Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Rút giàn khoan, Trung Quốc trù tính những âm mưu mới

TQ đã rút giàn khoan Hải Dương 981 nhưng đằng sau nó còn ẩn chứa rất nhiều âm mưu mà VN cần xem xét và chuẩn bị biện pháp đối phó.
Kể từ khi Trung Quốc “lặng lẽ” đem giàn khoan khổng lồ “Hải Dương 981” ngang nhiên hạ đặt trái phép vào khu vực biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam (ngày 02-05), cho đến khi nước này “ầm ĩ” rút giàn khoan kia về nước (ngày 15-07) đã hơn 2 tháng.
Trong khoảng thời gian này, truyền thông Việt Nam và quốc tế đã tốn biết bao giấy mực, phân tích đủ mọi góc độ để trả lời câu hỏi: Vì sao Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế kéo giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam khai thác dầu khí? Và vì sao họ lại đột ngột rút giàn khoan này về một cách chóng vánh như vậy?
Không khó để trả lời câu hỏi vì sao Trung Quốc đưa giàn khoan 981 hạ đặt trái phép tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giới chuyên gia phân tích trong và ngoài nước đều cho rằng, ngoài yếu tố thăm dò dầu khí, mục đích “cốt lõi” của họ chính là thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông, biến nó thành “ao nhà” của Trung Quốc.
Còn về lý do tại sao Bắc Kinh lại quyết định rút giàn khoan này sớm hơn dự kiến? (theo công bố của phía Trung Quốc, kế hoạch tác nghiệp của giàn khoan này tại vùng biển của Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 15-08). Về vấn đề này, có rất nhiều luồng ý kiến đưa ra bởi các chuyên gia phân tích chính trị, quân sự, các học giả và quan chức ngoại giao...
Một vài ý kiến phân tích cho rằng là do cơn bão siêu mạnh Rammasun đang dồn dập kéo vào biển Đông, nếu còn “gan lì” ở đó, chắc chắn giàn khoan này cùng hàng trăm tàu bảo vệ của họ sẽ bị cuốn chìm xuống đáy đại dương.

 Cũng có chuyên gia cho rằng là do Trung Quốc “sợ” Mỹ, bởi ngay từ khi Bắc Kinh đưa giàn khoan này vào vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Washington đã từng thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, chủ động gây hấn, làm thay đổi hiện trạng tại biển Đông.

Một số học giả quốc tế lại cho rằng, Trung Quốc rút giàn khoan là do vấp phải sự phản kháng kịch liệt từ phía Việt Nam và sự lên án mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Đó là những phân tích đánh giá của giới học giả nước ngoài, còn nội bộ Trung Quốc cũng có những ý kiến bình luận về vấn đề này. Trong đó, cần phân tích và mổ xẻ 4 nguyên nhân mà ông Quản Thanh Hữu - Chuyên gia hàng đầu về kinh tế vĩ mô, chuyên viên cao cấp Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc, Giáo sư thỉnh giảng Đại học dầu khí Trung Quốc, đã chỉ ra.
Thứ nhất, nguyên nhân khiến Bắc Kinh rút giàn khoan hải Dương 981 là do nước này đã đạt được mục đích chính trị. Ở một mức độ nào đó, hoạt động này chính là nước đi cuối cùng của nấc thang thăm dò chính trị, bởi Trung Quốc muốn bày tỏ ý công khai chủ quyền, điều tra tính khả thi về khai thác nguồn tài nguyên kinh tế hải dương tại vùng biển Hoàng Sa.
Đến nay, về cơ bản là Trung Quốc đã đạt được mục đích, đây là thời cơ thích hợp nhất để Bắc Kinh di chuyển giàn khoan. Hành động hạ đặt (trái phép) giàn khoan tại vùng biển Hoàng Sa lần này đã có được nhiều bước đột phá quan trọng, Trung Quốc đã thay đổi được hiện trạng, đã thực hiện được ý đồ chủ động tranh chấp, tạo tranh chấp và buộc các bên phải giải quyết vấn đề trong tranh chấp.
Đây là một nước cờ rất hiểm của Bắc Kinh hòng đánh lừa dư luận quốc tế là quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép của Việt Nam là khu vực “có tranh chấp”, buộc Việt Nam phải ngồi vào bàn đàm phán song phương với Trung Quốc về những vấn đề thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
 
Trung Quốc đang dốc toàn lực đóng mới tàu chiến và tàu chấp pháp
Vì vậy, chúng ta cần nhận thực rõ sau tuyên bố của vị giáo sư họ Quản là cái gì, đó chính là Trung Quốc đưa giàn khoan ra hạ đặt ở Hoàng Sa chủ yếu vì những mục đích chính trị và nếu chúng ta không có đối sách kịp thời, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tiến hành bước 2, bước 3 của chiến lược này nhằm độc chiếm biển Đông.

Thứ hai, là do thái độ của Mỹ đã thay đổi theo chiều hướng quyết liệt hơn. Vị học giả họ Quản cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 tại vùng biển Hoàng Sa lần này đã gặp phải sự chỉ trích rất lớn của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Ý đồ của ông này là Trung Quốc nên suy xét kỹ và “biết cương, biết nhu” đúng lúc.
Về vấn đề biển Đông, trên thực tế Mỹ chưa bao giờ có thái độ đứng ngoài quan sát. Ngày 10-7, Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết 412 yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981, trả lại nguyên hiện trạng trước ngày 01-05 cho vùng biển này. Đây là một động thái khá quyết liệt chứ không “trung dung” như khi Trung Quốc chiếm đoạt bãi cạn Scarborough của Philippines.
Nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động ngang ngược thì rất có thể Mỹ sẽ không còn thái độ “lừng khừng”, quyết liệt xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương, như vậy sẽ “lợi bất cập hại” đối với Bắc Kinh. Trung Quốc nên để Mỹ có thời gian “bận tâm tới những điểm nóng khác”, sau đó mới tiếp tục các hành động của mình.
Vì vậy, ông Quản cho rằng, đến thời điểm này, Trung Quốc dừng lại là đúng, không nên “ôm tất cả lửa vào mình”
Thời gian qua, phản ứng của cộng đồng quốc tế trước vụ việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đã dâng lên đền hồi “cao trào”, Trung Quốc muốn chia cắt nó thành từng đợt sóng nhỏ, không để tích tụ thành một “cơn sóng thần”. Vì vậy, Bắc Kinh dùng kế “rút củi dưới đáy nồi”, rút lui chờ dịp khác để hạ nhiệt những chỉ trích đang ngày càng quyết liệt của cộng đồng quốc tế.
 Thứ ba, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc thực hiện mưu đồ khai thác nguồn tài nguyên dầu khí tại các vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác. Năm 1992, chính phủ Trung Quốc đã từng hợp tác với công ty dầu khí Crestone của Mỹ, với kế hoạch tiến hành thăm dò khai thác nguồn tài nguyên dầu khí tại khu vực biển Trường Sa.
Do vấp phải sự phản đối kịch liệt của Việt Nam, năm 1996 họ đã rút khỏi khu vực phía bắc bãi Tư Chính. Việc Trung Quốc chấp nhận “nhún nhường” là vì khi đó họ còn thiếu về trang thiết bị kỹ thuật khai thác. Đồng thời khi đó, lực lượng hải quân của họ cũng còn mỏng yếu, lực lượng chấp pháp trên biển cũng mới đang manh nha được xây dựng.
Lần này, quay lại biển Đông cùng với giàn khoan bán ngầm nước sâu Hải Dương 981, được cho là hiện đại vào hàng bậc nhất thế giới, đảm bảo đủ các yếu tố phục vụ công tác khai thác dầu khí tại các khu vực nước sâu là một bước đi có chủ địch mang tính thực tiễn cao, nhằm khai thác dầu khí tại biển Đông của Trung Quốc.
Tuy nhiên, để phát hiện được trữ lượng dầu khí tại khu vực biển Hoàng Sa cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉ một vài mũi khoan chưa thể giúp Bắc Kinh khảo sát được hết tiềm năng ở khu vực này. Hơn nữa, Bắc Kinh chưa tiến hành thăm dò địa chất 3D trước ở vùng biển này, vì vậy họ gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai giàn khoan vào thăm dò, khai thác dầu khí.
Mặt khác trước khi đưa Hải Dương 981 vào biển Đông, Bắc Kinh cũng chưa có được sự nghiên cứu và tính toán về yếu tố kinh tế một cách kỹ lưỡng. Trung Quốc chỉ “mường tượng” rằng, khu vực này thể hiện có tiềm năng về dầu khí, chứ Bắc Kinh chưa hề bước sang giai đoạn phát hiện, xây dựng quy trình mang tính công nghiệp và thương mại.
 Vì vậy, Trung Quốc cần rút giàn khoan để có thời gian hoạch định chiến lược thăm dò và khai thác nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Như vậy, Bắc Kinh chỉ tạm ngừng tìm kế sách chứ sẽ không ngừng các hành động thăm dò, khai thác tài nguyên trên biển Đông, phục vụ cho nền kinh tế phát triển quá nóng, đang khát năng lượng của mình.
Thứ tư, Bắc Kinh không hề muốn xảy ra một cuộc chiến tranh, bởi chiến tranh không giải quyết được vấn đề gì. Trong bối cảnh tình hình thế giới căng thẳng, tranh chấp trên biển đang ngày một nóng hơn, tranh chấp chủ quyền hải dương dường như đã trở thành vấn đề nhạy cảm, có thể là tiền đề bùng phát một cuộc chiến tranh vì vấn đề kinh tế.
Bắc Kinh không muốn gặp phải sự việc tương tự như sự kiện ở Ukraine, khiến nước Nga phải liên tiếp đón nhận sự bao vây cấm vận từ Mỹ và phương Tây. Bởi thời đại ngày nay không còn là thời đại thích hợp cho việc sử dụng sức mạnh vũ lực.
Trong thời đại toàn cầu hóa, những cuộc chiến tranh hiện đại “không khói súng”, sẽ chủ yếu sử dụng các thủ đoạn bao vây, phong tỏa, cấm vận để triệt hại về kinh tế. Vì thế, hành động rút giàn khoan Hải Dương 981 không phải vì bão, không hẳn là vì sức ép của Mỹ và cộng đồng quốc tế mà chỉ là một “khoảng lặng” trước khi Bắc Kinh thực hiện những nước đi mới nhằm độc chiếm biển Đông.
Xét một cách toàn diện, khả năng xảy ra cuộc chiến quân sự tại biển Đông trong tương lai là thấp, bởi Bắc Kinh sẽ xem xét phương thức nào có lợi cho họ nhất. Sử dụng biện pháp uy hiếp bằng sức mạnh quân sự là lựa chọn tồi tệ nhất, dùng “cây gậy kinh tế” cũng sẽ gây ra những tổn thất cho chính họ, vì vậy trong tương lai nhất định Bắc Kinh sẽ nghĩ ra những chiêu trò mới.
Nguồn Baodatviet

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Trung Quốc tự lộ bản chất ngạo mạn, hung hăng, tráo trở

Cắm GK Hải Dương 981, phát hành bản đồ 10 đoạn, chính TQ đã tự vạch trần bản chất ngang ngược và hung hăng, tráo trở và lật lọng của mình.
Ngày 27-6 vừa qua, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” đã trích đăng lại bài viết mang tiêu đề “Philippines cấu kết với Nhật, dẫn sói vào nhà, Abe mưu đồ dựng NATO châu Á” của tờ “Nhật báo Kinh Hoa”, trong đó lớn tiếng mắng nhiếc Nhật Bản và Philippines là phá hoại an ninh và hòa bình châu Á, đồng thời đe dọa các nước này sẽ phải nhận hậu quả thảm khốc do những hành động của mình.
Tờ “Nhật báo Kinh Hoa” bình luận: “Ngoài Aquino III ra còn có Shinzo Abe! Thủ tướng Nhật không bao giờ hài lòng để Tokyo chỉ đóng vai trò là ‘hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm’ hay là một tên ‘tay sai’ quân sự của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương”.
Tuy nhiên, bài viết của họ không phân tích, nói thẳng ra là cố tình không đề cập đến nguyên nhân tại sao Nhật và Philippines phải làm như vậy. Các bình luận viên và các chuyên gia quân sự của họ đủ trình độ để hiểu được điều này nhưng họ “né” hoặc nếu có nói thì cũng cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật, theo cái cách giống như chính phủ của họ đang làm.
Nhật đã cam phận sống chung với bản “Hiến pháp hòa bình” mấy chục năm qua. Trước khi Trung quốc “trỗi dậy bạo lực”, đòi chủ quyền phi pháp, chèn ép các nước trên biển Đông và biển Hoa Đông, đã bao giờ Tokyo đòi sửa đổi hay cắt nghĩa lại bản “Hiến pháp hòa bình” hay chưa?
Suốt từ năm 1954 đến nay, Chính phủ Nhật Bản luôn tôn trọng điều 9 trong Hiến pháp với nội dung “cấm thực thi quyền tự vệ tập thể”, và luôn duy trì một chiến lược quân sự “hoàn toàn mang định hướng phòng thủ”. Thế thì tại sao giờ Tokyo phải giải thích lại Hiến pháp? Vì họ muốn chủ nghĩa phát - xít đội mồ sống dậy hay bị buộc phải vùng dậy, tự bảo vệ mình trước đòi hỏi chủ quyền ngang ngược của Bắc Kinh?
Các chuyên gia quân sự và học giả Trung Quốc đã bao giờ tự trả lời đúng với lương tâm mình về câu hỏi: “Philippines chấm dứt các thỏa thuận về căn cứ quân sự, buộc quân đội Mỹ phải rút khỏi các căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clack vào năm 1991 là vì lẽ gì”? Nếu Phi “cố tình xâm phạm chủ quyền Trung Quốc” như lời Bắc Kinh rêu rao thì họ đã không để quân đội Mỹ ra đi.
Có phải là Manila quá tin vào những “lời đường mật” của những nhà lãnh đạo Bắc Kinh về một “cường quốc Trung Hoa yêu hòa bình”, “tôn trọng chủ quyền của các dân tộc và luật pháp quốc tế” để rồi đến năm 1995, các vị đánh chiếm đảo Vành Khăn, đuổi dân Philipines về đất liền, tuyên bố đây là “đất đai ngàn đời nay của Tổ tiên dân tộc Trung Hoa” hay không!!!?.
Vi lẽ đó, hiện nay Philippines có mời Mỹ quay trở lại thì Trung Quốc cũng đừng nên hằn học làm gì, đó là những gì Manila thấy cần thiết để bảo vệ chủ quyền của mình trước “Người hàng xóm gian xảo”, nó là những hành động mà Manila bắt buộc phải làm để đáp trả lại sự ngang ngược và lật lọng của Bắc Kinh mà thôi.

Hiện nay, Bắc Kinh đang đầu tư rất mạnh cho quân đội đặc biệt là hải quân, ngoài ra còn có các lực lượng chấp pháp biển. Để làm gì? Để giúp đỡ nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình và ổn định, để giúp đỡ các nước láng giềng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình hay để cướp đoạt lãnh thổ của nước khác?”.
Bắc Kinh luôn miệng rêu rao “chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đang bị các nước láng giềng cấu kết nhau xâm phạm”. Sự phi lý trong tuyên bố này đến trẻ con cũng không tin được. Nhân dân Trung Hoa có bao giờ thắc mắc là tại sao 1 nước lớn như Trung Quốc lại bị hàng loạt nước láng giềng nhỏ bé chưa bằng 1 tỉnh của mình “xâm lược” hay chưa? Chả lẽ mấy nước này ăn “gan hùm, mật gấu” hay sao?
Ông Tập Cận Bình còn đưa ra tuyên bố hết sức nực cười là “Trung Quốc không có gene xâm lược” hoặc “Trung Quốc chỉ bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình”! Đã bao giờ các học giả Trung Quốc tự hỏi mình: “Tại sao Trung Quốc có lắm kẻ thù đến thế” chưa? Có lẽ ngay cả Mỹ là nước đã từng gây chiến khắp nơi trên thế giới, nhưng có lẽ còn ít kẻ thù hơn Bắc Kinh.
Bài viết của “Kinh Hoa nhật báo” còn lớn tiếng chỉ trích Nhật Bản là: “Dã tâm chiến lược của Tokyo là lôi kéo đồng minh, tạo ra một ‘Lá chắn thép’ mới ở Tây Thái Bình Dương - một ‘NATO’ phiên bản châu Á do Nhật đứng đầu để chống lại Trung Quốc”. Điều này có thể là đúng, nhưng không nên dùng từ “dã tâm” mà nên dùng từ “mong muốn” hoặc là “hy vọng” hoặc đúng hơn là “bắt buộc”.

Trung Quốc đang làm gì trên biển? Khóa chiến hạm Nhật bằng radar điều khiển hỏa lực, mang máy bay chiến đấu gắn tên lửa đuổi máy bay trinh sát Nhật cách 30m trên biển Hoa Đông, đâm thẳng vào tuần dương hạm Mỹ trên biển Đông, đây có phải là những hành động chủ động khiêu khích, khơi mào cho xung đột hay không?
Trung Quốc trước dùng vũ lực chiếm đoạt bãi cạn Scarborough, sau tập trung tàu thuyền khống chế bãi Cỏ Mây và bãi Cỏ Rong, không cho tàu công vụ Philippines tuần tra chủ quyền, ngăn cản các hoạt động tiếp tế cho lực lượng đồn trú, cấm ngư dân Philippines đánh cá trên biển. Đây có phải là hành động cậy mạnh hiếp yếu, thể hiện dã tâm “xâm lược” trên biển hay không?
Mấy chục năm qua cả thế giới đã nhận thức rõ bản chất ngang ngược và hung hăng, tráo trở và lật lọng của Trung Quốc. Nhân lúc Việt Nam đang có chiến tranh và tập trung hàn gắn các vết thương chiến tranh, Bắc Kinh đã năm lần bảy lượt dùng vũ lực đánh chiếm các đảo và bãi đá thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Để hợp thức hóa cái gọi là “chủ quyền cướp đoạt được bằng vũ lực”, Bắc Kinh đã ngang ngược cắm giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, biến những vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp, nhằm âm mưu biến đất đai của người khác thành lãnh thổ của mình.

Không những thế, Trung Quốc còn điều hàng trăm tàu mỗi ngày để xua đuổi, đâm húc tàu công vụ Việt Nam, sau đó còn lớn tiếng vu vạ là các tàu chấp pháp nhỏ hơn hàng chục lần của Việt Nam đâm húc vào các tàu cảnh sát biển hàng nghìn tấn của mình tới 1500 lần, đồng thời cho người nhái thả lưới cá và các chướng ngại vật trên biển để ngăn tàu Trung Quốc!!!?
Dã man hơn nữa là vào ngày 26-5-2014, tàu cá vỏ sắt tải trọng lớn mang số hiệu 11209 của Trung Quốc đã đâm chìm, sau đó còn cố tình nhấn tàu cá mang số hiệu ĐNa-90152-TS của Việt Nam (trên tàu có 10 thủy thủ) chìm sâu xuống biển. Đạt đến sự cùng cực của hành động mất nhân tính là các tàu Trung Quốc còn tìm cách ngăn cản, dọa dẫm các tàu cá khác của Việt Nam đến cứu người.
Sau đó, Bắc Kinh lại bịa đặt trắng trợn là tàu cá Việt Nam cố tình lao vào giàn khoan Hải Dương 981 rồi đâm phải tàu cá Trung Quốc và tự chìm!!! Những thước phim chân thực của ngư dân Việt Nam đưa ra trước cộng đồng quốc tế đã tố cáo hành động hung hăng vô nhân tính, thái độ ngang ngược và tính cách lật lọng, vô liêm sỉ của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Vô cớ dùng vũ lực tấn công những ngư dân không vũ khí ngay trên vùng biển của đất nước mình là hành động mang tính chất “cướp biển” nhưng ngăn cản hành động cứu người bị nạn còn thể hiện sự tàn ác, vô nhân đạo trước đồng loại. Nó chính là sự thể hiện rõ nhất bản chất xâm lược, trái ngược với những tuyên bố xoen xoét về một đất nước Trung Hoa yêu chuộng hòa bình của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Không dừng lại ở đó, ngày 23-6 vừa qua, Bắc Kinh còn chính thức phát hành bản đồ dọc, nuốt trọn cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, ngay sau khi vừa vuốt ve New Dehli bằng “những lời có cánh”, khiến cho người Ấn nổi giận. Không những thế, “Bản đồ xâm lược” của Trung Quốc còn thay “đường 9 khúc” bằng “đường 10 đoạn”, “liếm” trọn biển Đông.
Ngay cả người dân Trung Quốc cũng cảm thấy “ngượng ngùng” khi nhìn tấm bản đồ mới, vì không hiểu sao lãnh thổ nước nhà “đột ngột” rộng thêm nhiều quá thì được nhà cầm quyền giải thích là “trước đây, lãnh thổ Trung Quốc đã như thế rồi nhưng chúng ta quen nhìn bản đồ ngang nên bây giờ nhìn bản đồ dọc nó ‘không quen’!!!”. Thật không còn giấy bút nào tả hết sự “khôi hài” trong cách giải thích của Bắc Kinh.
Trung Quốc quay phía tây lấn chiếm Ấn Độ, ngoảnh phía đông chèn ép Nhật Bản, nhòm phía nam gây hấn với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonessia…, dùng vũ lực đe dọa, gây gổ với hầu như toàn bộ các nước láng giềng. Trước sự uy hiếp bằng vũ lực của Bắc Kinh, các nước này không liên kết với nhau để chống lại Trung Quốc mới là lạ.
Vì thế, Trung Quốc nên dừng ngay những luận điệu vu vạ Nhật Bản và các nước đông nam Á cố kết với nhau lập “NATO châu Á” để chống lại mình. Nếu Bắc Kinh không ôm mộng bành trướng, xâm phạm đến chủ quyền của các nước khác, chà đạp lên luật pháp quốc tế thì chẳng ai tự nhiên đi lập khối đồng minh để chống lại họ.
Phần cuối bài viết, tờ Kinh Hoa trích dẫn lời Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc là nước này hy vọng cùng với các quốc gia hợp sức bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực. Lịch sử cận đại 100 năm của châu Á Thái Bình Dương đã chứng minh một lẽ thường tình: “Ai có công thì sẽ được hưởng; ai chơi với lửa, thì kẻ đó sẽ tự thiêu; ai rước lang sói vào nhà thì kẻ đó sẽ mất hết”.
Luận điệu hằn học của tờ “Kinh Hoa nhật báo” chả khác gì “Thời báo Hoàn Cầu”, có lẽ vì thế mà nó được tờ báo này đăng lại. Điều này cũng không lạ vì ít người biết rằng, cả 2 tờ báo này đều là những phụ bản của “Nhân dân nhật báo”, được sử dụng như một công cụ tuyên truyền, nói xấu, xuyên tạc và đe dọa các nước khác.
Ai góp công để bảo vệ hòa bình và an ninh khu vực thì nhân dân thế giới đều biết, ai chơi với lửa thì cộng đồng quốc tế cũng đã rõ. Luận điệu ru ngủ của Trung Quốc hiện chẳng lừa phỉnh được ai, những lời đe dọa của Bắc Kinh càng làm cho các nước trong khu vực quyết tâm liên kết lại để đối phó với âm mưu xâm lược Trung Quốc.
Nếu Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Indonesia có liên minh với nhau và dựa vào Mỹ để đối phó với Trung Quốc thì đó cũng là sự đoàn kết để chống lại giấc mộng bá quyền của Bắc Kinh chứ không phải để để xâm lược nước khác hay đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực. Câu kết của tờ “Kinh Hoa nhật báo” nên để chính nhà cầm quyền Bắc Kinh và nhân dân Trung Quốc suy ngẫm!

 Nguồn Baodatviet

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang