Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Chống bão ở Trường Sa


Lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là sóng gió, bão tố nơi hải đảo tiền tiêu. Có nằm trên tàu lênh đênh giữa biển khơi mênh mông, có tham gia chạy bão cùng với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, tôi mới thấm nỗi khó khăn vất vả và cả những mất mát, hy sinh mà thường ngày họ vẫn phải gồng mình chống chọi. 
Khi tôi viết bài này, hơn 50 đồng nghiệp của tôi cùng tham gia hải hành "mang quà Tết ra đảo Trường Sa" vẫn bị mắc kẹt ngoài khơi do ảnh hưởng của cơn bão số 7, vì sóng to, gió lớn mà tàu chưa thể cập bờ.

Kinh hoàng bão biển

Chúng tôi rời cảng Cam Ranh vào chiều muộn ngày 15-12-2011. Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, thời tiết khá thuận lợi để tàu nhổ neo. Cùng đi với đoàn công tác mang quà Tết ra đảo Trường Sa lần này có tới gần 100 nhà báo, chia đều sang 3 tàu mang ký hiệu: Trường Sa 22, HQ 996 và HQ 936. Tôi được Tư lệnh Vùng 4 hải quân "biên chế" đi theo tàu Trường Sa 22. Ngày đầu tiên sóng yên biển lặng, nhóm chúng tôi nói cười đắc ý: "Tưởng đi biển thế nào, hóa ra cũng thường thôi". Khoảng 19h ngày hôm sau, chúng tôi thấy thân tàu lắc lư, nghiêng bên trái rồi giật sang phải. Nhìn qua cửa kính, tôi thấy nước biển chỉ một màu đen kịt, sóng trùm lên hạ xuống không biết bao nhiêu lần. Được chừng nửa tiếng, tất cả nhóm phóng viên say sóng nằm bẹp xuống sàn. Đúng lúc này, chỉ huy tàu thông báo: "Thời tiết xấu, hiện đang có bão tại quần đảo Philippines. Mọi người hạn chế đi lại, cấm ra boong tàu nếu không có nhiệm vụ". Nghe hết thông báo, chúng tôi rụng rời chân tay. Hóa ra đi biển là thế, giông tố bão táp có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi lo lắng hỏi anh lính trẻ, cậu ta đáp: "Các anh cứ bình tĩnh. Đoàn trưởng tàu Trường Sa 22 là Thượng tá Nguyễn Hồng Quân rất dày dạn kinh nghiệm đi bão". Bất chợt tôi thấy tàu "cưỡi sóng" với tốc độ nhanh hơn. Sau một đêm vật lộn, chúng tôi say sóng đến mệt nhoài. Ơn trời, 10h ngày hôm sau, chiếc tàu đầu tiên của chúng tôi đã cập cảng Trường Sa Lớn an toàn. 

Thấy mình may mắn, chúng tôi lại nghĩ đến đoàn công tác cùng hơn 50 đồng nghiệp đi trên hai tàu HQ 996 và HQ 936. Vì đi theo hướng đảo khác nên khi gặp gió bão, hai tàu này không thể cập bờ, đành neo giữa biển. Gần 4 ngày chống chọi với mưa giông, lại chưa một lần đi biển, tôi biết nhiều đồng nghiệp đã lả đi vì mệt và say sóng. Cũng may trên tàu, các bạn được đội ngũ quân y chăm sóc và thuốc men chu đáo, nếu không, chắc chắn phải nằm bệt mất mấy ngày.
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Rada 11 hạ thấp rada về vị trí cơ động để tránh bão.
Trường Sa chống bão

Thấy anh em nhà báo có phần lo lắng, Thượng tá Đinh Văn Hải, Đảo trưởng kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Lớn động viên: “Các nhà báo cứ yên tâm. Cơn bão số 7 lần này có đi qua Trường Sa nhưng chỉ ở cấp 6, cấp 7, nên mức độ ảnh hưởng vừa phải". Nói như vậy, không có nghĩa là chủ quan. Ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, chỉ huy đơn vị đã quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, chiến sỹ về phương án phòng, chống. Ngày đầu tiên đặt chân lên đảo, dù vẫn đang ngất ngây vì say sóng, tôi vội vã theo chân Đảo trưởng đi chống bão. 

Đã quá 12h trưa, Thiếu tá Nguyễn Mậu Thông, Trạm trưởng Trạm Rada 11 (Trung đoàn Rada 292, Sư đoàn Phòng không 377) vẫn tất bật, đôn đốc anh em làm nhiệm vụ hạ ăng ten rada về trạng thái cơ động. Áo ướt đẫm mồ hôi, khuôn mặt sạm đi vì bão cát, Thiếu tá Thông nói nhanh: Là đơn vị cơ yếu trong lĩnh vực bảo đảm tình báo rada và dẫn đường bổ trợ cho không quân biển xa nên việc chống bão phải được coi trọng hàng đầu. Chỉ cần sơ suất nhỏ khi bão vào, những thiệt hại về vũ khí, khí tài không thể tính bằng tiền. Tối qua, bão số 7 đi qua đảo Midanao (Philippines) sau đó "quần thảo" ở đảo Nam Yết cũng gây thiệt hại đáng kể. Để bảo đảm an toàn, tôi đã yêu cầu anh em hạ thấp độ cao "cánh sóng", đưa về trạng thái cơ động.

Đang chuyện, tôi giật mình, ngẩng đầu lên nghe tiếng dội thình thịch trên nóc nhà. Anh Thông cười, đó là mấy anh em đang đặt bao tải cát để chặn nóc nhà. Gió ngoài đảo dữ dội gấp nhiều lần đất liền, sơ sảy chút, mái tôn văng xuống, gây thương tích cho cán bộ, chiến sỹ. Tôi hỏi chuyện hai hạ sỹ trắc thủ Bùi Duy Hợp và Lê Thanh Hải, cả hai chỉ cười và luôn miệng giục: Làm nhanh lên kẻo bão sắp về rồi.

Không khí khẩn trương chống bão trùm lên toàn đơn vị. Từ đội công binh lo chuyện cắt cây tỉa cành, bộ phận nhà bếp đôn đáo chuẩn bị rau xanh, mấy anh binh nhất được giao nhiệm vụ chăn nuôi gia súc gia cầm cũng tất tả che chắn chuồng trại… 

Tất cả sẵn sàng, nín thở chờ bão đi qua.

Những mất mát, hy sinh để giữ đảo

Khi công việc chống bão đã hoàn tất, Thượng tá Phạm Quang Trung, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn cùng hơn chục cán bộ, chiến sỹ dẫn tôi ra phía bong ke nằm sát bờ biển. Chỗ này đây có hai nấm mộ mới được phủ bằng cát và đá san hô. Hôm nay, anh Trung thay mặt cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo dâng nén nhang thơm, tưởng nhớ những người đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ. Chính biển xanh hiền hòa nhưng có những lúc vô cùng hung dữ, đã cướp đi mạng sống của hai chiến sỹ đang độ tuổi đẹp nhất đời người. 

Ngày 21-3-2010, chiến sỹ Hoàng Văn Nghĩa, sinh năm 1989 (quê ở Nam Trực, Nam Định) thuộc đơn vị Khí tượng Hải văn Trường Sa được giao nhiệm vụ đi đo mực nước biển. Hôm ấy, trời quang mây tạnh, sóng yên biển lặng bất chợt nổi đóa bởi một cơn triều cường. Đang mải làm, Nghĩa không biết đằng sau lưng mình có một cơn sóng dữ. Chỉ trong tích tắc, đồng đội không thấy Nghĩa đâu nữa. Nhận được tin báo, chỉ huy đảo huy động toàn bộ lực lượng và nhân dân tham gia tìm kiếm nhưng vô vọng bởi lòng đại dương mênh mông, sâu thẳm. Khi mọi người đưa được Nghĩa lên bờ, em đã vĩnh viễn ra đi.

Là chiến sỹ trẻ, thông minh, đẹp trai lại ngoan, hiền, lễ phép nên Lê Văn Tuấn được mọi người yêu quý. Vừa chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp của Lữ đoàn 146 Hải quân được ít ngày, Tuấn được kết nạp Đảng. Sức trẻ lại có nhiều tương lai, Tuấn tình nguyện ra công tác tại Ban Kỹ thuật của đảo Trường Sa Lớn. Ngày 26-10-2010, em được chỉ huy giao đi lắp đặt đệm va tại khu vực chân cầu cảng. Khi đang loay hoay với mấy chiếc đệm, sau lưng em có một trận cuồng phong, xoáy theo cát. Trở tay không kịp, Tuấn bị gió cuốn đập mạnh vào chân cầu cảng trước khi rơi xuống biển. Hai ngày liền, cả đảo buồn khóc. Lễ truy điệu em không sót một cán bộ, chiến sỹ và người dân nào trên đảo. Thậm chí, khi biết tin, những ngư dân đánh bắt gần đó cũng ghé tàu thắp nén nhang cầu mong linh hồn Tuấn được siêu thoát. Đó là cách để họ tưởng nhớ, biết ơn sự quả cảm, can trường của những người lính đảo đã hy sinh thân mình đang từng ngày bảo vệ, xây dựng biển đảo quê hương.

Đêm nay, do ảnh hưởng hoàn lưu bão nên ngoài biển sóng vẫn thét gầm gào. Nằm trong phòng, nhóm phóng viên chúng tôi thầm cầu trời sớm mưa thuận gió hòa và mang bình yên đến với người lính và người dân trên đảo.
Tống Ngọc Thanh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang