Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Dồn lực cho hai điểm nóng

Để đối phó linh hoạt với nhiều thách thức trong một thế giới biến đổi nhanh chóng, tuần qua, Mỹ đã công bố Chiến lược Quốc phòng mới.
Đại tá Lê Thế Mẫu.
Kỳ 1: Dồn lực cho hai điểm nóng
Dù có thực dụng hơn khi chuyển từ cách tiếp cận “thắng - thắng” sang “thắng-hòa” với trọng tâm là châu Á - Thái Bình Dương, nhưng chiến lược này vẫn nhất quán theo đuổi tham vọng bất biến của Washington: duy trì vị thế siêu cường thế giới về quân sự. 

Từ bỏ cách tiếp cận giành chiến thắng trong cả hai cuộc chiến tranh cùng lúc, Mỹ sẽ tái cơ cấu lực lượng, tăng cường về chất để duy trì sức mạnh quân sự, tập trung vào 2 điểm nóng địa chính trị: châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông.

Mở đầu Chiến lược an ninh quốc gia tháng 5/2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama viết, "Trong tiến trình lịch sử phát triển của nước Mỹ luôn có những thời điểm phải thay đổi. Rõ ràng, thời điểm hiện nay chính là dấu mốc để bắt đầu những thay đổi đó". Chiến lược Quốc phòng (CLQP) mới của Mỹ được xây dựng trên cơ sở luận điểm cơ bản của Chiến lược An ninh quốc gia (Chiến lược an ninh quốc gia) 2010 với những sửa đổi quan trọng để thích nghi với điều kiện thâm hụt ngân sách nặng nề. 

Thừa nhận nguy cơ bên trong

Chiến lược an ninh quốc gia xác định các nhiệm vụ chung trong đối nội, đối ngoại, và định hướng phát triển nước Mỹ đến năm 2020. Vì thế, có thể thấy, thuật ngữ "thời đại của những thay đổi" và "thời kỳ quá độ" là những câu chữ phản ánh chính xác nhất nội dung của Chiến lược an ninh quốc gia mới. Ông Obama cho rằng, Mỹ đang trong tình trạng chiến tranh mà chiến thắng phụ thuộc nhiều vào nhịp độ phát triển nhà nước và xã hội Mỹ nói chung. 

Theo Chiến lược an ninh quốc gia mới, nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia Mỹ được mở rộng, từ khủng bố, phổ biến vũ khí hạt nhân cho đến bất ổn kinh tế, biến đổi khí hậu, vi phạm các thể chế dân chủ, tội phạm trong không gian ảo... Nếu như trước đây, chủ yếu tập trung vào các nguy cơ từ bên ngoài, thì nay Chiến lược an ninh quốc gia thẳng thắn thừa nhận nguy cơ đe dọa an ninh xuất phát từ trong nước. 

Do đó, lần đầu tiên, Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ đề cập tới các vấn đề trong nước như thâm hụt ngân sách, nợ công, chống khủng bố ngay trên “sân nhà”. Trên cơ sở Chiến lược an ninh quốc gia 2010, CLQP đã có những sửa đổi quan trọng trong điều kiện thâm hụt ngân sách. Lầu Năm Góc chuẩn bị cắt giảm 450 tỷ USD ngân sách quốc phòng từ nay cho tới đầu thập kỷ sau. 

Mỹ không từ bỏ tham vọng là siêu cường quân sự thế giới.

Điểm nóng địa chính trị

CLQP mới của Mỹ được công bố vào thời điểm thế giới đang trải qua những biến động sâu sắc. Hai cuộc chiến tranh do Mỹ phát động ở Afghanistan và Iraq chứng tỏ một chân lý: không thể sử dụng bộ máy quân sự khổng lồ để "xúc tiến dân chủ" sang nước khác. Trong khi đó, những biến động chính trị - xã hội sâu sắc mà phương Tây gọi là "mùa Xuân Arab" lại cho thấy vai trò của các công cụ phi quân sự và lực lượng đặc nhiệm. 

Nước Mỹ cũng đang chứng kiến sự dịch chuyển trọng tâm phát triển của thế giới sang châu Á - Thái Bình Dương. Tại đó, Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ với sức vươn lên chưa từng có đang thách thức vị thế của Mỹ. Do đó, Mỹ quyết định chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực này, và sức mạnh quân sự với vai trò là công cụ thực hiện mục tiêu chính trị không thể không thay đổi.  

Về định hướng chiến lược, nhìn lên bản đồ địa chính trị quốc tế, hiện Mỹ đang đứng trước hai điểm nóng có liên quan với nhau là Trung Đông Lớn và châu Á – Thái Bình Dương. Ở Trung Đông Lớn, Mỹ đang phải đối phó với thách thức lớn nhất từ phía Iran. Còn ở châu Á – Thái Bình Dương, Washington đang bị thách thức từ sự trỗi dậy mau lẹ của Trung Quốc - ứng cử viên sáng giá có thể cạnh tranh với Mỹ ở vị thế lãnh đạo thế giới. 

Hai điểm nóng địa chính trị này có liên quan với nhau, bởi Iran là đối tác kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, và là tâm điểm của nền chính trị quốc tế đương đại. Do đó, thay đổi cơ bản là Mỹ sẽ tập trung vào châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông Lớn nhằm đối phó với thách thức từ Trung Quốc và Iran. 

Tiếp tục duy trì sức mạnh 

Thực hiện định hướng này, Lầu Năm Góc đưa ra một số biện pháp chiến lược. Thứ nhất, tạm thời chia tay với học thuyết sẵn sàng giành chiến thắng đồng thời trong 2 cuộc chiến tranh. Mỹ có thể phát động một cuộc chiến quy mô lớn ở một khu vực, đồng thời kiềm chế ý đồ gây xung đột của đối phương ở một khu vực khác. 

Thứ 2, cắt giảm quân số. Lục quân sẽ giảm quân số từ 565.000 lính chiến đấu thường trực xuống còn 520.000, thậm chí 500.000 sau năm 2014. Lính thủy đánh bộ sẽ giảm từ 202.000 quân xuống mức 186.000. Thứ 3, giảm bớt sự hiện diện tại các căn cứ quân sự trên thế giới, trước hết là ở châu Âu, nơi hiện có 43.000 lính đang đồn trú, chủ yếu là ở Đức.

Tổng thống Obama (giữa) công bố Chiến lược Quốc phòng mới.
Thứ tư, lấy chất lượng bù số lượng thông qua các chương trình hiện đại hoá vũ khí trang bị. Mỹ sẽ tập trung phát triển các loại vũ khí mới, hiện đại hơn, như máy bay không người lái thế hệ mới, máy bay tàng hình thế hệ mới như F-35, các hệ thống chiến tranh điện tử, vũ khí tiến công mạng, đồng thời cắt giảm kho vũ khí hạt nhân. 

Dù có điều chỉnh, nhưng Mỹ sẽ không thay đổi mục tiêu chiến lược. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định: "Chúng ta phải duy trì khả năng quân sự lớn mạnh nhất thế giới để đảm bảo vai trò lãnh đạo thế giới duy nhất của Mỹ". Đây cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ dưới thời ông Obama. Mỹ vẫn theo đuổi mục tiêu bất biến là giành và duy trì vị thế lãnh đạo thế giới. Đó là mục tiêu chiến lược lâu dài đã từng được khẳng định và không bao giờ thay đổi qua các đời tổng thống Mỹ. 

Chỉ có điều, vai trò lãnh đạo của Mỹ mà chính quyền Obama theo đuổi đã phần nào thay đổi. Đó là "lãnh đạo" một thế giới đang vạn biến không ngừng với những nguy cơ bất định và những rủi ro khó lường. Các nhà hoạch định chiến lược ở Mỹ đã nói tới một kỷ nguyên "trật tự thế giới mạng", trong đó Mỹ đứng ở vị trí "nút mạng", khống chế các mắt xích khác trong toàn mạng. Đó là thực chất của cái gọi là "trật tự thế giới đa cực" được đề cập tới trong Chiến lược an ninh quốc gia 2010.

Nguồn BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang