Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Thế bị động của Trung Quốc tại EAS về Biển Đông


Dư luận đề cập đến cuộc thảo luận về Biển Đông, cho thấy mối quan ngại chung về các yêu sách của Trung Quốc và thống nhất quan điểm.
Tại hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Tổng thống Mỹ Barack Obama và hầu như tất cả các nhà lãnh đạo tham dự đã trực tiếp đề cập đến những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và đặt phía Trung Quốc vào thế bị động.
Những cuộc trao đổi tại phiên họp EAS Bali
Theo quan chức giấu tên đi trên chuyên cơ Air Force One (của Tổng thống Mỹ), được phóng viên Jackie Calmes của Thời báo NewYork tường thuật lại, trước việc bị lãnh đạo của 16/18 nước nêu vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nói thẳng rằng ông không muốn bàn vấn đề Biển Đông tại EAS. Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói rằng sẽ là “bất lịch sự” nếu không trả lời quan ngại của các nước láng giềng của Trung Quốc.
Phóng viên Jackie Calmes nhận định rằng việc nhà lãnh đạo Trung Quốc nói về vấn đề này đã là một bước lùi mang tính chiến thuật của Trung Quốc. Tại Diễn đàn Khu vực Đông Nam Á năm 2010 tại Hà Nội, khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đề cập đến vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã giận dữ bỏ ra ngoài. Tại hội nghị Bali lần này, phía Trung Quốc vẫn cho rằng EAS không phải là nơi thích hợp để nói về vấn đề Biển Đông.
Vẫn theo quan chức Mỹ nói trên, phiên họp kéo dài gần hai giờ đã diễn ra với nhiều kịch tính hơn hẳn so với các cuộc họp thông thường kiểu này. Trong số 18 nước có mặt tại EAS, chỉ có hai nhà lãnh đạo Campuchia và Myanmar không nêu vấn đề an ninh hàng hải. Khác với phiên họp trước đó, tại phiên họp ngày 19/11, các nguyên thủ chỉ được mang theo một cố vấn duy nhất, tạo điều kiện cho việc phát biểu một cách thẳng thắn hơn.
Quan chức này cho biết Tổng thống Obama đã “không vận động hành lang” các nhà lãnh đạo khác lên tiếng. Các nước đầu tiên phát biểu là Singapore, Philippines và Việt Nam, tiếp đó là Malaysia, Thái Lan, Úc, Ấn Độ, Nga và Indonesia. Các nhà lãnh đạo đã khẳng định lại chủ trương về “giải pháp đa phương đối với các tuyên bố lãnh thổ xung đột nhau”. Sau khi các nhà lãnh đạo khác đã phát biểu, Tổng thống Obama đã thể hiện sự đồng tình khi nói: “Mặc dù không có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp ở Biển Đông và không đứng về phía nào, song chúng tôi có lợi ích lớn đối với vấn đề an ninh hàng hải nói chung và việc giải quyết vấn đề Biển Đông nói riêng - với tư cách là một cường quốc tại Thái Bình Dương, một quốc gia biển, một quốc gia có hoạt động thương mại và là nước đảm bảo an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Theo quan chức Mỹ, phản ứng của Thủ tướng Ôn Gia Bảo là “tích cực vì ông đã không lớn tiếng đả kích, không dùng giọng điệu cứng rắn thường thấy của người Trung Quốc, đặc biệt trước công chúng”. Thủ tướng chỉ rõ, EAS không phải là nơi bàn về vấn đề này và khẳng định “Trung Quốc cố gắng đảm bảo các tuyến đường vận chuyển biển được an toàn và tự do”.
Trung Quốc lún sâu vào cục diện bị động về chiến lược
Mạng Bình luận Hòa Tấn của Trung Quốc ngày 13/11 đăng bài viết của Giáo sư Kim Xán Vinh, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng mong muốn của Trung Quốc duy trì quan hệ hữu hảo Trung-Việt là chân thành, đồng thời quyết tâm của Trung Quốc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình tại Nam Hải (Biển Đông) cũng kiên định, nhận thức của cộng đồng quốc tế bên ngoài đối với hai dạng lập trường này của Trung Quốc cần phải rõ ràng.
Trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc năm 2011, vấn đề Trường Sa đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Trong số các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa (Nam Sa), Việt Nam là một quốc gia có phản ứng nổi bật nhất. Rõ ràng, tranh chấp Trường Sa đã đưa tới những vấn đề khó khăn cho việc duy trì ổn định quan hệ Trung-Việt.
Đứng trước cục diện khó khăn của vấn đề Nam Hải, Đặng Tiểu Bình đề xuất ý tưởng “chủ quyền thuộc về ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”, đã trở thành phương châm nhất quán của Trung Quốc trong việc xử lý vấn đề Nam Hải. Trên cơ sở đó, chính phủ Trung Quốc chủ trương thông qua phương thức đàm phán và hiệp thương hoà bình giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Nam Hải. Trong thực tiễn ngoại giao, những năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành đàm phán nhiều lần với các nước liên quan xung quanh vấn đề Nam Hải, các cơ chế đàm phán song phương Trung Quốc-Philippines, Trung Quốc-Việt Nam đã được hình thành; trong đối thoại Trung Quốc-ASEAN, vấn đề Nam Hải cũng trở thành chương trình nghị sự quan trọng trong thảo luận song phương.
Nhìn chung, hiệu quả chủ trương chính sách và thực tiễn ngoại giao của Trung Quốc không rõ ràng, vấn đề Nam Hải không có xu hướng được giải quyết mà từng bước leo thang. Gần đây, các quốc gia xung quanh mạnh mẽ tuyên bố có chủ quyền tại Nam Hải, đồng thời tích cực lôi kéo các thế lực quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… can dự vào vấn đề này. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc ngày càng lún sâu vào cục diện bị động về chiến lược.
Trung Quốc cần phải có tư duy ngoại giao mới
Tạp chí Tuần tin tức Trung Quốc số ra gần đây đăng bài viết tổng hợp của tác giả Triệu Kiệt, cho rằng đứng trước “thế tiến công liên hợp” của ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ, Trung Quốc cần phải có tư duy ngoại giao mới để đối phó với tình hình mới đang diễn ra ở Nam Hải (Biển Đông).
“Vì sao vấn đề Nam Hải lại nóng lên như vậy? Hiển nhiên đó là do có người đang cố ý làm ầm ĩ lên. Có phải có một số ít người muốn khơi lên chuyện rắc rối? Có phải có thế lực ngoài khu vực đang tác động? Chuyện như vậy quả thực ai cũng đều biết cả”.
Tại cuộc họp báo ngày 10/10, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải nhấn mạnh với các phóng viên trong và ngoài nước rằng vấn đề Nam Hải không phải là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc nên không cần phải nhờ đến nước Mỹ nhắn lời cho các nước ở xung quanh Trung Quốc.
Tô Hạo, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đông Á thuộc Học viện Ngoại giao, Ủy viên Ủy ban Trung Quốc, Hội đồng hợp tác an ninh châu Á-Thái Bình Dương phía Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn của Tuần tin tức Trung Quốc cho rằng ASEAN muốn soạn thảo COC là hành động đơn phương, Trung Quốc coi trọng động hướng này của ASEAN, đồng thời thông qua các chuyên gia, cố vấn phát đi tiếng nói của mình.
Tuy nhiên, một chuyên gia nổi tiếng khác về vấn đề quốc tế là Vương Dật Châu, Phó viện trưởng Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh lại cho rằng COC không thể trở thành văn kiện pháp luật hữu hiệu. Về phía Trung Quốc, cũng cần thiết phải mở rộng phạm vi và mức độ nghiên cứu trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế.
Một vấn đề cũ do lịch sử để lại, do các kiểu mắc mớ về lợi ích đã làm cho ngày càng có nhiều mâu thuẫn phức tạp “cắt không đứt, gỡ vẫn rối”. Các chuyên gia nhất trí cho rằng Trung Quốc là nước đang trỗi dậy cần phải có tư duy ngoại giao mới.
Nhiều học giả này cũng đều cho rằng Trung Quốc phải cần đến trí tuệ ngoại giao nhiều hơn nữa. Trong bài viết về “ngoại giao thực lực mềm của Trung Quốc ở Đông Nam Á”, Học giả về vấn đề quốc tế của Đan Mạch Johannes Schmidt cho rằng “Trung Quốc cần phải đảm bảo sao cho các nước thành viên ASEAN duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc chứ không phải với các nước mạnh hơn và giàu hơn, đồng thời phải thiết lập một cơ cấu khu vực ổn định”.
Về tư duy ngoại giao mới của Trung Quốc, người đề xướng lý luận về “can dự mang tính sáng tạo” Vương Dật Đơn cho rằng lý luận này cũng áp dụng thích hợp trong vấn đề Nam Hải như vậy. Liệu Trung Quốc có được sách lược giải quyết ổn thỏa vấn đề tranh chấp Nam Hải hay không, có điều khiển được xu hướng lớn ở Nam Hải một cách toàn diện hay không, đó sẽ là hòn đá thử vàng để xem việc “can dự sáng tạo” của Trung Quốc trong giai đoạn mới có đạt hiệu quả hay không. Vương Dật Đơn cho rằng trong vấn đề Nam Hải, Trung Quốc cần phân biệt lại cho rõ hơn loại hình và thực chất của vấn đề an ninh truyền thống và vấn đề an ninh phi truyền thống, phân biệt rõ các lĩnh vực và vấn đề khác nhau giữa đàm phán song phương và hiệp thương đa phương, xử lý vấn đề lớn bằng cách phân tầng và có phân biệt giữa các cấp độ khác nhau./.

QT - Báo điện tử Tổ Quốc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang