Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

Nắm cát vàng từ Hoàng Sa


Ngày TP.Đà Nẵng cắm bảng đặt tên đường Hoàng Sa cho đại lộ ven biển Sơn Trà, tôi đã dong xe miệt mài qua lại nhiều lần. Dẫu con đường này đã quá đỗi thân quen, nhưng sau khi mang tên mới, trong tôi có một cảm giác lạ lắm, cứ như mình đang sờ nắn được một Hoàng Sa…
Chợt giật mình, thấy thương và hiểu được một phần nào tâm tư của anh bạn ngư dân Mai Phụng Lưu ở làng chài An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi. Theo cha đi biển từ nhỏ, một đời bám biển, quanh năm nằm ở Hoàng Sa, vậy mà ông Lưu cũng phải mang về cho mình những nắm cát vàng từ đảo để vơi đi nỗi nhớ…
Sờ nắn được tình yêu
Tôi trở lại Lý Sơn lần thứ ba, nhưng lại là lần đầu tiên đi bằng đò ngang từ cảng Sa Kỳ ra huyện đảo này, nên đã tiếp xúc được với nhiều ngư dân hơn. Lần thứ nhất, ghé vào Lý Sơn từ ngoài khơi, bằng tàu hải quân HQ 628 trong một chuyến thăm các đảo ven bờ dịp cận Tết Nguyên đán - 2008.
Một góc Lý Sơn.
Lần kế tiếp hội ngộ Lý Sơn từ... trên trời, bằng máy bay trực thăng của Sư đoàn 372 trong một chuyến mang hàng cứu trợ người dân sau bão số 9, năm 2009. Mỗi lần đến với hòn đảo nhỏ xinh đẹp này, tôi luôn tranh thủ lần mò mọi ngóc ngách, hòng mong tìm hiểu thêm về đời sống, văn hoá của cư dân miệt biển, đặc biệt là những dấu tích liên quan đến Hoàng Sa.
Lý Sơn là vùng lãnh thổ may mắn của tổ quốc, không chịu sự tàn phá trực tiếp từ các cuộc chiến tranh. Bởi vậy, trầm tích văn hoá nơi đây gần như còn nguyên vẹn, luôn ẩn chứa nhiều điều lạ lẫm, mới mẻ, mà người đương đại chưa khám phá, hiểu hết được về nơi này. Đặc biệt, Lý Sơn là quê hương của những cai đội Hoàng Sa thời Nguyễn, là nơi lưu dấu đậm nét nhất của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, những hiện vật minh chứng chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam.

Cũng như bao du khách khác, lần đầu đến với Lý Sơn, địa chỉ đầu tiên chúng tôi phải ghé thăm, tìm hiểu là Âm Linh tự và quần thể mộ gió gắn liền với huyền sử đi biển, giữ đảo của người dân vùng này. Thắp nén nhang trong các điện thờ, lặng thinh nghe tiếng vọng sóng biển trong không gian hương khói, chắc chắn không ai nghĩ rằng dưới những nấm mộ gió kia chỉ có đất sét nặn và thân những cành cây dâu. Vong linh của những người đã chết dường như được về với đất tổ, dẫu thân xác họ vĩnh viễn nằm lại với Hoàng Sa, với biển Đông.
Tôi ghé thăm nhà quả phụ Ngô Thị Việt - vợ của ngư phủ xấu số Võ Minh Tân. Ông Tân cùng với 5 thuyền viên khác là con dân của Lý Sơn đã nằm lại với trùng khơi nơi vùng biển Hoàng Sa trong một trận bão biển áp Tết 2010.
Đã gần 1 năm, kể từ ngày con tàu xấu số của thuyền trưởng Võ Minh Tân bị chìm, cái lạnh lẽo của chiều đông se sắt ấy như vẫn còn ngập trong căn nhà bé nhỏ này. Nhưng mọi nỗi buồn dường như đã dồn vào đôi mắt sâu thẳm, với cái nhìn vợi xa của chị Việt.
Tôi phải gượng lên nỗi đau mà sống nuôi con, trả nợ con tàu chứ biết làm sao anh" - chị Việt tâm sự - "Từ ngày làm lễ rước linh, nhập hồn để xây mộ gió cho anh ấy, mẹ con tôi đã thấy ấm lòng. Anh ấy đã về với gia đình”.

Tôi đã đọc và nghe nhiều lý giải về 2 từ “mộ gió”, rằng nó là những độn cát ven biển, bị gió xây thành nấm, dịch chuyển bất ổn. Hay là mộ mà không có nắm xương người, như người ta vẫn “xí đất” để làm sinh phần...
Nhưng sau khi ghé thăm gia đình các quả phụ tại Lý Sơn, tôi mới chợt thấy thêm một ý nghĩa khác. Rằng mọi tình cảm thiêng liêng dù không có hình hài cụ thể, không đụng chạm được, nhưng có thể cảm nhận, nghe thấy nó, giống như gió vậy.
Có mà như không, không mà lại có, đó là mộ gió. Tình yêu thương dù có dậy sóng trong lòng, nhưng cũng sẽ mơ hồ, mông lung nếu không có một sự hiện hữu vật thể nào đó có thể sờ nắn được ở trên đời.
Bởi vậy, người dân Lý Sơn từ xa xưa đã nghĩ đến việc rước vong linh, nhập hồn vào hình nhân là đất nặn và cây dâu, để dựng lên những ngôi mộ gió, thờ những người đàn ông bỏ mạng khi đi canh giữ Hoàng Sa xưa kia và những ngư phủ bỏ mạng vĩnh viễn ngoài biển Đông bây giờ.
Công dân Hoàng Sa
Ra Lý Sơn lần này tôi còn trách nhiệm mang tiền, quà từ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động ra tặng các gia đình ngư dân khó khăn, học sinh nhân ngày thành lập nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên cả nước tại đây.
Đêm trước của ngày thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, tôi được nhóm ngư dân mời về nhà Mai Phụng Lưu để uống rượu Vú Nàng và thưởng thức món cá ngừ câu về từ Hoàng Sa.
Thú thật, sự hấp dẫn hơn cả với tôi vẫn là cái tên Mai Phụng Lưu. Cái tên ấy dẫu đã quá quen thuộc với giới truyền thông và người dân cả nước. Sự nổi tiếng bất đắc dĩ của ông chỉ vì lý do rất đời thường là gan lỳ, kiên quyết bám biển dẫu bao phen hoạn nạn. Trong đó có ít nhất 5 lần bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu ngư cụ, tàu cá..., trắng tay.
Lưu tâm sự, dù phải vĩnh viễn nằm lại với Hoàng Sa như bao bạn tàu khác, ông còn thấy dễ chịu hơn nếu không được ra khơi. Bởi vậy, đầu năm 2011, sau lần bị Trung Quốc bắt giam, thu tàu lần thứ năm, trở về ông Lưu lại cầm cố ngôi nhà để vay mượn ngân hàng, sắm lại con tàu mới với quyết tâm bám biển cùng 2 con trai và con rể.
Ông trở thành nhân vật điển hình, không chỉ chính quyền trong và ngoài nước quan tâm, đồng nghiệp ngưỡng mộ mà cánh nhà báo khi ra Lý Sơn không người nào không tìm gặp.

Hôm ấy, rượu Vú Nàng thơm ngon lạ thường, hải sản ngọt lịm nhưng vẫn không làm tôi ngây ngất bằng những nắm cát vàng ông Lưu khoe đã mang về từ các đảo ở Hoàng Sa. Lưu kể, vào những ngày đầu tháng ba yên bình năm 2011, cha con ông đã vào Hoàng Sa, mang hương lên thắp ở đảo Ông Già, Trụ Cẩu... khấn vái thổ địa, hương linh ông bà, các thế hệ cha anh là con dân Lý Sơn đã nằm lại ngoài đấy để rồi xin xúc những bao cát vàng về... làm kỷ niệm.
Yêu biển, nhớ đảo như cha con ông Lưu thì không thể có mỹ từ nào diễn tả hơn. Nói như Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng trong lần phát biểu tại lễ thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải: “Vùng biển Hoàng Sa như cái ao làng, như ruộng lúa, như vườn rau... của ngư dân Lý Sơn. Hoàng Sa không chỉ là ngư trường đánh bắt truyền thống, là nơi tìm miếng cơm, manh áo cho gia đình, mà còn là nghĩa trang của bao thế hệ con dân Lý Sơn, ngư dân ven biển miền Trung”.
Bởi vậy, dù Hoàng Sa luôn tràn đầy trong ký ức, trong toan tính thường trực của ông Lưu mỗi ngày để lo đường cơm áo, ra biển đánh bắt hải sản, nhưng cứ vào bờ ông lại cảm thấy trống vắng, nhớ biển, nhớ Hoàng Sa.
Những nắm cát vàng ươm ông mang về từ quần đảo tươi đẹp mà trầm luân của tổ quốc trở thành vô giá, là chỗ dựa tinh thần cho ông trong những ngày biển động.
Ngoài ra, ông Lưu còn kỳ công chở một gốc cây phong ba khô từ đảo Phú Lâm về đặt trang trọng giữa phòng khách để có cảm giác luôn gần với Hoàng Sa.
Tôi chợt liên tưởng việc ông Lưu mang những nắm cát vàng, gốc cây phong ba từ Hoàng Sa về nhà mình cũng giống như HĐND TP.Đà Nẵng quyết định đặt tên đường Hoàng Sa, Trường Sa cho những con đường to đẹp nhất ven biển.
Như Quảng Nam đặt tên trường tiểu học ở một địa phương ven biển là Hoàng Sa, như Quảng Ngãi đem các chương trình giáo dục lịch sử, văn hoá, địa lý Hoàng Sa vào các trường học, như Quân chủng Hải quân vẫn tặng đá chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho các tỉnh ven biển..., như những nhà nghiên cứu, giới trí thức đang cùng nhà nước tìm những vật chứng, tài liệu để minh chứng Hoàng Sa có chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam.

Chia tay nhau, ông Lưu hẹn sẽ cập cảng Đà Nẵng để được gặp lại. Cái bắt tay siết chặt, thân tình của Lưu làm tôi chợt sợ, trộm lo đấy là lần chia tay cuối cùng với anh. Bởi mỗi lần ra khơi là một lần đối mặt với bao hiểm nguy biển cả, thiên tai.
Những năm gần đây, ngư dân luôn đối mặt thêm với mối hiểm nguy mới có tên "tàu lạ". Tôi chạnh lòng, thương mến Mai Phụng Lưu - con người cô độc này vô cùng. Có lẽ như đoán được điều gì đấy mơ hồ qua ánh nhìn của tôi, Lưu động viên ngược lại: "Tôi sẽ ghé Đà Nẵng trong chuyến cập bờ tới, mình sẽ nhậu cá đem về từ Hoàng Sa, anh giới thiệu cho tôi được gặp Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ nhé. Tôi sẽ xin ông ấy công nhận tôi là công dân chính thức của Hoàng Sa".

Thật ra, cứ đến hẹn lại lên, mỗi năm, Sở Nội vụ, Văn phòng đại diện UBND huyện đảo Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng lại họp mặt những nhân chứng từng sống, làm việc tại Hoàng Sa vào dịp cận Tết Nguyên đán.
Thành viên này đăng ký ở UBND huyện đảo Hoàng Sa mỗi năm thêm vài người mới phát hiện, nhưng danh sách ấy lại bị ngắn đi, bởi nhiều cụ đã quá tuổi ở dương trần. Trong khi đó, những công dân của huyện đảo Hoàng Sa đương đại, đang sống, bám biển và khai thác hải sản trên vùng biển Hoàng Sa phần lớn lại là ngư dân của Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Bởi vậy, khi ngư dân Mai Phụng Lưu đề nghị được đăng ký là công dân chính thức của Hoàng Sa đã làm chúng tôi thực sự xúc động. Khi nói ra đề nghị ấy, ông Lưu không hề có chút ý bông đùa. Tất nhiên, chẳng cần thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết như nhập khẩu về Đà Nẵng, Mai Phụng Lưu và hàng ngàn ngư dân khác của Quảng Ngãi vẫn là công dân của Hoàng Sa rồi.
Nguồn VIETNAMNET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang