Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Chiến hạm phương Tây lũ lượt tới Vịnh Ba Tư

Theo BBC, tàu khu trục Dering đã rời cảng Portsmouth của Anh và hướng về phía khu vực thực hiện nhiệm vụ.
Tàu khu trục Dering được Hải quân Hoàng gia Anh tiếp nhận vào năm 2009 và tháng 7/2010 đã chính thức đi vào hoạt động. Nhiệm vụ chính của tàu là để bảo vệ hạm đội khỏi các cuộc tấn công từ trên không. Tàu có hệ thống radar hiện đại và tên lửa phòng không PAAMS cho phép phát hiện và tiêu diệt tên lửa và máy bay chiến đấu của đối phương với hiệu suất cao hơn 5 lần so với các loại cũ. Thủy thủ đoàn của tàu trong chuyến công tác sẽ gồm 190 người.


Tàu Dering được gửi đến khu vực Vịnh Ba Tư đúng vào thời điểm quan hệ căng thẳng giữa Iran và phương Tây. Tehran đã đe dọa cắt nguồn cung cấp dầu từ vùng Vịnh Ba Tư bằng việc đóng cửa eo biển Hormuz nếu phương Tây, đặc biệt là Liên minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt mới chống lại các lĩnh vực dầu mỏ Iran. Đáp lại, Mỹ và Anh cho biết họ sẽ sử dụng lực lượng hải quân của họ đang đóng quân tại khu vực vùng Vịnh để đảm bảo nguồn cung cấp dầu không bị gián đoạn.

Bộ Quốc phòng Anh nhấn mạnh rằng quyết định gửi tàu khu trục đã được thực hiện từ lâu và cần thiết để hỗ trợ các tàu của nước này đang đóng quân tại khu vực. Theo đó, chiến hạm Dering sẽ thay thế chiến hạm Somerset đang thực hiện nhiệm vụ trong khu vực, và thực hiện nhiệm vụ an ninh, chống khủng bố và cướp biển. 

Như vậy tại Vịnh Ba Tư vào lúc này có 9 tàu Hải quân Hoàng gia Anh (4 tàu quét mìn, 1 tàu tuần tra và 3 tàu vận tải hậu cần).

Hiện hữu nguy cơ xung đột quân sự với Iran
Trước đó, ngày 9/1 Mỹ cho hay tàu sân bay USS Carl Vinson đã đến vùng biển Arab để thay thế nhóm tàu do hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis dẫn đầu. USS John C. Stennis đến khu vực này từ cuối tháng trước và dự kiến sẽ quay về và cập cảng San Diego nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ chưa công bố thời gian cụ thể của chuyến đi. 

Một nhóm tàu khác của Mỹ, do hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln dẫn đầu, vừa đến thăm Thái Lan hôm 10/1 và đang ở Ấn Độ Dương. Tàu sân bay Lincoln cũng sẽ đến vùng biển Arab và tham gia hoạt động cùng nhóm tàu Vinson. 

Sự xuất hiện của thêm hai tàu hải quân Mỹ, nâng tổng số hàng không mẫu hạm Mỹ trong khu vực lên con số 3 dấy lên những hoài nghi vào thời điểm quan hệ Washington với Tehran đang gặp nhiều sóng gió. 

Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Nikolai Patrushev cho rằng đang hiện hữu nguy cơ thực sự về đòn tấn công của Quân đội Hoa Kỳ nhằm vào Iran. Trả lời phỏng vấn của "Interfax", ông Patrushev nói rằng có khả năng diễn ra cuộc xung đột quân sự với Iran, mà Hoa Kỳ đang cố đẩy người Israel vào. 

Theo lời ông Patrushev, Washington muốn biến Tehran từ kẻ thù thành một đối tác trung thành. Để làm điều đó, Hoa Kỳ ráo riết dùng mọi phương tiện để thay đổi chế độ cầm quyền ở Iran, sử dụng cả các biện pháp trừng phạt Chính phủ lẫn trợ giúp các lực lượng đối lập để tổ chức một cuộc cách mạng trong đất nước này.

Trong khi đó, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác đang có những nỗ lực to lớn để giải quyết vấn đề Iran bằng con đường hòa bình và thông qua đàm phán. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thư ký Hội đồng An ninh Nga, kết quả của những nỗ lực này vẫn còn khiêm tốn. 

Teheran từng cảnh cáo rằng USS John C. Stennis không được quay lại vịnh Ba Tư. Bộ Quốc phòng Mỹ thì khẳng định hàng một không mẫu hạm nước này sẽ nhanh chóng vượt qua eo biển Hormuz và vào Vịnh.

>> Mỹ sẽ tập trận lớn chưa từng có ở Israel
>> Đáp án nào cho khủng hoảng phương Tây-Iran?
>> Các kịch bản xung đột Iran-Israel 
Nguồn BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang