Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Những 'chàng Hercules' bay

Kỳ 1: Biến giấc mơ thành hiện thực
"Vua" trực thăng vận tải Mi-26.
Ý tưởng về cỗ máy bay thẳng lên trời đã xuất hiện cách đây 2.000 năm với trò chơi "chong chóng tre". Nó còn được nhắc lại trong phát minh của nghệ sĩ đa tài người Italia thời Phục Hưng Leonardo Da Vinci. Tuy nhiên, bài toán về động cơ, sức bền vật liệu… là rào cản quá lớn biến giấc mơ thành hiện thực.

Cuộc đua nước rút
Trực thăng chính thức chuyển mình với sự kiện năm 1942, người Mỹ giới thiệu và sản xuất hàng loạt trực thăng R-4. Tuy xuất hiện chậm nhưng sự phát triển của trực thăng đã tiến rất nhanh, nhất là trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Ở đó, sự cạnh tranh toàn diện giữa Mỹ và Liên Xô đã nâng cao vị thế của trực thăng, lấn lướt vai trò của máy bay cánh cố định trong quân sự, trước hết ở lĩnh vực vận tải.

Những năm 1950, hãng Mil (Liên Xô) tung ra 2 thiết kế trực thăng vận tải hạng nặng Mi-6, trực thăng vận tải lớn nhất thế giới khi đó, có khả năng chở 12 tấn hàng. Không chịu thua kém Liên Xô, Mỹ giới thiệu trực thăng CH-47 có thể chở 12,7 tấn (vào năm 1960) và sau đó là trực thăng CH-53 với tải trọng 14 tấn (năm 1970). Không lâu sau, vào năm 1977, “vua” trực thăng vận tải Mi-26 xuất hiện với khả năng chở 20 tấn hàng hóa.

Nếu so sánh với kỷ lục của các máy bay vận tải quân sự có cánh như C-5 Galaxy (tải trọng 122 tấn) hay An-124 (tải trọng 150 tấn) và An-225 (tải trọng 250 tấn), khả năng chở của CH-53 hay Mi-26 không thấm vào đâu. Tuy nhiên, do không phụ thuộc nhiều vào bãi đáp, trực thăng được giới quân sự ưa chuộng hơn cho các nhiệm vụ dã chiến. 

Nếu các máy bay như An-125 cần đường băng dài tối thiểu 1-2km để hạ cánh thì Mi-26 chỉ cần bãi đáp có đường kính khoảng 48m. Vì vậy, ngay từ khi ra đời, những chiếc trực thăng kể trên thường xuyên đảm nhận công việc chuyển chở pháo hạng nặng, xe thiết giáp, máy bay chiến đấu… trong nhiều cuộc chiến.

"Ong thợ" Mi-17
Cuộc đua trực thăng vận tải giữa Mỹ và Nga còn diễn ra ở phân khúc vận tải hạng trung với các đại diện lần lượt là UH-1 và Mi-8 (với hậu duệ là Mi-17). Tuy nhiên, ở phân khúc này, sự thành công trên thị trường là thước đo chính chứ không phải khả năng mang tải trọng. Do đó, trực thăng Nga đã ghi điểm cao hơn dù cả hai đều giành được nhiều thành công và có mặt trong thành phần trang bị của nhiều quốc gia.

Yếu tố quyết định chiến thắng của Mi-17 ở khả năng làm việc bền bỉ trong môi trường khắc nghiệt. Về cơ bản, Mi-17 có thiết kế tương tự Mi-8 nhưng phần thân được mở rộng, còn bộ truyền động, cánh quạt lấy từ Mi-14 và quan trọng hơn cả, trực thăng này dùng 2 động cơ turbine trục Klimov TV3-117VM, cho phép nó đạt tốc độ 250km/h. Mi-17 được đánh giá có thể hoạt động tốt ở vùng khí hậu nắng nóng, hoặc địa hình nhiều đồi, núi. Khi được vũ trang nhẹ, Mi-17 còn tham gia chiến đấu yểm trợ bộ binh một cách hiệu quả.
Trực thăng vận tải Mi-17 trong Không quân Afghanistan.

Yếu tố này buộc người Mỹ phải chấp nhận mua Mi-17 cho các nước đồng minh ở Iraq, Pakistan, Afghanistan. Khi các thượng nghị sĩ Mỹ tỏ ý phản đối quyết định mua Mi-17 của chính phủ, đại diện Lầu Năm Góc nói: “Chúng ta bắt buộc phải tìm cách vượt qua sự thật là đang nói tới trực thăng Nga, Mi-17 đang hoạt động rất tốt ở Afghanistan”. 

Thái Lan, một đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á, cũng đặt mua 6 chiếc Mi-17 vào năm 2008 với lý do đơn giản: Giá 3 chiếc Mi-17 bằng một UH-60, trong khi đó Mi-17 chở được 30 lính, còn UH-60 Black Hawk chỉ chở 14 lính. 

"Cõng" MiG
Ở Việt Nam, trực thăng Liên Xô đã xuất hiện trong biên chế Không quân Nhân dân Việt Nam với “vốn liếng” đầu tiên là 4 chiếc trực thăng Mi-4. Sau đó, Liên Xô tiếp tục viện trợ cho nước ta trực thăng Mi-6, Mi-8. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, các máy bay trực thăng này đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí, trực tiếp tham gia chiến đấu hỗ trợ hỏa lực mặt đất khi được vũ trang nhẹ. 

Đặc biệt, trong những năm tháng chống cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, trực thăng Mi-6 đã hàng trăm lần “cõng” MiG-17, MiG-19, MiG-21, dàn radar, pháo cao xạ đi sơ tán và hoặc tới trận địa phục kích. Chiến dịch xuân 1975, Mi-6, Mi-8 đóng góp thực hiện vận chuyển khí tài, bộ đội vào nam đảm bảo mệnh lệnh “thần tốc, thần tốc hơn nữa” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Mi-6 của Không quân Nhân dân Việt Nam "cõng" MiG-21 trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Trong quá trình làm nghĩa vụ quốc tế giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng, bộ đội Việt Nam đã dùng trực thăng Mi-6, Mi-8 chuyển quân, hàng hóa, thương binh, yểm trợ hỏa lực cho bộ binh mặt đất tiến công tiêu diệt địch. Tháng 3.1984, các biên đội Mi-8T vũ trang nhiều lần phối hợp với trinh sát cơ U-17 không kích các điểm trú quân của Khơ Me Đỏ. Cuối năm 1987, Mi-8T chi viện hỏa lực cho bộ binh ta truy quét tàn quân Khơ Me Đỏ ở Xiêm Riệp. 

Ngày nay, ngoài Mi-8, lực lượng trực thăng trong Không quân Nhân dân Việt Nam ta tiếp tục được bổ sung thêm Mi-17 và biến thể Mi-171. Ở thời bình, các đơn vị trực thăng Việt Nam thực hiện tốt vai trò tìm kiếm cứu nạn, vận tải hàng hóa tới điểm bão lụt, bảo vệ vùng biển đảo Tổ quốc.

Trong lịch sử phát triển trực thăng, không có mốc chính xác về ý tưởng khởi thủy đầu tiên. Tuy nhiên, một số tài liệu cho trực thăng được khởi nguồn từ trò chơi “chong chóng tre” của trẻ em Trung Quốc, cách đây 2.000 năm. Nhưng cũng có những lý giải khác, người ta đã tìm thấy bản vẽ về thiết bị bay theo nguyên tắc trực thăng của danh họa Leonardo Da Vinci.

Mọi thứ đều bế tắc trong nhiều thế kỷ, nhưng động cơ ra đời ít nhiều cho người ta hi vọng “giấc mơ bay”. Năm 1878, nhà phát minh người Italia Enrico Forlanini đã thiết kế “trực thăng không người lái” dùng động cơ hơi nước (cất cánh thẳng đứng, bay cao 13m, treo trên không 20 giây). 

Năm 1907, nhà phát minh người Pháp Paul Cornu sáng chế trực thăng hai cánh quạt không đồng trục xoay ngược chiều nhau. Chiếc trực thăng bay cao 2m, điều đáng nói đây là chuyến bay có người lái. Những năm 1920, nhiều phát minh mới tiếp tục lần lượt ra đời nhưng vẫn chưa định hình một cách rõ ràng về trực thăng. Trong khi máy bay đã tiến bước dài thì trực thăng vẫn dậm chân tại chỗ.

Đầu những năm 1930, quá trình phát triển trực thăng bắt đầu có những bước tiến khởi sắc. Ở Pháp, Liên Xô người ta đã chế một số trực thăng bay cao vài trăm mét. Nhưng thành công hơn cả vẫn là người Đức, năm 1936 chiếc trực thăng Focke-Wulf Fw 61 với 2 cánh quạt nâng không đồng trục ra đời, hoạt động khá tốt với trần bay đạt gần 3.500m, tốc độ 122km/h. Không dừng lại ở đó, nước Đức còn làm được nhiều hơn thế. Họ tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất mẫu số lượng nhỏ trực thăng Focke-Achgelis Fa 233 và Flettner FI 282 Kolibri, dùng trong thế chiến thứ hai cho các nhiệm vụ trinh sát, vận tải, cứu nạn, ném bom quân đồng minh.

Dù đi sau Đức, nhưng Igor Sikorsky – nhà sáng lập tập đoàn quốc phòng hàng đầu Mỹ lại đưa ra thiết kế trực thăng đầy đủ. Năm 1942, Sikorsky R-4 mang nhiều đặc điểm trực thăng hiện đại cất cánh thành công lần đầu. Ngoài ra, R-4 trực thăng đầu tiên trên thế giới được đưa vào sản xuất hàng loạt dùng cho không quân, hải quân Mỹ. 

Sau thế chiến thứ hai, máy bay cánh cố định có những bước tiến dài, vững chắc và tiến vào thời đại phản lực thì trực thăng mới bắt đầu có những bước chuyển mình. Dù vậy, trong giai đoạn tiếp sau trực thăng đã đuổi kịp máy bay cánh cố định, thậm chí lấn lướt ở một vài lĩnh vực trong quân sự, như vận tải.

Kỳ 2: Vang bóng một thời
Việc Mỹ sử dụng trực thăng yểm trợ hỏa lực cho bộ binh trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã hối thúc các nhà thiết kế Liên Xô nghiên cứu và chế tạo Mi-24 - trực thăng vũ trang đầu tiên của họ.

Hội tụ sức mạnh
Chính thức được giới thiệu năm 1972, Mi-24 nhanh chóng được Không quân Liên Xô chấp nhận đưa vào trang bị. “Vay mượn” nhiều từ các loại trực thăng khác của Liên Xô, Mi-24 dùng 2 động cơ tuốc bin trục TV3-117M, kiểu cánh quạt chính 5 lá và cánh quạt đuôi 3 lá tương tự Mi-8. Các đặc điểm khung thân lấy từ Mi-14, bọc giáp dày chống đạn 12,7mm. Hai cánh nhỏ ở thân có mấu treo để mang vũ khí, phần cánh này còn có tác dụng tăng lực nâng. 

Vũ khí của Mi-24 thay đổi theo từng biến thể, ban đầu nó dùng súng 12,7mm, nhưng sau đó trang bị pháo 23mm hay 30mm. Đặc biệt, Mi-24 được trang bị tên lửa chống tăng AT-2 và sau đó là AT-6. 
Trực thăng vũ trang Mi-24 phóng rocket.

Riêng buồng lái, biến thể Mi-24A/B dùng kiểu khoang lái cho 3 người (sĩ quan điều khiển vũ khí ngồi trước, phi công và hoa tiêu ngồi song song ở sau). Từ biến thể Mi-24D sử dụng khoang lái “bong bóng đôi” (sĩ quan điều khiển vũ khí ngồi trước, phi công ngồi sau). 

Điểm đặc biệt làm Mi-24 không có đối thủ là vừa được vũ trang, vừa có thể vận chuyển quân (8 người) cho nhiệm vụ đột kích đường không. Đi vào phục vụ không lâu, Mi-24 nhanh chóng thử nghiệm sức mạnh trên chiến trường và buộc đối phương phải “tâm phục khẩu phục”.

Hạ F-4 bằng… tên lửa chống tăng? 

Trong chiến tranh Afghanistan (1979-1989), quân đội Liên Xô dùng Mi-24 truy quét các tay súng Mujahideen, gây khiếp sợ cho lực lượng này. Một thủ lĩnh Mujahideen thừa nhận: “Chúng tôi không sợ người Nga. Nhưng chúng tôi sợ trực thăng của họ”. Các tay súng Mujahideen còn gọi Mi-24 là “cỗ xe của ma quỷ”. 

Tuy nhiên, Mi-24 không phải là “bất khả chiến bại”. Tên lửa tầm nhiệt vác vai FIM-92 Stinger (xem loạt bài Uy lực từ bờ vai trên Đất Việt) mà Mỹ cung cấp cho Mujahideen đã bắn hạ nhiều chiếc trực thăng loại này. Căn nguyên là do động cơ Mi-24 xả quá nhiều khí nóng. Các nhà thiết kế nhanh chóng khắc phục bằng cách bổ sung hệ thống cảnh báo chống tên lửa cho Mi-24.

Mi-24 của Không quân Nhân dân Việt Nam được bảo dưỡng tại nhà máy A41.

Trong khi đó, việc dùng Mi-24 vừa chở quân, vừa chiến đấu không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả. Đảm đương thêm nhiệm vụ tìm bãi đáp để thả quân trong điều kiện địa hình đồi núi hiểm trở khiến phi công xao lãng và dễ bị bắn hạ. Vì thế, sau này, các chiến dịch truy quét Mujahideen đều được thực hiện theo chiến thuật: Mi-8 vận chuyển quân, còn Mi-24 yểm trợ hỏa lực.

Tuy được thiết kế để chống tăng, nhưng Mi-24 hiếm khi có cơ hội thể hiện khả năng này. Thay vào đó, trong chiến tranh Iran-Iraq, Mi-24 của Iraq tham gia nhiều cuộc không chiến bất đắc dĩ với AH-1J Sea Cobra của Iran. Từ 1984-1986, Mi-24 bắn rơi một số lượng nhỏ AH-1J. Thậm chí, có nguồn tin khẳng định, Mi-24 đã hạ tiêm kích F-4 Phantom bằng tên lửa chống tăng. Mi-24 có mặt trong hàng chục cuộc xung đột lớn nhỏ trên thế giới, gây nhiều thiệt hại cho đối phương. 

Với thành công trên chiến trường, Mi-24 được khoảng 30 quốc gia nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. Mi-24 đã hỗ trợ đắc lực cho bộ đội Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Tháng 1.1980, phi đội Mi-24 đầu tiên được thành lập. Được điều động sang Campuchia từ năm 1984, Mi-24A hiệp đồng với các đơn vị UH-1, Mi-8 yểm trợ hỏa lực cho bộ binh truy quét tàn quân Khmer Đỏ. Mi-24A hiện vẫn trực chiến trong thành phần Không quân Nhân dân Việt Nam.

Hậu duệ không “ăn khách”
Sau sự thành công vang dội của Mi-24, Liên Xô bắt đầu phát triển mẫu trực thăng thế hệ kế tiếp mang tên Mi-28. Với thiết kế phá cách, Mi-28 bỏ khoang chở quân để chuyên tâm vào vai trò chiến đấu. Cánh quạt chính tương tự Mi-8, nhưng cánh quạt đuôi làm kiểu chữ “X” nhằm giảm tiếng ồn. 

Tối ưu hóa cho nhiệm vụ chống tăng, Mi-28 được cho là có sức mạnh khủng khiếp với 16 tên lửa AT-9 có thể xuyên thủng giáp tất cả các loại xe tăng hiện đại thế giới. Ngoài ra, Mi-28 còn có pháo 30mm bắn đạn xuyên giáp. Nếu xét về hỏa lực và hệ thống điện tử hiện đại, Mi-28 không hề thua kém Apache AH-64 của Mỹ. 
"Thợ săn đêm" Mi-28N.

Người Nga còn trang bị cho biến thể Mi28-N radar sóng mm trên đỉnh cánh quạt chính, như AH-64D. Để hỗ trợ hoạt động ban đêm, Mi-28N có thêm thiết bị quan sát hồng ngoại, kính ngắm đêm cho phi công. Đặc biệt, buồng lái máy bay hiện đại hóa với màn hình LCD. Mi-28N bổ sung khả năng không chiến với tên lửa Igla-V và R-73. Nhưng trong cuộc đấu thầu gần đây, Ấn Độ đã “gạt” Mi-28N chọn AH-64D Apache. Theo lý giải của người Ấn, Mi-28N đã không đáp ứng được 20 tiêu chuẩn mà họ đề ra.

Về kỹ thuật (điện tử và vũ khí), Mi-28N cũng “ngang ngửa” với đối thủ cạnh tranh AH-64D. Vấn đề ở chỗ, dù có 2 động cơ khỏe nhưng ngốn nhiều nhiên liệu nên bán kính chiến đấu của Mi-28N đạt 200km so với 480km của AH-64D). Một điểm nữa, sức mạnh Mi-28N mới chỉ thể hiện trên lý thuyết, trong khi AH-64D đã có kinh nghiệm thực chiến. Không chỉ thất bại ở nước ngoài, Mi-28N còn bị chính Bộ Quốc phòng Nga từ chối.


“Khi nhìn thấy chiếc Mi-24, chân tay tôi run lẩy bẩy. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là thật khủng khiếp. Riêng chiếc máy bay thôi đã đủ nặng hơn AH-1 ba lần và nặng hơn Apache AH-64 gần gấp rưỡi”, một viên phi công trực thăng của Mỹ chia sẻ. Lần đầu tiên tiếp xúc với Mi-24 vào giữa năm 1980 khi đang tập lái chiếc Apache AH-64, người phi công này thực sự ấn tượng mạnh với “những ô cửa kính” và lớp giáp “không thể xuyên thủng” của Mi-24.

Kỳ 3: Sát thủ vùng Trung Đông 
Ban đầu, người ta vẫn coi nhẹ vai trò của trực thăng và “giao” cho nó những nhiệm vụ như trinh sát, tải thương, chở quân… Tuy nhiên, tư duy này dần dần thay đổi khi người Mỹ khai thác triệt để sức mạnh tiềm ẩn và khả năng cơ động của trực thăng. Trong những lần tác chiến trên thực địa, giới quân sự Mỹ nhận ra họ cần có vũ khí hỗ trợ hỏa lực tầm thấp nhằm bảo vệ bãi đổ quân. 

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển các đơn vị tăng - thiết giáp hùng mạnh, có sức cơ động cao của Liên Xô luôn là nỗi ám ảnh đối với Mỹ. Theo ông Wheeler - tác giả cuốn sách Trực thăng tấn công, chính mối đe dọa của những chiếc xe tăng Nga trên chiến trường châu Âu là động lực giúp dòng trực thăng tấn công phát triển.

Vì thế, trực thăng UH-1 bắt đầu được vũ trang kiêm nhiệm thêm vai trò yểm trợ từ trên không. Năm 1965, AH-1 Huey Cobra – trực thăng vũ trang đầu tiên và đúng nghĩa của Mỹ, ra đời. Sau AH-1, Mỹ tiếp tục hoàn thiện dòng trực thăng vũ trang bằng Apache AH-64 hiện đại với hỏa lực mạnh hơn. 

Đa năng và linh hoạt


Apache có khả năng chiến đấu bền bỉ, sống sót cao trên chiến trường với khoang lái bọc giáp chống đạn cỡ 23mm. Thậm chí, cả cánh quạt chính 4 lá cũng có khả năng chống đạn. Hệ thống thùng chứa nhiên liệu có thể tự hàn lại nếu bị trúng đạn. 

Về thế mạnh về công nghệ điện tử, ngay từ đầu, AH-64 được trang bị các khí tài như thiết bị chỉ thị bám bắt mục tiêu, kính ngắm nhìn đêm, thiết bị ngắm hồng ngoại… giúp chiến đấu cả ban ngày và ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết.

Đặc biệt, biến thể AH-64D còn có radar điều khiển hỏa lực sóng mm AN/APG-78 đặt trên nóc cánh quạt chính, cho phép phi công phát hiện các mối đe dọa trong điều kiện tầm nhìn kém và mục tiêu lộn xộn trên mặt đất. Việc đặt radar trên đỉnh cánh quạt còn tạo lợi thế khi trực thăng nấp sau rừng cây, đồi núi, tòa nhà cũng có thể theo dõi mục tiêu một cách an toàn. Ngoài ra, AH-64 được trang bị hệ thống đối phó điện tử nhằm chống lại hỏa lực phòng không đối phương, thường là tên lửa tầm nhiệt.
Trực thăng AH-64 phóng rocket.

Các nhà thiết kế Mỹ luôn chú ý tới tính đa nhiệm, cả đối đất và đối không. Nhiệm vụ chủ yếu của AH-64 là diệt xe tăng với 16 quả tên lửa chống tăng có điều khiển AGM-114 Hellfire. Thế nhưng, tư duy đa nhiệm giúp hỏa lực của AH-64 có thêm tên lửa đối không AIM-9 hoặc AIM-92. Những vũ khí còn lại gồm pháo 30mm và rốc-két. Đi vào phục vụ năm 1986, thời điểm Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc, AH-64 không có cơ hội “đọ sức” với xe tăng Liên Xô. Tuy nhiên, nó sớm thể hiện khả năng trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1991.

Nỗi ám ảnh của tăng Iraq
Cuộc chiến năm 1991 để lại nỗi khiếp sợ cho lực lượng tăng-thiết giáp Iraq. Trong vòng 100 giờ, AH-64 đã bắn 3.000 quả AGM-114 “nướng chín” 500 xe tăng và nhiều xe thiết giáp của Iraq. Về phía Mỹ, chỉ có một chiếc AH-64 bị bắn hỏng động cơ, nhưng tổ lái sống sót. 

Tương tự Mi-24, AH-64 cũng có dịp thể hiện khả năng không chiến. Ngày 24/5/2001, AH-64 của Không quân Israel đã đánh chặn 2 chiếc máy bay Cessna 152 của Lebanon.

Nhưng thay vì dùng vũ khí không đối không, AH-64 đã bắn hạ chiếc Cessna bằng tên lửa chống tăng AGM-114. Lập nhiều công trạng trên chiến trường với số lượng bị bắn rơi ở mức thấp, AH-64 được 11 nước nhập khẩu sử dụng. Mới đây, AH-64D tiếp tục hiện diện ở quốc gia thứ 12 khi đánh bại đối thủ Mi-28N trong cuộc đấu thầu ở Ấn Độ. Ở Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đầu tiên sở hữu loại trực thăng hiện đại này. 

Tuy nhiên, lập nhiều thành tích không có nghĩa là “bất khả chiến bại”. Theo một số nguồn tin không chính thức, AH-64 từng bị trúng đạn súng chống tăng RPG-7 ở cự ly gần trong cuộc chiến vùng Vịnh 1991. Năm 2003, Vệ binh Cộng hòa Iraq còn bắn rơi 1 chiếc AH-64, làm hư hại 31 chiếc khác. Từ năm 2003-2007, theo thống kê sơ bộ, khoảng 20 chiếc AH-64 bị hạ. Dù được trang bị hệ thống cảnh báo chống tên lửa hiện đại, nhưng AH-64 vẫn khó khắc chế tên lửa vác vai. 

Hiện đại, nhưng…
Sau khi AH-64 ra đời và đi vào phục vụ không lâu, Quân đội Mỹ tiếp tục phát triển loại trực thăng vũ trang mới RAH-66 làm nhiệm vụ trinh sát và “chỉ điểm” mục tiêu cho AH-64. Để thực hiện cho nhiệm vụ nguy hiểm này, nhiều công nghệ đặc biệt đã được ứng dụng trong qua trình chế tạo RAH-66. Có thể nói, RAH-66 là trực thăng “đi trước thời đại” với vật liệu hấp thụ sóng radar, kiểu dáng máy bay có nhiều góc cạnh, lớp sơn phủ bên ngoài ngăn tia hồng ngoại...

Trực thăng tàng hình RAH-66 làm nhiệm vụ "chỉ điểm" cho AH-64.

Điểm độc đáo ở mẫu trực thăng này là toàn bộ vũ khí chứa bên trong thân nhằm giảm độ bộc lộ radar như ở các tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm (F-22 hay Sukhoi T-50). RAH-66 được đánh giá là trực thăng hoạt động khá êm, một phần nhờ kiểu cánh quạt 5 lá làm bằng vật liệu composite. 

Tuy nhiệm vụ chính là trinh sát, nhưng RAH-66 cũng được vũ trang khá mạnh có thể chiến đấu không đối không bằng tên lửa AIM-92 hoặc chống tăng với AGM-114 Hellfire. Tương lai RAH-66 là rất sáng sủa nếu nó được đưa vào phục vụ. Nhưng năm 2004, Mỹ đã quyết định hủy bỏ dự án RAH-66 vì “ngốn” quá nhiều tiền. Tính tới thời điểm dừng dự án, Mỹ đã phải chi 6,9 tỷ USD.


Sau năm 1975, Không quân Nhân dân Việt Nam đã thu hồi và đưa vào biên chế hàng trăm máy bay chiến đấu, vận tải của quân đội VNCH. Trong số đó, ta có rất nhiều trực thăng vận tải/vũ trang UH-1 và CH-47. Ngay từ khi, quân Pôn Pốt mở cuộc tấn công biên giới Tây Nam nước ta, các trực thăng UH-1 tham gia yểm trợ hỏa lực những trận đánh đầu tiên. Tới cuộc chiến bảo vệ nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, UH-1 liên tục có mặt cùng Mi-24, Mi-8 hỗ trợ quân tình nguyện Việt Nam. Đối với CH-47, tuy ta thu được số lượng rất ít nhưng chúng hoạt động tích cực với vai trò vận tải. 

Cuối những năm 1980, do thiếu phụ tùng, linh kiện lần lượt những chiếc UH-1, CH-47 đều ngừng hoạt động. Tới năm 1996, Nhà máy A-41 được Bộ Quốc phòng phê chuẩn kế hoạch khôi phục, sử dụng UH-1. Hiện nay, đã có khoảng 12 chiếc UH-1 tái trang bị cho Không quân Nhân dân Việt Nam.

Lê Nam - Hiền Thảo
Nguồn BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang