Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Biển Đông - điểm nóng của thế giới tương lai?


Tạp chí Chính sách Ngoại giao (Foreign Policy) vừa qua đã đăng bài phân tích với nhan đề "Biển Đông - xung đột của tương lai" của học giả Robert D. Kaplan, chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới, đồng thời là thành viên của Ủy ban Chính sách Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. 
Mở đầu bài phân tích, R. D. Kaplan cho rằng, trong thế kỷ 20, thế giới thường xuyên chứng kiến các cuộc tranh chấp diễn ra trên đất liền, đặc biệt là ở Châu Âu. Tuy nhiên sang thế kỷ 21, trọng tâm dân số và kinh tế đã dần có sự dịch chuyển sang Đông Á, nơi mà các trung tâm lớn của khu vực phần lớn được ngăn cách bởi các vùng lãnh hải. Đặc điểm địa hình này của Đông Á là điều có thể dự báo trước về 1 kỷ nguyên của hải quân – được hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm các thế trận trên biển và trên không đang có những diễn biến ngày càng căng thẳng.

Kaplan cho rằng, nguyên nhân lý giải cho tình trạng căng thẳng trên là vì Trung Quốc, đất nước có vùng biên giới đất liền được xem là an toàn nhất kể từ triều nhà Thanh vào cuối thế kỷ 18 đến nay, đang không ngừng mở rộng các hoạt động hải quân của mình. Thông qua quyền lực biển đó, Trung Quốc dường như muốn xóa bỏ hai thế kỷ xâm lấn của các thế lực bên ngoài đối với lãnh thổ của mình – khiến các nước láng giềng phải phản ứng. 

Đông Á, hay chính xác hơn là Tây Thái Bình Dương, khu vực đang nhanh chóng trở thành trung tâm mới của các hoạt động hải quân, cho thấy trước một động cơ thực sự khác biệt. Cuộc đấu tranh giành ưu thế ở Tây Thái Bình Dương không nhất thiết cần tới  vũ trang mà gần như sẽ diễn ra một cách thầm lặng trên những vùng biển trống, chấp nhận sức mạnh kinh tế và quân sự tăng chậm nhưng chắc mà các nhà nước có được trong suốt quá trình lịch sử. 

Kaplan nhận định, không giống như đất liền, vùng biển tạo ra các đường biên giới rõ ràng, giúp giảm khả năng xung đột. Vùng biển rộng lớn cũng là rào cản đối với các cuộc chiến, khi mà những con tàu chiến nhanh nhất cũng chỉ đạt 35 hải lý. Chính những vùng biển xung quanh Đông Á – một trung tâm sản xuất cũng như mua bán khí tài quân sự mới nổi của thế giới – sẽ giúp cho thế kỷ 21 có nhiều cơ hội tránh được các đại chiến so với thế kỷ 20.
Biển Đông là xung đột trong tương lai.

Tất nhiên, vùng biển mênh mông không ngăn được nhiều cuộc đại chiến diễn ra ở Đông Á vào thế kỷ 20. Chẳng hạn như chiến tranh Nga – Nhật, cuộc nội chiến kéo dài nửa thế kỷ ở Trung Quốc, các cuộc xâm chiếm của Nhật Hoàng, thế chiến thứ hai ở Thái Bình Dương, chiến tranh Triều Tiên, hay các cuộc chiến ở Lào, Campuchia và Việt Nam. Nhưng thời kỳ đấu tranh để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã lùi lại phía sau. Cái mà quân đội Đông Á đang hướng tới là lực lượng hải quân và không quân công nghệ cao theo hướng hướng ngoại, hơn là hướng nội công nghệ thấp. 

Vì sao Biển Đông là “ngòi nổ” tranh chấp?

Kaplan đưa ra nhận định, Biển Đông nối liền Đông Nam Á với Tây Thái Bình Dương, có chức năng như tuyến đường biển trọng yếu của toàn cầu. Đây là trung tâm của vùng biển Á Âu, ngăn cách bởi các Eo biển Malacca, Sunda, Lombok, và Makassar. Hơn một nửa lượng hàng hóa được chuyên chở bằng đường biển đi qua vùng biển này, và cũng chiếm tới 1/3 giao thông đường thủy của thế giới. Lượng dầu mỏ được chuyên chở từ Ấn Độ Dương qua Eo biển Malacca, đến Đông Á qua Biển Đông, được cho là nhiều gấp 6 lần lượng dầu được vận chuyển qua kênh đào Suez và 17 lần lượng dầu chuyển qua Kênh đào Panama. Trong khi đó, 2/3 nguồn cung cấp năng lượng của Hàn Quốc, gần 60% của Nhật Bản và Đài Loan, và khoảng 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Biển Đông. Thêm nữa, Biển Đông còn chứa nguồn tài nguyên dồi dào, trong đó có nguồn dầu dự trữ lên tới 7 tỷ thùng và 900 nghìn tỷ m3 khí gas tự nhiên.  

Nhiều cuộc tranh chấp đã diễn ra ở Biển Đông không chỉ bởi vị thế và trữ lượng tài nguyên mà còn vì chủ quyền lãnh hải, trong đó có những tranh chấp liên quan đến Quần đảo Trường Sa. Trong đó, Bắc Kinh đòi chủ quyền “đường lưỡi bò” trải dài từ Đảo Hải Nam của Trung Quốc xuống gần Singapore và Malaysia. Điều này khiến cho 9 nước giáp Biển Đông gần như đã đứng về một phía để phản đối Trung Quốc.

Thực tế, Biển Đông đang trở thành một căn cứ quân sự, nơi mà mỗi nước xây dựng và hiện đại hóa lực lượng hải quân của mình. Thậm chí, khi mà sự tranh chấp chủ quyền hai hòn đảo những thập niên gần đây hầu như không còn. Trung Quốc chiếm đóng bằng quân sự 8 đảo nhỏ trên biển Đông, Việt Nam 25 đảo, Philippin 8 đảo, Malaysia 5 đảo và Đài Loan 1 đảo. 

Căn nguyên Trung Quốc muốn lấn chiếm

Ông Kaplan so sánh vị trí của Trung Quốc ở Biển Đông giống với vị trí của Mỹ ở vùng Biển Caribe hồi thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Khi đó, dù Mỹ nhận ra sự hiện diện và khẳng định chủ quyền của các thế lực Châu Âu ở Caribe, nhưng nước này vẫn tìm cách để thống trị vùng biển này. Cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Tây Ban Nha vào năm 1898 và việc xây dựng kênh đào Panama từ năm 1904 - 1914 đã cho phép Mỹ kiểm soát hiệu quả Tây Bán cầu và qua đó gây ảnh hưởng tới cán cân lực lượng ở Đông Bán cầu. Ngày nay, Trung Quốc tự thấy mình đang ở vị thế tương tự trên Biển Đông, nơi Trung Quốc cũng muốn có sự hiện diện của hải quân để bảo vệ đường vận chuyển nhiên liệu từ Trung Đông. 

Nhưng dường như nguyên nhân sâu xa khiến Trung Quốc tiến sâu vào vùng Biển Đông và xa hơn nữa là Thái Bình Dương có lẽ là vì Trung Quốc đã từng bị các cường quốc phương Tây gồm Anh, Pháp, Nhật và Nga xâm chiếm lãnh thổ và chia rẽ đất nước sau một thiên niên kỷ từng ở vị trí siêu cường và một nền văn minh của thế giới.
Sự hối hả bành trướng của Trung Quốc là một lời tuyên bố rằng họ không bao giờ muốn để cho người nước ngoài lợi dụng mình một lần nữa. Kaplan nhận định mặc dù không tuyên bố, nhưng Trung Quốc sẽ theo phương châm “Kẻ mạnh làm những gì họ đủ sức làm và kẻ yếu phải hứng chịu những gì họ phải hứng chịu”.
Các nước bảo vệ tự do
Không chỉ Trung Quốc vội vàng xây dựng lực lượng quân sự của mình, các nước Đông Nam Á cũng đang làm vậy. Ngân sách quốc phòng của các nước này đã tăng khoảng 1/3 trong thập kỷ qua, thậm chí khi các nước Châu Âu còn đang giảm chi tiêu quân sự. Nếu tính từ năm 2000, nhập khẩu vũ khí của Indonesia, Singapore, và Malaysia đã lần lượt tăng 84%, 146 %, và 722 %. Ngoài ra, Malaysia cũng mới mở căn cứ tàu ngầm ở đảo Borneo, thuộc Đông Nam A, trong khi Việt Nam gần đây mua 6 tàu ngầm lớp Kilo và chiến hạm của Nga.
Ông Kaplan còn cho rằng, sự hiện diện của Mỹ vẫn giúp đảm bảo hiện trạng “không dễ dàng” ở Biển Đông và hạn chế sự hung hăng của Trung Quốc, cùng với đó là đóng vai trò giám sát ngoại giao và hải quân Trung Quốc. Sự cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ giúp Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Singapore, Indonesia và Malaysia “thoải mái hơn”, nhưng cũng có thể khiến hai siêu cường này xung đột với nhau.
Kaplan cũng trích nghiên cứu của ông Hugh White, giáo sư nghiên cứu về chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, nói rằng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và sự thống trị của Mỹ ở Châu Á lại có thể là nguồn gốc gây bất ổn khi hai siêu cường này có xung đột về lợi ích.
Theo Kaplan, chính Mỹ chứ không phải Trung Quốc mới là vấn đề trong tương lai. Bởi lẽ thực chất, Mỹ tìm cách hạn chế quyền lực của nước này. Ông khuyến cáo Mỹ nên hướng vai trò của họ ở Châu Á tới sự cân bằng, thay vì thống trị; và bởi lẽ quyền lực cứng sẽ vẫn là chìa khóa cho các mối quan hệ quốc tế, do đó Mỹ cần xem xét việc áp dụng nó đối với Trung Quốc. Mỹ không cần tăng cường sức mạnh hải quân ở Tây Thái Bình Dương, nhưng cũng không thể giảm đáng kể sự hiện diện của lực lượng này ở đây.
Theo BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang