Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Iran 'bắn tin' gì khi phái tàu chiến đến Syria?

Không phải vô cớ mà hai tàu chiến của nước Cộng hòa Hồi giáo lại cập cảng Syria vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này.

XEM THÊM:
>> Iran công bố thành tựu hạt nhân để tăng sức mạnh đàm phán
>>Iran nhận thêm 2 tàu ngầm 'tàng hình'
>> Iran sản xuất hàng loạt tên lửa chống tàu nổi
>> Iran tổ chức tập trận ngày 19/2


Chuyến du hành vượt kênh đào Suez để tiến vào Địa Trung Hải của hai tàu hải quân Iran được báo giới nước này rầm rộ đưa tin. Theo đài truyền hình Press TV, hai tàu cập cảng Tartus hôm 18/2 “để huấn luyện cho lực lượng hải quân Syria theo thỏa thuận giữa Tehran và Damascus cách đây một năm”.
Tuy nhiên, thông điệp mà hai tàu này mang đến Syria dường như không đơn giản như vậy. Trước tiên, như lời Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi, sự hiện diện của tàu chiến Iran tại vùng biển quốc tế phản ánh sức mạnh hải quân của nước này.
Theo ông, chuyến đi này sẽ chứng minh cho cả thế giới thấy, tuy kẻ thù không ngừng siết chặt trừng phạt đối với Iran trong suốt 30 năm qua nhưng không thể ngăn cản sự lớn mạnh về công nghệ và quân sự của nước này.
Tàu chiến Iran đến Syria mang theo nhiều thông điệp đến phương Tây. Ảnh minh họa: AFP.

Bên cạnh đó, thông qua chuyến đi, Tehran cũng gửi lời thách thức mạnh mẽ tới Washington và các đồng minh.
“Sự hiện diện của tàu chiến Iran cùng với Nga tại Syria là thông điệp rõ ràng chống lại cuộc phiêu lưu mạo hiểm mà Mỹ có thể tiến hành. Nếu Washington gây ra bất cứ sai lầm chiến lược nào ở Damacus thì Tehran và Moscow cũng như một số quốc gia khác sẽ đáp trả dữ dội”, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại Iran Hossein Ebrahimi quả quyết.


Cùng với đó, theo chuyên gia phân tích của Ấn Độ M K Bhadrakumar, với động thái được cả thế giới quan tâm này, Iran cũng muốn “gửi gắm đôi lời” đến Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Arab rằng: “Nếu các người có thể ủng hộ và vũ trang cho phe đối lập Syria thì chúng tôi cũng hoàn toàn có khả năng làm điều đó với Chính phủ của Tổng thống Assad”.
Theo ông Bhadrakumar, có lẽ Liên đoàn Arab cũng như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải ít nhiều cân nhắc đến lời cảnh báo này khi tham gia cuộc họp “Những người bạn của Syria” nhằm tìm kiếm sự thay đổi chính trị ở Syria dự kiến diễn ra vào ngày 24/2 tới.
Không chỉ vậy, chuyến viếng thăm Syria của hai tàu hải quân Iran cũng là cơ hội để quốc gia Hồi giáo “thử lòng” Ai Cập. Dù theo luật pháp quốc tế, tàu chiến của Tehran có quyền đi qua biển Đỏ cũng như kênh đào Suez, song trên thực tế Iran không bao giờ được phép phái tàu chiến qua kênh đào Suez.
Tuy nhiên, sau sự kiện tháng 2/2011 vừa qua, nhà lãnh đạo Hosni Mubarak của Ai Cập bị lật đổ, Ai Cập bất ngờ cho phép hai tàu chiến Iran băng qua, khiến Israel “nổi đóa” và gọi đó là một “hành động khiêu khích”.
Dẫu vậy, đến nay quan điểm của Cairo với quốc gia Hồi giáo vẫn chưa thực sự rõ ràng. Ai Cập hiện vẫn chìm trong bạo loạn và kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Iran đang có nguy cơ sụp đổ khi Cairo ngày càng phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Saudi Arabia cũng như các quốc gia Arab dòng Sunni khác tại vùng Vịnh.
Do đó, Tehran khôn khéo sử dụng chuyến đi này để “thăm dò” thiện chí cải thiện quan hệ song phương của Cairo. Rất may cho quốc gia Hồi giáo, Ai Cập tiếp tục không phản đối tàu chiến Iran băng qua kênh đào Suez.
“Cái gật đầu” của Ai Cập giúp Iran khẳng định được một điều rằng, Cairo giờ bỏ Washington theo Tehran. Nói cách khác, tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với Ai Cập giờ không còn đáng kể. Qua đó, Iran có thể khẳng định vai trò ngày càng cao của mình đối với chính trường khu vực.
“Iran đang chứng minh cho phương Tây thấy một điều rằng, Trung Đông đã thay đổi. Mỹ và Israel sẽ không dễ gì kiểm soát khu vực này bằng uy lực cũng như những lời đe dọa hống hách của mình. Số phận của các quốc gia Trung Đông giờ không còn nằm trong tay Mỹ và đồng minh nữa”, Asia Times nhận định. 
Hơn nữa, với sự phô diễn sức mạnh quân sự cũng như uy lực tại phía Đông Địa Trung Hải này, giới chức Iran sẽ cho người dân thêm một lý do để nâng cao lòng tự hào dân tộc, qua đó, tăng cường vị thế của chính quyền đương nhiệm trước thềm bầu cử.
Như vậy, chỉ cần với một chuyến đi mà giới chức Iran có thể gửi hàng loạt thông điệp đến phương Tây cũng như người dân trong nước.
Tính từ năm 1979, đây là lần thứ 2 tàu chiến của Iran tiến vào Địa Trung Hải. Tháng 2/2011, hai chiếc tàu chiến của Iran còn đi qua kênh đào Suez đến cảng Latakia ở phía Bắc Syria.
Trong khi đó, quan hệ giữa Ai Cập và Mỹ đang hết sức bấp bênh. Chính quyền Ai Cập vừa bắt giữ hàng chục nhân viên của các tổ chức phi Chính phủ, trong đó có 19 người Mỹ. Cairo tuyên bố rằng sẽ mở phiên tòa xét xử những người này với cáo buộc “nhận nguồn tài chính từ bên ngoài để vận hành các tổ chức quốc tế nhằm gây phương hại cho chủ quyền quốc gia của Ai Cập”. Washington lập tức lên án hành động này, đồng thời cảnh báo sẽ cắt khoản viện trợ quân sự lên tới 1,3 tỷ USD cho Cairo hàng năm.
 (Theo Asia Times, Reuters)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang