Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Chấm điểm Bộ trưởng trả lời chất vấn

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Nông nghiệp được đánh giá cao, trong khi phần trả lời của Bộ trưởng Giáo dục chưa đạt yêu cầu.
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII được xem là có không khí dân chủ và thẳng thắn trong các phiên chất vấn Thủ tướng và các vị Bộ trưởng, theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Tuy nhiên, không phải vị Bộ trưởng nào cũng khiến cử tri và ĐBQH hài lòng.


Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng: 6 điểm


Phiên chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng được nhiều ĐBQH và cử tri đặc biệt quan tâm bởi từ khi nhậm chức, người ngồi “ghế nóng” ngành giao thông đã có nhiều phát ngôn và hành động quyết liệt. Tuy nhiên, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thăng chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng.




Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng còn "bối rối" trong lần đầu trả lời chất vấn.
Điểm mạnh trong phần trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng là không né tránh những vấn đề đang gây nhiều bức xúc như tắc đường, đổi giờ làm… Sự quyết liệt, dám nói dám làm tiếp tục được Bộ trưởng Thăng thể hiện qua phiên chất vấn.


Tuy nhiên, lần đầu tiên trả lời chất vấn, lại là người mở màn nên Bộ trưởng Thăng còn thiếu tự tin do “bối rối” như chính ông thừa nhận. Nhiều lúc, câu trả lời của Bộ trưởng chưa đi đúng trọng tâm vấn đề nên bị nhiều đại biểu chê là “trả lời lòng vòng”. Phần trả lời của Bộ trưởng nhìn chung còn dàn trải, chưa đưa ra được những giải pháp mang tầm chiến lược và thể hiện sự đột phá.


Với những ưu điểm và hạn chế như trên, tôi cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng ở mức trung bình khá, 6 điểm.


Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát: 8 điểm


Khóa thứ hai tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát có lợi thế về kinh nghiệm nên đã có phần trả lời khá tốt, mặc dù lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất rộng.




Bộ trưởng Cao Đức Phát hoàn thành tốt phần trả lời chất vấn.
Điểm được đánh giá cao nhất trong phần trả lời của Bộ trưởng Phát là tinh thần trách nhiệm cao, cầu thị và nắm bắt tốt những nội dung, vấn đề do Bộ trưởng quản lý. Nhiều ĐBQH đánh giá, các câu trả lời của Bộ trưởng đã đi thẳng vào vấn đề, có tính thuyết phục cao, chỉ ra đúng thực trạng của ngành nông nghiệp và đưa ra được nhiều giải pháp quan trọng. 


Tuy nhiên, các đại biểu mong muốn Bộ trưởng trả lời rõ ràng, đầy đủ hơn nữa về một số vấn đề như việc cho thuê đất rừng, mở rộng quy mô nông nghiệp… Có rất nhiều đại biểu đặt câu hỏi với nhiều nội dung, phần trả lời của Bộ trưởng chưa khiến một số đại biểu thỏa mãn nên họ phải đứng lên hỏi lại.


Phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, theo tôi là, được 8 điểm.


Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận: 4 điểm


Là người thứ ba đăng đàn, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bị đánh giá là kém nhất.
Ngoài việc thừa nhận “có trách nhiệm của mình trong việc thanh tra, kiểm tra chưa có hiệu quả”, không có “điểm cộng” nào nữa trong phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.


Phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chưa đạt yêu cầu.
Điểm hạn chế dễ nhận thấy nhất trong phần trả lời chất vấn của người đứng đầu ngành giáo dục là cách trả lời lòng vòng, không rõ ràng, có dấu hiệu né tránh. Không dưới năm lần, chủ tọa phải cắt ngang phần trả lời để nhắc Bộ trưởng trả lời đúng nội dung và trọng tâm câu hỏi của các đại biểu. Rất nhiều nội dung chất vấn của đại biểu về chất lượng giáo dục đại học, tình trạng lạm thu… không được Bộ trưởng trả lời rõ. Nhiều câu hỏi trực tiếp về giải pháp, thời gian thực hiện… chỉ nhận được câu trả lời “xin khất”, “tiếp thu” và “sẽ có giải pháp” từ Bộ trưởng Luận.


Với nhiều hạn chế hơn ưu điểm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bị đánh giá yếu trong trả lời chất vấn với 4 điểm.


Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: 8,5 điểm


Cũng nhận được nhiều quan tâm như Bộ trưởng Đinh La Thăng, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ được đánh giá cao.


Mạnh mẽ và thuyết phục, Bộ trưởng Vương Đình Huệ được đánh giá cao trong phần trả lời chất vấn.
Ưu điểm đầu tiên trong phần trả lời của Bộ trưởng Vương Đình Huệ là cách trình bày lưu loát và mạch lạc. Nhiều vấn đề nóng về giá cả các mặt hàng thiết yếu, tình hình lỗ - lãi của kinh doanh xăng dầu, kinh doanh điện… được Bộ trưởng giải trình rõ ràng. Nhiều đại biểu đánh giá, Bộ trưởng Huệ nắm chắc nội dung và có phần trả lời thuyết phục. Mạnh mẽ khẳng định “kinh doanh xăng dầu sẽ không lỗ nếu thực hiện đúng quy định của Nhà nước” ngay khi Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục “kêu” lỗ là một “điểm cộng” nữa của Bộ trưởng Tài chính.


Một chi tiết nhỏ có thể coi là “điểm trừ” với Bộ trưởng Vương Đình Huệ khi ông thông báo sẽ tăng giá điện trong năm 2012. Một vài câu hỏi cụ thể của đại biểu chưa được Bộ trưởng trả lời trực tiếp tại hội trường.


Với nhiều ưu điểm, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vương Đình Huệ được đánh giá 8,5 điểm.


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình: 7 điểm


Là người trẻ nhất trả lời chất vấn nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã thể hiện được sự tự tin qua phần trả lời khá lưu loát. Các chất vấn của đại biểu về điều hành lãi suất, sản xuất và kinh doanh vàng, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng… đã được Thống đốc trả lời thẳng thắn. Việc công khai nhận khuyết điểm của người đứng đầu ngành ngân hàng khi để xảy ra tình trạng thanh tra không hiệu quả các ngân hàng vi phạm trần lãi suất được cử tri và các ĐBQH đánh giá cao.


Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình thẳng thắn nhận khuyết điểm.


Bên cạnh ưu điểm, phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng nhiều lúc chưa đi thẳng vào vấn đề, dù đại biểu hỏi rất rõ ràng. Thống đốc cũng chưa nêu được những giải pháp mang tính đột phá để giải quyết những vấn đề còn tồn tại.


Phần trả lời chất vấn của Thống đốc Nguyễn Văn Bình được đánh giá ở mức khá với 7 điểm.
Nguồn BAODATVIET

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang