Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Vấn đề Biển Đông tại Thượng đỉnh Đông Á



Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á đang đến gần thúc đẩy các bên liên quan xác định chính sách liên quan an ninh và phát triển Đông Á và tăng cường cạnh tranh nước lớn.
Trước Hội nghị EAS sẽ được tổ chức tại Bali vào giữa tháng 11/2011, các thỏa thuận khu vực liên quan Biển Đông hiện được bàn đến trong xu hướng đối phó sức ép gia tăng của Trung Quốc. Trên báo mạng Asia Times đăng bài nhận xét trước Hội nghị EAS ở Bali giữa tháng 11 này, các nước nhỏ hơn liên quan trực tiếp Biển Đông đã cho biết sẽ không nhượng bộ về Biển Đông.
Thượng đỉnh Đông Á sẽ tiếp tục tình thần thúc đẩy hoạt động kinh tế, như từng diễn ra tại Tp Hồ Chí Minh 2010
Tổng thống Philippines thăm Bắc Kinh tháng 9/2011, đem về thỏa thuận hứa “tiếp cận cuộc tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình”. Dường như thiếu tin tưởng vào ngôn từ này, ngày 27/9 tại Tokyo, Tổng thống Aquino lại ký thỏa thuận củng cố quan hệ hải quân với Nhật, cũng nhân danh duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Một ngày sau đó, giới chức quốc phòng Nhật và ASEAN có cuộc họp gây chú ý về hợp tác và tham vấn ở Biển Đông. Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nhật Bản Kimito Nakae nói sau cuộc gặp rằng quan hệ giữa nước ông và khối ASEAN “đã trưởng thành từ đối thoại sang quan hệ mà Nhật đóng vai trò hợp tác cụ thể hơn”. Ông này còn nói rằng căng thẳng ở Biển Đông sẽ cần thêm hợp tác từ Mỹ và Ấn Độ.
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang gặp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và ký thỏa thuận khai thác dầu giữa ONGC Videsh của Ấn và PetroVietnam - một thỏa thuận bị TQ phản đối.
Cuối tháng 10/2011, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh lại đến Nhật ký với người tương nhiệm của Nhật Bản một biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng.
Ấn Độ và chính trị nước lớn tại Đông Nam Á
Các sự kiện trên, cùng những cam kết chiến lược và thương mại mới của Nhật-Ấn sẽ có thể làm các nước ASEAN có lập trường vững vàng. “Nhưng bất kỳ dấu hiệu nào là Mỹ đang chỉ huy các liên minh song phương trong ASEAN, cộng thêm sự tham dự của Nhật Bản và Ấn Độ nhằm kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc cũng sẽ có nguy cơ tạo ra căng thẳng, mà khi đó các đồng minh ASEAN sẽ mong chờ Washington phản ứng mạnh không kém”.
Một chuyên gia quốc phòng của trường King's College (London) nhận xét “chính trị đại cường trong khu vực chỉ mới vừa bắt đầu”.
Viết trên tạp chí YaleGlobal ngày 28/10, ông này ghi nhận việc lãnh đạo hai nước láng giềng của TQ,Myanmar và VN, đều thăm Ấn Độ trong tháng 10/2011. “Đây là thời điểm đại hỗn loạn trên không gian chiến lược của châu Á và Ấn Độ đang cố gắng chứng tỏ có vai trò với các nước trong vùng”. Tác giả bình luận. “Cùng với sự trỗi dậy kinh tế và chính trị, Bắc Kinh bắt đầu ra lệnh cho các nước láng giềng về giới hạn trong cư xử, bộc lộ rõ phí tổn của chính trị đại cường”. “Mỹ và các đồng minh đã bắt đầu đánh giá lại chiến lược trong vùng, một liên hiệp mơ hồ nhằm cân bằng với Trung Quốc đang hiện ra”.
Tác giả cho rằng các nước nhỏ hơn trong vùng nay tìm đến Ấn Độ như một thế lực cân bằng trước ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc và lo ngại Mỹ sẽ rút khỏi khu vực trong tương lai gần. Ông cũng kêu gọi Ấn Độ cần phải “thuyết phục hơn để khẳng định mình là đối tác chiến lược có thể tin cậy trong vùng”.
Chia sẻ quan điểm rằng châu Á nghi ngờ cam kết của Mỹ trong vùng và rằng khu vực này đang bước vào giai đoạn tranh đấu quyền lực mới, một nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Carneige Endowment (Mỹ), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Tổng thống Obama có mặt ở Bali. ASEAN khó khăn khi phải lựa chọn Mỹ hay Trung Quốc. Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ (và Nga) có mặt ở hội nghị Đông Á, một diễn tiến mà ban đầu Trung Quốc phản đối nhưng được khối ASEAN khuyến khích.









Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga sẽ tham dự EAS lần thứ VI tại Bali, 2011
Nhưng ASEAN cũng nghi ngờ cam kết của Mỹ. Ví dụ, ASEAN không hứng thú gì về dự luật của Thượng viện Mỹ có mục đích gây sức ép với TQ để nâng giá nhân dân tệ. Các nước cho rằng nếu nó trở thành luật, Đông Nam Á sẽ chịu thiệt hại kinh tế. Những khó khăn tài chính của Mỹ, bế tắc chính trị ở Washington và một Tổng thống Obama bị trong nước chỉ trích, thật trái ngược với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, sự chuyển giao quyền lực khá suôn sẻ cho năm 2012 và khả năng có hành động tập thể khi cần thiết tại Trung Quốc.
Tương lai kinh tế của ASEAN gắn kết với Trung Quốc, với dự định có khu vực thương mại tự do vào năm 2015 và xây dựng cơ sở hạ tầng giúp giao thương xuyên quốc gia mà trong đó Trung Quốc đóng vai trò chủ lực. Nhưng mặt khác, nhiều nước trong ASEAN lo ngại về sức mạnh quân sự của Bắc Kinh và sự có mặt của Mỹ trong vùng cũng sẽ giúp họ tương đối yên tâm.
Những diễn biến trái ngược này cho thấy Đông Nam Á đang chuyển sang một sự cân bằng quyền lực mới trong khi điểm tựa lại chưa có. Hội nghị Đông Á và hội nghị APEC tháng 11/2011 sẽ là “cột mốc quan trọng trong con đường dài trước mặt”.
Chính sách hướng Đông của Nga và quan hệ với Trung Quốc và EAS
Khi khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang được nhìn nhận như là trung tâm lực hút mới của thế giới, sự nổi lên của một cấu trúc xoay dựa vào các cường quốc châu Á đã làm dấy lên câu hỏi về vai trò của Nga, trong bối cảnh Mátxcơva đang tăng cường sự hiện diện ở Viễn Đông. Một bài viết đăng trên báo Dân tộc mới đây nhận xét việc Nga trở thành thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và đăng cai tổ chức Cuộc họp của các nhà lãnh đạo APEC vào năm tới đang đem đến cơ hội cho Nga định rõ vai trò của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thúc đẩy sự hợp tác liên khu vực.
Hiện Nga đang được thừa nhận như là một cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn nhưng không mang tính đe dọa trên toàn cầu. Tuy vậy, các nhà phân tích trong khu vực vẫn tỏ vẻ hoài nghi về lợi ích Nga đặt tại châu Á và liệu những lợi ích đó có tương thích với những nước tham gia cuộc chơi trong khu vực hay không?
Những đánh giá sớm từ năm 1997 của Nga cho rằng Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, là mối đe dọa lớn nhất đối với những lợi ích của Nga và đồng minh (của Nga). Nhà phân tích Alexei Arbatov và một số học giả hàng đầu của Nga dự đoán trong 5-20 năm tới, Nga cần thận trọng theo dõi sự bành trướng của Trung Quốc hướng tới Siberia và Viễn Đông, cũng như tại Trung Á. Tâm trạng lo lắng đó đã giảm đi nhờ nỗ lực xây dựng lòng tin, dẫn tới sự hình thành của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào năm 2001. Tuy nhiên vào năm 2009, Tướng Nikolai Makarov của Nga từng ngụ ý rằng Trung Quốc và NATO “là hai đối thủ địa chính trị nguy hiểm nhất” của nước Nga. Sau một thời gian sụt giảm, Nga đã và đang tranh đấu để chứng tỏ họ không thiếu năng lực thay đổi chính sách đối ngoại và hướng trọng tâm từ phương Tây sang phương Đông. Bên cạnh việc Vladivostok - từng là thủ phủ của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga - đăng cai Hội nghị của các nhà lãnh đạo APEC vào năm 2012, Mátxcơva cũng mở rộng chương trình liên bang phát triển vùng Viễn Đông đến năm 2013, theo đó quỹ phát triển Vladivostok được nâng từ 241,2 triệu USD lên 13,7 tỷ USD.
Nỗ lực tăng cường phát triển kinh tế - xã hội ở Siberia và vùng Viễn Đông của Nga là một phần trong những ưu tiên chiến lược chính của nước này trong khu vực. Học giả Sergei Karaganov hồi tháng 9/2011 đã giới thiệu Xibêri như là nguồn tài nguyên mới đáp ứng cơn khát của châu Á, và Siberia có thể thu hút nguồn vốn đầu tư phong phú từ cả Mỹ, Trung Quốc, Inđônêxia lẫn Xingapore.
Giới bình luận lưu ý rằng chính sách đối ngoại của Nga dưới thời ông Vladimir Putin mang dấu ấn của một chính sách “châu Á hóa” ngay từ ban đầu. Nước Nga thời Putin xem sự mở rộng của NATO sang phía Đông là có hại cho các lợi ích của họ trong khu vực vốn từng chịu nhiểu ảnh hưởng của Liên Xô trước đây. Vì thế điện Cremli theo đuổi chính sách đối ngoại đa phương hướng nhằm tạo nên các mối quan hệ đối tác và hòa nhập Nga vào trong nhiều cấu trúc đa phương.
Trong một cố gắng đề đạt chủ trương và ý tưởng tới ban lãnh đạo nước Nga, Hội đồng Nga về Tổ chức Hợp tác An ninh châu Á-TBD (CSCAP) đã trình lên Tổng thống Dmitry Medvedev một báo cáo có nhan đề “Hướng Đông: Chiến lược của Nga trong khu vực châu Á-TBD” năm 2010. Hội đồng trên đưa ra khẩu hiệu “Dựa vào phương Tây, Ổn định phía Nam và Hướng sang phương Đông”, đồng thời xem Nga như là một đất nước “châu Âu - Thái Bình Dương”, cần là người chơi linh hoạt trong quá trình thành lập một cấu trúc mới của khu vực và cảnh báo về nguy cơ bị đứng ngoài rìa nếu không tích cực tham gia cuộc chơi. Nga thường tự nhận như là cầu nối tiềm năng giữa châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương và đề cập về Nhóm G20 trong mô hình mới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một học giả tại Singapore đánh giá ASEAN là “người anh hùng thầm lặng”./.

Lưu Việt - Tổ Quốc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang