Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Cập nhật Biển Đông (III)

Sau thỏa thuận của Philippines về Subic, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục bày tỏ thái độ liên quan Biển Đông; Nga bày tỏ lập trường trung lập.
Xem thêm:
>> Cập nhật Biển Đông I
>> Cập nhật Biển Đông II

Tiêu chí quan trọng cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương là bảo vệ các tuyến hàng hải quanh eo biển Malacca, vốn có tần số hoạt động là 60.000 chuyến tàu qua lại mỗi năm và chuyên chở 30% lượng hàng hóa trên toàn thế giới. Hai quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ án ngữ ngay đường vào eo biển Malacca, vì thế cuộc tập trận Milan càng trở nên quan trọng cho "an ninh và ổn định" của khu vực. Đó là quan điểm của Thời báo Ấn Độ (The Times of India) đánh giá về cuộc tập trận hải quân do Ấn Độ chủ trì với 14 nước tham gia tại Ấn Độ Dương, từ ngày 1-6/2.
Trung Quốc không hài lòng về thỏa thuận Subic
Mạng Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 1/2 viết rằng, trước việc dư luận Trung Quốc kêu gọi có biện pháp trừng phạt Philippines, Thượng Nghị sĩ, nguyên Bộ trưởng quốc phòng Philippines ngày 30/1 “nhắc nhở Trung Quốc” rằng Mỹ là nước đồng minh của Philippines do đó việc Mỹ mở rộng sự hiện diện quân sự tại Philippines không phải việc hiếm thấy, các tiếng nói “trừng phạt Philippines” là rất tự nhiên trong cuộc chơi quốc tế. Đối với việc dư luận Trung Quốc kêu gọi trừng phạt kinh tế Philippines, ông nhấn mạnh trong đại gia đình thế giới sẽ xảy ra các vấn đề tương tự, nhất là khi học lịch sử chính trị châu Âu thì quốc tế được phân chia theo các nhóm; cho biết Mỹ và Philippines đã ký Hiệp ước phòng thủ chung và mong các nước khác biết rằng Philippines và Mỹ có Hiệp định an ninh song phương.
Căn cứ hải quân Subic, nay là đặc khu kinh tế của Philippines, một vị trí chiến lược trấn giữ Biển Đông
Trung Quốc Nhật báo  Tân Hoa xã ngày 1/2 có bài bình luận về “Kế hoạch mở rộng hiện diện quân sự Mỹ đang bị phản đối mạnh mẽ”. Theo bài báo này, kế hoạch mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines như đã thống nhất trong đối thoại song phương Mỹ - Philippines vào ngày 27/1 tại Washington, đã bị các nhóm trong nước phản đối mạnh mẽ nhưng lại nhận được sự ủng hộ và bảo vệ của các quan chức thuộc chính phủ Benigno Aquino III.
Ông Teodoro Casino, thành viên Đảng đại diện cho Bayan Muna thuộc Hạ Viện nhận định: Mỹ không cần phải mở rộng hiện diện quân sự tại Philippines và ông thậm chí còn kêu gọi quốc hội cần điều tra thỏa thuận đang trong kế hoạch này. “Chúng ta có thể thoát các căn cứ quân sự của Mỹ và chúng ta hiện vẫn chống lại hiệp định trao đổi lực lượng viếng thăm (VFA). Chúng ta không cần chính phủ lại lần nữa bán chủ quyền của đất nước”.
VFA được ký năm 1999, cho phép các lực lượng quân sự Mỹ cư trú tạm thời tại một nước không chỉ trong thời kỳ diễn tập quân sự chung mà ngay cả khi không có hoạt động chiến đấu.
Theo ông Casino, việc xem xét lại VFA mà chính quyền Aquino đã đồng ý thậm chí vẫn chưa bắt đầu nhưng “chúng ta lại đang chuẩn bị bước vào thỏa thuận mới mà có thể đặt Philippines thậm chí vào tình thế bất lợi hơn”. Động thái của Mỹ để tái khẳng định sự hiện diện quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương không chỉ nhằm ngăn chặn cái gọi là ưu thế vượt trội ngày càng tăng tại khu vực của Trung Quốc mà còn cứu nền kinh tế đang gặp khó khăn của Mỹ.
Một số nhóm khác tại Philippines cũng phản đối kế hoạch tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ. Ông Renato Reyes, Tổng Thư ký Đảng Liên minh Dân tộc chủ nghĩa mới, Bagong Alyansang Makabayan cho rằng những điều này thực sự là một phần trong việc tăng cường sức mạnh của Mỹ tại châu Á như tuyên bố trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ. Mỹ có thể thậm chí không cần các căn cứ quân sự chính thức tại Philippines nếu xét về cơ hội ra vào và đồn trú trên thực tế mà họ đã đạt được theo VFA.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario đã cho rằng dù Philippines có chấp nhận việc tăng hiện diện quân sự của Mỹ tại nước này thì điều này cũng vẫn phải phù hợp với luật của Philippines về cấm các lực lượng nước ngoài đặt căn cứ tại Philippines. Theo ông Del Rosario, việc tăng hiện diện quân sự có thể gồm nhiều cuộc tập trận chung hơn và nhiều quân đội Mỹ di chuyển luân phiên tại Philippines. “Điều này chính là lợi thế nhất định của Philippines trong việc khai thác tối đa hiệp định đồng minh với Mỹ theo cách mà hai bên cùng chấp nhận được và cùng có lợi”.
Trong đối thoại tại Washington, Philippines và Mỹ đã nhất trí chuyển sang hợp tác cao hơn trong lĩnh vực an ninh hàng hải, quốc phòng và thực thi luật như đã được quy định trong Hiệp định Quốc phòng song phương mà hai nước đã ký vào năm 1951. Ông Del Rosario nhận định nếu có các đe dọa đối với lợi ích quốc gia thì cần chuẩn bị ứng phó với các vấn đề này về mặt ngoại giao, mà để hỗ trợ cho các biện pháp ngoại giao thì ít nhất chúng ta cũng phải có hành động quân sự có thể tin cậy được.
Tại Malacanang, Trợ lý về Truyền thông của Tổng thống, Ramon Carandang cho rằng có điểm đồng về lợi ích giữa nhu cầu Philippines cần nâng cấp khả năng quốc phòng và mong muốn duy trì sự hiện diện của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ không chỉ đàm phán với Philippines để làm tăng sự hiện diện của họ tại khu vực mà Mỹ cũng đề cập vấn đề này với nhiều nước khác tại châu Á như Việt Nam, Singapore, Thái Lan và Úc.
Mỹ đã duy trì hai căn cứ quân sự lớn tại Philippines nhưng đã phải từ bỏ hai căn cứ quân sự này vào năm 1992 sau khi Thượng nghị viện Philippines bỏ phiếu phủ quyết thỏa thuận mới do chính quyền cố Tổng thống Corazon Aquino soạn thảo. Thậm chí không có các căn cứ quân sự của Mỹ tại đây thì lực lượng luân phiên của Mỹ cũng gồm 600 quân luôn đồn trú tại Mindanao trong thập kỷ qua nhưng chỉ với vai trò huấn luyện quân đội Philippines chống lại những kẻ hồi giáo cực đoan.
Mỹ tiếp tục thúc đẩy quan điểm về vấn đề Biển Đông
Ngày 2/2, trong chuyến thăm Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Kurt Campbell đã có cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam. Kurt Campbell khẳng định Mỹ coi trọng quan hệ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương; mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam theo hướng Đối tác chiến lược; mong muốn hai bên cùng hợp tác trong việc rỡ bỏ các rào cản thương mại, sớm hoàn tất đàm phán để có thể ký Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự (Hiệp định 123), tiếp tục hợp tác chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các loại tội phạm xuyên quốc gia khác. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định phía Mỹ ủng hộ giải quyết các tranh chấp trong khu vực, trong đó có Biển Đông, bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển 1982 của LHQ, tuân thủ DOC và sớm tiến tới COC…
Ngày 3/2, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Kurt M.Campbell cho biết Mỹ hoan nghênh Campuchia có vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Biển Hoa Nam (Biển Đông). Phát biểu trong cuộc gặp Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong, ông Campbell cho biết ông hy vọng Campuchia sẽ làm cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày càng xích lại gần nhau và giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình.
Ông Campbell nói rằng Mỹ hoàn toàn ủng hộ Campuchia làm Chủ tịch ASEAN và mục tiêu của hiệp hội trở thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Về việc xóa khoản nợ cho Campuchia khoảng 300 triệu USD, ông Campbell cho biết Mỹ sẽ thành lập một Hội đồng tư vấn kỹ thuật để xem xét vấn đề này. Còn mong muốn của Campuchia trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sẽ được báo cáo lên các lãnh đạo cấp cao của Mỹ để xem xét, quyết định.
Tàu khu trục chống tàu ngầm Nga Admiral Panteleyev thăm cảng Philippines. Nga tuyên bố trung lập trong cuộc tranh chấp Trung Quốc-Philippines về Biển Đông.
Trước đó, trong chuyến thăm Philippines 3 ngày (16 - 18/1) của nhóm 4 Thượng nghị sỹ Mỹ, ông McCain cho biết “đã thảo luận với các lãnh đạo ở đây về nhiều vấn đề - thương mại, đầu tư, nhiều vấn đề và dĩ nhiên có chủ đề Trung Quốc. Cả chính phủ Philippines, chính phủ Mỹ và các TNS Mỹ không tin rằng sẽ có đối đầu với Trung Quốc, nhưng cần tái khẳng định và củng cố quan hệ” với Philippines. Ông nói rằng chính phủ Mỹ sẽ giữ lời cam kết giúp đỡ cho những đồng minh như Philippines hiện đại hóa quân sự. Ông nhấn mạnh sự hiện diện của Mỹ ở vùng Biển Đông là điều cần thiết, để đảm bảo ổn định và hòa bình cho khu vực này và giúp các đồng minh tăng cường khả năng quân sự để ngăn chặn thế mạnh của Trung Quốc. Ông tuyên bố Mỹ sẽ phối hợp với ASEAN duy trì quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. TNS McCain nhấn mạnh Mỹ và các nước ASEAN cần phải thể hiện rõ rằng sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ tiêu chí về quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.
Tuy nhiên, TNS John McCain nói thêm việc tăng cường quân sự của Mỹ ở châu Á “không có nghĩa là sẽ có căn cứ ở Philippines”. Ông cho biết Mỹ sẽ thực hiện chính sách hợp tác mới, bao gồm việc mời đồng minh tham gia tập trận chung và cung cấp khí cụ, tầu chiến để giúp các nước đồng minh bảo vệ an ninh quốc phòng. Trong chuyến thăm lần này, các TNS Mỹ thông báo Mỹ sẽ cung cấp tiếp cho Philippines thêm 2 tàu hải quân nữa.
Trong khi đó, ông Joseph Lieberman cũng nói khi Trung Quốc đi lên, “xung đột không nhất thiết phải xảy ra và chúng tôi hy vọng nó sẽ không bao giờ xảy ra”. Ông cũng tán thành việc tăng sức mạnh cho quân đội Philippines: “Có người nói cách tốt nhất để bảo đảm hòa bình là chuẩn bị cho chiến tranh, tức là phải mạnh mẽ”.
Trong một diễn biến khác, ngày 17/1, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, Đô đốc Patrick Walsh, trả lời phỏng hãng AP, bày tỏ quan ngại rằng những tranh cãi về các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông có thể dẫn đến những vụ đụng độ lớn hơn và nghiêm trọng hơn.
Khi cuộc tranh cãi về chủ quyền đang tiếp diễn, các nước trong vùng đều có ý muốn hiện đại hóa quân sự bằng những loại vũ khí tối tân. Điều đó cũng là một trong những yếu tố khiến tình hình ngày một căng thẳng hơn. Theo ông, sự cố tiềm ẩn ở Biển Đông có thể leo thang giống như vụ đụng tàu giữa Trung Quốc và Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông hồi tháng 9/2010. Vụ việc này lúc đầu chỉ mang tính địa phương, có thể quản lý được nhưng lại dẫn đến mâu thuẫn cấp quốc gia.
Đô đốc Walsh cũng nhấn mạnh, tuyến đường biển ở Biển Đông là tuyến đường rất quan trọng cho mọi hoạt động kinh tế. Vì thế, bảo đảm an ninh và ổn định cho tuyến dường này là điều thật cần thiết, vì mọi gián đoạn sẽ gây nên những trở lại to lớn. Theo ông, Mỹ nên ủng hộ các giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở Biển Đông, theo đó có thể hỗ trợ các diễn đàn khu vực bàn về các vấn đề tranh chấp lãnh hải.
Nga “trung lập” trong tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc
Mạng tin Inquirer.net của Philippines ngày 3/2 cho biết Chính phủ Nga sẽ không can thiệp vào những tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc về lãnh hải trên Biển Tây Philippines (Biển Đông). Đại sứ Nga tại Philippines Nikolav Kudashev nói rằng Chính phủ Nga là bạn của cả Philippines và Trung Quốc nhưng nếu họ cần lời khuyên thì Nga sẵn sàng giúp đỡ.
Ông Kudashev đã đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh tàu ngầm chống hạt nhân của Nga Admiral Panteleyev đang cập cảng ở Manila trong chuyến thăm kết thúc vào ngày thứ 3/2.

Nhật Nam


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang