Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Các chuyên gia quốc tế: Việt Nam đã xóa bỏ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ


Kỷ niệm 33 năm ngày xóa bỏ chế độ Pol Pot, Việt Nam xứng đáng nhận được từ lịch sử những phán xét công bằng, khách quan và chính xác.
XEM THÊM:
Để có cái nhìn đa chiều, toàn diện về vai trò của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm lần thứ 33 ngày Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ (7.1.1979 - 7.1.2012), Thanh Niên có cuộc trao đổi với một số chuyên gia quốc tế tham gia nghiên cứu và quan sát sự kiện này.
 
Chứng tích tội án Khmer Đỏ tại Bảo tàng Cánh đồng chết - Ảnh: Bloomber
 
Đó là ông Edwin Martini, Phó giáo sư (PGS) lịch sử ĐH Western Michigan (Mỹ); đại tá lục quân về hưu Andre Sauvageot, đã tham chiến tại Việt Nam giai đoạn 1964-1973 và từng làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ; ông Carl Robinson, cựu phóng viên chiến trường Việt Nam của hãng thông tấn AP và cựu phóng viên chiến trường Don North của hãng ABC News.
Cộng đồng quốc tế ghi nhận vai trò của Việt Nam trong công cuộc giải phóng Campuchia như thế nào, thưa ông?
 
PGS Martini: Các học giả và sử gia quốc tế đều đồng thuận Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong công cuộc lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Việt Nam không xâm lược Campuchia mà chính Khmer Đỏ đã kích động và gây ra cuộc xung đột 1975-1979.
Đại tá Sauvageot: Vai trò của Việt Nam còn hơn cả “quan trọng”. Chính Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), sau khi góp phần xóa bỏ chế độ Pol Pot vào ngày 7.1.1979, đã đóng cửa các “lò sát sinh” khét tiếng như Tuol Sleng, chấm dứt việc thảm sát hàng loạt và hỗ trợ một chính phủ Campuchia mới.
 
Dưới sự bảo vệ của QĐNDVN, đền đài, tôn giáo, hệ thống giáo dục và tiền tệ của Campuchia cũng được khôi phục. Cũng chính Việt Nam, dù vẫn còn đang trong khốn khó sau cuộc chiến với người Mỹ, đã tiếp tế lương thực cho người dân Campuchia và dọn đường cho các tổ chức phi chính phủ quốc tế vào viện trợ.
Việt Nam không hề muốn đưa quân sang Campuchia. Việt Nam đã cố gắng thuyết phục và kêu gọi Khmer Đỏ ngừng tấn công và sát hại người Việt Nam nhưng bất thành. Việt Nam đã bị đẩy vào thế chẳng đặng đừng.
Có nghĩa là Việt Nam không có ý “xâm lược” Campuchia?
 
Nhà báo North
: Đúng vậy. Nên nhớ là Việt Nam chỉ đưa quân sang Campuchia sau khi Khmer Đỏ đột kích đảo Phú Quốc và có hành vi gây hấn trên lãnh thổ Việt Nam. Hơn nữa, với mục đích giải cứu hàng ngàn người Việt đang sinh sống tại Campuchia khỏi sự thảm sát tàn bạo, Việt Nam hoàn toàn có thể chứng minh được động cơ chính đáng của mình.
Nhà báo Robinson: Việt Nam đã hành động để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Rõ ràng, Việt Nam không thể chấp nhận một chế độ tàn bạo như Khmer Đỏ, đặc biệt là sau hàng loạt hành động tấn công với tham vọng chiếm cả vùng đồng bằng sông Cửu Long của Khmer Đỏ.
 
  
Trả lời báo chí Việt Nam mới đây, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định “Việt Nam là sự hồi sinh và phát triển của đất nước Campuchia”. Quan điểm của ông về phát biểu này?
Nhà báo Robinson: Hoàn toàn xác đáng và công bằng khi công nhận sự can thiệp của Việt Nam đã giúp kết thúc chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đối với người dân Campuchia.
Đại tá Sauvageot: Việt Nam ngay từ đầu không muốn đưa quân sang Campuchia và cũng không có ý định nấn ná lâu hơn mức cần thiết. Vì vậy khi đánh tan hoàn toàn các căn cứ Khmer Đỏ vào năm 1985, Việt Nam đã tuyên bố sẽ rút hết quân khỏi Campuchia chậm nhất là vào năm 1990. Việt Nam đã thực hiện đúng cam kết này sớm 1 năm sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày 5.1, Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu trước khoảng 10.000 người trong đợt kỷ niệm 33 năm ngày giải phóng đất nước khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, theo báo Phnom Penh Post. Thủ tướng Hun Sen một lần nữa nhấn mạnh về công lao, xương máu của nhân dân Campuchia, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam trong công cuộc đánh bại Khmer Đỏ. 
Trong thời gian này cũng diễn ra phiên tòa xét xử 4 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ là Nuon Chea, Khieu Samphan, Ieng Sary và Ieng Thirith. Cho đến nay, tất cả bị cáo đều không nhận tội và dư luận hết sức phẫn nộ khi các bị cáo lặp lại luận điệu đổ tội cho Việt Nam “chiếm đóng và gây đổ máu” tại Campuchia.
Minh Trung
Mời các bạn cùng xem clip:

An Điền(thực hiện) - Thanh Niên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang