Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Ấn Độ vẫn tiếp tục thăm dò dầu với VN


Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nói với Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo tại hội nghị Bali rằng việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông với Việt Nam 'hoàn toàn mang tính thương mại'.
>> Từ sự kiện "Đuổi chó" ...
Điều đó có nghĩa hoạt động này không thể bị liên quan vào cuộc tranh chấp chủ quyền tại khu vực, trong đó Trung Quốc yêu sách đòi tới 80% diện tích Biển Đông.
Thủ tướng Manmohan Singh tới Bali
Ông Singh đã có cuộc gặp với thủ tướng Trung Quốc

Ông Singh đã gặp Thủ tướng Ôn bên lề cuộc họp Ấn Độ-Asean và hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Bali. Tại đó, thủ tướng Ấn Độ cũng khẳng định vấn đề chủ quyền biển 'cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế'.
Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc tập đoàn ONGC Videsh của Ấn Độ thảo luận với đối tác PetroVietnam để thăm dò dầu khí ở hai lô 127 và 128 ngoài khơi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận ngay từ khi có thông tin về dự án làm ăn này hồi tháng Chín.
Trong khi Trung Quốc nói đây là vùng biển tranh chấp, Việt Nam nói hai lô này nằm hoàn toàn trên thềm lục địa chủ quyền của Việt Nam.
Hồi tháng 10, trước khi thăm chính thức Ấn Độ, Chủ tịch Việt nam Trương Tấn Sang còn khẳng định: "Chúng tôi hoan nghênh các công ty nước ngoài làm việc với đối tác Việt Nam trong các dự án dầu khí tại thềm lục địa và vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam theo luật pháp Việt Nam".
Không chỉ có phía Việt Nam, mà phía Ấn Độ cũng tỏ rõ quyết tâm theo đuổi kế hoạch làm ăn này.

Quyền lưu thông

Đề cập tới yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, người đứng đầu chính phủ Ấn Độ nói các bên cần tôn trọng quyền lưu thông và tự do hàng hải.
Một nguồn tin tham dự hội nghị Bali được Thời báo Kinh tế của Ấn Độ dẫn lời nêu quan điểm của New Delhi, rằng đã có luật biển (của Liên Hiệp Quốc) mà "bản thân Trung Quốc cũng đã ký kết".
"Nếu như còn khác biệt, thì đã có tòa án để giải quyết vấn đề chủ quyền."
Trong khi đó, đô đốc chỉ huy trưởng hải quân Ấn Độ Nirmal Verma vừa lên tiếng cảnh báo khả năng các mâu thuẫn trong khu vực có thể gây ảnh hưởng toàn cầu, nhất là cho các quốc gia có quyền lợi kinh tế lớn tại châu Á-Thái Bình Dương.
Không có gì lạ nếu như chính tại Bali, hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc dường như đang lâm vào trạng thái đối đầu và căng thẳng quanh chủ đề Biển Đông.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố "các thế lực bên ngoài" không có cớ gì để tham gia vào tranh chấp phức tạp về chủ quyền biển. Ông nói: "Vấn đề này cần được giải quyết thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán giữa các quốc gia trực tiếp liên quan".
"Các thế lực bên ngoài không được liên quan, dù với bất kỳ cớ gì."
Trước đó một hôm, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố trước Nghị viện Australia rằng với tư cách cường quốc châu Á-Thái Bình Dương, "Mỹ đang và sẽ luôn hiện diện tại đây".
Theo BBC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang