Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Dự báo ngân sách quốc phòng VN 2011-2016

Cơ quan dự báo toàn cầu iCD Research dự đoán ngân sách quốc phòng Việt Nam trong giai đoạn năm 2011-2016 sẽ là 18,6 tỷ USD.
Dự đoán trong giai đoạn 2011 - 2016, chi tiêu quốc phòng Việt Nam sẽ tăng với tốc độ trung bình (CAGR) mỗi năm là 14,32%.
Trang tin quốc phòng Defense - Update dẫn nguồn từ báo cáo của của Viện nghiên cứu iCD Research cho biết , ngành công nghiệp - quốc phòng Việt Nam sẽ trải qua một thời kỳ đầu tư với sự gia tăng đáng kể chi tiêu từ năm 2011 đến năm 2015 (thời kỳ dự báo).

Theo nguồn tin, sự đầu tư ngân sách quốc phòng xuất phát từ mong muốn gia tăng khả năng làm chủ công nghệ quốc phòng, bởi so với một số nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Indonesia, thì ngành công nghiệp - quốc phòng Việt Nam có phần chậm chạp.

Dưới đây là những nhận định của iCD Research về kế hoạch quốc phòng Việt Nam trong những năm tới:

Cơ hội, thách thức và chiến lược hội nhập giai đoạn 2011 - 2016


Việt Nam dự kiến sẽ tăng chi tiêu ngân sách cho an ninh quốc gia. Với vị trí địa lý có tầm quan trọng chiến lược, Việt Nam tiếp giáp với vùng Biển Đông rộng lớn, là nơi có tuyến hàng hải từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương được xếp vào hàng "nhộn nhịp" bậc nhất trên thế giới.

Bên cạnh đó, sự gia tăng các mối lo ngại an ninh như xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, nạn cướp biển, buôn bán người cũng như buôn lậu... đang gây ra những thách thức tiềm tàng cho an ninh quốc gia. Những yếu tố này tất yếu Việt Nam sẽ cần phải đầu tư để mua các trang thiết bị quân sự hiện đại, tăng cường khả năng làm chủ công nghệ quân sự..., xây dựng và củng cố các cơ sở hạ tầng giám sát biên giới và các cơ sở hạ tầng quan trọng để có thể đủ sức bảo vệc chủ quyền, biên giới lãnh thổ cũng như sẵn sàng đối phó với bất cứ tình huống nào có thể xảy ra.

Trong khi đó, khả năng tự cung tự cấp của ngành công nghiệp - quốc phòng Việt Nam chưa đạt được nhiều thành tựu, Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu vũ khí, trang thiết bị từ nước ngoài để tăng cường tiềm lực. 

Hiện Nga là nước có vai trò chủ yếu trên thị trường nhập khẩu quân sự Việt Nam trong suốt giai đoạn từ năm 2006 - 2010. Dự đoán, trong những năm tiếp theo, họ (Nga) vẫn sẽ tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu của mình trong việc cung cấp các thiết bị quân sự cho Việt Nam.

Dù chưa đạt được nhiều thành tựu quốc phòng nổi bật, nhưng Việt Nam cũng đang đầu tư khoản ngân sách khá lớn cho ngành công nghiệp - quốc phòng trong nước, và bước đầu đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Trong năm 2011, Việt Nam liên tục công bố những thành tựu quân sự mới của mình như chế tạo thành công thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp, nâng cấp, cải tiến súng trường tấn công AK-47, cải tiến xe tăng T-54/55 , chế tạo thành công giáp phản ứng nổ ERA thế hệ 2  để lắp trên xe tăng... và đặc biệt là Việt Nam đã hạ thủy thành công một tàu pháo tự chế theo thiết kế của nước ngoài.

"Nếu đem so sánh tàu pháo mà Việt Nam tự đóng so với các tàu chiến hiện đại ngày nay, vẫn còn cách biệt khá xa. Tuy nhiên, bước đầu họ đã làm được như vậy đã là một thành công", tác giả báo cáo, ông Noam Eshel bình luận.

Tác giả này còn nhận xét, Việt Nam thực hiện một chính sách xây dựng mối quan hệ thân mật với các nước láng giềng và các nước phương Tây, một phần tăng cường mối quan hệ gắn bó và có được tiếng nói lớn hơn trên thế giới. Chính sách này đã mang lại hiệu quả cho Việt Nam, và nhất là tạo ra những cơ hội mới cho việc mở rộng hợp tác của ngành công - nghiệp quốc phòng của họ.

Hiện tại và tương lai, Việt Nam đang tích cực mở rộng hợp tác kỹ thuật quân sự cũng như đàm phán mua cả trang thiết bị vũ khí của các nước phương Tây như Israel, Canada, Pháp... Việt Nam sẽ không chỉ mua và sử dụng vũ khí của Nga mà còn mong muốn đa dạng các loại vũ khí trang bị hiện đại trong quân đội.

>> Việt Nam mua radar tối tân của phương Tây? 

Báo cáo của iCD Research cho biết, theo thống kê, ngân sách quốc phòng Việt Nam trong năm 2011 là 3 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt khoảng 5 tỷ USD vào năm 2015 (tăng 2 tỷ USD). Hiện tại là khoảng 19,13%, trong giai đoạn dự báo sẽ tăng trưởng ở tốc độ CAGR 14,32%. Sự tăng trưởng chi tiêu quốc phòng này là phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế "khá ổn định" của Việt Nam. 

Theo báo cáo, trong suốt giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã phân bổ 31% ngân sách quốc phòng cho đầu tư ngành công nghiệp - quốc phòng và 69% để mua các trang thiết bị vũ khí của nước ngoài.
 
Tuy nhiên, trong thời kỳ dự báo 2011-2016, tổng ngân sách quốc phòng được đầu tư trong nước sẽ tăng trung bình lên tới con số 35%, tức là Việt Nam sẽ chú trọng nhiều hơn cho ngành quốc phòng trong nước. Điều này được lý giải là Việt Nam đang cố gắng để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang và đã lên kế hoạch cho một số chương trình mua sắm trong giai đoạn tới.

Chi tiêu quốc phòng đã tăng nhẹ trong năm 2009 và 2010, khi Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận để mua 6 tàu ngầm lớp Kilo 636 và 20 chiến đấu cơ Su-30MK2 từ Nga. Thế nhưng, tốc độ này còn khá khiêm tốn, tính theo GDP tăng trưởng thì trong năm 2011 chiếm 2,5% và đến năm 2015 dự đoán tăng lên 2,8% so với tổng thu nhập quốc nội.


Tổng cộng, dự đoán Việt Nam sẽ chi tiêu khoảng 18,6 tỷ USD cho lực lượng vũ trang trong giai đoạn dự báo, trong đó sẽ có khoảng 6,4 tỷ USD được phân bổ cho đầu tư ngành công nghiệp - quốc phòng trong nước.

Việt Nam sẽ tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng và đầu tư mạnh hơn cho ngành công nghiệp - quốc phòng trong giai đoạn 2011 - 2016. Ảnh máy bay Su-30MK2V của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Chi tiêu cho an ninh trong nước được iCD Research thống kê là chiếm 19,27% trong giai đoạn 2006 - 2010 và dự kiến sẽ tăng trưởng ở tốc độ 12,90% trong giai đoạn dự báo, tức là sẽ đạt khoảng 2 tỷ USD vào năm 2015.

Trong giai đoạn dự báo, các nhà sản xuất thiết bị an ninh nội địa sẽ gia tăng các sản phầm có khả năng cạnh tranh, an ninh tại các sân bay, cảng biển cũng sẽ được tăng cường để ngăn chặn nạn buôn bán ma túy và buôn lậu.

Việt Nam cũng có ý định đầu tư vào các thiết bị giám sát biên giới như công nghệ CCTV và các hệ thống nhận dạng sinh trắc học. Hơn nữa, nhu cầu tăng được kỳ vọng cho việc cung cấp các thiết bị để bảo vệ cho an ninh lãnh thổ, an ninh hàng hải và các cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam.

Nga vẫn là nhà xuất khẩu vũ khí chính cho Việt Nam

Khả năng sản xuất quốc phòng trong nước của Việt Nam được báo cáo là kém phát triển, như một hệ quả của sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài (OEM) để đáp ứng những nhu cầu quân sự của mình.
 
Trong suốt giai đoạn vừa qua, Nga nổi lên như một nhà cung cấp các phần cứng quân sự lớn nhất cho Việt Nam, cung cấp tới 93% tổng sản phẩm nhập khẩu quân sự của Việt Nam, sau Nga là Ukraina với 6% và Romania, Israel mỗi nước chưa tới 1%. 

Trong năm 2010, Nga chiếm tới 98% tổng giá trị nhập khẩu vũ khí của Việt Nam, các thiết bị quân sự được Nga cung cấp chủ yếu bao gồm các tàu chiến mặt nước, tên lửa và máy bay.

Trong giai đoạn dự báo, mối quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự Việt - Nga sẽ được tăng cường, các hợp đồng quân sự có thể giảm bớt nhưng không đáng kể. 

Việt Nam đang muốn tiếp cận với các công nghệ quân sự hiện đại của Nga như công nghệ đóng tàu chiến, chế tạo tên lửa hành trình... thông qua việc mua giấy phép, hợp tác sản xuất và mua dây truyền công nghệ.

>> Việt - Nga hợp tác phát triển tên lửa hành trình
>> Báo Nga: VN sẽ sản xuất tên lửa tầm bắn 300km
 
Tăng cường tiếp cận với công nghệ quân sự của phương Tây

Nền công nghiệp trong nước của Việt Nam bị giới hạn khả năng tạo cơ hội cho một số lượng đáng kể OEM nước ngoài liên doạnh trong thị trường quốc phòng nội địa. 

Công nghiệp quốc phòng trong nước phần lớn bị chi phối bởi các nhà cung cấp thiết bị quân sự của Nga, nhưng trong thời kỳ dự báo, các nhà cung cấp châu Âu dự kiến sẽ tham gia vào thị trường quốc phòng Việt Nam qua các thỏa thuận mua bán trực tiếp đối với đề xuất các hệ thống phòng thủ tiên tiến.
 
Hơn nữa, Việt Nam hay làm việc theo cách chính phủ làm việc với chính phủ để giao dịch trong việc mua sắm các hệ thống phòng thủ. 

Tổng công ty xuất nhập khẩu Vạn Xuân (VAXUCO), một công ty nhập khẩu trang thiết bị quân sự đại diện cho Bộ Quốc phòng Việt Nam (MOD), VAXUCO được ủy quyền để ký kết các thỏa thuận mua bán quân sự thay mặt cho MOD. Do đó việc phát triển các mối quan hệ chính phủ - chính phủ dự kiến sẽ mở ra cơ hội kinh doanh cho các nhà sản xuất vũ khí phương Tây.
 
Điển hình là trong những năm gần đây, Việt Nam đã tăng cường thảo luận với các nhà cung cấp trang thiết bị quân sự của phương Tây, như việc đặt mua 6 thủy phi cơ tuần thám biển Twin Otter của Canada, 3 máy bay tuần thám biển C-212-400 của Pháp, một số thiết bị quân sự hiện đại của Israel...
Trong tháng 3/2011, chính phủ Việt Nam đã thông qua luật cấm bán cổ phần của các công ty quốc phòng nhà nước cho doanh nghiệp tư nhân. Điều luật cũng yêu cầu rằng nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn cổ phần trong các doanh nghiệp liên quan đến quốc phòng, an ninh và các doanh nghiệp thương mại quân sự khác.
 
Điều luật này ngăn cản sự tham gia của tư nhân và cản trở bất kỳ nguồn đầu tư trực tiếp nào của nước ngoài vào lĩnh vực quốc phòng của đất nước. Tuy nhiên, với đường lối phát triển Xã hội chủ nghĩa thì việc quốc hữu hóa hoàn toàn cổ phần các doanh nghiệp công nghiệp - quốc phòng là một trong những yêu cầu quan trọng đối với Việt Nam. Tất cả những bí mật quân sự phải được giữ kín.

iCD Research là một cơ quan nghiên cứu toàn thể về thị trường mua bán cả quân và dân sự trên thế giới, bao gồm cả các nghiên cứu trực tuyến và offline. Các lĩnh vực chuyên môn của iCD Research bao gồm chủ yếu là nghiên cứu trực tuyến, tiếp cận tới từng đối tượng và trên thực địa để đưa ra đánh giá khách quan và chân thật nhất.
(Theo Defense - Update)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang