Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Thế giới chỉ còn cách sống chung với Iran - quốc gia hạt nhân mới?

 Nhiều người trên thế giới tin Iran đang nỗ lực phát triển chương trình hạt nhân. Cũng không ít người cho rằng không tiến hành thử hạt nhân nhưng Iran sẽ đẩy mạnh sản xuất vũ khí hạt nhân như một biện pháp ngăn chặn khi họ cảm thấy bị đe dọa. Do đó, thế giới nên chuẩn bị tình thần để chung sống với một Iran, quốc gia hạt nhân mới trong tương lai gần.

Không ai có thể ngừng chương trình hạt nhân của Iran
Vụ máy bay không người tối tân của Mỹ (UAV) RQ-170 bị hạ gục bởi Iran thời gian gần đây đang làm dấy lên “quan ngại sâu sắc” trong một bộ phận lớn giới phân tích phương Tây về khả năng ngày càng tinh vi của Iran để tiến hành chiến tranh mạng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng việc Iran tuyên bố “tóm” được RQ-170 của Mỹ chỉ là trò bịp bợm. Họ nhấn mạnh rằng Iran còn lâu mới có khả năng gạ gục RQ-170 dễ dàng đến thế khi UAV này được trang bị hệ thống radar làm nhiễu sóng điện tử tối tân nhất.
Song không quan tâm đến vấn đề ai đúng ai sai trong trường hợp này thì tai nạn của RQ-170 rõ ràng chứng minh người Mỹ đang ngày càng để mắt theo dõi chặt chẽ hơn đến khả năng hạt nhân của Iran.
Theo nhiều nguồn tin, UAV RQ-170 bị "gạ gục" khi đang "lượn lờ" trên lãnh thổ Iran để thực hiện nhiệm vụ mà người ta giao phó cho nó là do thám chương trình hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo.
Và không chỉ RQ-170, nhiều người tin rằng trong những năm qua, với những thành tựu rực rỡ trong công nghệ chế tạo máy bay không người lái, Mỹ không ngừng phái đi nhiều loại UAV do thám khác nhau xâm nhập Iran với chung một mục đích là tìm kiếm, phát hiện các cơ sở hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, song song với các hoạt động do thám ngầm, Mỹ và đồng minh của Mỹ, tiêu biểu là Israel liên tục gây áp lực đòi Iran phải chấm dứt ngay chương trình hạt nhân của họ.
Mới đây nhất, dựa trên những thông tin dò rỉ từ báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế về chương trình hạt nhân của Tehran, “đồng minh ruột” của Mỹ, Israel còn mạnh bạo tuyên bố sẽ tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo.
 
Song phần lớn giới phân tích nhận định tấn công vào Iran hay vào các cơ sở hạt nhân của nước này chỉ có thể làm gián đoạn chương trình hạt nhân của Iran trong một vài năm chứ không thể chấm dứt nó.
Ngược lại, tấn công Iran sẽ vô hình chung giúp nước này có cớ để phát triển vũ khí hạt nhân một cách hợp pháp như là một biện pháp tự vệ. Thậm chí, Tehran còn có thể giành được sự cảm thông, ủng hộ từ cộng đồng thế giới.
Do đó, đã đến lúc các nhà lãnh đạo trên thế giới cần chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để chung sống với một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân trong tương lai gần, ngay cả khi điều này vẫn chưa được kiểm chứng.
Lý do là Iran không đời nào đình chỉ chương trình hạt nhân của họ. Chính sách hạt nhân của Chính phủ Iran không chỉ nhận được được sự ủng hộ mạnh mẽ đến từ phần lớn người dân trong nước mà còn nhận được sự tán đồng từ ngay cả các chính trị gia đối lập.
Người dân Iran tự nguyện làm tấm khiên bảo vệ cơ sở hạt nhân của họ. Ảnh minh họa: Undhimmi.
“Không ai ở Iran chấp nhận chấm dứt chương trình hạt nhân”, ông Mir-Hossein Moussavi, từng là ứng cử viên Tổng thống của phe đối lập năm 2009 tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times.
Đáng chú ý là Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Ehud Barak trong một lần xuất hiện trên chương trình “Charlie Rose”, cũng thẳng thắn thừa nhận nếu ông là một Bộ trưởng trong nội các Iran, ông có thể cũng ủng hộ chương trình hạt nhân.
“Có lẽ. Tôi không tự lừa dối bản thân mình rằng người Iran phát triển vũ khí hạt nhân chỉ bởi quan ngại các mối nguy tiềm tàng từ Israel mà do nhận thấy xung quanh họ, người Trung Quốc có vũ khí hạt nhân, người Ấn Độ, người Pakistan đều phát triển vũ khí hạt nhân và Nga thì khỏi phải bàn”, ông Ehud Barak thẳng thắn trả lời khi nhận được câu hỏi liệu ông có ủng hộ chương trình hạt nhân nếu là một Bộ trưởng trong Chính phủ Iran.
Tuy nhiên, trong phát biểu này, Ehud Barak cố tình làm ngơ một vấn đề quan trọng.  Đó là chính hạm đội được trang bị vũ khí hạt nhân lẫn không được trang bị vũ khí hạt nhân của Mỹ Vịnh Péc Xích và vùng biển Arab, được xem như là mối đe dọa an ninh quốc gia Iran, mới chính là điều tác động mạnh mẽ nhất đến các nhà hoạch định chính sách nước này.
Nó hình thành mối quan ngại chung bất chấp bản chất chế độ mà Chính phủ nước này theo đuổi.
Ngoài ra, quyết định xâm lược một Iraq hoàn toàn không dính dáng gì đến vũ khí hạt nhân trong khi ngừng đối đầu quân sự với một Triều Tiên được bảo kê bởi vũ khí hạt nhân của người Mỹ rõ ràng nhắc nhở người Iran rằng khả năng hạt nhân dẫu còn thô sơ sẽ giúp họ ngăn chặn khả năng Mỹ và các đồng minh của họ tấn công vào Tehran, lật đổ chế độ mà họ theo đuổi.
Từ đó, có thể chắc chắn rằng Iran sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân dù Mỹ và Israel có cứng rắn đến mấy. Vấn đề đặt ra là nếu không ai có thể làm gì để ngừng Iran lại thì cách tốt nhất là chung sống hòa bình với họ.
Mỹ nên làm gì?
Mỹ, thay vì tiếp tục đối đầu trực tiếp và tỏ thái độ thù địch với Cộng hòa Hồi giáo thì nên tìm cách để chương trình hạt nhân của Iran ít đe dọa nhất đến lợi ích của họ. Có hai chiến lược mà Mỹ có thể sử dụng.
Đầu tiên là, Mỹ cần tích cực thúc đẩy ý tưởng về một khu vực phi vũ khí hạt nhân ở Trung Đông (NWFZ) bao gồm cả Israel và Iran.
Thực tế là cách đây vài năm, Iran đã ủng hộ lời kêu gọi cho một NWFZ và gần đây nhất là tại Hội nghị giải trừ quân bị hạt nhân tháng 4/2010 được tổ chức tại chính Tehran, với điều kiện là Israel cũng phải hưởng ứng kêu gọi này.
Tuy nhiên, khó khăn cho Mỹ trong chiến lược thúc đẩy NWFZ ở Trung Đông là Israel sẽ tuyệt đối không chấp thuận đề nghị này trước khi xung đột giữa người Palestine và người Israel tìm được giải pháp giải quyết triệt để.
Trớ trêu hơn là, Chính phủ Mỹ thậm chí chưa chắc có thể thuyết phục Quốc hội ủng hộ cho giải pháp này huống hồ là thuyết phục Chính phủ Israel. Lý do là từ trước đến nay chính sách hạt nhân của Israel luôn được nhiều nghị sỹ Mỹ ủng hộ nhiệt tình. Do đó, thúc đẩy NWFZ ở Trung Đông dường như trở nên khá viễn vông.
Chiến lược thứ hai cho Mỹ là chấp nhận chung sống hòa bình với một quốc gia hạt nhân Iran mới trong tương lai và nên bắt đầu tiến trình thảo luận về cấu trúc an ninh trong tương lai ở một Trung Đông rộng lớn hơn mà quan trọng hơn nữa là ở vùng vịnh Péc Xích, nơi vai trò và tầm ảnh hưởng của Iran là không thể phủ nhận.
Điều này đặt ra một yêu cầu quan trọng cho Mỹ là phải từ bỏ chiến lược cô lập Iran mà họ vẫn đang áp dụng thời gian qua, thay vào đó bằng chiến lược lắng nghe và cố gắng đáp ứng các nguyện vọng hợp lý của Tehran chứ không phải là đối đầu, thù địch với họ.
Cách tiếp cận đối với Ấn Độ vào những năm 1990 và những năm 2000 của Washington có thể là mô hình cho lựa chọn này.
Ngoài ra, Nhà Trắng cũng cần công nhận vai trò và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của Iran tại vịnh Péc Xích như họ từng thừa nhận vai trò của Ấn Độ ở Nam Á.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần tìm cách để giảm nhẹ “mối quan ngại sâu sắc” của các nhà hoạch định chính sách Iran liên quan đến việc họ cảm thấy đang bị bao vây bởi các cường quốc hạt nhân.
Từ việc đánh giá và xem xét những gì đã và đang diễn ra trong thời gian qua liên quan đến chương trình hạt nhân Iran, không khó để nhận ra thực tế, các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng như đe dọa tấn công quân sự vào Iran sẽ chỉ khiến nước này có thêm quyết tâm để phát triển vũ khí hạt nhân bằng mọi giá.
Đồng thời các động thái trên cũng sẽ biến Mỹ trở thành “kẻ reo rắc bão” vào khu vực Vịnh Péc Xích, mỏ năng lượng dồi dào của thế giới cũng như đặt một Trung Đông rộng lớn vào trong “chảo lửa”.
Cuối cùng, thái độ thù địch của Washington đối với Cộng hòa Hồi giáo sẽ chỉ khiến người Iran thêm tin tưởng và ủng hộ Chế độ mà Chính phủ nước này theo đuổi, thành kiến hơn và ghẻ lạnh với các giá trị dân chủ và tự do mà người Mỹ đang nỗ lực phổ biến rộng rãi trên phạm vi toàn cầu, tác động tiêu cực đến lợi ích lâu dài của người Mỹ.
Lê Dung (theo CNN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang