Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Nghiên cứu chiến lược quốc phòng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc


Các quốc gia trên thế giới đều quan tâm nghiên cứu chiến lược, đặc biệt là chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, an ninh. Đó là yêu cầu tất yếu khách quan, bởi chiến lược là tổng thể phương châm, chính sách và mưu lược được hoạch định, nhằm đạt mục đích có lợi nhất. Đối với nước ta, cùng với những thành tựu của công cuộc đổi mới, lĩnh vực nghiên cứu về chiến lược quân sự, quốc phòng đã có bước phát triển toàn diện, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược còn những bất cập, hạn chế như: Mô hình tổ chức còn dàn trải; công tác nắm, nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình có mặt chưa cụ thể, chưa kịp thời; một số vấn đề lý luận quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chưa được làm sáng tỏ; công tác tham mưu, tư vấn đề xuất kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế… Do vậy, các cơ quan nghiên cứu chiến lược cần quán triệt và thực hiện tốt định hướng nhiệm vụ nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội năm 2011-2020, mà Đại hội XI của Đảng đã xác định: “Làm tốt nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo xu hướng phát triển, cung cấp luận cứ cho xây dựng đường lối, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn mới…”.    
 Trước hết, cần thấy rằng, quân sự, quốc phòng là lĩnh vực “có nhiều ẩn số”, do tính chất cơ mật, nên khó dự báo và ước đoán. Để nâng cao chất lượng nghiên cứu chiến lược quốc phòng, quân sự, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, trước hết phải nghiên cứu nắm vững bản chất, đặc điểm, xu thế biến đổi của thế giới đương đại. Đây là nội dung có tính nguyên tắc trong hoạt động quân sự, quốc phòng nhằm “biết địch, biết ta”, “biết mình, biết người”, phân biệt rõ đối tượng, đối tác, làm cơ sở để phân tích dự báo đúng đắn mục tiêu, ý đồ cả về chiến lược và sách lược của các nước; xu hướng vận động phát triển của các mối quan hệ song phương, đa phương, liên minh quân sự; tiềm năng, thực lực sức mạnh quân sự; xu hướng phát triển quân sự, quốc phòng của các nước, nhất là các nước lớn, các nước có liên quan. Trên cơ sở đó, rút ra những luận cứ khoa học có sức thuyết phục để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương có quyết sách đúng đắn chuẩn bị đất nước về mọi mặt ngay từ thời bình, chủ động ứng phó hiệu quả các tình huống về quốc phòng, quân sự, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. 
Hai là, nghiên cứu đổi mới tư duy lý luận, nhằm thống nhất nội dung, quan điểm, mục tiêu, phương châm, phương thức trong các hoạt động quân sự, quốc phòng, trong đó cần luận giải sáng rõ các vấn đề: Chuyển tư duy quân sự trong chiến tranh giải phóng sang tư duy quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc; từ đối phó với chiến tranh thông thường sang đối phó với chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh mạng; từ đối phó với hoạt động quân sự thuần túy sang đối phó với các đòn tiến công toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, tư tưởng, tâm lý, pháp lý của đối phương; các yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ tổ chức quân sự, phát triển công nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc bằng phương thức phi vũ trang…
Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa…”. Như vậy, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra những yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn, cần nghiên cứu làm rõ cả về nhận thức và trách nhiệm quốc phòng; xác định đó là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
 Hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết để phát triển. Quốc phòng nhằm chống chiến tranh xâm l­ược, nếu buộc phải tiến hành chiến tranh, phải bảo đảm đánh thắng và đánh thắng một cách có lợi nhất cho sự phát triển của quốc gia, nh­ưng trư­ớc hết và tối ưu nhất là ngăn ngừa chiến tranh. Do vậy, quốc phòng phải lấy việc xây dựng, giữ vững bên trong là yếu tố quyết định, làm cho đất nư­ớc ngày càng giàu mạnh, khắc phục hiệu quả những nguy cơ “nội sinh”. “Đảng vững, dân yên, quân mạnh” sẽ tạo thế và lực vững chắc, chủ động ngăn chặn và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch… Đó là những vấn đề cốt yếu, đòi hỏi các cơ quan nghiên cứu phải luận giải.
 Các vấn đề trên nhất thiết phải có lý luận khoa học soi đường. Tuy nhiên, lý luận đích thực luôn gắn liền với thực tiễn; chính thực tiễn kiểm định rõ nhất, đầy đủ nhất các giá trị của khoa học, đồng thời thực tiễn phải được chỉ đạo tổ chức thực hiện và tổng kết bằng lý luận thì mới không bị mất phương hướng, mới khắc phục được tình trạng đi theo lối mòn, kinh nghiệm chủ nghĩa, bệnh giáo điều… Mới đây, tại hội nghị về công tác nghiên cứu lý luận, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hơn lúc nào hết, nhu cầu vận dụng sáng tạo lý luận trong thực tiễn, vượt qua tình trạng lạc hậu của lý luận và sự chậm trễ của khoa học xã hội-nhân văn so với đà phát triển mau lẹ của thực tiễn trở nên vô cùng bức thiết”…
Ba là, nghệ thuật quân sự Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm, hình thành trong công cuộc dựng nước và giữ nước chống kẻ thù xâm lược thường mạnh hơn ta nhiều lần, đã và đang được phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới cần làm rõ tính chất, đặc điểm và những quy luật của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc XHCN chống cuộc chiến tranh xâm lược tiến công bằng vũ khí công nghệ cao; làm rõ những tác động của cuộc cách mạng quân sự trong chiến tranh hiện đại để hình thành hệ thống lý luận nghệ thuật quân sự trong các loại hình tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến đấu. Cùng với đó, cần tổng kết sâu sắc những giá trị nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghiên cứu các cuộc chiến tranh gần đây, rút ra những giá trị thiết thực bổ sung vào lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bốn là, chủ nghĩa nhân văn trong Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là sự kết tinh phát triển những giá trị quân sự truyền thống của dân tộc Việt Nam, tinh hoa quân sự của thế giới và lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Trong thời kỳ mới, Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh vẫn là chân lý tỏa sáng, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Những vấn đề cơ bản như: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá kẻ thù; về lực, thế, thời, mưu; về tư tưởng chiến lược tiến công; về không gian và thời gian; về đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại… cần tiếp tục được nghiên cứu sâu cả trên bình diện lịch sử và lý luận, rút ra những giá trị thiết thực, làm cơ sở để xây dựng chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; hoàn thiện giáo trình giảng dạy về Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh trong hệ thống học viện, nhà trường phù hợp với từng đối tượng, từng cấp học
Năm là, con người là yếu tố quyết định. Lĩnh vực khoa học quân sự càng đòi hỏi đội ngũ cán bộ có trình độ học vấn cao, khả năng nghiên cứu tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức thực tiễn phong phú. Cần sớm nghiên cứu xây dựng hoàn thiện mô hình, biên chế tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nghiên cứu khoa học; xây dựng đồng bộ cơ chế phối hợp hoạt động; cơ chế bảo đảm thông tin, tư liệu cập nhật “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”; quy định cụ thể về ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; tiếp tục mở rộng quan hệ với viện nghiên cứu chiến lược của các nước đối tác phục vụ cho hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thiết thực phục vụ nhiệm vụ nâng cao chất lượng nghiên cứu chiến lược. Cần đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch mang tính tổng thể, từ tuyển chọn đến bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ nghiên cứu chiến lược; quy định cụ thể các chức danh cán bộ phải qua thực tế công tác ở đơn vị cơ sở, chế độ đi nghiên cứu thực tế trong các nhiệm vụ; có cơ chế, chính sách thu hút các cán bộ giàu kinh nghiệm, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội tham gia nghiên cứu phục vụ các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Ông cha ta từng dạy “Ngẫm xư­a, nghiệm nay, gắng tìm hiểu hưng, vong mọi lẽ”. Đó cũng là một phẩm chất quan trọng, cần có của người cán bộ nghiên cứu chiến lược. Hơn nữa, nghiên cứu chiến l­ược là suy tính về t­ương lai, nhưng không thể tách biệt với quá khứ và hiện tại để lựa chọn cái tối ư­u, có tính khả thi cao. Nghiên cứu chiến lược phải luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng làm cơ sở thế giới quan, phương pháp luận để xem xét, đánh giá, luận giải, tham mưu, tư vấn đề xuất…; có như vậy mới không bị chệch hướng và đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và nhân dân./.
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Đình Chiến

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang