Sau Thế chiến hai, cuộc chiến trên các đại dương chủ yếu dựa vào các loại tên lửa nhưng việc đối phó với các mối đe dọa từ ngư lôi vẫn không hề bị coi nhẹ.
XEM THÊM:
Trong vòng 10 năm trở lại đây, các đại dương đã trở nên “nhộn nhịp” hơn rất nhiều với khoảng gần 100 tàu ngầm được đóng và mua mới, chủ yếu tại Brazil, Trung
Quốc, Ấn Độ, Nga và một số nước Đông Nam Á.
Với lực lượng tàu ngầm ngày càng phát triển, mối nguy hiểm do các loại ngư lôi mang lại trong các cuộc hải chiến hiện đại cũng ngày càng tăng. Chắc hẳn các sĩ quan hải quân thế giới đều không quên trường hợp chiến hạm Cheo-nan trọng tải 1.240 tấn của Hàn Quốc được cho là bị đánh chìm bởi ngư lôi Triều Tiên.
Các hệ thống phòng thủ chống ngư lôi đã được thiết kế và ứng dụng từ giữa thập niên 1950 gồm các thiết bị tạo tín hiệu thủy âm giả kéo theo tàu nhằm đánh lừa các loại ngư lôi dẫn đường sonar và một số vũ khí chống ngư lôi đơn giản.
Tuy nhiên, với các loại ngư lôi hiện đại thì những thiết bị kể trên đã không còn hiệu quả. Do đó, việc phát triển hệ thống phòng thủ ngư lôi từ cơ chế đánh lừa - né tránh đã phát triển lên cơ chế phát hiện - phân loại - định vị (DCL - Detection - Classification - Localization). Việc đối phó ngư lôi đã được tiến hành bằng các cơ chế bị động cũng như chủ động.
Mô hình DCL gồm việc phát hiện và phân loại mối nguy hiểm, sau đó các hệ tính toán sẽ đưa ra giải pháp đối phó bằng mồi bẫy đánh lừa hay vũ khí tiêu diệt ngư lôi một cách hoàn toàn tự động mà không cần thiết phải điều khiển tàu tránh ngư lôi.
Trong đó, vũ khí tiêu diệt ngư lôi đang chia thành hai xu thế trên thế giới: Ngư lôi chống ngư lôi (ATT - Anti-Torpedo Torpedo) của phương Tây và rocket chống ngư lôi của Nga.
Điểm bất lợi của phương pháp tiêu diệt ngư lôi là giá thành đắt và nguy cơ hết đạn nếu đối phương sử dụng tín hiệu giả để đánh lừa. Do đó, các tàu chiến luôn phải kết hợp cả hai phương pháp đánh lừa và tiêu diệt ngư lôi địch một cách hợp lý. Trong lĩnh vực này, mỗi nước lại có một cách tiếp cận khác nhau.
Anh
Sau khi dự án hợp tác với Mỹ về hệ thống chống ngư lôi (JSSTD - Joint Surface Ship Torpedo Defence) bị thất bại, Hải quân Hoàng gia Anh mua 4 hệ thống phòng thủ ngư lôi AN/SLQ-25 về với mục đích nghiên cứu đánh giá.
Hệ thống này đã được tích hợp cùng hệ thống Sonar 2087 của Thales và lắp đặt trên chiến hạm HMS Westminster năm 2004 hay Sonar 2170 trên các tàu mới hơn như HMS Illustrious.
Hiện nay, mô hình phòng thủ ngư lôi của Anh chủ yếu dựa vào hệ thống Sonar 2170 Sea Sentor và hệ thống phòng thủ AN/SLQ-25.
Hệ thống này bao gồm một số mồi bẫy được kéo bằng dây phía sau tàu. Những mồi bẫy này sẽ có khả năng mô phỏng tiếng động phát ra đúng với tần số của các thiết bị trong tàu như động cơ, buồng máy với cường độ lớn hơn để lôi kéo các loại ngư lôi sử dụng đầu dò sonar thụ động về phía nó thay vì lao về phía tàu chiến.
|
Hệ thống phòng thủ chống ngư lôi AN/SLQ-25 dạng cáp kéo sau tàu của Mỹ đang được sử dụng trên nhiều tàu thuộc hải quân Hoàng gia Anh |
Biến thể nâng cấp AN/SLQ-25B còn có thể thu thập được các tín hiệu thủy âm của ngư lôi sử dụng sonar chủ động, sau đó trả tín hiệu giả về phía ngư lôi khiến nó bắn lệch mục tiêu. Trong khi đó, biến thể nâng cấp mới nhất AN/SLQ-25C có khả năng khuếch đại tín hiệu âm lớn hơn và dây cáp kéo dài hơn (tới 300 mét).
Mỗi hệ thống AN/SLQ-25A được bán với giá khoảng 1 triệu USD và mỗi tàu chiến cần từ 1-2 hệ thống này tùy theo lượng giãn nước.
Canada
Giống như Anh, các hệ thống phòng thủ ngư lôi (SSTD) của Canada vay mượn nhiều từ các thiết kế của Mỹ. Các hệ thống SSTD của Canada dựa chủ yếu vào loại sonar dây kéo AN/SQR-501 CANTASS kết hợp với hệ thống phòng thủ ngư lôi AN/SLQ-25 của Mỹ.
Năm 2010, Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Atlantic của Canada đã tiến hành nhiều nâng cấp về hệ thống SSTD trên hộ vệ hạm lớp Halifax của nước này và dự tính sẽ hoàn thành bao gồm nâng cấp sử dụng dây kéo sợi carbon siêu bền (DLC - Diamond Like Carbon array) và hệ thống phóng mồi bẫy đánh lừa ngư lôi.
Pháp
Trước khi tham gia vào dự án nghiên cứu chung PG-37 của NATO, Pháp cũng đã có dự án nghiên cứu riêng về SSTD của mình vào đầu thập niên 1990. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, Pháp buộc phải liên kết với Itlay để phát ttriển hệ thống chống ngư lôi có tên SLAT (Système de Lutte Anti-Torpille).
Kết quả là nghiên cứu này đã đạt được thành công lớn và đã được lắp đặt trên hầu hết những tàu chiến lớn nhất của Pháp và Italy như hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của Pháp, hàng không mẫu hạm ITS Cavour của Italia, hộ vệ hạm lớp La Fayette và lớp Andrea Doria.
Chương trình phát triển hệ thống chống ngư lôi SLAT được nghiên cứu với sự hợp tác của rất nhiều công ty, trong đó nhà đầu tư chính là Euroslat EEIG (Pháp) và Whitehead Alenia Sistemi Subacquei (Italia) là nhà sản xuất chính chế tạo các thiết bị phóng mồi bẫy và đạn mồi bẫy
|
Đạn mồi chống ngư lôi Contralto-V sử dụng trong hệ thống chống ngư lôi SLAT của Pháp |
Hệ thống SLAT được cấu thành từ hai bộ phận chính gồm một sonar thủy âm ALERTO chịu trách nhiệm phát hiện các mối nguy hiểm đến từ ngư lôi đối phương và hệ thống phóng mồi bẫy, sẽ phóng ra các quả đạn chứa bộ phận mô phỏng tiếng động tàu chiến để đánh lừa ngư lôi.
Đạn mồi bẫy của SLAT cũng có nhiều loại khác nhau, bao gồm đạn mồi bẫy Contralto-V hay hiện đại hơn là CANTO-V.
Ngoài ra, theo dự án nghiên cứu hợp tác PG-37 với NATO, Pháp cũng đã chế tạo ra hệ thống phòng thủ tiêu diệt ngư lôi (hard-kill) có tên MU90HK có khả năng phóng ra đạn chứa thuốc nổ mạnh và tiêu diệt ngư lôi đang nhắm vào tàu.
Italy
Sản phẩm của công ty WASS không những được phục vụ tại Pháp trong dự án SLAT mà còn được bán ra tại nhiều nước khác.
Trong đó, thành công nhất là hệ thống phòng thủ chống ngư lôi C-310 được bán cho Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để trang bị cho các tàu chiến lớp Abu Dhabi của nước này.
|
Giàn phóng đạn mồi của hệ thống chống ngư lôi C-310 |
Mỗi hệ thống C310 gồm một giàn phóng mồi bẫy chứa từ 8 - 12 đạn mồi.
Hệ thống này được điều khiển bởi một máy tính trung tâm có chức năng nhận tín hiệu thủy âm từ các sonar thu thập được, phát hiện, bắt bám ngư lôi và điều khiển C-310 tấn công mục tiêu.
|
Đạn gây nhiễu tĩnh và đạn MTE sử dụng trong hệ thống chống ngư lôi C-310 |
Đạn của hệ thống C310 gồm có hai loại khác nhau bao gồm loại đạn gây nhiễu tĩnh (Stationary jammer) và đạn gây nhiễu có thể di chuyển (MTE - Mobile Target Emulator).
Hai loại đạn này có đường kính 127 mm, dài 1,15 mét và nặng 16 kg và có khả năng mô phỏng đúng tần số âm thanh của tàu mẹ đã được nạp vào đạn từ trước.
Ngoài ra, MTE còn có thể tự động di chuyển vào vị trí giữa ngư lôi và tàu mẹ để tăng hiệu quả đánh chặn.
Đức
Ngoài một số tàu chiến sử dụng hệ thống phòng thủ ngư lôi bằng mồi bẫy kéo sau tàu tương tự như hệ thống AN/SLQ-25 của Mỹ, Đức còn phát triển riêng hệ thống phóng mồi bẫy chống ngư lôi của mình có tên Sea Spider ATT, còn có tên khác là hệ thống MTW (Mini Torpedo Welcome).
Công ty Atlas Elektronik cho biết, đây là hệ thống ngư lôi chống ngư lôi (ATT - Anti Torpedo Torpedo) đầu tiên có thể tích hợp vào các hệ thống phòng thủ ngư lôi cũ và mới trên thế giới.
|
Ngư lôi chống ngư lôi SeaSpider được phóng từ tàu chiến |
Các cuộc thử nghiệm cho thấy Sea Spider đều đáp ứng tốt tất cả các bài thử về hệ thống điều khiển vũ khí, cân bằng, khả năng thao diễn dưới nước, khả năng phát hiện ngư lôi và tốc độ phản ứng.
Thêm vào đó, Atlas Elektronik đang nghiên cứu chế tạo phiên bản Sea Spider có khả năng truy kích và tiêu diệt ngư lôi đối phương thay vì hạn chế với nhiệm vụ mồi bẫy động như hiện nay.
Sea Spider có thể sử dụng trên cả tàu nổi và tàu ngầm dạng bệ phóng gắn cố định hay bệ phóng có thể di chuyển trên sàn tàu. Ngoài ra, nó cũng có thể phóng từ các bệ phóng rocket chống ngầm hay các ống phóng ngư lôi hạng nhẹ.
Mỗi quả đạn Sea Spider đều có trang bị hệ thống dẫn đường bằng sonar riêng, có khả năg hoạt động ở chế độ truy tìm bằng sóng âm chủ động, thụ động và có thể được trang bị đầu nổ có khả năng phá hủy bất kỳ loại ngư lôi nào.
Nguồn BAODATVIET