Châu Á- Thái Bình Dương bước vào thời đại hải quân, chạy đua hiện đại hóa tàu ngầm, tàu tàng hình và tàu ngầm không người lái, cạnh tranh Mỹ-Trung chủ đạo.
Về mặt quân sự, 2011 là năm hải quân lên ngôi. Châu Á-Thái Bình Dương bước vào thời đại hải quân. Ngoại giao pháo hạm diễn ra ở khắp các vùng biển Đông Á. Hầu hết các nước có biển đều mua sắm tàu chiến, theo đuổi hiện đại hóa hải quân. Mỹ và Trung Quốc chủ đạo cuộc cạnh tranh hải quân. Trong quá trình này, các nước ven biển không chỉ đóng hoặc mua sắm tàu lớn, trang bị mạnh, đa tính năng, mà còn chú trọng trang bị các loại tàu thông thường phù hợp với các chức năng khác nhau của phòng ngự bờ biển: Tàu lặn, tàu ngầm cỡ nhỏ, tàu ngầm không người lái...
Tàu ngầm nhỏ nhưng có tác dụng không nhỏ: để đối phó với tàu ngầm đối phương xâm nhập hải phận quốc gia hoặc bảo vệ các trọng điểm kinh tế, quốc phòng. Tàu ngầm không người lái sẽ trở nên phổ biến. Thậm chí, có loại được sản xuất để thả vào những điểm xung yếu dưới biển (kể cả biển đối phương), sẽ được kích hoạt vào thời điểm cần thiết... Các loại vũ khi này sẽ được chú ý phát triển trong thời đại hải quân lên ngôi.
Mỹ tạo thế trận liên hoàn hải quân
Mỹ thực hiện sự chuyển dịch lớn trong chiến lược quân sự kể từ sau chiến tranh lạnh. Chiến lược năm 2011 phản ánh xu hướng chuyển mạnh trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương – “chìa khóa cho các lợi ích an ninh của Mỹ trong thế kỷ 21”, như lời tân Bộ trưởng Quốc phòngLeone Panetta. Mặc dù ngân sách hàng năm của hải quân có thể bị cắt giảm 4,5%, nhưng Mỹxây dựng một kế hoạch nghiên cứu và phát triển hải quân toàn diện để khai thác những tiến bộ công nghệ như các máy bay không người lái, tàu ngầm không người lái và hệ thống không gian vũ trụ...
Changi - căn cứ hải quân Singapore, trở thành một trong các cứ điểm tiền tiêu chiến lược của hải quân Mỹ
Đối với quân đội Mỹ, thời kỳ mua sắm vũ khí khổng lồ sau sự kiện 11/9 đã kết thúc. Hải quân Mỹbị xem là mua quá nhiều vũ khí trang bị đắt tiền như tàu khu trục trị giá từ 3-6 tỷ USD, tàu ngầm 7 tỷ USD và tàu sân bay 11 tỷ USD, mà chưa quan tâm thích đáng tới các loại vũ khí ít tốn kém hơn và tàu ngầm không người lái và tàu chiến nhỏ hoạt động ven bờ. Lực lượng hải quân Mỹ có 284 tàu chiến, có thể cắt giảm xuống còn 215 tàu trong tương lai gần, duy trì nhóm 11 tàu sân bay. Dù khó khăn tài chính, vai trò hải quân Mỹ ngày càng tăng chứ không giảm.
Hải quân Mỹ hiện có số tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhiều hơn tất cả các nước trên thế giới cộng lại. Số lượng tên lửa phóng từ biển của Mỹ hiện gấp 20 lần số tên lửa của tất cả các cường quốc hải quân trên thế giới. Trong điều kiện mới, hải quân Mỹ sẽ phải tái điều chỉnh để duy trì các cam kết của mình, phần nào thông qua việc triển khai các tàu chiến và thủy thủ đoàn ở các cảng gần các “điểm yết hầu” chiến lược thay vì ở Mỹ. Hạm đội 7 có 21 tàu chiến đang đồn trú tại Nhật Bản và trên đảo Guam, cùng tàu sân bay USS George Washington, vẫn là một lực lượng tác chiến hùng hậu.
Mỹ bắt đầu chuyển dịch từng bước 2/3 binh lực và trang bị vũ khí đến các khu vực yếu điểm địa chiến lược tại châu Á, trong đó lấy Hawaii và đảo Guam làm trung tâm. Mới đây nhất, Mỹ quyết định triển khai 2.500 thủy quân lục chiến tại Australia , tăng cường quan hệ quân sự với các đồng minh ở châu Á là Nhật Bản, Philippines ... Ấn Độ là một đối tác chiến lược tiềm tàng quan trọng nhất trong chiến lược Mặt nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.
Tư lệnh Tác chiến của Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert mới đây cho biết hải quân Mỹ sẽ tăng cường chú trọng tới “các giao lộ hàng hải chiến lược” ở châu Á-Thái Bình Dương và có kế hoạch “đưa một số tàu chiến bảo vệ bờ biển mới nhất tới đóng tại cơ sở hải quân của Singapore... Điều này sẽ giúp hải quân (Mỹ) duy trì vị thế tiền tiêu trên toàn cầu với số lượng tàu chiến và máy bay nhỏ hơn so với hiện nay”.
Những hành động này là nhằm xây dựng lại sức mạnh răn đe đối với Trung Quốc. Những lực lượng nhỏ đóng rải ra ở nhiều địa điểm trọng yếu sẽ phân tán sự chú ý và tiềm lực hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc trên đường xây dựng hải quân cường quốc
Với sự tự tin và ngày càng quyết đoán, hải quân Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh đại dương, từ các cảng dầu lửa ở Trung Đông cho đến những tuyến đường hàng hải của Thái Bình Dương, được gọi là chiến lược “phòng thủ biển xa”. Tốc độ xây dựng nhanh mạnh năng lực “biển xanh” đã vượt xa mọi sự tiên liệu của giới quan sát quốc tế.
Trung Quốc đã thay đổi “ý thức lục địa” bao thế kỷ để đạt tới nhận thức mạnh mẽ rằng hải dương chính là mặt trận tiền tiêu cuối cùng của họ. Chiến lược mới tạo ra bước đột phá so với học thuyết hẹp đối phó với Đài Loan và bảo vệ vùng duyên hải trước đây. Các đô đốc hải quân Trung Quốc muốn các chiến hạm hộ tống các tàu thương, tạo ảnh hưởng lớn trên biển và áp đặt điều mà họ cho là “các lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông) và Hoa Đông.
Tạp chí Thời đại (Mỹ) nhận xét: Sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc có thể so sánh với Hải quân Hoàng gia Anh thời kỳ Nữ Hoàng Victoria và Hải quân Mỹ thời kỳ Chiến tranh lạnh. Hiện tại sức mạnh hải quân của Trung Quốc vẫn chỉ ở tầm khu vực, nhưng đến một thời điểm nào đó sẽ thay đổi hẳn tình thế.
Sơ đồ tác chiến của hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion - P thuộc lực lượng hải quân Việt Nam
Một nhân tố của chiến lược mới của hải quân Trung Quốc là mở rộng phạm vi tác chiến ra xa ngoài khơi Biển Đông tới khu vực “chuỗi đảo thứ hai”, gồm các hòn đảo và đá san hô ở Thái Bình Dương, vùng biển từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai do hải quân Mỹ kiểm soát. Hải quân Trung Quốc tiếp tục tiến sát vùng đảo tranh chấp với Nhật Bản; các đội tàu hỗn hợp gồm tàu ngầm và tàu khu trục cũng tăng tần suất qua lại các đảo của Nhật Bản trên đường tới Thái Bình Dương. Số lượng tàu ngầm hạm đội Đông Hải đã xấp xỉ số tàu ngầm mà Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản hiện có. Nhật Bản đã phải gấp rút quyết định bổ sung 6 tàu ngầm lên 22 chiếc cùng với 2 chiếc tàu ngầm huấn luyện.
Theo các số liệu từ năm 2009, lực lượng hải quân của Trung Quốc có khoảng 260 tàu chiến, trong đó có hơn 60 tàu ngầm, trong đó có 12 chiếc lớp Kilo đời cũ. Nhưng việc hải quân Trung Quốc nhận được hơn 1/3 tổng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc (Lầu Năm Góc ước tính Ngân sách quốc phòng tài khóa 2010 khoảng 105-150 tỷ USD), có thể thấy hải quân Trung Quốc chú trọng nâng cao chất lượng hải quân của họ. Bên cạnh đó, Trung Quốc xây dựng các lực lượng dân sự, cảnh sát biển bán vũ trang để làm nhiệm vụ “chấp pháp” biển, như Lực lượng thực thi luật ngư nghiệp, Lực lượng hải giám, Lực lượng bảo vệ bờ biển.
Trong tương lai không xa, tàu chiến mới chế tạo chắc chắn tính năng tàng hình sẽ hoàn thiện hơn, từ tàng hình cục bộ từng bước phát triển thành tàng hình toàn diện. Chức năng tàu chiến cũng sẽ được đa dạng hóa, đảm nhận các nhiệm vụ chống hạm, phòng không, chống ngầm và tấn công đất liền. Hiện đại hóa cũng đề ra nhiệm vụ tin học hóa và chính xác hóa hệ thống vũ khí.
Ngoài tàu sân bay Thi Lang đưa vào hoạt động thời gian gần đây, Trung Quốc khẩn trương đóng mới 2 tàu sân bay để có thể hạ thủy giữa thập kỷ này. Trung Quốc còn chú trọng phát triển tàu ngầm do thám âm thầm, là điều quan trọng nhất đối với tàu ngầm, và đến một thời điểm nào đó, Trung Quốc sẽ đạt trình độ cao trên lĩnh vực này.
Hoạt động hải quân của Trung Quốc vừa qua tập trung vào ba mũi nhọn: Trở thành một lực lượng răn đe trong khu vực, thu lượm những kinh nghiệm tác chiến và thúc đẩy hợp tác hải quân có chọn lọc. Ngày 6/12/2011, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh “Trung Quốc phải đẩy nhanh thúc đẩy xây dựng chuyển đổi hải quân” và “sẵn sàng đấu tranh quân sự”.
Hải quân Trung Quốc sẽ sớm có hạm đội tàu ngầm đông đảo hơn cả hải quân Mỹ, song các tàu ngầm Trung Quốc bị cho là kém hiện đại, tụt hậu về khả năng hoạt động âm thầm không chỉ so với Mỹ mà còn so với tàu ngầm Nga, Nhật Bản. Trung Quốc tiếp tục chế tạo tàu ngầm hạt nhân “mẫu 096” với số lượng trên 10 chiếc, trong đó trang bị tên lửa Cự Lang-2 hoặc các loại tên lửa xuyên lục địa tiên tiến. Trung Quốc có thể đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân. Các tàu này ngày càng xuất hiện nhiều tại Tây Thái Bình Dương.
Tàu ngầm cỡ nhỏ của hải quân Trung Quốc để do thám và có thể thực hiện các cuộc tập kích hoặc phá các dàn khoan dầu ngoài khơi của đối phương
Hiện nay, Hải quân Trung Quốc đứng thứ ba thế giới về tổng lượng trọng tải của tàu chiến, nhưng trọng tải bình quân của mỗi đơn vị tàu chiến không lớn. Tàu khu trục “Giang Nam- 4” do Trung Quốc tự chế tạo trọng tải thiết kế là 7.000 tấn. Còn 4 tàu khu trục thế hệ mới, được mệnh danh là “Chinese Aegis” mà Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo trọng tải chắc chắn sẽ lớn hơn, có thể là tàu khu trục tên lửa cỡ lớn với lượng giãn nước trên 10.000 tấn. Về tàu hộ vệ tên lửa, hiện nay Hải quân Trung Quốc đã được trang bị tàu thế hệ mới có lượng giãn nước đủ tải là 4.500 tấn. Tàu đổ bộ cỡ lớn “Côn Lôn Sơn- 998” loại “071” mới nhất của Hải quân Trung Quốc có lượng giãn nước đạt gần 20.000 tấn, hay tàu bệnh viện loại mới nhất cũng có lượng giãn nước trên 10.000 tấn và lượng giãn nước của tàu tiếp tế hậu cần viễn dương cỡ lớn “Vi Sơn Hồ- 887” đạt gần 30.000 tấn...
Tại vùng biển Tây Thái Bình Dương, hải quân Mỹ vẫn chiếm ưu thế về chất lượng. Trung Quốc vẫn còn một quãng đường dài mới có thể có một lực lượng hải quân đủ năng lực trở thành một cường quốc hải quân (kế hoạch là tới năm 2050). Song phát triển hải quân sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong chính sách quốc phòng Trung Quốc. Một khi Trung Quốc có các tổ hợp tàu sân bay, tình hình sẽ thay đổi, phần lợi thế sẽ nghiêng về Trung Quốc.
Để bảo đảm duy trì tương quan lực lượng hải quân tại châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đang chú trọng thúc đẩy các quốc gia đồng minh hiện đại hóa lực lượng hải quân của mình. Những năm tới, cuộc chạy đua hiện đại hóa hải quân ở khu vực rộng lớn này chỉ có tăng chứ không giảm, tuy chưa đến mức tạo ra cuộc chạy đua vũ trang trên biển theo nghĩa cổ điển Chiến tranh lạnh./.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường
Nguồn BAOTOQUOC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)