Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Chiến tranh Biển Ðông liệu có xảy ra?

Mỹ vừa kỷ niệm 70 năm trận Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) - trận đánh diễn ra lúc 7:30 sáng, ngày 7 Tháng Mười Hai, 1941, làm chìm một số tàu của hạm đội Mỹ tại Thái Bình Dương.

XEM THÊM:
>> KHI NÀO BIỂN ĐÔNG SẼ THÀNH BIỂN LỬA?

Trong trận này, một số hàng không mẫu hạm Mỹ thoát nạn nhưng 6 chiến hạm bị đánh chìm và một chiến hạm khác bị hủy hoại hoàn toàn. Ngoài ra, ba khu trục hạm cùng ba hộ tống hạm cũng hư hại, tổn thất trên 350 máy bay. Số binh tử nạn là 2,400, và 1,200 bị thương.
Nhìn lại, vào thời điểm ấy, TT Franklin Roosevelt của Mỹ đang tranh chấp với Nhật tại Thái Bình Dương về vấn đề “ai làm chủ?” Cũng nên nhớ, sau Ðệ Nhất Thế Chiến, dân chúng Mỹ chán nản chi phí quốc phòng; rồi từ đó đến Ðệ Nhị Thế Chiến, chi phí quốc phòng của Mỹ liên tục giảm.
Sau một thời gian, chi phí quốc phòng quân đội Mỹ còn ít hơn quân đội Hà Lan, và hải quân giảm từ 774 tàu (vào năm 1918) xuống còn 311 tàu (vào năm 1933), với các tàu chiến hạm giảm từ 33 xuống còn 11 chiếc.
Hiện nay Mỹ đang thảo luận giảm chi phí quốc phòng $1,000 tỷ trong 10 năm tới trong khi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc (TQ) ngày càng tăng. Mới đây Tổng Thống Obama trong chuyến đi 9 ngày qua Hawaii, Canberra (Úc) và Bali (Indonesia), đã công bố chính sách mới của Mỹ tại Á Châu-Thái Bình Dương.
Tại Úc, TT Obama công bố kế hoạch “Hoa Kỳ trở lại Tây Thái Bình Dương” và gởi 2,500 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) sang Darwin, thành phố cực Bắc của Úc Châu. Úc cũng đồng ý để Hoa Kỳ dùng các căn cứ Không quân trong vùng Bắc Úc, chưa kể hai nước sẽ cùng tham gia các chương trình huấn luyện, thao dượt và hành quân chung. Nên nhớ là vùng biển Darwin, Guinea, Bornea là nơi từng có những cuộc chiến đẫm máu vào đầu thập niên 1940 giữa Hải Quân Hoa Kỳ và Nhật Bản.
TT Obama cũng nói đến Hiệp ước ANZUS (Australia-New Zeland-USA) - phòng thủ chung, ký năm 1951 tại San Francisco liên kết 3 nước Úc, Tân Tây Lan và Hoa Kỳ. Vào thập niên 1970, Hoa Kỳ ra khỏi Tây Thái Bình Dương vì nghĩ rằng sự hiện diện của Hạm Ðội 7 là đủ duy trì thế lực và bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ trong vùng. Ðiều này chỉ đúng khi Trung Quốc còn nhiều lúng túng với “Bước Nhảy Vọt” hay cuộc “Cách Mạng Văn Hóa,” và còn là một lực lượng kinh tế và quân sự chưa đáng kể. Sau 1972, Bắc Kinh trở thành “đồng minh lỏng lẻo” với Washington trong mục tiêu ngăn chận sự bành trướng của Liên Bang Xô Viết.
Kinh nghiệm quá khứ đặt cho hiện tại nhiều câu hỏi, liệu có thể có xung đột mới tại Thái Bình Dương, hệ quả của sự tranh giành quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc? Tranh chấp Mỹ-Trung tại Thái Bình Dương sẽ mang lại chiến tranh hay không? Và mâu thuẫn hiện tại có khác với thời xưa?

Tranh chấp Thái Bình Dương và Ðệ Nhị Thế Chiến 1938-1945

Vào năm 1936, Mỹ-Nhật tranh chấp tại Thái Bình Dương. Mỹ có khuynh hướng giảm chi tiêu quốc phòng và TT Rooselvelt không muốn Hoa Kỳ dính vào chiến tranh [“except as we seek to isolate ourselves from war”]. Nhật Bản lại hiểu một cách khác cũng như trường hợp Trung Quốc bây giờ (tưởng là Mỹ lo về Trung Ðông, rút khỏi Thái Bình Dương). Nhật lúc đó thì hiểu là “Á Châu do người Á Châu,” và tăng cường quân đội cùng hải quân. Thời điểm ấy, Nhật tưởng rằng Mỹ rút lui khỏi Thái Bình Dương. Nhật xâm lăng Trung Quốc vào 1938, và hành động “chết người” ấy chính là hậu quả của sự “tưởng” tai hại của Tokyo. Cái tưởng ấy chính là nền móng của chiến tranh tại Thái Bình Dương sau đó.
Năm 1938, Nhật đang buôn bán khá nhiều với Mỹ cho nên TT Rooselvelt muốn trừng phạt Nhật khi Tokyo quyết định xâm lược Trung Quốc. Sự trừng phạt được đánh dấu bằng quyết định chấm dứt hiệp định thương mại với Nhật. Vào năm 1940, Mỹ gởi hạm đội đến Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) để phô trương lực lượng và Mỹ tiếp tục trừng phạt Nhật qua việc cấm xuất khẩu sắt phế thải và xăng. Ðến năm 1941 thì Mỹ cấm xuất dầu và thép sang Nhật cũng như phong toả tài sản của Nhật tại Mỹ.
Bị “bắt bí,” Nhật chiếm Indonesia, nước sản xuất dầu, và Malaysia, nơi sản xuất cao su. Sau vụ Trân Châu Cảng, nước Mỹ lâm chiến. Kết quả là hai trái bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagazaki, và Tokyo đầu hàng vô điều kiện!

Ngày nay

Ngày nay Trung Quốc có nhiều hành động và thái độ tương đồng Nhật Bản hồi Ðệ Nhị Thế Chiến. Trung Quốc hăm dọa các nước tại Biển Hoa Nam (Biển Ðông), Biển Hoa Ðông,... trong khi nội tình Hoa Kỳ cũng đang rối rắm. Quốc Hội Mỹ không thể giải quyết một số vấn đề như trần nợ, giảm chi tiêu và quân đội Mỹ bị kẹt tại Iraq và Afghanistan. Cho đến Tháng Bảy, 2010, Trung Quốc vẫn hiểu lầm Mỹ rút khỏi Á Châu để Bắc Kinh rảnh tay.
Trong bối cảnh đó, sự cam kết mới của Hoa Kỳ tại Á Châu ra đời vào năm 2011. Tại Quốc Hội Úc, TT Obama đưa ra lời lẽ khá mạnh, cảnh báo Bắc Kinh về quyết tâm của Hoa Kỳ. Ông nói: “Hoa Kỳ là một thế lực tại Thái Bình Dương, và chúng tôi sẽ duy trì tư thế đó” (The United States is a Pacific power, and we are here to stay). Ông tuyên bố: “Sự cắt giảm ngân sách quốc phòng để giải quyết sự thiếu hụt ngân sách sẽ không - tôi lặp lại, sẽ không, làm giảm cam kết của Hoa Kỳ tại Á Châu.” Trước đó một ngày, TT Obama cảnh cáo Trung Quốc, rằng Hoa Kỳ không lo sợ sự lớn mạnh của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh phải chơi theo luật quốc tế và “chừng nào Trung Quốc chơi theo luật chơi chung, chừng nào Trung Quốc biết vị trí của mình, chừng đó chúng ta cùng có lợi.” Còn nếu Trung Quốc chơi luật giang hồ, “chúng ta sẽ cho Trung Quốc biết, không chơi theo luật quốc tế thì không xứng đáng là một siêu cường.”
Hoa Kỳ đã làm một số việc: Ðưa 2,500 quân sang đồn trú tại Darwin, Úc Châu. Ngoài ra, Úc còn đồng ý để Hoa Kỳ dùng các căn cứ Không quân trong vùng Bắc Úc Châu. Không quân hai nước sẽ cùng tham dự các chương trình huấn luyện, thao dượt và hành quân chung. Từ Darwin đến hai eo biển Malacca và Sunda là 3,500 km và 2,600 km; từ Darwin đi Trường Sa là 4,500 km. Vậy căn cứ Darwin là nơi tốt để xuất phát các cuộc hành quân tại 3 vùng, nếu cần.
Tại Á Châu, Hoa Kỳ có 28,500 quân đóng tại Nam Hàn, hơn 40,000 đóng tại Nhật và gần 13,000 trên các chiến hạm ngoài khơi Thái Bình Dương. Mục tiêu trước mắt trên lý thuyết là tạo điều kiện để thực hiện chính sách bảo vệ sự lưu thông trên Biển Ðông. Trước đây, tại Hà Nội, hồi Tháng Bảy, 2010, Ngoại Trưởng Hillary Clinton tuyên bố sự lưu thông trên Biển Ðông là “quyền lợi thiết yếu” của Hoa Kỳ (Ðây là một thực tế vì số lượng hàng hóa mậu dịch giữa Hoa Kỳ và các nước Tây Á Châu đi qua Biển Ðông lên đến $1,200 tỉ (một ngàn hai trăm tỉ).
Tại Thượng đỉnh Ðông Á tại Bali, Biển Ðông đã được quốc tế hóa và TT Obama tái xác định lập trường “tự do lưu thông,” đồng thời nhắc rằng, các tranh chấp chủ quyền phải dựa trên luật quốc tế, kể cả luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Ðối với Bắc Kinh, việc hồ sơ Biển Ðông được quốc tế hóa tại diễn đàn bao gồm 18 quốc gia là một thất bại chính trị. Hơn nữa TT Obama cũng cho bán 24 oanh tạc cơ F16-C/D cho Indonesia, giúp tàu tuần tra cho Philippines, và mới đây, Ngoại Trưởng Hillary Clinton, sau gần nửa thế kỷ tuyệt giao, đã viếng Miến Ðiện, một chế độ vốn rất gần gũi với Bắc Kinh.
Không dừng tại đây, trong phiên họp APEC - Diễn Ðàn Hợp Tác Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương - tại Hawaii, TT Obama đưa thêm “củ cà rốt” về kinh tế qua Transpacific Partnership (TPP), hay “hợp tác kinh tế qua một vùng tự do thương mại” mà không có Trung Quốc.
Tại sao không có Trung Quốc? Kinh nghiệm WTO cho thấy Trung Quốc đã trở thành quốc gia số một về xuất cảng, số hai về nhập cảng, chỉ sau Hoa Kỳ, và xuất siêu kỷ lục với Hoa Kỳ - hơn $280 tỷ Mỹ kim năm 2010. Khi xin vào WTO, Trung Quốc viện cớ còn là một nước “đang phát triển” nên đã dành được một số điều kiện tốt.
Ngoài ra Trung Quốc không tôn trọng những quy định của WTO về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cho phép Trung Quốc ăn cắp tác quyền của thiên hạ đưa đến kết quả nhảy vọt về kỹ thuật, rồi dùng kỹ thuật đó cạnh tranh với các nước khác. Trung Quốc còn có “chính sách công nghiệp” cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giúp nhà nước can thiệp vào kinh tế và nâng đỡ các doanh nghiệp của họ. Ngoài ra, Bắc Kinh còn bảo vệ khu vực kinh tế nhà nước qua các hàng rào ngoài thuế quan và được nâng đỡ tài trợ quốc doanh qua “chính sách công nghiệp.”
Với kinh nghiệm không tốt đó, Hoa Kỳ chưa mời Trung Quốc gia nhập TPP. Nhiều nước ASEAN muốn tham gia TPP gồm Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam, chưa kể các nước khác như Úc, New Zealand, Chile, Peru, Canada, Mexico và Nhật (1).
Tất cả các hành động trên khiến Trung Quốc bực bội (2) vì có cảm tưởng bị bao vây. Trong hơn 10 năm qua, Bắc Kinh đã rảnh tay, và dĩ nhiên, họ cũng không ngồi yên. Tân Hoa Xã chê TT Obama có hành động theo kiểu chiến tranh lạnh và có thể gây bất ổn tại vùng này. (3)
Vì vậy, khi đến Bali, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo cho là các tranh chấp chủ quyền cần được giải quyết bằng các điều đình song phương (4) ôn hòa. Trung Quốc đã cố trấn an các nước ASEAN bằng cách hứa áp dụng bản DOC ký từ 2002 (đến 2011 mới có thể thức áp dụng, vì Trung Quốc vẫn từ chối ngồi bàn việc này). Ngoài ra, Bắc Kinh cũng hứa nâng cao hợp tác kinh tế với khối ASEAN qua tự do thương mại, trong đó có đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao hạ tầng cơ sở. Ðây cũng là một cố gắng nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng của TPP đối với Trung Quốc (5). Nói tóm lại, Bắc Kinh xem TPP là một “sản phẩm” của Mỹ, thông qua đó Washington tách nền kinh tế lớn thế nhì thế giới ra khỏi Thái Bình Dương.
Song song với việc trấn an các nước ASEAN, Trung Quốc cũng dùng báo chí diều hâu hăm dọa trừng phạt Việt Nam và Philippines bằng biện pháp giảm du lịch hay các biện pháp khác (6). Hiển nhiên, quân sự cũng là một con bài của Trung Quốc trong sự đe dọa này. Nhắc lại, Bắc Kinh cũng không từ bỏ giải pháp dùng võ lực tại Biển Ðông, và dùng cả truyền thông để cảnh cáo các nước láng giềng hãy “sẵn sàng nghe tiếng đại bác.” (7)

Ngày xưa và ngày nay

Xưa và nay có nhiều điều khác biệt. Trước hết, về quân sự thì khó có một trận đánh úp như trường hợp Trân Châu Cảng. Hệ thống radar 3 chiều và hệ thống vệ tinh chằng chịt của quân đội Mỹ sẽ không cho phép có việc đánh úp. Chẳng hạn, mới đây vào ngày 14 Tháng Mười Hai, 2011, DigitalGlobe Inc., một công ty tư nhân về vệ tinh của Mỹ công bố bức ảnh hàng không mẫu hạm Varyag - Thi Lang của Trung Quốc. Theo báo chí Trung Quốc, trong chuyến thử nghiệm kéo dài 13 ngày, kể từ 29 Tháng Mười Một, các chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc đã thực hiện một số chuyến bay từ hàng không mẫu hạm này. Trong khi đó, tấm ảnh của DigitalGlobe cho thấy boong tàu Varyag hoàn toàn trống. Như vậy chiến tranh tâm lý - hù dọa ngày càng khó thực hiện hơn.
Thứ hai, sức mạnh hải quân của các quốc gia trong vùng không thua kém về số lượng lẫn chất lượng so với Hải Quân Trung Quốc. Hiện nay, Hải Quân Nhật (8) tham gia vào nhiều chiến dịch quốc tế như tại Iraq, Afghanistan, tuần tra eo biển Malacca. Hải Quân Nhật lớn hơn Hải Quân Anh, gồm 44 tuần dương hạm (destroyers), 9 tàu khu trục, và 15 tàu ngầm. Hải Quân Nhật còn có các hàng không mẫu hạm chở trực thăng loại Hyuga-class gọi là “helicopter destroyers” (DDH) và tàu đổ bộ loại Osumi class - 13,000 tấn, chở được 330 quân và 10 xe tank. Với hạm đội như vậy, Nhật dư sức tuần tra Biển Ðông và là địch thủ đáng gờm của Trung Quốc.
Ở phía khác, Nam Hàn đang xây dựng hải quân với khả năng hoạt động xa. Seoul có các chiến hạm loại Dokdo (LPD) có trọng tải 14,000 tấn, chở 700 binh sĩ, 10 xe tank và 15 trực thăng. Ngoài ra Nam Hàn còn có tuần dương hạm KDX I loại 3,900 tấn, KDX-II loại 5,000 tấn và nay loại KDX III 7,700 tấn. Ngoài ra Nam Hàn còn trang bị 9 tàu ngầm Ðức loại 209 diesel. Ðó là chưa kể họ đang có chương trình đóng tàu ngầm loại KSS-II Type-214 và sẽ có khoảng 18 tàu ngầm vào thời điểm 2020. Có thể nói, Nam Hàn có hải quân đứng thứ hai, sau Nhật Bản, tại Á Châu. Ngoài trừ tàu ngầm nguyên tử, Nhật và Nam Hàn không thua Trung Quốc, và nếu hợp lại, cặp đôi này sẽ vượt trên Bắc Kinh.
Từ Ấn Ðộ Dương, quốc gia đông dân thứ nhì thế giới có hàng không mẫu hạm từ lâu, và đang đi tới xây dựng hạm đội tàu ngầm nguyên tử. Ấn Ðộ cũng đang mua thêm hàng không mẫu hạm loại 45,000 tấn, Admiral Gorshkov, của Nga, với khả năng dùng MiG-29. Hiện nay Hải Quân Ấn có 16 tàu ngầm và đang mua thêm 6 tàu nữa, của Pháp.
Nhắc lại lịch sử, thời nhà Tần, 225 trước Công Nguyên, Trung Quốc muốn thâu gồm thiên hạ và muốn “liên hoành” với từng nước qua chính sách “đàm phán song phương.” Trung Quốc muốn xây dựng thế liên minh “liên hoành” nhưng lại đòi hỏi và nhiều khi còn sử dụng cả tàu chiến để thông qua “chủ quyền đường lưỡi bò.”
Thái độ của Bắc Kinh khiến các quốc gia láng giềng lo lắng, không chỉ ASEAN mà cả Mỹ, Nhật, Ấn Ðộ và Úc cũng lo ngại. Các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Ðông hay Biển Ðông Hoa ngày càng rõ ràng.
Bắc Kinh gởi tàu ngư chính đến tuần tra vùng Hoàng Sa, đe dọa tàu đánh cá Việt Nam, đe dọa tàu thăm dò dầu lửa của Việt Nam và Philippines, rất sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Không chỉ là tranh giành tại Biển Ðông, Bắc Kinh còn biểu lộ tham vọng kiểm soát Ấn Ðộ Dương. Trong những thập niên qua, Trung Quốc xây dựng các ống dẫn dầu và xa lộ tại Miến Ðiện để có thể sử dụng một cảng ở Ấn Ðộ Dương (Từ lâu Trung Quốc đã thiết lập căn cứ radar trên quần đảo Coco Island trong Vịnh Bengal, và Miến Ðiện có thể trở thành các căn cứ tiếp liệu cho hải quân Trung Quốc). Ngoài ra, Bắc Kinh còn tranh giành chủ quyền với Nhật tại Biển Hoa Ðông, gây sự với Nam Hàn...
Hậu quả là sự thành hình liên minh chống Trung Quốc, tạm gọi là thế “hợp tung” - liên kết của ASEAN và Mỹ, Nhật, Ấn Ðộ và Úc. Mà cũng có thể gọi là thế liên minh “liên hoành,” trong đó Mỹ đóng vai trò đối trọng với Trung Quốc. Nam Hàn cũng ký hợp tác quân sự với Úc trong khi Nhật gia tăng hợp tác với Ấn Ðộ, và Ấn thì hợp tác với Úc. Nhật cũng vừa ký hợp tác quân sự và trao đổi tin tức với Việt Nam cùng Philippines. Tại Bali, Nhật ký với các nước ASEAN tìm cách duy trì tự do hàng hải tại Biển Ðông. Chưa hết, Tokyo còn hứa viện trợ các quốc gia khác xây dựng hạ tầng cơ sở. (9) Hơn nữa, lần đầu tiên có sự kết hợp giữa Nhật và Ấn Ðộ trong việc “quốc tế hóa” vấn đề Biển Ðông.
Hậu quả của chính sách Trung Quốc đã giúp Mỹ liên kết với từng nước và liên kết với cả khối ASEAN-Thái Bình Dương, như một quan hệ “liên hợp tung hoành.” Rõ ràng, Bắc Kinh đang bị “chiếu tướng” (10).
Cuối cùng, mặc dù Trung Quốc có nhiều thái độ hung hăng, Washington vẫn đối xử nhẹ nhàng với Bắc Kinh - để cửa ngõ mở nếu Trung Quốc thấy cần thương thuyết. Mỹ không bao giờ đánh hết bài, không bắt chẹt Trung Quốc, mong một ngày xứ này có thể “cư xử văn minh,” cung cách của một nước lớn!

Tạm kết luận

Câu hỏi căn bản là liệu có chiến tranh hay không? Liệu có một trận Trân Châu Cảng nữa hay không? Liệu lịch sử có lặp lại không?
Tại Hawaii, nơi của Trân Châu Cảng, TT Obama tuyên bố không chống lại “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, và Mỹ mong quốc gia này tham gia vào thế giới, áp dụng luật chơi thế giới. Tại Hawaii, TT Obama bày tỏ muốn có một giải pháp “win-win” với Trung Quốc.
Rõ ràng, Hoa Kỳ để cửa mở trong việc thương thuyết với Bắc Kinh.
Kỹ thuật và Hải Quân Trung Quốc, thấy rõ, còn kém xa Hoa Kỳ cũng như các quốc gia Á Châu trong thế liên hoàn với Hoa Kỳ.
Lịch sử có nhiều điều tương đồng, nhưng nhất định việc tranh chấp tại Thái Bình Dương sẽ không thể xảy ra, như hồi 1941.

TS Đinh Xuân Quân - Báo Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang