Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương

Trung Quốc đang hình thành các liên kết quân sự ở châu Phi và Ấn Độ Dương nhằm bảo vệ quyền lợi kinh tế của nước này trong khu vực..

Trong 3 tuần đầu của tháng 12/2011, Bắc Kinh cam kết hỗ trợ chiến dịch của quân đội Uganda ở Somalia và cộng hòa Seychelles (quốc đảo với 155 hòn đảo lớn nhỏ thuộc châu Phi nằm trên Ấn Độ Dương) trong hoạt động chống cướp biển.

“Động thái trên cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra vai trò quan trọng của quân đội trong việc bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài”, ông Jonathan Holslag thuộc viện Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại ở Brussels trả lời AFP.

Theo ông Holslag, Ấn Độ Dương có vị trí chiến lược vì 85% lượng dầu nhập khẩu và 60% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc được chuyển qua vịnh Aden.

Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa có căn cứ quân sự nào trong khu vực. Toàn bộ lực lượng của Trung Quốc trong khu vực là 3 tàu chiến ở vịnh Aden trong chiến dịch chống cướp biển Somali. 

Hiện tại, hợp tác giữa Trung Quốc với các quốc đảo ở Ấn Độ Dương vẫn hạn chế ở mức thấp trong quan hệ trao đổi quân sự, tuy nhiên đang ngày càng được xây dựng và phát triển, ông Holslag nhận xét.
Khu trục hạm Vũ Hán 169 và khu trục hạm tên lửa Hải Khẩu 171 của Trung Quốc ở Somalia.
“Sự thật là việc Trung Quốc triển khai tàu hải quân ở vịnh Aden trong 2 năm qua có rất nhiều ý nghĩa”, nhà nghiên cứu Frans-Paul van der Putten tại viện Quan hệ Quốc tế Clingendael của Hà Lan cho hay.

“Mang tính biểu trưng vì hành động này chứng tỏ với các nước khác rằng Trung Quốc là một quyền lực hải quân trong khu vực và mang tính ngoại giao vì Trung Quốc sử dụng những tàu hải quân để thực hiện các chuyến thăm tới các cảng dọc vành đai Ấn Độ Dương nhằm tăng cường các mối quan hệ với các nước trong khu vực”, ông Frans-Paul van der Putten lý giải.

Trong chuyến thăm chưa từng có trước đây của bộ trưởng bộ Quốc Phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt hồi đầu tháng 12/2011, Seychelles yêu cầu Trung Quốc thiết lập sự có mặt quân sự trên quần đảo này để giúp chống lại nạn cướp biển ở Ấn Độ Dương.

Seychelles muốn có máy bay do thám và tàu tuần tiễu ở căn cứ quân sự này như cách Mỹ và châu Âu đang thực hiện, bộ trưởng bộ Ngoại Giao Seychelles, ông Jean-Paul Adam cho hay.

“Trung Quốc cần cơ sở hạ tầng để cung cấp hậu cần cho những chiếc tàu của mình trong Ấn Độ Dương nhằm kiểm soát được phần lớn hơn ở khu vực này,” ông Mathieu Duchatel ở viện nghiên cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm cho hay.

Với tổng giá trị trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi lên đến 127 tỷ USD trong năm 2010, việc Bắc Kinh nỗ lực giữ an toàn tuyến đường biển không giới hạn vùng biển sâu là dễ hiểu. Trên địa lục châu Phi, Trung Quốc đã thành lập các mối quan hệ hợp tác nhằm đảm bảo an toàn cho các khu vực có đầu tư của nước này.

Theo ông Holslag, Somalia có tầm quan trọng đặc biệt đối với Trung Quốc. Bắc Kinh đã hứa hẹn sẽ tài trợ Uganda 2,3 triệu USD để chi trả sự hiện diện của quân đội Uganda trong Liên quân châu Phi ở Somalia (AMISOM).

“Trung Quốc nhận ra rằng nạn cướp biển do tình trạng bất ổn ở Somalia không chỉ đe dọa các tàu thương mại trong Ấn Độ Dương, mà còn là nguồn gốc của sự bất ổn và nạn khủng bố đối với các nước châu Phi khác, nơi Trung Quốc có nhiều lợi ích kinh tế”, ông Holslag cho hay.

Ông Holslag cũng cho hay Trung Quốc đang để ý đến nguồn dầu mỏ ở Ethiopia và một số hãng tư nhân của Trung Quốc bắt đầu liên kết với Ethiopia qua Berbera, trong khu vực li khai của Somali, “Điều này khiến Trung Quốc có sự trao đổi thường xuyên với các quan chức từ Ethiopia, Kenya và Somalia về tình hình an ninh ở Horn”.

Phản ứng của Mỹ và Ấn Độ
Cả Washington và New Delhi đều bày tỏ sự lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Thái Bình Dương nhưng lại bày tỏ thái độ không rõ ràng đối với những tham vọng của nước này ở Ấn Độ Dương.

Ông van der Putten cho biết thêm Mỹ một mặt chào đón sự can thiệp lớn hơn của Trung Quốc trong việc tháo gỡ các vấn đề an ninh như cướp biển nhưng cũng đồng thời lo ngại việc ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ.

Còn Ấn Độ lo ngại rằng việc Trung Quốc xây dựng sức mạnh quân sự ở Ấn Độ Dương sẽ ảnh hưởng đến cán cân địa chính trị giữa nước này và Trung Quốc đặc biệt trên vấn đề tranh chấp biên giới cũng như mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan, một đồng minh của Trung Quốc.

(Theo AFP)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang