Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

Trung Quốc còn lâu mới bắt kịp Mỹ?

Sự thức tỉnh của “người khổng lồ” Trung Quốc khiến hầu hết người Mỹ lo ngại rằng chẳng bao lâu nữa Đại lục sẽ vượt mặt cường quốc số 1 thế giới về sức mạnh kinh tế lẫn sức mạnh toàn cầu. Tuy nhiên, sự thật lại không phải như vậy. 

Với chuyến công du châu Á dài ngày gần đây của ông chủ Nhà Trắng Obama vào ngay cả thời điểm cực kỳ nhạy cảm đối với sự nghiệp chính trị của ông để lẽ ra nên yên vị ở Washington, Mỹ để lộ ý định chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, liệu Washington có thể thành công?
Gần như tất cả mọi người đều cho rằng không và dễ để hiểu điều đó. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chóng mặt 9% mỗi năm, Mỹ lại chìm trong suy thoái kinh tế và bế tắc chính trị.
Các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ thời gian gần đây chỉ rằng phần lớn người Mỹ chấp nhận Trung Quốc là cường quốc kinh tế đang nắm trong tay sức mạnh chi phối cả thế giới.
Không dừng lại ở đó, theo Trung tâm nghiên cứu Pew, phần lớn người dân ở 15 trong tổng số 22 quốc gia mà họ tiến hành khảo sát tin rằng Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ, trở thành siêu cường của thế giới.
Tuy nhiên, những quan niệm này không đúng. Bất cứ ai cho rằng con rồng châu Á sắp sửa hạ gục cường quốc số 1 thế giới đang mắc phải ít nhất một trong ba sai lầm dưới đây.
Bất cứ ai cho rằng con rồng châu Á sẽ sớm soán ngôi cường quốc số 1 thế giới của Mỹ đều đang mắc phải ít nhất một trong ba sai lầm. Ảnh minh họa: csmonitor.
Đầu tiên, họ đang nhầm lẫn giữa tốc độ tăng trưởng với tăng trưởng toàn diện. Từ năm 1991, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc tăng 15% mỗi năm và chi tiêu quân sự của họ cũng tăng trung bình lên tới 10% mỗi năm.
Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người và chi tiêu quân sự của Mỹ hàng năm tăng khiêm tốn lần lượt là 4% và 2%.
Nhìn vào con số chênh lệnh trên, dễ hiểu tại sao nhiều người chắc mẩm Mỹ đang bị đánh tụt lại phía sau Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như thế và việc lấy tốc độ tăng trưởng để so sánh là khập khiễng.
Thu nhập bình quân của Trung Quốc trong năm 2010 là 7.500 USD còn của Mỹ là 47.000 USD và dễ thấy, 15% của 7.500 USD vẫn ít hơn so với 4% của 47.000 USD.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc cao hơn Mỹ nhưng rõ ràng công dân Trung Quốc tính trung bình vẫn nghèo hơn so với công dân Mỹ rất nhiều.
Và tương tự như vậy với chi tiêu quân sự. Năm 2010, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 77,9 tỷ USD và năm nay tăng 12,5% với 91,5 tỷ USD. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2010 là 636 tỷ USD và năm nay tăng không đáng kể với 672 tỷ USD.
Từ số liệu trên có thể thấy, dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng ở mức hai con số và ngân sách quốc phòng của Mỹ gần như không tăng thì chi tiêu quân sự của con rồng châu Á vẫn thua xa so với cường quốc số 1 thế giới.
Thậm chí, ngay cả khi không tính khoản ngân sách khổng lồ dành cho hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan của Mỹ thì chi tiêu quân sự của người Trung Quốc nhìn chung vẫn thấp hơn 140 tỷ USD so với của người Mỹ.
Thứ 2, nhiều chuyên gia đang dựa vào các chỉ số sai lầm để đánh giá sức mạnh kinh tế Trung Quốc. Chẳng hạn, một số nhà phân tích tin rằng Trung Quốc là “nền kinh tế kỹ thuật hàng đầu” của thế giới chỉ bởi họ xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao cao hơn so với các quốc gia khác không đồng nghĩa với việc Trung Quốc là “nền kinh tế kỹ thuật hàng đầu” của thế giới.
Lý do là, việc xuất khẩu nhiều sản phẩm công nghệ cao của người Trung Quốc thực ra nhiều khi lại không phải bởi chính họ và không đủ để chứng minh khả năng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao hàng đầu thế giới của họ.
Chứng minh cho lập luận trên là thực tế người Trung Quốc chỉ đơn giản đóng vai trò lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao được sản xuất bởi các công ty nước ngoài nhờ đủ các loại linh kiện nhập khẩu.
Ngoài ra, một đánh giá nhìn chung cho thấy, những sản phẩm công nghệ cao của các công ty Trung Quốc thường có chất lượng tồi hơn so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh nước ngoài đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu…
Hơn nữa, trong bất cứ lĩnh vực nào, nghiên cứu và phát triển, sáng chế và phát minh hay lợi nhuận của các công ty công nghệ cao của Trung Quốc trong suốt hai hai thập kỷ qua nếu so sánh với các đối thủ đến từ Mỹ thì luôn bị lép vế.
Trong khi đó, cũng có một thống kê gây hiểu nhầm tai hại liên quan đến nợ của Chính phủ so với tỷ lệ GDP. Bắc Kinh công bố rằng tỷ lệ nợ chính phủ của họ là 17% GDP còn Mỹ, ngược lại, từ này đến năm 2020, tỷ lệ nợ chính phủ sẽ duy trì mức 60% GDP. Rõ ràng, nếu nhìn vào tỷ lệ trên, nhiều người sẽ không khỏi lo ngại và dễ tin vào sự hoán đổi vị trí giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực tế phần lớn chi tiêu chính phủ của Trung Quốc không được báo cáo đầy đủ thông qua các số liệu chính thức, nhất là các khoản đầu tư kếch xù cho chính quyền địa phương. Do đó, nhiều nghiên cứu cho kết quả với mức chi tiêu như thế, nợ chính phủ của Trung Quốc phải ở giữa khoảng 75% – 150% GDP.
Vẫn chưa hết. Một số yếu tố có thể tác dụng xấu cho Trung Quốc, chẳng hạn, chính sách một con sẽ chẳng mấy chốc đẩy Trung Quốc vào quá trình già hóa dân số. Do đó, số người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc sẽ giảm đáng kể từ nay cho tới năm 2040. Ngược lại, số người Mỹ  trong độ tuổi lao động sẽ tăng 17% trong 40 năm tới.
Chính sách tài chính của Chính phủ Trung Quốc cũng có khả năng đẩy nợ Chính phủ nước này vượt quá ngưỡng 100% GDP. Do đó, tương lai tài chính của Mỹ có thể không được tươi sáng cho lắm nhưng ít ra vẫn sáng sủa hơn Trung Quốc.
Sai lầm cơ bản cuối cùng là nhiều người có xu hướng đồng nhất quy mô kinh tế với quyền lực khi cho rằng Trung Quốc sẽ sớm soán ngôi cường quốc kinh tế số 1 thế giới của Mỹ và coi sự kiện này như là sự chuyển giao quyền lực toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, quy mô không phải là quyền lực. Sau tất cả, Trung Quốc từng là nền kinh tế lớn nhất thế giới trong suốt "thế kỷ đen tối", khoảng thời gian họ là miếng bánh bị các cường quốc phương Tây và Nhật Bản xâu xé.
Trên thực tế, ở thế kỷ 19, Anh cai trị một phần tư thế giới, nhưng chưa bao giờ, ngay cả thời hoàng kim nhất cũng chưa từng là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong thực tế, GDP của Anh chỉ bằng một nửa của Trung Quốc và nhỏ hơn cả Ấn Độ khi họ xâm lược và chinh phục cả hai quốc gia này.
Tất nhiên, không thể phủ nhận quy mô của nền kinh tế Trung Quốc chính là yếu tố giúp họ đóng vai trò vô cùng quan trong trọng trong các vấn đề quốc tế, chẳng hạn, thương mại và biến đối khí hậu.
Ngoài ra, nhờ tiềm lực kinh tế, quân đội Trung Quốc được hiện đại hóa tối đa, có thể trở thành mối đe dọa đối với Mỹ (dù không bao giờ bắt kịp được với Mỹ) khi họ tham vọng cân bằng sức mạnh quân sự với Washington nhờ các chiến lược bất cân đối cũng như ý chí sẵn sàng để đảm nhận các nghĩa vụ quốc tế và khả năng chống chịu tổn thất lớn hơn.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là một siêu cường đang nổi lên theo khuôn mẫu của Liên Xô, cũng không phải một cường quốc quân sự như một Đức quốc xã đầu thế kỷ 20. Trung Quốc đơn giản, chỉ là một nước lớn đang trên đà phát triển và sẽ vẫn chỉ như vậy trong tương lai gần. Người Mỹ, do đó, không cần sợ Trung Quốc. Tuy nhiên, Washingotn vẫn nên tránh đối đầu với cường quốc đang lên này vì ảnh hưởng của họ tại châu Á.
(Theo C.S.Monitor)
Nguồn BAODATVIET


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang