Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

G-36, ngôi sao mới nổi

Dù mới xuất hiện đầu thập niên 1990, nhưng với tính năng ưu việt, G-36 đã giúp vũ khí bộ binh Đức sánh vai cùng Nga và Mỹ.
Trong khi danh tiếng dòng tiểu liên AK (Nga) và M-16 (Mỹ) nổi như cồn, thì khẩu G-36 “sinh sau đẻ muộn” của Đức đang lặng lẽ tạo dựng chỗ đứng để trở thành “kẻ ngáng đường” hoàn hảo, có thể buộc 2 “ông lớn” phải chia lại thị phần trên thế giới.

Thời thế tạo… G-36

Vào thời điểm những năm 1990, AK và M-16, dù còn một số nhược điểm, nhưng vẫn là 2 cái tên được ưa chuộng trên thị trường vũ khí thế giới. Trong khi đó, quân đội Đức đề ra mục tiêu chiến lược chủ chốt là "duy trì hoà bình, chống khủng bố, buôn lậu và ma tuý…". 

Cách tiếp cận này đã đòi hỏi nước Đức phải điều chỉnh tư duy về xu hướng phát triển của vũ khí. Bên cạnh đó, do khó khăn về ngân sách, kế hoạch chế tạo và sản xuất G-11 đầy tham vọng với đạn siêu chụm loạt 4,73 mm, và G-41 phải tạm ngưng. 

Không thể quay về với G-3 nặng nề, cổ lỗ, dù đã vang bóng một thời, Đức nhanh chóng triển khai dự án chế tạo một loại vũ khí mới, chính xác, hiệu quả, gọn nhẹ, hoạt động trong mọi môi trường khí hậu: trên núi, thảo nguyên, khi bão cát, trong điều kiện ít được bảo dưỡng. Đặc biệt, loại súng này phải hợp túi tiền, có sức cạnh tranh trên thị trường vũ khí so với AK và M-16. 

Trong cuộc thi “tranh tài, chọn súng”, 2 dự án: Steyr AUG của Australia và HK50 của Đức đã lọt vào vòng chung kết. Cuối cùng, tại trường bắn WTD91, HK50 đã giành chiến thắng để cho ra đời G-36.

HK50, nguyên mẫu của G-36.
Nếu như AK và M-16 thường sử dụng vật liệu gỗ và thép, thì với G-36, để gọn nhẹ và chống ăn mòn, các nhà thiết kế sử dụng vật liệu polymer ở các bộ phận như tay cầm, cò, nút chuyển chế độ bắn, hộp đạn… 

Tuy có “bắt chước” một phần từ AR-18 của Mỹ (như piston khí nằm phía trên nòng súng, hộp khoá nòng hình vuông và chốt xoay 7 tai), nhưng G-36 thực sự là “hậu sinh khả úy”. Hộp khóa nòng di chuyển trên một trục dẫn nhờ lò xo. Khối khí được một van khí tự động điều chỉnh, giúp đẩy khí về phía trước, rời xa xạ thủ. Lỗ thoát khí nằm ở phía bên phải của khóa nòng, giúp xạ thủ thuận tay trái không bị khói phụt vào mặt sau khi bắn.

Giống AR-18, G-36 sử dụng trích khí rời của SVT (cần đẩy lùi rời có lò xo đẩy về tách riêng, khiến nhiều chi tiết súng có thể bị va đập mạnh, làm tăng khả năng biến dạng, vỡ, hỏng khi bắn liên thanh kéo dài. 

Tuy nhiên, mũi vòi của bệ khóa nòng G-36 dài, cần đẩy lùi ngắn, và đặc biệt là piston dàn lực đều bằng thay đổi thiết diện piston, giúp giảm chấn động va đập và giảm biến dạng do chấn động…

Nhận thấy một số nhược điểm trong thiết kế M-16, “đàn em” G-36 đã tìm cách khắc phục. Chẳng hạn thay cho khoá nòng 8 tai của M16, G36 lại bỏ bớt đi hai tai, tạo ra khe rỗng. 

Chính khe rỗng không tai đó hớt nhẹ vào đầu băng đạn, đẩy đạn chưa dùng xuống chỉ tí chút, vậy nên đạn không va đập mạnh mà chuyển động êm trong băng. 

Thay vì để khóa nòng lùi chỉ 1-2 mm như của M-16, G-36 cho khoá nòng lùi khá xa (giống AK). Điều này có tác dụng kéo dài thời gian chuyển động lên của đạn trong băng, vì thế không cần lò xo quá khỏe để tăng vận tốc chuyển động của đạn trong băng. 

G-36 vẫn có thể dùng nhựa trong làm vỏ băng đạn, đảm bảo yếu tố kỹ thuật (không gây tắc đạn) và yếu tố thẩm mỹ mà không phải dùng nút trợ lực như M-16.

Tư duy kiểu Đức

Người Đức vốn đề cao tính hiệu quả, chất lượng và độ an toàn của sản phẩm. Điều này được thể hiện rõ trong thiết kế G-36. 

Súng này cũng có 3 chế độ bắn: bán tự động, 2 phát một và tự động. Cần chọn chế độ khai hoả ở cả 2 bên của khóa nòng, đồng thời cũng là nút chọn chế độ an toàn, giúp tránh hiện tượng cướp cò. Để tiết kiệm thời gian cho quá trình nạp đạn, các băng đạn của G-36 có thiết kế đặc biệt giúp lắp đặt 2-3 băng đạn cùng nhau. 

Cửa lắp hộp đạn được thiết kế tách rời, nên có thể dễ dàng lắp nhiều loại hộp đạn khác nhau, miễn là tương thích. Bộ phận cò, nối với rãnh piston và vòng cản (không cho đụng cò súng) nằm trong vỏ bọc bằng nhựa hoàn toàn riêng biệt. 

Súng G-36 sử dụng hệ thống chốt ngang để nối các bộ phận rời, có thể tháo lắp dễ dàng mà không cần dùng đến bất kì một công cụ nào. 

Thiết kế modular của G-36 giúp cho việc lắp đặt thêm thiết bị, và vũ khí (như súng bazooca, ống phóng lựu…) phù hợp cho những nhiệm vụ tác chiến khác nhau. Việc thay thế các bộ phận của súng cũng khá dễ dàng.

Một người lính sử dụng G36 được gắn thêm ống phóng lựu.
Vì sử dụng đạn tiêu chuẩn NATO, với tốc độ xoay cao 1 vòng 7,5 inch tuổi thọ nòng G-36 bị giảm, giống tình trạng của M-16. 

Với thiết kế báng nhựa xếp ngang, kế thừa từ AK-74M, súng rất tiện sử dụng nhưng lại làm cho súng nặng hơn một chút. 

G-36 cũng phải chịu một vài lời phàn nàn, ca thán về việc tay cầm bị nóng khi bắn liên thanh. Binh lính Đức thường kêu ca về hệ thống quan sát đôi bị mờ khi gặp thời tiết xấu. 

G-36 có nhiều biến thể với các mục đích khác nhau như carbine G36K, G36C, biến thể thể thao SL8 hay R8. 

Hiện dòng AK phải chia sẻ thị trường với G-36 khi danh sách các nước sử dụng súng này ngày một dài hơn. Dù rất tự hào với “con cưng” M-16, nhưng Mỹ vẫn phải mua G-36 trang bị cho cảnh sát. 

Người Anh dù không có thói quen sử dụng súng và xe của nước ngoài, cũng đang cân nhắc đến việc thay thế L85A1 bằng G-36 nếu như phiên bản nâng cấp L85A2 không thành công. 

Năm 1998, Tây Ban Nha đã chọn G-36 làm súng trường tiêu chuẩn cho quân đội nước này. Hiện Tây Ban Nha và Saudi Arabia đã có giấy phép sản xuất G-36. Kênh truyền hình Military của Mỹ đã xếp G-36 là một trong những khẩu súng tốt nhất mọi thời đại.

Nguồn BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang