Bắc Kinh lên tiếng về cáo buộc tàu hải giám Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò Việt Nam hôm 26/05, nói đây là "hoạt động bình thường trong vùng biển chủ quyền" của nước này.
Thông cáo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/05 dẫn lời người phát ngôn Khương Du tuyên bố Trung Quốc phản đối việc Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí tại khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Trước đó, PetroVietnam nói ba tàu hải giám của Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải của Việt Nam, uy hiếp và phá hoại thiết bị của tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của hãng này.
Vị trí xảy ra sự cố, theo PetroVietnam, là tọa độ 12O48’25’’ Bắc, 111O26’48’’ Đông, hoàn toàn trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Khu vực tàu Bình Minh 02 hoạt động từ 17/03 là ở các lô 125, 126, 148, 149 cũng trong thềm lục địa miền Trung của Việt Nam.
Tuy nhiên, Trung Quốc nói Việt Nam đã vi phạm.
Bà Khương Du phát biểu: "Lập trường của Trung Quốc về Biển Đông rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi phản đối việc khai thác dầu khí của Việt Nam vì nó đi ngược lại lợi ích và chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, vi phạm nhận thức chung mà hai bên đã đạt được về vấn đề này".
Những gì mà các cơ quan của Trung Quốc thực hiện đều là hoạt động bảo vệ pháp luật trên biển và giám sát hải dương hoàn toàn bình thường trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Người phát ngôn Trung Quốc Khương Du
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: "Những gì mà các cơ quan của Trung Quốc thực hiện đều là hoạt động thực thi pháp luật trên biển và giám sát hải dương hoàn toàn bình thường trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc".
"Trung Quốc luôn cam kết duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để tìm giải pháp cho các tranh chấp và thực hiện Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông."
Phản đối của Việt Nam
Sự kiện xảy ra hôm 26/05 với tàu thăm dò của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã gây chấn động trong dư luận ở trong nước.
PetroVietnam nói đây là "hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PetroVietnam".
Theo Phó Tổng giám đốc PetroVietnam, "tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02", sau đó tiếp tục uy hiếp tàu này và chỉ rút đi sau khoảng bốn tiếng đồng hồ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam một hôm sau đó đã gửi công hàm phản đối tới Sứ quán Trung Quốc.
Nội dung công hàm yêu cầu phía Trung Quốc "chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam".
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nói Trung Quốc đã "vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm công ước Luật biển 1982 của LHQ, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông".
Tuy nhiên, dường như với phản hồi mới của phía Trung Quốc, công hàm ngoại giao nói ở trên sẽ bị dư luận người dân nhìn nhận là quá nhẹ.
Cuối năm 2007-đầu 2008 đã có các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc "chiếm Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam" tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Trên các trang mạng đã có nhiều lời kêu gọi xuống đường lần này để phản đối hành động mới nhất của Trung Quốc.
Trước đây Trung Quốc có nhiều hành động cản trở Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Trực tiếp và gián tiếp, nước này đã gây áp lực lên các công ty nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam tại đây như BP hay ExxonMobil để họ rút lui.
Tuy nhiên đây là lần đầu tàu Trung Quốc vào sâu và có hành động mạnh bạo như vậy trong vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)