Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Kêu gọi Việt-Trung đàm phán về Hoàng Sa

Một chuyên gia hàng đầu về luật Trung Quốc kêu gọi nước này đàm phán với Việt Nam về Hoàng Sa trong khi đang có quan ngại về an ninh biển giữa hai nước.
>> Mộ gió Kia Hoàng Sa, đây Trường Sa – khúc tráng ca biển đảo Việt Nam
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội 6/2011
Dư luận Việt Nam hết sức quan tâm vấn đề Hoàng Sa
Giáo sư Jerome Cohen, Giám đốc trường luật Mỹ-Á thuộc Đại học Luật New York, người được cho là thông hiểu hệ thống tư pháp Trung Quốc và có quan hệ thân cận với nhiều lãnh đạo nước này, nói giải quyết được tranh chấp Hoàng Sa với Việt Nam sẽ giảm thiểu đáng kể căng thẳng ở Biển Đông và khai thông tiến trình thương lượng với các quốc gia khác.
Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn chỉ thừa nhận có mâu thuẫn chủ quyền ở Trường Sa, và khước từ đề cập tới quần đảo Hoàng Sa với lý do tại đây 'không có tranh chấp'.
Điều này, theo Giáo sư Cohen, có thể hiểu được vì "nước đi xâm chiếm luôn luôn không muốn thừa nhận là có tranh chấp".
Trong khi đó, báo chí Việt Nam cáo giác tình hình an ninh biển miền Trung Việt Nam 'diễn biến rất phức tạp'.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Đinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Nam, cho biết hôm 8/12 rằng nhiều tàu cá Trung Quốc vào rất gần đảo Cù Lao Chàm của tỉnh này và lực lượng Biên phòng Quảng Nam cùng Biên phòng Đà Nẵng đã cùng tham gia đánh đuổi.
Cù Lao Chàm cách quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, không xa.

'Phải giải quyết'

Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn Hoàng Sa từ năm 1974, và Việt Nam là quốc gia duy nhất đòi chủ quyền với Trung Quốc tại quần đảo này.
Sau một thời gian dài dường như né tránh vì sợ ảnh hưởng quan hệ, gần đây giới chức Việt Nam, mới nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã công khai nói về việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa.
Vấn đề chủ quyền Hoàng Sa do vậy lại càng mang tính cấp thiết, ít nhất là trong dư luận Việt Nam.
Giáo sư Jerome Cohen, được tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) tại Hong Kong dẫn lời nói hôm 8/12 rằng ông hy vọng thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ tìm cách giải quyết các tranh chấp chủ quyền một cách tích cực hơn.
Năm tới Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ họp Đại hội để bầu chọn ra ban lãnh đạo mới.
Theo ông Cohen, các nhân vật như Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường, người được trông đợi sẽ thay Thủ tướng Ôn Gia Bảo, sẽ đảm nhiệm được thách thức nói trên một cách nhẹ nhàng hơn giới tiền nhiệm.
Ông nói: "Các nước [trong khu vực] đều lo lắng."
Theo ông, Trung Quốc đã phạm phải sai lầm lớn trong vấn đề Biển Đông và cần phải tìm cách tỏ ra là biết điều hơn trước.
"Tất cả các bên cần phải đưa ra nhượng bộ, và hãy đưa Trung Quốc ra thử xem họ có thực sự tin vào một giải pháp hòa bình hay không."
Giáo sư Cohen nhận định: "Có thể họ [Bắc Kinh] thực lòng muốn vậy."
Nguồn BBC


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang