Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Cập nhật Biển Đông (V)

Người Việt Nam nên nghiên cứu lịch sử chủ quyền Việt Nam về biển đảo và dựa vào luật pháp quốc tế để đấu tranh trên dư luận quốc tế.


Xem thêm:

>> Cập nhật Biển Đông I
>> Cập nhật Biển Đông II
>> Cập nhật Biển Đông (III)
>> Biển Đông cập nhật (IV)

Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, theo ý kiến của một tướng Philippines, bao gồm toàn bộ Biển Đông lấn sâu vào khu vực mà Công ước quốc tế về Luật Biển UNCLOS thừa nhận là vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác là một trong nguyên nhân đã dẫn đến những cuộc xung đột và chạy đua để chiếm giữ các hòn đảo và các bãi đá ngầm.
Philippines gọi thầu 15 lô thăm dò dầu khí ngoài khơi
Trung tướng Juancho Sabban, người đứng đầu Bộ chỉ huy phía Tây của các lực lượng vũ trang Philippines trên hòn đảo Kalayaan - một chuỗi các hòn đảo nhỏ đang có tranh chấp ở Biển Đông, nhìn nhận sự quả quyết của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang mở cửa những vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền cho các công ty thăm dò dầu khí nước ngoài. Các công ty Shell của Hà Lan và Chevron của Mỹ đều đã có hoạt động ở Philippines và nước này đang gọi thầu cho 15 lô thăm dò dầu khí ngoài khơi nữa. Vì vậy, việc bảo vệ các giàn khoan là một trong các hoạt động diễn tập mà phía Philippines tham gia cùng với quân đội Mỹ vào đầu năm 2012. Một phái đoàn của Philippines cũng có chuyến thăm Washington hồi tháng 1/2012 để đàm phán về việc Mỹ tăng cường hỗ trợ quân sự cho họ ở Biển Đông.
Tàu chở hàng đi ngang qua khu vực  Trường Sa
Ông ta bày tỏ muốn có một giải pháp hòa bình và Trung Quốc nên cân nhắc trước khi muốn hung bạo hơn nữa ở vùng biển này. Tuy trong 18 tháng qua đã tăng gấp đôi các cuộc tuần tra các vùng biển lân cận nhưng vẫn không tăng sự hiện diện quân sự Biển Đông. Tướng Sabban đã tỏ ra khó chịu về những lời lẽ trong các bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu. Tờ báo cảnh báo rằng kim ngạch hiện tại trị giá 30 tỷ USD giữa Philippines và Trung Quốc có thể tăng gấp đôi trong một vài năm nữa, nhưng ngược lại Trung Quốc có thể trừng phạt Philippines nếu nước này tìm kiếm sự giúp đỡ quân sự từ phía Mỹ. Trong một bài xã luận khác, Thời báo Hoàn cầu cũng cảnh báo rằng các “nước nhỏ” như Philippines và Việt Nam nên chấm dứt thách thức quyền lợi của Trung Quốc nếu không thì cần chuẩn bị đón nhận “tiếng đại bác”.
Ông cũng cho biết chiến tích về “hàng từ thiện của Trung Quốc” biếu cho lực lượng tuần dương của ông, một tàu đánh cá cao tốc mà ông tịch thu của Trung Quốc có trang bị thiết bị định vị toàn cầu GPS, radio, bộ nén khí dùng một ống khí dài khoảng 50 mét để lặn sâu dưới biển. Trung tướng Sabban tin rằng con tàu cao tốc có liên quan đến hoạt động hải giám của Trung Quốc. Ông cho biết các con tàu tương tự đã để lại những cột mốc và vật liệu xây dựng gần các hòn đảo và bãi đá ngầm mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Mục tiêu Mỹ tại Biển Đông
Vào lúc dư luận thế giới tập trung vào tình hình Eo biển Hormuz thì chính quyền Obama và giới chuyên gia chiến lược lần lượt đưa ra những sách lược liên quan đến điểm nóng tại châu Á-Thái Bình Dương. Đề tài chính sách của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương là duy trì sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và những ưu tiên quốc phòng của thế kỷ 21.
Một tuần sau khi Tổng thống Obama thông báo chính sách châu Á-Thái Bình Dương (5/1/2012), nhóm chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu về an ninh mới của Mỹ (CNAS) công bố bản phúc trình 115 trang, kêu gọi Washington theo đuổi chính sách “hợp tác ưu tiên” tại Nam Hải (Biển Đông), thúc giục Mỹ gia tăng sức mạnh hải quân để bảo vệ tự do giao thông ở Biển Đông và giúp các nước Đông Nam Á bảo vệ độc lập.
Theo nhận định của bản phúc trình, Mỹ không thể để cho Trung Quốc thực hiện tại Biển Đông chính sách của Liên Xô trước đây tại châu Âu thời Chiến tranh lạnh, gọi là “Phần Lan hóa”, tức là ép Phần Lan phải trung lập. Trên thực tế, biện pháp tăng cường sức mạnh quân sự tại Biển Đông và quyết tâm củng cố thế mạnh quân sự tối ưu của Mỹ không phải vì mục đích tấn công Trung Quốc. Mục tiêu chính là tiến hành một cách “có hiệu quả” chủ trương hợp tác “kinh tế và ngoại giao” với Bắc Kinh, trong đó Mỹ là “siêu cường lãnh đạo” tại châu Á-Thái Bình Dương.
Song song với Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), chiến lược “Biển Đông” sẽ cho phép Mỹ đặt Trung Quốc vào một nước cờ hiểm hóc. Một mặt, Bắc Kinh ở thế khó xử, đối đầu cũng không phải dễ, mà hợp tác theo luật chơi từ kinh tế đến nhân quyền theo kiểu Mỹ thì phải cải cách. Mỹ sẽ chứng tỏ với Đông Nam Á là các quốc gia nhỏ không cô đơn trước thế mạnh bành trướng của Bắc Kinh.
Đề nghị của CNAS là Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh của hải quân từ 285 tàu chiến hiện nay lên 346 tàu chiến trong tương lai.
Trung Quốc đang phát triển khái niệm quốc phòng đẩy lùi Mỹ ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc, tức là đẩy lui Mỹ ra khỏi Biển Đông. Ngược lại, Mỹ cũng đang phát triển một khái niệm mới là phối hợp hải quân với không quân để đối phó với Trung Quốc. Đồng thời thiết lập “Đại liên minh hải quân”.
Học giả Việt Nam phản biện học giả Na Uy về đường lưỡi bò
Giáo sư Phạm Quang Tuấn, hiện công tác tại Đại học New South Wales (Australia) đã có một cuộc tranh luận với một học giả người Na Uy, ông Stein Tønnesson về yêu sách của Trung Quốc về đường lưỡi bò. Cuộc tranh luận diễn ra vào cuối năm 2011 nhưng vừa được phổ biến rộng rãi. 
Việt Nam và Biển Đông
Gs. Phạm Quang Tuấn cho biết: Sau hội thảo quốc tế lần thứ 3 về Hợp tác vì sự phát triển và An ninh trên Biển Đông ở Hà Nội vào cuối năm 2011, ông được nhận những bài thuyết trình của các học giả đưa ra trong hội thảo đó, và thấy rằng giáo sư Stein Tønnesson đã đưa ra những ý rất kỳ lạ, cho nên đã email cho vị học giả này và chỉ ra những mâu thuẫn của ông.
Ông Stein Tønnesson viết rằng Trung Quốc không hề đòi hỏi vùng biển ở trong đường lưỡi bò. Ông cho rằng Trung Quốc đòi hỏi những đảo cũng như những vùng biển xung quanh đảo trong đường lưỡi bò theo luật quốc tế mà thôi. Theo ông Stein Tønnesson, Trung Quốc là một quốc gia rất tôn trọng luật quốc tế (!).
Để phản bác lại cách hiểu này của ông Stein Tønnesson, Gs. Phạm Quang Tuấn đã đưa ra các bài báo của các học giả Trung Quốc trong thời gian gần đây, trong đó có bài thuyết trình của Gs. Su Hao, Giám đốc Trung tâm Chiến lược và Quản lý Xung đột thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, trong hội thảo về Biển Đông ấy. Bài thuyết trình này đã nói ngược lại với ý của ông Stein Tønnesson về yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Cụ thể, Gs. Su Hao nói là biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông, trong lịch sử đã thuộc về Trung Quốc.
Phần lớn các học giả quốc tế có đầu óc nghiên cứu rất nghiêm chỉnh. Trừ khi họ phải nghiêng về phía Trung Quốc vì vấn đề gì đó, nếu không hầu hết các học giả Tây phương đều có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề biển Đông và họ sẽ không đồng ý với ông Stein Tønnesson. Nhưng vấn đề là Trung Quốc có thể mượn những bài viết của ông Stein Tønnesson để làm lợi cho họ. Trung Quốc không dám lên tiếng nói thẳng họ đòi hỏi cả vùng biển trong đường lưỡi bò vì nó trái với luật pháp quốc tế. Cho nên, thay vào đó, họ để cho các học giả, báo chí tuyên bố là đó là vùng biển của họ. Nếu mình phản biện lại thì họ không cần trả lời nhưng sau 20 hay 30 năm, họ có thể dùng những tuyên bố này để khẳng định chủ quyền của họ.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã sử dụng cách này. Chẳng hạn, họ mới vẽ đường lưỡi bò đó trên bản đồ của họ năm 1947 của thời Trung Hoa Dân quốc. Sau này, chính sách của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa đều vẽ bản đồ của họ với đường lưỡi bò. Dĩ nhiên việc họ vẽ bản đồ của họ thì không ai biết. Nhưng gần đây có nhiều học giả của họ nói rằng đường lưỡi bò đã có trên bản đồ Trung Quốc từ mấy mươi năm nay nhưng không nước nào phản đối. Bây giờ họ đã chính thức công bố bản đồ ấy trong một tài liệu gửi cho Liên hợp quốc cách đây hai năm. Dĩ nhiên họ vẫn lập lờ về đường lưỡi bò nhưng sau này, 10 - 20 năm sau, họ có thể nói là họ đã công bố bản đồ này từ lâu và nó đã trở thành một sự kiện lịch sử.
Khi tranh luận, học giả Việt Nam nên dựa vào 2 điều: Thứ nhất là lịch sử. Thứ hai là luật pháp. Hai điều này có liên quan đến nhau bởi khi vấn đề này được mang tòa án quốc tế thì việc phân xử tranh chấp phải dựa vào hai vấn đề này. Do đó, cần khuyến khích các học giả Việt Nam nghiên cứu lịch sử chủ quyền Việt Nam về biển đảo và dựa vào luật pháp quốc tế./.
Nhật Nam


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang