Hoa Kỳ cho biết họ sẽ giúp Philippines củng cố lực lượng hải quân còn yếu của nước này trong bối cảnh đồng minh lâu năm này của Hoa Kỳ đang có tranh chấp chủ quyền ngày càng căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông.
Đây là một trong những vấn đề chính trong nghị trình cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton vốn đang có chuyến thăm đến Manila.
Chuyến thăm hai ngày của bà Clinton bắt đầu từ hôm thứ Ba 15/11 kết thúc bằng một buổi lễ mang tính biểu tượng trên tàu USS Fitzgerald ở vịnh Manila để kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp định phòng vệ tương hỗ giữa hai nước.
Chuyển hướng hợp tác
Aquino và Clinton tái khẳng định liên minh quân sự giữa hai nước và thảo luận các chi tiết tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines.
Các quan chức hai nước cho biết Mỹ đang cố gắng tăng cường năng lực cho quân đội của Philippines, vốn đang gặp hạn chế về ngân sách, trong việc bảo vệ lãnh hải và những vùng biển mà nước này đang tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.
Phía Philippines đang muốn cả sáu nước có tranh chấp ở Biển Đông cùng tham gia đàm phán, trong khi Trung Quốc chỉ muốn đàm phán riêng rẽ với từng nước để giải quyết tranh chấp.
Trong khi hải quân Philippines không thể sánh nổi với sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nước này đã dùng đến các biện pháp phản đối ngoại giao và ngày càng hướng về phía Washington để củng cố lực lượng hải quân và không quân của mình vốn đang trong tình trạng thiếu thốn.
Tổng thống Aquino đã nhấn mạnh rằng nước ông sẽ không để cho Trung Quốc bắt nạt.
Trong vòng gần một thập kỷ qua, quân đội Mỹ đã cung cấp vũ khí, thông tin tình báo và đào tạo chống khủng bố cho quân đội Philippines để giúp họ chiến đấu với các nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ với al-Qaida ở miền Nam nước này.
Trong đó có nhóm Abu Sayyaf, một nhóm vũ trang nhỏ nhưng rất bạo lực vốn đã bị Washington liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, và các đồng minh của họ ở Indonesia là nhóm Jemaah Islamiyah.
Một quan chức cấp cao của Bộ ngoại giao Mỹ đi cùng với bà Clinton nói với các phóng viên rằng sự giúp đỡ của Mỹ bây giờ sẽ chuyển hướng sang củng cố sức mạnh hải quân của Philippines.
“Chúng tôi hiện đang trong quá trình … đa dạng hóa và thay đổi bản chất của sự hợp tác,” vị quan chức này nói hôm 15/11 với điều kiện giấu tên vì sự nhạy cảm của vấn đề.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục các hoạt động ở miền nam [chống lại nhóm Abu Sayyaf], nhưng chúng tôi đang tập trung nhiều hơn vào năng lực hải quân và các khía cạnh khác của năng lực viễn chinh.
Mới đây Mỹ đã trang bị cho Philippines một tàu chiến và chiếc thứ hai cũng sẽ sớm được bàn giao, vị quan chức này nói.
“Chúng tôi đang làm việc trên rất nhiều vấn đề giúp cải thiện năng lực tại chỗ của họ [Philippines] để họ có thể đương đầu với các thách thức trên biển,” ông nói thêm.
Bảo vệ đồng minh
Hiệp định phòng vệ tương hỗ năm 1951 yêu cầu mỗi nước phải có nghĩa vụ bảo vệ nước kia chống lại các cuộc tấn công của kẻ thù từ bên ngoài vào lãnh thổ của họ hoặc trong khu vực Thái Bình Dương.
Một vấn đề đang được đặt ra là liệu hiệp định này có được áp dụng khi các lực lượng Philippines bị tấn công trên các vùng biển có tranh chấp mà hiện nay Trung Quốc đang đòi chủ quyền toàn bộ.
Bộ Ngoại giao Philippines nói trong một tài liệu về chính sách đối ngoại của họ rằng hiệp định này yêu cầu Washington phải giúp bảo vệ các lực lượng Philippines, và dẫn một công hàm ngoại giao của Mỹ định nghĩa khu vực Thái Bình Dương cũng bao gồm Biển Đông.
Hồi tháng 6 năm 2011, bà Hillary Clinton phát biểu rằng Hoa Kỳ sẽ tôn trọng những cam kết đã ký trong hiệp định nhưng từ chối bình luận cụ thể liệu những cam kết này có bao gồm quần đảo Trường Sa hay không.
Tuy nhiên, vị quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên cho biết trong khi Mỹ ủng hộ Philippines thì sự ủng hộ này cũng có giới hạn.
“Chúng tôi rất nhạy cảm để đảm bảo rằng việc này [bảo vệ Philippines] không khiêu khích hoặc làm cho bất kỳ bên nào phải lo ngại,” ông nói.
Trong chuyến thăm Philippines lần này, bà Clinton cũng có các cuộc hội đàm với người đồng cấp Albert del Rosario, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin và các quan chức an ninh khác của nước chủ nhà.
Bà sẽ bay đến Bangkok vào chiều ngày thứ Tư 16/11 và sau đó lên đường đến Bali dự hội nghị thượng đỉng Đông Á.
Vẫn bàn về Biển Đông
Vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á sắp diễn ra ở Bali, Nhà Trắng tuyên bố hôm thứ Ba ngày 15/11.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã phát biểu trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng ‘vấn đề Biển Đông không có liên quan gì đến hội nghị thượng đỉnh Đông Á’.
“Chúng tôi tin rằng an ninh hàng hải là một vấn đề thích hợp để thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á,” Phó cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Ben Rhodes nói với các phóng viên đang tháp tùng Tổng thống Barack Obama trên chuyên cơ Không lực 1 trong chuyến công du châu Á.
“Trong bối cảnh một cuộc thảo luận về an ninh hàng hải thì Biển Nam Trung Hoa rõ ràng là một mối quan ngại,” ông nói.
Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với toàn bộ khu vực này, một tuyến đường vận tải hàng hải huyết mạch với giá tṛi thương mại hàng năm lên đến hơn 5.000 tỷ đô la mà Mỹ muốn lúc nào cũng được thông suốt trong một vùng biển giàu dầu mỏ, khoáng sản và hải sản.
“Hội nghị thượng đỉnh Đông Á không phải là diễn đàn để giải quyết các vấn đề lãnh thổ cụ thể, nhưng là một diễn đàn để bàn bạc về các nguyên tắc giúp chúng ta tiếp cận vấn đề,” Rhodes nói.
“Chúng tôi sẽ tập trung vào các nguyên tắc mà chúng tôi cảm thấy là thiết yếu đối với việc duy trì ổn định và lưu thông thương mại tự do ở vùng Biển Đông,” ông nói.
Xem Thêm:
Xem Thêm:
Theo BBC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Xin mời bạn cho một nhận xét để động viên người viết.
(Nhận xét của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng)