Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

MUA VŨ KHÍ NƯỚC NGOÀI: "BAO GIỜ HẾT BỊ... CHƠI ĐỂU?"."

 
Người Việt Nam có thừa kinh nghiệm chiến tranh, nhưng năng lực sản xuất vũ khí - khí tài luôn là một nhược điểm.
Kể từ khi An Dương Vương với sự trợ giúp của Cụ Rùa cho ra đời Nỏ Thần (mà sau này thế giới phát triển thành multiple rocket launcher = giàn phóng pháo phản lực), Việt Nam hầu như không sản xuất được loại vũ khí, khí tài nào đáng kể.
Thời Nguyễn, Vua Minh Mạng từng cố gắng học phương Tây chế tạo tàu chiến, nhưng nền Công nghiệp Quốc phòng mà vị Vua sung này dày công xây dựng đã lụi tàn rất nhanh.
Đến thời chiến tranh hiện đại, có lẽ sản phẩm gây tiếng vang nhất của Việt Nam là... bom ba càng, không kể mấy vũ khí thô sơ như hầm chông, giáo mác...
Trong các cuộc chiến tranh hiện đại, Việt Nam chủ yếu dựa vào vũ khí nhập khẩu. Thời chống Pháp, chống Mỹ thì nhập từ Liên Xô, Trung Quốc và sử dụng vũ khí chiến lợi phẩm.




Thời đổi mới thì đa dạng hơn, Việt Nam nhập từ Nga, Tây Ban Nha, Pháp, Belarus, Israel...
Và một nền quân sự quá phụ thuộc vào hàng nhập khẩu đã khiến Việt Nam phải trả giá đắt.
Trong cuốn "Chân Trần, Chí Thép", cựu binh Mỹ James Zumwalt viết: "Sự nghi kỵ của Hà Nội đối với Trung Quốc xuất hiện từ đầu cuộc chiến. Lúc bấy giờ Trung Quốc cung cấp đạn cối cho Việt Nam. Nhưng khi sử dụng để đánh Mỹ, người Việt Nam thấy rằng loại đạn cối này luôn bắn hụt mục tiêu. Và họ sớm biết được nguyên nhân: Người Trung Quốc đã nhồi không đủ thuốc vào đạn cối, làm giảm đáng kể tầm bắn. Khi được thông báo, phía Trung Quốc đã điều chỉnh quy trình sản xuất; nhưng người Việt Nam vẫn nghi ngờ rằng việc nhồi thiếu thuốc súng là cố ý chứ không phải sơ suất".
Bên cạnh bị đối tác "chơi đểu", việc nhập khẩu vũ khí luôn có một nhược điểm đương nhiên: Nước sản xuất luôn lược bớt một số tính năng quan trọng đối với sản phẩm xuất khẩu. Chẳng hạn, Su-30 mà Việt Nam nhập từ Nga sẽ kém hơn Su-30 mà Không quân Nga sử dụng, dù cả hai được sản xuất trong cùng thời gian và cùng nhà máy.

Trong những năm gần đây, Việt Nam có vẻ chú trọng tới công nghiệp quốc phòng nhiều hơn. Thế nhưng, một sản phẩm ban đầu được ca ngợi là "do Việt Nam thiết kế và sản xuất" - máy bay lưỡng dụng VNS-41 - rốt cuộc lại chỉ là bản sao chép từ một sản phẩm máy bay nghiệp dư ở Nga.


Điểm yếu cố hữu trong nền Quốc phòng Việt Nam, có vẻ như, đang được cải thiện.


Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XI của ĐCS Việt Nam xác định: “Đẩy mạnh phát triển Công nghiệp Quốc phòng - An ninh; tăng cường cơ sở vật chất-kỹ thuật, bảo đảm cho các Lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại, trước hết là cho lực lượng Hải quân, Phòng không, Không quân, lực lượng An ninh, Tình báo, Cảnh sát cơ động. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghệ thuật Quân sự - An ninh, đánh thắng chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao của các lực lượng thù địch”; “Mở rộng phương thức huy động nguồn lực xây dựng Công nghiệp Quốc phòng và nâng cao khả năng bảo đảm của Công nghiệp Quốc phòng”.


Mới đây, khi đi thăm Hải Phòng, Thủ tướng Ba Dũng nói: "Công nghiệp Quốc phòng phải ngày càng phát triển hơn; phải vươn lên để tự chế tạo, sản xuất ra đa, tên lửa tầm thấp và tên lửa thế hệ mới...".


Trong chuyến thăm tới Ấn Độ mới đây, Chủ tịch nước Tư Sang cũng nói nhiều tới hợp tác về Công nghiệp Quốc phòng.


 Cùng khoảng thời gian đó, Việt Nam cho ra đời tàu pháo TT400TP, mà nghe nói có các tính năng chiến đấu rất hiện đại.


Chiếc tàu này Việt Nam chỉ mua bản thiết kế sơ bộ, sau đó hoàn thiện thiết kế và đóng.


Mới đây nữa, lại có tin Việt Nam chế tạo thành công nhiên liệu tên lửa và sơn tàng hình.


Trong nỗ lực xây dựng và phát triển nền Công nghiệp Quốc phòng, hợp tác với các nước phát triển hơn là một lựa chọn khôn ngoan.


Và sự kiện Nhật Bản vừa nới lỏng chính sách xuất khẩu vũ khí (trong đó có việc cho phép các Công ty Nhật Bản hợp tác với Công ty nước ngoài để phát triển vũ khí), nên được xem là một cơ hội cho Việt Nam.


Nhật Bản đang trên đường trở lại với tư cách là một nước lớn toàn diện, thoát khỏi bóng râm của Mỹ và tạo đối trọng đáng kể hơn với Trung Quốc. Trong tiến trình đó, họ cần sự ủng hộ từ các nước gần gũi hơn về nền văn minh. Việt Nam có thể là một lựa chọn của họ.
Nguồn BlogMaiThanhHai


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang