Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Sự kiện quốc phòng nổi bật Việt Nam năm 2011

Năm 2011 tiếp tục chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại trong hoạt động đối ngoại và hiện đại hóa Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Năm 2011 tiếp tục là một năm có nhiều sự kiện quan trọng tăng cường vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam nói chung và Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Đặc biệt, đối với Hải quân Nhân dân Việt Nam, năm 2011 có thể xem là năm bản lề đối với quá trình tiến thẳng lên hiện đại hóa nhằm đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới, đúng như tinh thần mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã nêu ra trước đó.

Đối ngoại quốc phòng Shangri-la 10

Năm 2011 được đánh giá là thành công về đối ngoại quốc phòng với nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế giữa Việt Nam và các bên liên quan, cả đa phương và song phương.

Trong đó, Đối thoại Shangri-la 10 tổ chức vào tháng 6/2011, là cơ hội tốt để Việt Nam bày tỏ quan điểm của mình đối với các vấn đề quốc tế, đặc biệt là vấn đề biển Đông. Đối thoại Shangri-la 10 được tổ chức từ ngày 3-5/6/2011 tại Singapore, đoàn đại biểu quốc phòng Việt Nam do Bộ trưởng Phùng Quang Thanh dẫn đầu.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã nêu ra 4 vấn đề mấu chốt để giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, nêu rõ sự tăng cường hợp tác giữa các bên có liên quan theo luật pháp quốc tế là yếu tố then chốt để các tranh chấp không rơi vào ngỏ cụt, tránh làm căng thẳng thêm tình hình trên biển Đông.

ANCM-5

Tổ chức từ ngày 27-29/7/2011, Hội nghị Tư lệnh hải quân ASEAN ANCM-5 được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị là cơ hội tốt để các nước ASEAN tìm ra được tiếng nói chung trong các vấn đề an ninh trên biển Đông.

Tại Hội nghị, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác trao đổi giữa hải quân các nước trong khu vực như gửi tín hiệu lời chào đối với các phương tiện đường không và đường biển, giao lưu sĩ quan trẻ, thiết lập đường dây nóng...

Hội nghị lần này là sự tiếp nối của các hoạt động trao đổi quốc phòng trong khối ASEAN như: Hội nghị Tư lệnh Không quân các nước ASEAN (AACC) năm 2010; Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN (ACAMM) năm 2006 và Hội nghị những người đứng đầu Quân y các nước ASEAN (ACMMC) năm 2011.

HACGAM-7

Cũng liên quan đến vấn đề an ninh biển, Hội nghị lãnh đạo cảnh sát biển châu Á (HACGAM-7) được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27/10/2011, có sự tham gia của đại diện 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, có chủ đề "Tăng cường hợp tác thiết thực, chia sẻ thông tin, an ninh và an toàn trên biển".

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh (nay là Thượng tướng) Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bày tỏ hy vọng, Hội nghị sẽ đưa ra được những đề xuất cụ thể và sáng kiến hợp tác thiết thực giữa lực lượng cảnh sát biển châu Á. Cũng tại đây, ông đã kêu gọi lực lượng cảnh sát biển đối xử nhân đạo với ngư dân và "không để các hành động bạo lực diễn ra với những ngư dân đang làm ăn trên biển".
Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ AK Antony trong chuyến thăm Việt Nam.
Ngoài hợp tác đa phương, năm 2011 ghi nhận những thành công vượt bậc trong hợp tác quốc phòng song phương giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, năm 2011 được xem là một năm quan trọng đối với hợp tác quốc phòng song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ. 

Sự hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ nằm trong khuôn khổ thỏa thuận xây dựng đối tác chiến lược mà lãnh đạo nhà nước hai bên đã xác nhận vào năm 2009. 

Trong tháng 9/2011, Việt Nam và Ấn Độ đã tổ chức Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng lần thứ 6, dưới sự đồng chủ trì của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và ngài Shashi Kant Sharma, Thư ký Quốc phòng Cộng hòa Ấn Độ.

Ngày 28/11, đoàn cán bộ cấp cao Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đến thăm Ấn Độ nhằm hiện thực hóa các cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng giữa đội bên. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Ấn Độ đã cam kết hỗ trợ toàn diện cho LLVT Việt Nam, tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội, đảm bảo an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải trong tình hình mới. 

Ấn Độ đang cung cấp các trang thiết bị thay thế, nâng cấp cho các tàu chiến mà Liên Xô chuyển giao cho Hải quân Việt Nam trước đây như: Tàu khu trục lớp Petya, tàu tên lửa cao tốc Osa-II…Ấn Độ cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng hạm đội tàu ngầm, một lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với Hải quân Việt Nam, ngoài ra, Ấn Độ cũng xem xét đưa Việt Nam vào danh sách đầu tiên trong các quốc gia xuất khẩu tiềm năng cho tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos, một sản phẩm hợp tác giữa Ấn Độ - Nga. 
Năm 2011 cũng đánh dấu nhiều bước tiến trong hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các đối tác từ phương Tây.

Ngày 1/8/2011 Việt Nam và Mỹ đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác y tế, thiết lập các cuộc giao lưu, hợp tác nghiên cứu y học quân sự . Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa đôi bên, đặc biệt là các hợp tác về quốc phòng, một lĩnh vực mà nhiều năm qua cả Việt Nam và Mỹ đều tiến hành một cách thận trọng.

Ngày 19/9/2011, Đối thoại chính sách quốc phòng Việt - Mỹ lần thứ 2 đã được tổ chức tại Washington. Cuộc đối thoại có sự tham dự của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, và ông Robert Scher, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Với tinh thần thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau, tại cuộc đối thoại này, hai bên bày tỏ hài lòng về những kết quả hợp tác quốc phòng song phương trong thời gian qua.

Cũng trong tháng này, Hội thảo về triển vọng tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Israel, được tổ chức với một loạt các các cuộc hội đàm về hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Tại đây, Việt Nam đã yêu cầu Israel cung cấp các hệ thống điện tử do thám tầm xa cũng như giúp Việt Nam nâng cấp một số trang thiết bị từ thời Liên Xô. Phía Israel cũng đề nghị Việt Nam sản xuất thùng chứa đạn pháo cho Israel.

Trong khuôn khổ hợp đồng mua thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter Series 400 từ Canada, Việt Nam đã gửi đoàn phi công đầu tiên sang nước bạn để tiến hành đào tạo sử dụng thủy phi cơ này cùng các hệ thống liên quan.
Đây là lần đầu tiên một đoàn phi công Việt Nam được gửi sang một nước phương Tây để đào tạo lái máy bay quân sự. Sự kiện này đánh dấu một bước chuyển hướng quan trọng trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp trang thiết bị cho quốc phòng vốn lâu nay chủ yếu phụ thuộc vào Nga và một số nước Đông Âu khác.

Việc mua thủy phi cơ từ Canada còn mở ra hướng tiếp cận các công nghệ điện tử hàng không hiện đại của phương Tây, một lĩnh vực còn khá xa lạ đối với quân đội Việt Nam. Bên cạnh đó, quan hệ ngoại giao với Mỹ đang được cải thiện theo chiều hướng tốt đẹp, triển vọng trong tương lai gần, quân đội Việt Nam sẽ được sở hữu các trang bị khí tài hiện đại hơn từ phương Tây.

Ngoài việc mở rộng quan hệ quốc phòng song phương với các đối tác mới ở phương Tây, năm 2011 Việt Nam còn củng cố mối quan hệ song phương với các đối tác truyền thống như Nga, Belarus, Pháp... Hải quân Việt Nam cũng tổ chức tuần tra chung với Hải quân Trung Quốc, đón tàu 3 chiến hạm thuộc Hạm đội 7 của Mỹ, tàu khu trục Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc tới thăm Việt Nam.

Hiện đại hóa quân đội Gepard 3.9

Trung tuần tháng 3/2011, đánh dấu một sự kiện trọng đại của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 đầu tiên đã cập cảng Việt Nam.

Buổi lễ tiếp nhận tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 được đặt tên là HQ-011 Đinh Tiên Hoàng diễn ra với sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Hải quân Việt Nam cùng với đối tác Nga. 

Sự có mặt của HQ-011 Đinh Tiên Hoàng trong biên chế đưa Hải quân Việt Nam sánh vai cùng hải quân các nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Malaysia.

Sau sự kiện này, đến ngày 22/8/2011, Việt Nam nhận thêm chiếc Gepard-3.9 thứ hai và đăt tên là HQ-012 Lý Thái Tổ. Thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến (nay là Đô đốc Hải quân Nhân dân Việt Nam) căn dặn mỗi cán bộ chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam nói chung, sỹ quan, thủy thủ tàu HQ-012 Lý Thái Tổ nói riêng cần ra sức học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm để quản lý, bảo quản và sử dụng có hiệu quả con tàu hiện đại mang tên vị vua nổi tiếng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Sự kiện tiếp nhận hai tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9 đưa Hải quân Nhân dân Việt Nam lên một tầm cao mới.
Hệ thống Bastion
Năm 2010, Việt Nam đã nhận hệ thống K-300P Bastion đầu tiên và hệ thống thứ 2 về Việt nam trong khuôn khổ hợp đồng đã ký với Nga vào năm 2005. 

K-300P Bastion là hệ thống phòng thủ bờ biển di động được đánh giá hiện đại nhất thế giới, sự có mặt của K-300P có ý nghĩa chiến lược đối với công tác đảm bảo toàn vẹn chủ quyền lãnh hải và an ninh hàng hải quốc gia, nhất là đối với Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3000km.

Ngoài việc tiếp nhận hệ thống K-300P Bastion thứ 2 này, Việt Nam còn đàm phán mua thêm 2 tổ hợp phòng thủ bờ biển K-300P Bastion .
Cùng với đó, truyền thông Nga cũng tiết lộ khả năng nước này chuyển giao công nghệ, giúp Việt Nam tự chủ sản xuất tên lửa chống hạm Yakhont trong nước.
Tiêm kích đa năng Su-30MK2V
Trong khuôn khổ hợp đồng mua 8 chiếc tiêm kích đa năng Su-30MK đã ký với Nga năm 2009, ngày 22/6/2011 phía Nga đã chuyển giao 4 chiếc tiêm kích đa năng Su-30MK đầu tiên của hợp đồng này cho Việt Nam. Ngoài hợp đồng mua 8 chiếc của năm 2009, năm 2010 Việt Nam cũng đã ký hợp đồng mua thêm 12 chiếc nữa.

Phía Nga cam kết sẽ bàn giao nốt số máy bay còn lại của hai hợp đồng nói trên trước cuối năm 2011 đưa Không quân Việt Nam trở thành quốc gia sở hữu phi đội tiêm kích đa năng Su-30MK2 đông đảo nhất khu vực Đông Nam Á, thậm chí châu Á (sau Ấn Độ và Trung Quốc).

Su-30MK2 được cải tiến một số hệ thống điện tử theo yêu cầu nhiệm vụ của Không quân Việt Nam, tiêm kích này đã được tăng cường khả năng tác chiến trên biển với các hệ thống điện tử và vũ khí mới. 

Các hệ thống điện tử cải tiến cho phép Su-30MK2 của Việt Nam có khả năng theo dõi 10  mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu trên không cùng lúc hoặc 2 mục tiêu mặt đất. 4 chiếc Su-30MK2 mới được chuyển giao, cùng 4 chiếc đã được chuyển giao trước đó nâng cao đáng kể sức mạnh tác chiến của Không quân Việt Nam. Với 16 chiếc còn lại sẽ được chuyển giao trong thời gian tới, Không quân Việt Nam sẽ có một vị thế hoàn toàn mới. 

Tàu tuần tra cao tốc Svetlyak

Ngày 20/10/2011, tại nhà máy đóng tàu Almaz của Nga  đã tiến hành ký kết văn bản bàn giao tiếp hai tàu tuần tra cao tốc Svetlyak cho Hải quân Việt Nam . 

Hai tàu tuần tra cao tốc mang số hiệu tạm thời là 044 và 045 sẽ được tiến hành các thử nghiệm trong tháng 10/2011 và sẽ được chuyển về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, 2 tàu tuần tra cao tốc khác mang số hiệu tạm thời là 420 và 421 cũng đang được gấp rút hoàn thành để bàn giao cho Việt Nam.

Năm 2002, phía Nga đã bàn giao cho Việt Nam 2 tàu tuần tra cao tốc Svetlyak đầu tiên theo hợp đồng đã ký trước đó, như vậy với 2 tàu vừa được bàn giao cùng với 2 tàu khác đang được gấp rút hoàn thành, tương lai gần Hải quân Viêt Nam sẽ có trong biên chế 6 tàu tuần tra cao tốc loại này.

Số tàu tuần tra cao tốc này sẽ nâng cao đáng kể khả năng tuần tra đảm bảo an ninh hàng hải và chủ quyền trên biển của Việt Nam, một lĩnh vực bấy lâu nay còn yếu kém của Hải quân Việt Nam.

Đóng tàu pháo TT-400TP

Sự kiện đóng thành công tàu pháo TT-400TP của nhà máy Z-173 (Công ty đóng tàu Hồng Hà) mở ra một hướng đi mới cho công nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam. Điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên Việt Nam tự thiết kế một loại tàu chiến trên cơ sở mua bản vẽ thiết kế sơ bộ từ nước ngoài.
Tàu pháo TT-400TP bước chuyển mình quan trọng của công nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam.
Đội ngũ kỹ sư, thiết kế của nhà máy Z-173 đã thiết kế hoàn chỉnh tàu pháo TT-400TP trên cơ sở bản vẽ sơ bộ mua của nước ngoài theo công nghệ hiện đại. Thông qua việc đóng mới tàu pháo TT-400TP, nhà máy Z-173 đã xây dựng hoàn chỉnh bộ tài liệu kỹ thuật công nghệ đóng tàu pháo TT-400TP.

Việc làm này vừa từng bước làm chủ công nghệ thiết kế tàu chiến cho các kỹ sư Việt Nam vừa tiết kiệm đáng kể ngân sách quốc gia so với việc mua bản vẽ thiết kế toàn bộ. Điều quan trọng hơn cả, sự thành công của tàu pháo TT-400TP đã đặt nền móng vững chắc cho ngành công nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam. 

Điều đó cho thấy rằng, Việt Nam đủ khả năng để làm chủ các công nghệ hiện đại để đóng mới các tàu chiến khác có công nghệ cao hơn, từng bước làm chủ trang bị khí tài cho quân đội, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Nhận tàu hộ tống tên lửa Molnya

Nằm trong khuôn khổ hợp đồng chuyển giao công nghệ đã ký trước đó với đối tác Nga, năm 2011 nhà máy đóng tàu Vympel tiếp tục chuyển giao các thiết bị và công nghệ cần thiết để hoàn thiện 6 tàu hộ tống tên lửa Molnya tại Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ hợp đồng chuyển giao công nghệ lần này, phía Ukraine đã chuyển giao cho Việt Nam 4 động cơ tuabin khi để hoàn thiện các tàu hộ tống tên lửa Molnya nói trên.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ đóng tàu hộ tống tên lửa Molnya là cơ sở quan trọng để Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ đóng tàu chiến hiện đại. 
Quốc Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang