Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Đông Nam Á tăng cường năng lực cảnh báo, chống ngầm

Những năm gần đây, một số nước Đông Nam Á tăng cường năng lực tuần tra biển, cảnh báo sớm (AEW), tác chiến chống ngầm (ASW).
Trước tình hình an ninh khu vực xuất hiện nhiều thách thức, các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tiến những bước tiến nhằm tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là mở rộng khả năng tác chiến chống ngầm, cảnh báo sớm trên không đối phó các hạm đội tàu chiến, tàu ngầm hùng hậu.

Việt Nam

Việt Nam có đường bờ biển dài 3.444km cùng với vùng biển rộng lớn chứa nhiều tài nguyên khoáng sản. Vì vậy, Việt Nam đã đầu tư mua sắm nhiều trang bị mới nhằm hiện đại  hóa đội tàu chiến hải quân. Ngoài ra, Việt Nam quan tâm tới xây dựng Không quân Hải quân cho nhiệm vụ tuần tra, tác chiến chống ngầm, cứu hộ cứu nạn.

Đối với vai trò tuần tra/tìm kiếm cứu nạn, mới đây Hải quân Việt Nam chính thức thành lập phi đội trực thăng trang bị Eurocopter EC225 Super Puma MKII. Trước đó, Việt Nam đã đặt hàng thủy phi cơ tuần thám biển DHC-6 của Canada.

Trực thăng tuần tra biển EC225 của Không quân Hải quân Việt Nam.
 Đối với đội bay chống ngầm, Việt Nam đang sở hữu 4 thủy phi cơ săn ngầm Beriev Be-12 tiếp nhận từ Liên Xô năm 1981 và trực thăng Kamov Ka-25/27. 

Tuy nhiên, không rõ tình trạng phục vụ của Be-12 và đây cũng là hệ khí tài đã lỗi thời, năng lực chống tàu ngầm hiện đại hạn chế, còn Ka-25/27 có tầm bay ngắn.

Vì vậy, Việt Nam đang tìm kiếm giải pháp mới thay thế, theo một số nguồn tin không chính thức Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm tới máy bay tuần tra chống ngầm P-3 Orion của Mỹ. Ứng viên khác cho phi đội săn ngầm khác mà cũng có tin Việt Nam có thể mua máy bay Airbus C-295. Việt Nam từng mua 3 máy bay tuần thám biển C212-400 từ Airbus cho lực lượng cảnh sát biển.

Philippines

Trong khu vực Đông Nam Á, Không quân – Hải quân Philippines được trang bị thua kém rất nhiều nước khu vực. Thậm chí, kể từ năm 2005 Không quân Philippines không còn chiến đấu cơ khi họ cho nghỉ hưu phi đội tiêm kích F-5.

Nhưng trước bối cảnh phức tạp tranh chấp lãnh hải, nước này buộc phải phát triển hải quân, tập trung mua sắm tàu chiến, máy bay tuần tra biển.

Quân đội Philippines đang xem xét một số loại như Alenia ATR 42MP, Hawker Beechcraft King Air 350ER, CN235, Viking Air Twin Otter và Bombardier Q-series.
Philippines từng đem OV-10 (dưới) "đánh chặn" chiến đấu cơ phản lực đối phương xâm phạm không phận, thực tế điều này là bất khả thi. Vì vậy, hơn bao giờ hết họ rất cần chiến đấu cơ mạnh hơn để bảo vệ chủ quyền.
 Giới lãnh đạo nước này dành sự quan tâm lớn xây dựng không quân – hải quân. Cuối năm 2011, Tổng thống Benigno Aquino tiết lộ, ông sẽ đến thăm Mỹ trong năm 2012 và yêu cầu Mỹ viện trợ quân sự.

“Tôi sẽ gặp Tổng thống Obama vào năm tới, có lẽ vào tháng 4. Tôi sẽ nhắc nhở ông ấy về mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Philippines và ông ấy có thể nhớ rằng chúng tôi không có một chiếc máy bay bản phản lực chiến đấu nào,” ông Aquino nói trong bài phát biểu tại căn cứ không quân cuối năm 2011.

Ông cũng cho biết, Philippines sẽ yêu cầu Mỹ tặng máy bay đã qua sử dụng theo chương trình tương tự giữa Mỹ - Indonesia. Năm 2011, Mỹ đã đồng ý tặng 24 chiếc F-16A/B cho Indonesia.

Trong năm 2011, Hải quân Philippines được "nâng" khả năng tác chiến biển xa một phần khi họ tiếp nhận tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton từ lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ. Dự kiến, năm 2012 Philippines sẽ tiếp nhận chuyển giao thêm một tàu lớp Hamilton.

Malaysia

Malaysia tăng cường hiện đại hóa không quân, tập trung vào việc mua mới chiến đấu cơ, tăng khả năng cảnh báo sớm và tuần tra chống ngầm.

Malaysia có kế hoạch thay thế tiêm kích MiG-29, một số ứng viên sáng giá gồm Boeing F/A-18E/F, JAS-39 Gripen, Dassault Rafale, Su-30, Su-35 và Eurofighter Typhoon.

Các máy bay MiG-29 được đóng tại căn cứ không quân Kuantan, Tây Malaysia nhìn ra phía biển Đông. Nếu Malaysia có xung đột vũ trang với Trung Quốc, nhiều khả năng phi đội ở Kuantan nằm ở tuyến đấu. Vì vậy, việc trang bị chiến đấu cơ có thể đáp ứng yêu cầu đa năng, đa nhiệm vụ (tác chiến trên bộ, trên không, trên bộ) là cần thiết.

Còn phần phía Đông và Tây Malaysia được phân cách bởi biển Đông, Malaysia cần phải có máy bay cảnh báo sớm (AEW) và tuần thám biển để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế. Bộ trưởng Quốc phòng Ahamad Zahid Hamidi cho rằng, Malaysia cần 3 máy bay AEW (trong đó 2 chiếc đặt ở phía Đông và Tây, còn 1 chiếc dự bị).
Malaysia có thể chọn máy bay cảnh báo sớm E-2D của Mỹ?

Ngay lập tức, Malaysia đã nhận nhiều sự chào mời từ các tập đoàn quốc phòng lớn trên thế giới như Northrop Grumman đã chào hàng máy bay cảnh báo sớm E-2D, còn Saab đề nghị máy bay EMB-145 trang bị radar Saab Erieye và Airbus với biến thể C-295 AEW.

Lockheed Martin UK đưa ra giải pháp tiết kiệm, sử dụng nền tảng máy bay hiện có trong Không quân Malaysia và nâng cấp lên, như máy bay C-130 sẽ được trang bị hệ thống radar cảnh báo sớm.

Cơ quan thi hành hàng hải Malaysia đang chờ ngân sách sắm 5 máy bay tuần tra biển. Ba ứng viên tham gia gói thầu là RUAG 228NG, Cessna Grand Caravan và Alenia ATR 42MP.

Tư lệnh Không quân Malaysia Rodzali bin Dau nói: “Điều quan trọng là duy trì mức độ cao về nhận thức tình huống và tập trung tới cảnh báo sớm.”

Ngoài máy bay AEW, Malaysia cũng đang tăng cường khả năng săn ngầm, Hải quân của họ tuyên bố muốn mua 6 trực thăng săn ngầm và xem xét ứng viên Sikorsky MH-60R và Agusta Westland AW159.

Tuy nhiên, các kế hoạch trên của Malaysia đang gặp khó khăn về ngân sách quốc phòng, có thể mọi quyết định chỉ được đưa ra sau cuộc bầu cửa năm 2012.

Singapore

Đảo quốc Singapore tuy không có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc. Nhưng kinh tế Singapore phụ thuộc vào thương mại biển vì vậy họ cũng tăng cường phát triển đội bay cảnh báo sớm và chống ngầm.

Với năng lực tài chính dồi dào, ngân sách quốc phòng Singapore khá mạnh nên nước này sở hữu những chiến đấu cơ khá mới. Singapore sử dụng máy bay tuần thám biển Fokker 50, máy bay cảnh báo sớm trên không Gulfstream G550 trang bị radar cảnh báo sớm của Elta Systems và trực thăng săn ngầm S-70B.

Một số nguồn tin cho rằng, nước này đang lên kế hoạch mua máy bay săn ngầm cánh cố định.

Các nước Đông Nam Á cũng chú trọng phát triển hạm đội tàu ngầm: Việt Nam đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm tấn công điện – diesel lớp Kilo của Nga; Malaysia mua 2 tàu ngầm Scorpene của Pháp và một tàu ngầm đã qua sử dụng lớp Agosta; Indonesia hiện có trong biên chế 2 tàu ngầm lớp Cakra và lên kế hoạch mua 3 tàu ngầm từ hãng Daewoo Hàn Quốc; Thái Lan muốn mua lại các tàu ngầm Type 209 đã qua sử dụng của Hải quân Đức.
Lê Nam (theo Aviation Week)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang