Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Trường Sa mãi là điểm nhớ

Khác với tình yêu đôi lứa, nỗi nhớ Trường Sa trong bạn, trong tôi, trong những người từng một lần đặt chân đến đảo rất đằm sâu và có độ lan toả rộng.
Họ hướng về mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió bằng tình cảm chân thành, bằng ký ức đẹp, bởi thật giản dị: Trường Sa luôn là điểm nhớ trong mỗi trái tim Việt Nam.

Biết tôi ra Trường Sa, nhà báo Nguyễn Xuân Thuỷ - đang công tác ở NXB Quân đội, từng có 2 năm là lính radar trên đảo Trường Sa Lớn, nhắn nhủ: «Chị hãy đến thăm căn nhà trung đội em ở ngày trước xem bây giờ nó ra sao? 3 cây bàng vuông đã lớn từng nào?» Ngay khi đặt chân lên đảo, tôi đã gọi điện cho Thủy. Giữa trùng khơi bời bời nắng gió, chúng tôi trò chuyện trong niềm xúc động dâng đầy.

Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn...
Hơn 10 ngày qua đi, tôi không tìm thấy đồng đội nào sống cùng thời với anh ngày trước. Nhưng nhắc đến Nguyễn Xuân Thuỷ, tác giả cuốn tiểu thuyết “Biển xanh màu lá” vừa được xuất bản, thì ai cũng biết. Bởi anh đã viết về cuộc sống của chính họ, và cũng bởi cuốn tiểu thuyết ấy được thai nghén ngay trên vùng biển đảo xa xôi này.

Về lâu rồi vẫn nhớ, Đại tá Nguyễn Quý Trung - Phó phòng Tác chiến của Quân chủng PK-KQ, bộc bạch rằng, năm 1979-1980, anh ở Trường Sa 16 tháng. Ngày ấy, đảo còn hoang sơ lắm. Nhìn phía nào cũng nhưng nhức một màu cát trắng. Đến giờ, anh vẫn chưa quên vị trí từng doi cát, từng mỏm đá san hô, giếng nước lợ và đoạn đường băng được ghép bằng những tấm ghi. 

Hơn 30 năm sau, Trường Sa hôm nay thay đổi đến bất ngờ. Nhà vòm, nhà tạm được thay bằng những căn nhà kiên cố, vững chắc. Phương tiện nghe nhìn và công trình điện nước đầy đủ. Đảo đẹp và xanh đến ngạc nhiên. Chẳng như trước kia, để có một bữa rau xanh, lính đảo phải kè 4 lớp ghi nằm ngang, thêm một lớp ghi dọc chắn sóng và gió muối, thì rau mới sống được. Công lao ấy thuộc về lớp lớp những người giữ đảo, và cả người đến thăm đảo. Họ kiên trì cõng đất ra, bỏ công cơi đá, chắn sóng, đào hố để nuôi cây. Rồi cây cho bóng mát, cây làm giếng nước ngày một ngọt hơn. Giống như tình người trên đảo Trường Sa vậy, càng gian khó càng thắm thiết keo sơn.

Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách – Phó Chính ủy Quân chủng PK-KQ, lần đầu tiên đến với Trường Sa. Quả thật nơi đây đã để lại trong ông những ấn tượng thật khó quên. Vì thời gian lưu lại trên các đảo rất ít nên ông đã tranh thủ chụp nhiều ảnh và quay cả băng hình về cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ. Ông bảo, nếu có cơ hội, ông rất muốn đến Trường Sa lần nữa. 

Với Thượng tá Nguyễn Ngọc Biên – cán bộ Phòng Kế hoạch Tổng hợp Quân chủng PK-KQ, chuyến đi này thật ý nghĩa. Ngoài ấn tượng có được từ đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn, anh còn rất vui vì được góp phần cùng các cơ quan chức năng Quân chủng quan tâm một cách thiết thực đến hậu phương gia đình những người lính đang làm nhiệm vụ trên quần đảo. 

Người ơi, người ở đừng về...

Đó là Trung uý CN Lê Hồng Sơn - nhân viên thông tin Trung đoàn 937. Vợ anh đang điều trị tại TP.HCM, 2 con ở với cậu tại Ninh Thuận. Xét hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Quân chủng đã xây cho gia đình anh một căn nhà tình nghĩa tại thị xã Phan Rang. Đó là Lê Trọng Hiếu – Chính trị viên Trạm radar 11. Ưu tiên với người công tác ở đảo xa, gia đình anh vừa được cấp căn hộ chung cư... “Có bù đắp bao nhiêu cũng không thấm tháp gì so với sự hy sinh thầm lặng của những người lính Trường Sa”, Đại tá Vũ Ngọc Hoàng, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 377 đã tâm sự.

Tiếng lòng thiêng liêng
Không có những ngày lênh đênh trên biển, nhà báo Trần Huy Bình và Vũ Hải Hạ lại có may mắn được ngắm Trường Sa từ trên cao, bởi các anh ra đảo bằng đường không. Dù chỉ có vài tiếng đồng hồ lưu lại trên đảo, nhưng với Hạ, những gì anh cố gắng thu vào ống kính là ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm báo của mình. Vẫn biết, phóng viên đã đi thực tế là phải có bài, nhưng những trang viết về Trường Sa luôn được chúng tôi thai nghén bằng cảm xúc hết sức đặc biệt. Dù văn mỗi người một vẻ, có thể khác nhau ở cách tiếp cận, nhưng khi viết về người lính ở Trường sa, tất cả đều chung nhau ở tấm lòng chân thật, cảm phục và tin yêu.

Nếu nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh cho rằng: “Trường Sa là tên gọi / Trường Sa là tiếng dội / Vang suốt bờ lương tâm…”, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý bày tỏ: “Một lần ra Trường Sa / Cả đời nhớ Trường Sa / Không quên được dù chỉ là ca nước…”, thì nhà thơ Hữu Thỉnh lại mang tự sự của một người trong cuộc: “Tôi đang ở Trường Sa / Trong đội hình Song Tử Đông, Song Tử Tây, An Bang, Nam Yết / Kết bạn với vô cùng / Đảo rập rờn chìm nổi những quả cân…”. Cảm ơn các nhà thơ đã nói hộ chúng ta lòng biết ơn, niềm tự hào, sự trân trọng đối với những người lính ngày đêm canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cả nước đang làm tất cả những gì có thể để cuộc sống lính đảo bớt gian truân. Đó cũng là sự tri ân cần thiết và trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Một lần đến với Trường Sa, đầy ắp trong tôi những kỷ niệm đẹp về tình đất, tình người trên quần đảo tiền tiêu. Cảm xúc tươi rói, vẹn nguyên khi chứng kiến cuộc sống sôi động, ý nghĩa và sự hy sinh thầm lặng của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ. Cũng giống như rất nhiều đồng đội, từ nay trong tôi có thêm một miền nhớ. Nơi ấy chính là Trường sa thân yêu. 

Chia tay Trường Sa, dẫu không phải nhà thơ, nhưng tôi cũng đã thốt lên tiếng lòng mình thiêng liêng: Trường Sa ban trưa, cây tròn bóng mát, tiếng gà xao xác, tán bàng vuông như chiếc ô trời. Này Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa Tây ơi, đảo như mâm xôi nổi trên mặt nước. Thương cây bão táp, dùng dằng chân bước An Bang. Yêu cả vầng trăng, ngời ngời đêm Tiên Nữ. Nỗi nhớ không bao giờ cũ, khi ta đi qua đảo Thuyền Chài. Ước một sớm mai, mặt trời thôi thả lửa, thuỷ triều ngừng dâng những con sóng bạc đầu, cho lính nhà giàn đón tàu bằng niềm vui thơ trẻ. Nếu có phép màu, tôi muốn biến vạt muống biển kia thành vườn hồng lộng lẫy. Rồi sẽ hái từng bông lặng lẽ, tặng cho người lính đảo kiên trung. Thiêng liêng như tặng trái tim mình cho tình yêu duy nhất.... 
Thái Bình
Nguồn BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang