân bay, vì trung tâm chỉ huy chính nằm sâu bên trong tàu. 

Ngoài ra, đối với các tàu sân bay thông thường, không chạy bằng năng lượng hạt nhân, ống khói cũng là một trong những điểm yếu của tàu. 

Để có thể chọn đánh vào những điểm yếu này, tên lửa diệt hạm phải là loại được trang bị cảm biến hình ảnh, như tên lửa Kongsberg NSM ở trên. 

Hệ thống tên lửa đạn đạo diệt hạm tầm xa mà Trung Quốc đang phát triển để đối trọng với các tàu sân bay của Mỹ được cho là có thể được trang bị loại đầu đạn đặc biệt, 

có thể phóng ra hàng trăm đầu đạn xuyên, dùng để phá huỷ đường băng trên boong tàu sân bay. 

Tuy nhiên, đường băng nói chung, cả trên bộ và trên tàu, tương đối dễ sửa chữa khi bị hư hỏng, và thường không gây nhiều gián đoạn cho hoạt động của các sân bay quân sự cũng như tàu sân bay. 

Có thể kết luận rằng nếu muốn đương đầu với các lực lượng hải quân mạnh có trang bị tàu sân bay, cần đầu tư vào các máy bay trinh sát biển, 

kết hợp hoả lực chính xác từ nhiều loại phương tiện khác nhau, đặc biệt là tàu ngầm và chiến đấu cơ trang bị tên lửa diệt hạm hiện đại.
Theo Bee.net.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang