Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Cuộc chơi vũ khí 2011: Con bài tên lửa


Hệ thống tên lửa Bastion: Nga trang bị cho Việt Nam 2 tổ hợp - là hệ thống tên lửa сơ động bờ biển, loại mạnh mẽ nhất trong đẳng cấp này trên thế giới.

Tên lửa là loại vũ khí thông dụng nhất trong chiến tranh hiện đại, nhiều quốc gia có thể sản xuất, tăng cường năng lực phòng thủ độc lập tự chủ, trong thời đại “trăm hoa đua nở” về tên lửa.
Có hai quốc gia trên thế giới tiềm lực khoa học công nghệ công nghiệp quốc phòng thuộc loại trung bình hoặc nhỏ, nhưng nhờ ý thức tự cường cao và tầm nhìn chiến lược đã tự sản xuất và xây dựng được lực lượng tên lửa độc lập của mình, đó là Iran và Triều Tiên. Chính kho vũ khí ấy là quân bài của họ trong trong đàm phán với các đối tác và đối thủ mạnh hơn nhiều lần. Nếu không như vậy, hai nước này có thể đã ở thế hạ phong, thậm chí chịu những đòn tấn công phủ đầu của đối phương.
Trung Quốc có “sát thủ tàu sân bay” nhưng cũng có thể là mục tiêu tứ phía
Trung Quốc đang tiếp tục hoán chuyển những thành tựu kinh tế khổng lồ vào sức mạnh quân sự thực tế. Tên lửa được Bắc Kinh chế tạo sẽ có khả năng vượt khoảng cách đến 4.000 km. Các tên lửa mới này sẽ là một phần không tách rời của hệ thống phòng thủ tổng hợp. Đây là cơ chế ngăn ngừa các cuộc tấn công từ phía biển, trên không, mặt đất và thậm chí chống lại tấn công mạng.
 Đông Phong-21D của Trung Quốc - "sát thủ tàu sân bay". Nhưng cái được đưa ra diễu binh không phải là cái tiên tiến nhất
Người ta còn nhớ, ngày 11/1/2007, một tên lửa Trung Quốc đã bắn tan một vệ tinh dự báo thời tiết của Trung Quốc bay trong quỹ đạo cách Trái đất khoảng 900km, gửi đi một thông điệp gây chấn động đối với các đối thủ của họ: Tên lửa Trung Quốc có khả năng tiêu diệt các mục tiêu không gian trong trường hợp xẩy ra xung đột vũ trang, chính thức gia nhập hàng ngũ các cường quốc vũ trụ theo nghĩa đầy đủ của nó.
Khi được hỏi về khả năng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, Đô đốc Willard (Mỹ) cho biết: “Điều chắc chắn là Trung Quốc hiện đạt được khả năng tên lửa đạn đạo đáng lo ngại và vẫn tiếp tục nỗ lực này”. Theo Đô đốc Willard, khả năng tên lửa đạn đạo đó, kết hợp với nhiều khả năng khác của quân đội Trung Quốc, sẽ tạo nên mối đe dọa đáng ngại về vấn đề di chuyển trong khu vực, không phải chỉ liên quan tới Mỹ, Nhật Bản, Philippines mà còn tới những nước khác trong khu vực.
Trung Quốc gọi lực lượng tên lửa của họ bằng cái tên khiêm tốn “lực lượng pháo binh hai”. Pháo binh kiểu cũ đã mất vai trò vốn có trong chiến tranh hiện đại do tầm bắn và uy lực hạn chế. Trung Quốc đã thử nghiệm các loại tên lửa đạn đạo có thể được sử dụng ở tầm xa hơn nhằm đối phó với các tàu sân bay. Hiệu ứng uy hiếp của Mỹ đang bị hoá giải. Các hệ thống không quân đều đang hiện đại hóa, bao gồm cả sự phát triển của các hệ thống tên lửa biển đối không hiện đại như S-400 và HQ-9. Tên lửa Đông Phong 21-D được xem là “sát thủ tàu sân bay”. Tàu ngầm hạt nhân “096” của Trung Quốc trang bị loại tên lửa này có có khả năng cơ động cao, đủ sức đối kháng với quân đội Mỹ đồn trú tại châu Á-Thái Bình Dương. Trong những biện pháp đối phó lại, Mỹ di chuyển các căn cứ quân sự ra xa tầm bắn của tên lửa Trung Quốc, với việc hiện đại hóa căn cứ Guam và thiết lập căn cứ mới tại Úc.
Nhưng Trung Quốc cũng phải e dè các đối thủ “nhẹ cân” hơn như Hàn Quốc, Đài Loan sở hữu tên lửa tầm trung có thể vươn tới các trung tâm kinh tế duyên hải Trung Quốc. Trường hợp này, nhỏ chưa hẳn là yếu. Thế gọi là “lấy đoản đao đánh trường trận”.
Nga tăng cường tên lửa tấn công, lá chắn tên lửa và vũ trụ
Nga là một cường quốc quân sự đứng thứ hai thế giới. Thủ tướng Nga Vlađimia Putin, trong báo cáo thường niên của Chính phủ trước Duma Quốc gia Nga ngày 20/4, đã khẳng định, một trong những hướng ưu tiên chính của nền quốc phòng Nga là đổi mới hệ thống phòng không và hệ thống chống tên lửa. Nga có kế hoạch đến năm 2013 sẽ tăng gấp đôi mức sản xuất các tổ hợp tên lửa tấn công hiện đại. Ông Putin cam kết quân đội Nga sẽ nhận được tên lửa mới gồm các hệ thống tên lửa chiến lược và chiến thuật, chẳng hạn như “Yars”, “Bulava” và “Iskander-M”. Binh chủng tên lửa của Nga đã được trang bị các hệ thống tên lửa S-400 và trong tương lai, sẽ sản xuất hệ thống S-500 dự kiến vào năm 2015. Hệ thống S-500 cho phép thực hiện các nhiệm vụ phòng không và chống tên lửa, cũng như có thể tiêu diệt cả những mục tiêu trong quỹ đạo gần Trái Đất.
Tư lệnh binh chủng tên lửa chiến lược Nga xác nhận Nga sẽ chế tạo loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới sử dụng chất lỏng, nặng 100 tấn và bố trí trong hầm để đối phó với Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ. Loại tên lửa mới sẽ thay thế loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng R-36M2 Voevoda mà phương Tây gọi là Satana. Tên lửa mới có khả năng tiêu diệt mọi loại tên lửa thuộc NMD của Mỹ, kể cả những tên lửa được bố trí trên không và trong vũ trụ. Đến cuối năm 2011, binh chủng tên lửa chiến lược Nga có gần 6.000 lính trực chiến hàng ngày, sẽ được trang bị 86 giàn tên lửa mới. Đến năm 2021, binh chủng này sẽ được trang bị tới 98% các giàn tên lửa mới thế hệ thứ tư và thứ năm.


 Tên lửa Styx biên chế hải quân nhân dân Việt Nam
Nga cũng chú trọng hiện đại hóa tên lửa trang bị cho tàu ngầm hạt nhân. Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân đội nước này ngày 23/12/2011 đã bắn thử thành công hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Hai tên lửa Bulava được phóng từ tàu ngầm trên Bạch Hải, đã bắn trúng mục tiêu tại Bán đảo Kamchatka trên Thái Bình Dương. Trong 18 lần bắn thử tên lửa Bulava từ năm 2005, chỉ 11 lần thử thành công.
Hồi tháng 5/2011, giới quân sự Nga thông báo việc thành lập binh chủng phòng không - vũ trụ (ASD), bộ phận mới của trong lực lượng vũ trang Nga, vào cuối năm 2011. Các chuyên gia cho rằng hiện nay, mối đe dọa từ không gian - vũ trụ là hiện thực đối với an ninh quốc gia Nga. Đòn tấn công từ vũ trụ có thể giáng xuống bất cứ điểm nào trên thế giới. Vì thế, việc thành lập binh chủng phòng không - vũ trụ với nhiệm vụ nối kết hệ thống trinh sát thăm dò không gian và và chặn đứng mối đe dọa là nhằm đáp ứng cho nhiệm vụ củng cố vững chắc an ninh quốc gia Nga.
Mỹ phát triển tên lửa và lá chắn tên lửa
Năng lực tên lửa Mỹ thì không cần bàn nhiều. Tại châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ thành lập tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực thứ ba. Trên hình thức, lá chắn mới được tạo ra để vô hiệu hóa các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Tuy vậy, tên lửa Mỹ đã được triển khai trước đó ở Alaska và California, đủ khả năng đánh chặn bất kỳ cuộc không kích nào từ Nga và Trung Quốc. Có nghĩa, hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở châu Á được Lầu Năm Góc suy tính chủ yếu như một chiếc dù trước tên lửa Trung Quốc.
Con chủ bài của Mỹ là phát triển lá chắn tên lửa quanh các đối thủ. Ngày 5/10/2011, Lầu Năm Góc tuyên bố họ đã đánh chặn được hai quả tên lửa đạn đạo trong một vụ thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa đánh chặn tầm trung cao di động (THAAD) trên Thái Bình Dương ởHawaii. Đây là vụ thử nghiệm tác chiến đầu tiên của hệ thống này nhằm đánh chặn tên lửa ở tầm cao trong giai đoạn cuối cùng.
Hàn Quốc và Triều Tiên - những chú lính chì kiên định
Hàn Quốc ra mắt tên lửa bắn chặn tự chế tạo. Ngày 15/12, Cơ quan Phát triển Quân sự Hàn Quốc đã cho ra mắt tên lửa đất đối không Iron Hawk II tự chế tạo có tầm bắn 40 km để đánh chặn tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu của Bắc Triều Tiên. Tên lửa Iron Hawk II có khả năng đánh chặn tên lửa không đối đất và tấn công nhiều mục tiêu với một hệ thống radar duy nhất. Loại tên lửa này có độ chính xác cao hơn so với các hệ thống phòng thủ khác đã được triển khai. Dự án này đã được khởi động từ năm 2006 và huy động 15 tập đoàn công nghiệp quốc gia. Cơ quan Phát triển Quân sự Hàn Quốc tuyên bố: Công nghệ phát triển vũ khí của Hàn Quốc đang đứng “ngang hàng với các nước phát triển khác”.
Theo các nguồn tin quân sự từ Seoul, Bình Nhưỡng hiện có khoảng 600 tên lửa Scud có thể bắn sang Hàn Quốc và thậm chí bắn tới luôn cả một số mục tiêu trên lãnh thổ Nhật Bản. Triều Tiên cũng đang có trong tay 200 tên lửa Rodong 1 có thể nhắm thẳng tới thủ đô Tokyo và Bình Nhưỡng đã ba lần thử nghiệm tên lửa liên lục địa Taepodong, bắn ngang qua lãnh thổ Nhật và đang nâng tầm bắn để có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Tên lửa Triều Tiên có thể bao phủ phần lớn lãnh thổ Trung Quốc và tuyên bố có thể biến các thành phố Nhật Bản và Hàn Quốc “thành biển lửa”.
Ấn Độ và Iran đẩy mạnh tự sản xuất tên lửa
Ấn Độ là đối thủ đáng gờm của Trung Quốc, tuy tiềm lực tên lửa còn thua kém. Trong năm 2011, đã mấy lần thử hệ thống tên lửa đánh chặn. Ngày 6/3, tên lửa đánh chặn đã bắn hạ một tên lửa mục tiêu ở độ cao khoảng 16 km tại vịnh Bengal. Đây là một phần trong một loạt các cuộc thử nghiệm hệ thống tên lửa đánh chặn chế tạo trong nước.


Những chú "lợn con" tên lửa được Iran sản xuất hàng loạt, góp phần quyết định nâng cao năng lực phòng thủ của nước này
Cuối năm 2010, Ấn Độ đã bắn thử tên lửa đất đối đất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Đó là Agni-I có thể nhắm trúng mục tiêu ở cách xa 700km.
Trong những năm qua, Iran đã đạt được nhiều tiến bộ trong quá trình phát triển các loại tên lửa tầm trung và xa. Hồi đầu năm nay, Tehran đã bắt đầu sản xuất tên lửa đạn đạo có tốc độ nhanh gấp ba lần vận tốc âm thanh. Tên lửa của Iran có thể vươn tới mọi vị trí trên lãnh thổ Israel, các trung tâm kinh tế của những quốc gia đồng minh của Mỹ, cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ tại Trung Cận Đông. Xa hơn nữa sẽ là châu Âu. Tehran từng tuyên bố thử nghiệm thành công một hệ thống phòng không tự thiết kế có các tính năng tương tự với hệ thống tên lửa S-300 do Nga sản xuất.
Giới lãnh đạo Myanmar đã nỗ lực tìm kiếm nguồn cung cấp các tên lửa tầm trung, các hệ thống rađa và vũ khí phòng không hiện đại để có thể đối phó với các mối đe dọa giả định từ bên ngoài. Họ muốn phát triển cả khả năng phòng thủ lẫn tấn công. Nhưng một quốc gia chỉ đi mua vũ khí thì không tránh khỏi phụ thuộc vào các cuộc chơi nước lớn. Không tự sản xuất được tên lửa thì không thể xếp hạng là quốc gia có nền phòng thủ vững chắc. Suốt đời lép vế./.



TS Nguyễn Ngọc Trường - Báo điện tử Tổ Quốc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang