Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

XÂY TỪNG TÝ TRƯỜNG SA


Chúng ta cùng nhớ lại trận hải chiến Trường Sa năm 1988:

Cảm ơn các chiến sỹ (hầu hết là các chiến sỹ công binh) những con người đã ngã xuống để bảo vệ bờ cõi 
quê hương tô thắm thêm màu đỏ của quốc kì nước nhà. Nhân dân VIỆT NAM đời đời nhớ ơn các anh.
(Mỗi lần xem lại đoạn phim này tôi không thể cầm được nước mắt ...)


Như thông lệ mấy chục năm nay, cứ ra Tết là cả Trường Sa lẫn trong bờ lại tất tả, rộn ràng cho một mùa "củng cố, xây dựng", khi trời yên biển lặng cữ tháng 3 đến tháng 6, đang sầm sập chạy tới.


Dễ thấy điều này nhất ở các đơn vị Công binh Hải quân và các tàu vận tải quân sự.


Lính Công binh Hải quân, cả đời lính chỉ nhiên chỉ dính với đảo - cảng từ Bắc chí Nam, cứ ra Tết, có dịp ngồi trà lá đều biến thành những "Tham mưu con", rôm rả... đoán mò xem mình sẽ ra đảo nào, khi vào "mùa xây dựng" ngoài Trường Sa và hết cuộc "buôn dưa", lại lẳng lặng sắp sẵn quân tư trang - chuẩn bị tinh thần lên tàu ra đảo, khi có lệnh, để rốt ráo, vắt hết sức chạy đua thời gian với ông Giời chả cho "làm ăn được gì" mùa biển động.


Ở các điểm tập kết, đã thấy sắp sẵn nào đá, cát, xi măng, gạch ngói, cốt pha - xà gồ, sắt thép - bê tông đúc sẵn... cho đảo nổi nọ, đảo chìm kia, chờ đến ngày là bốc lên tàu, nhằm hướng đảo xa.  


Trên bờ rộn rã, dưới tàu cũng náo nhiệt chẳng kém. Những con tàu vận tải, phần lớn nằm dài trong bờ trung đại tu, sửa chữa giải lao cả mấy tháng biển động cuối năm, giờ cứ chực quẫy đuôi vọt ra biển trong tiếng thử máy, nhá còi và rậm rịch sửa chữa, vận chuyển dầu mỡ - súng đạn lên boong suốt ngày đêm...


"Tháng Ba bà già đi biển" - Không còn sóng to, chẳng ùa bão lớn, nên các tàu vận tải lặc lè tiếp viện hàng hóa, đồ dùng, trang thiết bị và nhất là những thứ phục vụ mở rộng đảo, xây công trình, làm âu tàu...


Lại những Phân đội Công binh Hải quân ra với từng điểm đóng quân, nhẫn nại như kiến và chịu khổ hơn thép, dùng sức người bốc từng viên đá, hạt cát, xô nước để xây - sửa từng lô cốt, đoạn hào, hầm pháo, ngôi nhà, tường ngăn, công trình chống đổ bộ. 

Nói thật, để có 1 Trường Sa "đàng hoàng" hơn như ngày hôm nay, bao thế hệ Công binh Hải quân đã đổ mồ hôi, nước mắt, một phần thân thể và cả máu xuống từng hòn đá, ngọn sóng, mẩu san hô nơi biên đảo xa xôi.


Ngay trong vụ thảm sát 14/3/1988 tại Cô Lin - Gạc Ma của Trường Sa, những người nằm xuống vì đạn pháo - lưỡi lê của Trung Quốc, chủ yếu là những cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 - Công binh Hải quân đang è lưng củng cố - xây dựng đảo, trên tay không 1 tấc sắt.


Cũng từ ngày 14/3/1988 - ngày giỗ chung của 64 người lính Hải quân - đến nay, vẫn có những người lính ngã xuống ngoài Trường Sa, trong khi xây dựng - bảo vệ đảo và trong số đó, phần lớn lại là Công binh Hải quân.


Những lần ra với Trường Sa, mình cứ thấy tội cho anh em Công binh. Đoàn công tác, khách khứa, văn công ra thăm, chỉ lính đảo của Lữ 146 cùng các đơn vị khác (Quân Y, Phòng không - Không quân...) quần áo chỉnh tề, mũ mãng sáng ngời xếp hàng sạch sẽ chờ đón và bắt tay bắt chân, báo cáo báo cầy.

Mà đã là lính bảo vệ đảo, trong các phân đội - bộ phận... thì dĩ nhiên được ăn ở trên đảo, giường chiếu, phòng ở ngon lành, sạch sẽ, quy củ theo đúng khẩu hiệu "đẹp doanh trại"...


Trong khi đó thì... Lính Công binh Hải quân, chỉ ra xây dựng vài tháng rồi lại vào bờ, nên việc ăn ở dĩ nhiên phải theo kiểu "thao trường" tạm bợ: Trên đảo nổi lính ta dựng nhà bạt, chen chúc nằm ngủ trong đó bằng mọi thứ có thể tận dụng lót lưng được; xây dựng trên đảo chìm, dĩ nhiên phải ăn ở ngay trên tàu vận tải hoặc pông tông chật hẹp, tráo đầu đuôi nằm trong phòng thủy thủ hoặc ken võng, ra ngoài hành lang, ca bin của tàu...


Có lẽ cũng vì thế mà mỗi lần ra Trường Sa, mình thường qua quýt với lính đảo, dành phần tìm hiểu ấy cho các đồng nghiệp hăm hở, để la cà xuống chơi với anh em Công binh Hải quân.

Mỗi lần như vậy, anh em quý lắm, dù đang phải làm việc (mà thường thì có khi lính đảo xếp hàng chào đón, bắt tay khách ra thăm đảo ngay trên cầu tàu, thì cách đó vài mét anh em Công binh vẫn phải ướt át, lầm lũi bốc khiêng, gồng gánh) cũng xúm lại hút thuốc, nói chuyện đất liền, rõ là... chất lính xa nhà, chứ không kiểu cách - lễ nghi như mấy chú lính đảo, dịp biển lặng đón khách ra thăm đến phát chán.


Sắp đến mùa xây đảo, ai có ra thăm Trường Sa, nhớ "để ý" đến những người lính Hải quân, ít khi được mặc áo yếm - mũ dải - sao hàm đỏ rực xanh biếc đón khách, mà suốt ngày đêm lam lũ trong quần áo bảo hộ ướt át, xộc xệch, liêu xiêu xây dựng nên đủ mọi loại đảo nổi - đảo chìm.


Họ cũng là lính Hải quân và mỗi đêm ngày, âm thầm xây từng tý, thành Trường Sa...
-----------------------------------------------------------------------------
CÔNG BINH HẢI QUÂN NGOÀI TRƯỜNG SA (2008, 2010, 2011)

Tàu vận tải, đồng thời là nơi ăn nghỉ của Công binh Hải quân (CBHQ)

Cát xây dựng, mang ra từ đất liền

Tăng bo vật liệu xây dựng bằng xuồng chuyển tải, từ tàu vào đảo

Bốc từng bao, cẩn thận và gượng nhẹ

Rồng rắn kéo nhau

Chuyến này chuyến khác

Chặng vận chuyển bằng công nông, từ cầu tàu vào giữa đảo, chưa phải chặng cuối cùng

Ra tàu vận tải bốc đá, xây dựng đảo chìm

Sức người là chính

Vác đá...

.... xây Trường Sa

Đá lớn lẫn đá nhỏ, từng viên từng viên một

Nhỏ quá thì đựng trong thùng

Đổ rất đúng chỗ

Từng đoàn liên nhẫn, giống như kiến thợ. Xe cút kít đem ra, cũng ế thôi

Cầu cảng tự tạo đây, nhưng cũng phải... để không

Ngồi nghỉ trên bãi đá - thành quả của cả Tiểu đoàn Công binh, sau 1 năm vác đá

Bắn điếu thuốc lào, nâng cao... sức khỏe

Đổ bê tông xây doanh trại trên đảo chìm

1 ông kéo vài ông

Dựng nhà trên bãi đá san hô

Vừa là doanh trại, vừa là lô cốt

Kè bê tông ven bờ đảo

Ăn ở trên mặt nước, trong những ngày xây đảo

Tranh thủ bếp lửa, để phơi khô giầy

Bếp ăn của phân đội Công binh khác

Công binh Hải quân ngồi nghe Văn nghệ với áo yếm xanh dã chiến. Lính bảo vệ đảo diện yếm trắng

Phân đội Công binh ăn ở trên tàu, vươn vai chào buổi sáng
Nguồn Blog MAITHANHHAI

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang